Bộ Tài chính giải đáp một số vấn đề “nóng” |
10-10-2014 |
Ngày 9/10, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Tài chính, nhiều nội dung báo chí quan tâm đến lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ Tài chính như công tác quản thanh tra chống chuyển giá, công tác quản lý giá sữa, tiến trình cổ phần hóa DNNN, hoàn thiện văn bản về quản lý hoạt động kinh doanh casino đã được đại diện lãnh đạo các đơn vị chức năng thuộc Bộ Tài chính giải đáp. Cổng Thông tin Bộ Tài chính trích dẫn một số ý kiến xung quanh những nội dung này. |
Thanh tra chống chuyển giá: Nhiệm vụ trọng tâm Bên cạnh đó, ông Tuấn đã chỉ rõ tại sao có rất nhiều DN kê khai thua lỗ, nhưng không phải DN nào cũng có dấu hiệu chuyển giá. Theo đó, 4 trường hợp kê khai lỗ đã được cơ quan thuế nhận diện và chỉ rõ đâu là lỗ…thật và đâu là lỗ do chuyển giá. Trong đó, trường hợp đầu tiên là DN có vốn đầu tư ban đầu lớn, những năm đầu hoạt động khấu hao tài sản lớn nên doanh nghiệp kê khai lỗ mà không phải là chuyển giá. Trường hợp thứ hai là do DN, đặc biệt DN FDI kinh doanh không hiệu quả, tự giải thể và rút vốn kinh doanh khỏi Việt Nam. Trường hợp thứ ba, DN kê khai lỗ do vay vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp lớn hơn nhiều lần vốn chủ sở hữu. Do vậy, chi phí lãi vay lớn nên lỗ. Đặc biệt, với trường hợp khai lỗ do nâng giá thiết bị đầu vào, mua thiết bị, nguyên liệu đầu vào, có giao dịch liên kết với công ty mẹ ở nước ngoài. Với loại hình lỗ này, có thể đánh giá là hoạt động chuyển giá. Như vậy, có thể nói tiêu chí để nhận diện các DN có dấu hiệu chuyển giá là “DN lỗ nhiều năm liên tục, DN lỗ nhưng tiếp tục mở rộng sản xuất kinh doanh... Trong thời gian tới, Tổng Cục Thuế sẽ tập trung thanh tra các DN kê khai lỗ nhiều năm liên tục, cố gắng kiểm tra từ 15-20% DN có dấu hiệu chuyển giá”, ông Tuấn cho biết. Tiếp tục theo dõi diễn biến thị trường sữa Trước câu hỏi của PV liên quan đến trách nhiệm QLNN về giá của Bộ về việc giá sữa chưa giảm trong khi giá nguyên liệu trên thế giới đã giảm tới 15%, ông Nguyễn Văn Truyền - Phó Cục trưởng Cục quản lý Giá cho biết, tính từ tháng 6, qua theo dõi và tham khảo trên thị trường thế giới cho thấy giá sữa nguyên liệu (nguyên kem, sữa gầy) có điều chỉnh giảm khoảng 15%. Tuy nhiên, cho đến nay, chưa có DN nào đăng ký điều chỉnh giảm giá sữa thành phẩm. Phân tích vai trò của cơ quan quản lý về vấn đề này ông Truyền cho biết “nhà nước chỉ thực hiện BOG đối với sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi (sữa công thức), sữa nguyên liệu là một trong những thành phần trong đó, nên giá nguyên liệu giảm cũng có tác động phần nào đến giá thành. Tuy nhiên, cũng cần phải nhìn nhận thêm một vấn đề là từ lúc DN ký hợp đồng nhập nguyên đến khi hàng về được đến Việt Nam sẽ mất thêm thời gian di chuyển và lưu kho hàng, do đó nếu giá nguyên liệu giảm phải có một độ trễ nhất định để DN có thể giảm giá thành phẩm. Bên cạnh đó, giá sữa thuộc thẩm quyền tự quyết định giá của DN. Khi DN có quyết định tăng hoặc giảm giá sữa, DN chỉ gửi kê khai đăng ký giá với cơ quan quản lý. Bộ Tài chính đang tiếp tục theo dõi diễn biến tình hình, Khi cần thiết mới kiểm tra yếu tố hình thành giá từ đó mới có đánh giá và đưa ra các quyết định quản lý. Trao đổi thêm với PV về vấn đề trách nhiệm của Bộ Tài chính trong thanh tra, kiểm tra giá sữa, Thứ trưởng Vũ Thị Mai khẳng định, công tác thanh tra, kiểm tra trên địa bàn có thanh tra tỉnh, thanh tra của Sở Tài chính địa phương. Hàng năm kế hoạch thanh tra, kiểm tra theo hướng dẫn của Chính phủ, trên cơ sở hướng dẫn đó cùng với thực tế quản lý, địa phương lập kế hoạch thanh tra chứ không phải