TT số 168/2014/TT-BTC: Ban hành Biểu thuế NK ưu đãi ĐB của Việt Nam thực hiện HĐ AANZFTA 2015-2018
5-1-2015

 Ngày 14/11/2014, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 168/2014/TT-BTC của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc ban hành Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN-Úc-Niu Di-lân (AANZFTA) giai đoạn 2015-2018.

 Hiệp định Khu vực mậu dịch tự do ASEAN-Úc và Niu Di lân (AANZFTA) đã được ký kết tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 14 vào ngày 27/02/2009 tại Hua Hin, Thái Lan. Hiệp định này có hiệu lực với Việt Nam từ ngày 01/01/2010.

 

Lộ trình cắt giảm thuế của Việt Nam cam kết trong AANZFTA là đến năm 2022. Trước đây, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 44/2012/TT-BTC ngày 16/3/2012 ban hành Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định Khu vực Thương mại tự do ASEAN-Úc-Niu Di-lân giai đoạn 2012-2014 và Thông tư 63/2012/TT-BTC ngày 23/4/2012 của Bộ Tài chính về việc sửa đổi mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt đối với một số nhóm mặt hàng trong các Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt. Từ năm 2015, theo cam kết Việt Nam sẽ phải tiếp tục thực hiện cắt giảm thuế quan cho các mặt hàng thuộc Biểu thuế nhập khẩu.

Thực hiện cam kết, ngày 14/11/2014, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 168/2014/TT-BTC của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc ban hành Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN-Úc-Niu Di-lân giai đoạn 2015-2018.

Thông tư này sẽ có hiệu lực cho các năm từ 2015 đến 2018. Về phạm vi mặt hàng, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt AANZFTA bao gồm 9.471 dòng thuế (theo AHTN2012, không bao gồm 87 dòng thuế CKD), được phân loại theo cấp độ 8 số. Trong đó, có 155 dòng Việt Nam không cam kết.

Về phạm vi mặt hàng có 34,9% dòng thuế có thuế suất năm 2015 thay đổi so với năm 2014 (trong đó có 2,3% dòng thuế có thuế suất tăng (thuộc nhóm gà, rượu, quần áo, thép, bơm nước...) và 32,6% dòng thuế có thuế suất giảm (thuộc nhóm mặt hàng thịt trâu bò tươi hoặc ướp lạnh, một số loại cá, rau quả, chè, mỡ, kem, vecni, sợi, ống dẫn). Trong số dòng thuế có thuế suất giảm này có 0.79% dòng thuế được xóa bỏ thuế quan vào năm 2015 (Cá ngừ vây xanh, cá nước ngọt khác, một số rễ cây, a xít, một số loại thuốc, máy sản xuất bia, thuốc chống nảy mầm...).

Về diện mặt hàng đưa vào cắt giảm và xoá bỏ thuế quan giai đoạn 2015-2018 để thực hiện AANZFTA, chủ yếu là các mặt hàng gia súc như cừu lợn (nguyên con); gà, vịt, ngỗng, thỏ, đà điểu, ngỗng, gà tây khác; thịt bò, cừu, dê (tươi và đông lạnh); một số thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ; một số loại cá (như cá chình, cá bơn, cá trích...); sữa và kem, chưa cô đặc và chưa pha thêm đường hoặc chất làm ngọt khác; Sữa và kem, đã cô đặc hoặc đã pha thêm đường hoặc chất làm ngọt khác (dạng bột); sữa chua, bơ, pho mát đã xát nhỏ, trứng, các loại hoa, quả, rau củ, dầu từ các hạt, margarin, một số sản phẩm xây dựng, hoá chất, polyme, đồ gốm sứ gia dụng, cao su và sản phẩm từ cao su, hàng may mặc,...

Các mặt hàng thuộc danh mục nhạy cảm như hoa quả (cam, quýt); rượu bia; cồn ê-ti-lích chưa biến tính có nồng độ cồn dưới 80% tính theo thể tích, xì gà, dầu mỏ, lá thuốc lá, một số sản phẩm sắt, thép, xe ôtô chở người, xe có động cơ dùng để vận tải hàng hóa... sẽ không phải xóa bỏ thuế quan mà có lộ trình cắt giảm riêng với năm kết thúc 2020/2022.

Nhìn chung, cán cân thương mại với Úc và Niu Di lân sẽ không bị ảnh hưởng tiêu cực do hiện nay Việt Nam đang có xu hướng xuất siêu sang thị trường các nước này./.

Nguồn: http://www.mof.gov.vn/

  
Số lượt xem:647