Hội nghị triển khai công tác pháp chế Tài chính năm 2015
30-3-2015

Ngày 27/3/2015, tại Bắc Ninh, Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị triển khai công tác pháp chế tài chính năm 2015 nhằm đánh giá kết quả đạt được trong công tác Pháp chế tài chính năm 2014 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2015, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trương Chí Trung chủ trì và chỉ đạo Hội nghị. Tham dự Hội nghị còn có đại diện Lãnh đạo UBND tỉnh Bắc Ninh, các đơn vị thuộc Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ cùng toàn thể cán bộ, công chức làm công tác pháp chế ngành Tài chính gồm: Vụ Pháp chế; Pháp chế Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Kho bạc Nhà nước, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Tổng cục Dự trữ Nhà nước.

 

 Những kết quả tích cực

Tại Hội nghị, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Tài chính Đặng Công Khôi báo cáo kết quả đạt được trong công tác pháp chế ngành Tài chính năm 2014. Theo đó, công tác pháp chế ngành Tài chính năm 2014 đã đạt được những kết quả tích cực được thể hiện trên nhiều mặt. Năm 2014, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội 49/50 đề án (đạt 98%), trong đó có 36/50 đề án đã được ban hành (đạt 72%). Bộ Tài chính đã xây dựng trình Chính phủ, Quốc hội và Ủy ban thường vụ Quốc hội thông qua 4 Dự án luật và cho ý kiến vào 1 Dự án luật (đạt 100%); Trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ 18/18 Nghị định, đã ban hành 10/18 Nghị định của Chính phủ (đạt 55,6%), đã trình Thủ tướng Chính phủ 17/18 Đề án khác (đạt 94,4%), đã ban hành 31/34 Đề án (đạt 91,2%); ban hành theo thẩm quyền 219 Thông tư, Thông tư liên tịch (đạt 95,2%)… Đặc biệt đã có nhiều giải pháp để triển khai hiệu quả nhiệm vụ này, nhất là việc đã trình một Luật sửa 05 Luật về thuế, 01 Thông tư sửa 7 Thông tư thực thi các phương pháp đơn giản hóa các thủ tục hành chính về thuế, kịp thời giải quyết những vấn đề phát sinh trong điều kiện khó khăn của nền kinh tế, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Việc nghiên cứu, xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) ngành Tài chính đã đáp ứng yêu cầu về tiến độ và nội dung theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, kịp thời giải quyết những vấn đề lớn phát sinh trong điều kiện khó khăn của nền kinh tế.

Trong năm 2014, công tác hợp nhất, pháp điển văn bản QPPL được thực hiện theo đúng kế hoạch, đáp ứng yêu cầu về tiến độ và chất lượng, đã hoàn thành việc hợp nhất 48 văn bản QPPL, đạt tỷ lệ 100%, đồng thời hợp nhất 27 văn bản hợp nhất từ 55 văn bản QPPL sau ngày Pháp lệnh hợp nhất văn bản QPPL có hiệu lực. Công tác cải cách hành chính được triển khai quyết liệt trọng tâm là cải cách TTHC, hiện đại hóa công tác quản lý thuế, hải quan để tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Đặc biệt, đã triển khai áp dụng thủ tục hải quan điện tử đối với hàng hóa XNK (VNACCS/VCIS) tại tất cả các đơn vị hải quan trong cả nước, từ đó giảm 10-20% chi phí, 30% thời gian thông quan hàng hóa. Thực hiện rà soát và đơn giản hóa 585 TTHC, trong đó có 360 TTHC được sửa đổi, bổ sung; 156 TTHC mới ban hành và bãi bỏ 69 TTHC.

Toàn cảnh Hội nghị

Ngành Pháp chế Tài chính đã thực hiện rà soát 1160 QPPL theo Hiến pháp 2013, thực hiện rà soát 31 Luật, Pháp lệnh, 1129 VBQPPL của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng để kiến nghị sửa đổi bổ sung các quy định có liên quan đến quyền con người cho phù hợp với Hiến pháp năm 2013; rà soát và công bố bãi bỏ 175 văn bản đã hết hiệu lực pháp luật. Tổ chức kiểm tra đối với 101 Thông tư, Thông tư liên tịch do Bộ Tài chính chủ trì ban hành; 757 văn bản đơn vị thừa lệnh Lãnh đạo Bộ ký ban hành, qua kiểm tra đã kịp thời phát hiện các lỗi trong quá trình soạn thảo và đề xuất khắc phục kịp thời. Tổ chức kiểm tra 981 VBQPPL do các ngành, địa phương ban hành có liên quan đến tài chính, qua kiểm tra đã phát hiện 22 văn bản có dấu hiệu sai phạm, trên cơ sở đó đã có công văn đề nghị thực hiện kiểm tra, xử lý theo đúng quy định.