chuyển tất cả nội dung thanh tra về Bộ Tài chính. Đầu năm 2014, Bộ Tài chính cũng đã thành lập 5 đoàn thanh tra, kiểm tra tại các DN sữa dựa trên Nghị quyết 29 ngày 2/5/2014 của Chính phủ và Quyết định 1079/QĐ-BTC của Bộ Tài chính về áp dụng biện pháp bình ổn giá đối với sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi. Kết quả của các đoàn thanh tra, kiểm tra cũng đã được công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng. Về giá điện, trước câu hỏi của PV liệu Bộ Tài chính đã nhận được phương án tăng giá điện của EVN hay chưa, ông Truyền cho biết, thời gian qua, giá than bán cho điện tính theo cơ chế thị trường, đảm bảo tính đúng, tính đủ nên giá than cho điện tăng, ảnh hưởng đến nguyên liệu đầu vào cho sản xuất điện. Đồng thời theo Quyết định số 69/2013/QĐ-Ttg của Thủ tướng Chính phủ, khi yếu tố đầu vào tăng đến một mức độ nào DN mới được điều chỉnh tăng theo thẩm quyền. Tuy nhiên, đến nay Bộ Tài chính chưa nhận được bất kỳ văn bản nào đề nghị điều chỉnh tăng giá điện từ EVN. Nếu quyết tâm, thoái vốn sẽ thành công Trao đổi với PV về tiến độ thoái vốn của các DNNN, tập đoàn, tổng công ty chưa đạt so với mục tiêu đề ra, Phó Cục trưởng Cục Tài chính DN Đặng Quyết Tiến cho biết, mặc dù tiến độ thoái vốn chưa đạt được mục tiêu đề ra, nhưng trên thực thế 9 tháng đầu năm, tiến độ đã tăng gấp 3 đến 3,5 lần so với năm trước. Đây là một trong năm lĩnh vực nhạy cảm, cùng với chứng khoán, ngân hàng, bất động sản thì nguyên nhân chủ yếu đã được xác định do thị trường còn nhiều khó khăn, khiến các DN khó tìm được khách hàng đủ điều kiện tiến hành bán cổ phần. Bên cạnh đó, tâm lý e ngại trách nhiệm khi mua vào giá cao, nhưng bán ra giá thấp và công tác tổ chức thực hiện của các DNNN, tập đoàn, tổng công ty cũng là những nguyên nhân chính khiến thoái vốn chưa đạt tiến độ. Trên thực tế, đây là lĩnh vực được Chính phủ đặc biệt quan tâm chỉ đạo, Thủ tướng Chính phủ đã thường xuyên có những cuộc họp bàn với Ban chỉ đạo nhằm đưa ra những cơ chế, chính sách tạo hành lang pháp lý cho quá trình thoái vốn của DN như việc ban hành Nghị quyết 15 của Chính phủ và các cơ chế chính sách khác nhằm hướng dẫn thoái vốn đúng giá thị trường mà vẫn đảm bảo tuân thủ pháp luật. Phó Cục trưởng cũng khẳng định vấn đề quan trọng nhất là thể chế đã xong, vấn đề là tổ chức thực hiện và giám sát thực hiện cho hiệu quả Hoàn thiện văn bản kinh doanh casino: Xuất phát từ thực tiễn Trả lời về quan điểm của Bộ Tài chính khi đề xuất quy định tới đây người Việt sẽ được vào chơi casino, bà Trịnh Phong Lan, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính Ngân hàng (Bộ Tài chính) cho rằng: Dự thảo Nghị định này được xây dựng từ năm 2010 nhằm tăng cường khung khổ pháp lý để quản lý hoạt động kinh doanh casino, đặc biệt đối với các casino đã được cấp phép. Do đây là nội dung tương đối nhạy cảm, nên từ năm 2010 Bộ Tài chính đã nhiều lần lấy ý kiến đối với dự thảo Nghị định này. Đối với nội dung cho phép người Việt 21 tuổi trở lên vào chơi tại Casino, dự thảo mới chỉ quy định về mặt nguyên tắc. Thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục lấy ý kiến hoàn thiện dự thảo trước khi trình Chính phủ. Đại diện Vụ Tài chính ngân hàng cũng khẳng định, việc nghiên cứu cho phép người Việt Nam vào chơi casino không phải do sức ép của nhà đầu tư mà xuất phát từ thực tế hiện nay có một bộ phận người dân có thu nhập chính đáng, có nhu cầu giải trí, kiểm soát được bản thân buộc phải ra nước ngoài chơi hoặc chơi casino qua mạng internet. Do vậy, muốn có một cơ sở pháp lý để quản lý và ngăn chặn người Việt chơi bất hợp pháp. Nguồn: http://www.mof.gov.vn/ |
Số lượt xem:602 |