Công tác phổ biến giáo dục pháp luật và hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp được lồng ghép thực hiện hiệu quả nhằm cung cấp thông tin pháp luật tài chính kịp thời đến các đối tượng thi hành, theo đó ngoài việc triển khai các nhiệm vụ theo kế hoạch, còn tổ chức nhiều hoạt động trong thời gian thực hiện Ngày pháp luật Tài chính (28/8); đối thoại với doanh nghiệp giải đáp vướng mắc trong thực hiện pháp luật thuế, hải quan... Đạt được kết quả trên là do sự chỉ đạo quyết liệt của Lãnh đạo Bộ; nỗ lực của các đơn vị thuộc Bộ trong tổ chức, triển khai các chương trình, kế hoạch công tác và các giải pháp đã đề ra.

Tập trung xây dựng văn bản QPPL

Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Đặng Công Khôi báo cáo tại Hội nghị

 

Để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ pháp chế tài chính, Hội nghị đã đề ra 7 nhiệm vụ trọng tâm và 5 nhóm giải pháp chủ yếu của công tác pháp chế tài chính trong năm 2015. Đây là năm trọng tâm thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, gắn với yêu cầu triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013, tập trung hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính tạo động lực cho phát triển, giữ vững ổn định xã hội.

Hội nghị cũng đã dành nhiều thời gian để nghe các tham luận và ý kiến đóng góp, trao đổi kinh nghiệm trong công tác pháp chế của một số đơn vị như: Vụ Pháp luật dân sự, kinh tế - Bộ Tư pháp, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, KBNN, Dự trữ Nhà nước và giới thiệu chỉ số cải cách hành chính (Par Index) của Vụ Cải cách hành chính - Bộ Nội vụ.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trương Chí Trung ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đạt được trong công tác pháp chế của Bộ Tài chính trong năm 2014. Đồng thời, Thứ trưởng nêu rõ những nhiệm vụ trọng tâm của công tác pháp chế tài chính trong thời gian tới là xây dựng văn bản QPPL. Trong năm 2015, Bộ Tài chính phải trình Chính phủ, Quốc hội thông qua 5 Dự án Luật, Nghị quyết; Chủ trì, nghiên cứu soạn thảo 56 Nghị định, Quyết định và Đề án thuộc thẩm quyền ban hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; Soạn thảo và ban hành 126 Thông tư, Thông tư liên tịch do Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo. Thứ trưởng đề nghị công tác pháp chế ngành Tài chính cần có kế hoạch triển khai cụ thể, phối hợp kịp thời với các đơn vị liên quan để đảm bảo đúng tiến độ và chất lượng công việc; Cần coi trọng khâu đánh giá, tổng kết tác động và có tiêu chí đánh giá cụ thể. Công tác dự báo phải chính xác, đảm bảo sự thống nhất của các văn bản QPPL, đảm bảo tính khả thi, chủ động thực hiện các cam kết quốc tế.

Thứ trưởng Trương Chí Trung trao bằng khen cho các tập thể đạt thành tích xuất sắc trong công tác pháp chế

Thứ trưởng nhấn mạnh: Trong quá trình hội nhập, thách thức đối với công tác thể chế, chính sách đặt ra là rất lớn, vì vậy pháp chế Tài chính cần chủ động tham mưu, thẩm định các văn bản QPPL, thực hiện cải cách TTHC nhằm thúc đẩy nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật hết sức quan trọng do đó cần triển khai có hiệu quả hơn nữa. Bên cạnh đó, cần đặc biệt tăng cường công tác kiểm tra pháp luật, trọng tâm là cơ quan thực thi pháp luật.

Trong khuôn khổ chương trình Hội nghị, thay mặt Lãnh đạo Bộ, Thứ trưởng Trương Chí Trung đã trao tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tài chính cho 5 tập thể và 4 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác pháp chế và cải cách hành chính năm 2014.

Nguồn: http://www.mof.gov.vn/.

  
Số lượt xem:525