Dự thảo Luật NSNN (sửa đổi): Sẽ đẩy nhanh tiến độ lập dự toán ngân sách
13-4-2015

Phát biểu làm rõ thêm tại phiên họp cho ý kiến vào Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Ngân sách Nhà nước (NSNN) (sửa đổi) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết: Thời gian lập dự toán NSNN sẽ sớm hơn, bắt đầu từ 1-5 (thay vì 15-5 như Dự thảo Luật đã trình Quốc hội). Chính phủ trình dự thảo dự toán NSNN chậm nhất 20 ngày trước ngày khai mạc Kỳ họp Quốc hội cuối năm.

 Thưởng vượt thu để  khuyến khích tăng thu ngân sách

Về thưởng vượt thu, theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, nên thực hiện theo phương án hiện hành, tức là trong trường hợp có số tăng thu NSTW so với dự toán từ các khoản thu phân chia giữa NSTW với NSĐP, Chính phủ quyết định trích một phần theo tỷ lệ không quá 30% của số tăng thu so với dự toán thưởng cho NSĐP. Bộ trưởng cũng không đồng tình việc thưởng theo phương án từ thuế XNK. Lý do, hiện nay việc xác định thuế XNK ở các cửa khẩu rất khó khăn, khó chính xác.

Về ứng trước dự toán ngân sách năm sau, Bộ trưởng nhất trí phải có ứng trước dự toán với 2 trường hợp đó là: Thứ nhất là chi thường xuyên, có những nơi triển khai dự toán chậm thì phải ứng trước để đơn vị chi kịp thời. Thứ hai là ứng cho XDCB.

Quy định về thưởng vượt thu, theo dự thảo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật của UBTVQH chuẩn bị trình QH, UBTVQH cho rằng, chỉ tiêu thu, chi NSNN cấp trên giao cho cấp dưới là chỉ tiêu pháp lệnh. Vì vậy, trong quá trình triển khai thực hiện các cấp ở địa phương cũng phải có sự chỉ đạo của cấp ủy và chính quyền địa phương để hoàn thành nhiệm vụ được cấp trên giao. Mặt khác, để động viên, khuyến khích các địa phương chăm lo, chỉ đạo công tác thu ngân sách, nhất là các địa phương trọng điểm thu thì việc quy định thưởng vượt thu các khoản thu phân chia giữa NSTW và NSĐP là cần thiết. Vì vậy, UBTVQH đề nghị giữ như quy định hiện hành. Phân tích ưu, nhược điểm của phương án này, Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, phương án này có ưu điểm là đã được áp dụng ổn định nhiều năm; có nhược điểm là khoản thu phân chia giữa trung ương và địa phương nhưng phần vượt dự toán của trung ương thưởng cho địa phương là không hợp lý. Mặt khác, không khuyến khích các địa phương tích cực tăng thu phần NSTW được hưởng 100%.

Phương án 2 được dự thảo Luật quy định, đó là: Quy định mức thưởng không quá 20% các khoản thu NSTW hưởng 100%, trừ thu từ dầu thô, thuế GTGT hàng nhập khẩu, thuế TTĐB hàng nhập khẩu. Phương án này có ưu điểm là khuyến khích các địa phương tăng cường quản lý thu ngân sách và có thêm nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phục vụ phát triển KT-XH của địa phương. Tuy nhiên, phương án này có nhược điểm là có trường hợp vì quyền lợi của các địa phương, gây ra những hoạt động bất thường về nhập khẩu hàng hóa thông qua các cửa khẩu.

Đa số ý kiến Ủy ban Tài chính- Ngân sách chọn phương án 2 và một số ý kiến trong phiên thảo luận của UBTVQH đồng tình với phương án này.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đồng tình phải thưởng vượt thu để khuyến khích các địa phương tăng thu ngân sách, tuy nhiên phải có mức khống chế. Chủ tịch Quốc hội gợi ý, có thể cân nhắc để vượt con số thưởng 20% như Ủy ban Tài chính- Ngân sách trình, nhưng “nếu được hơn thì tốt, có thể là 30% như hiện nay!”.

Khắc phục bất cập trong lồng ghép ngân sách

Về lồng ghép ngân sách, tại kỳ họp Quốc hội trước đây, nhiều ý kiến đề nghị Dự thảo Luật NSNN (sửa đổi) cần khắc phục tính lồng ghép của ngân sách thì mới giải quyết dứt điểm những tồn tại hiện nay trong quản lý NSNN.

Trong báo cáo giải trình dự kiến trình Quốc hội tới đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, các tồn tại trong quản lý NSNN hiện nay chủ yếu là do lồng ghép ngân sách. Nếu khắc phục được vấn đề trên thì Dự thảo Luật mới sửa đổi được căn bản Luật NSNN hiện hành.

Tuy nhiên, do hệ thống pháp luật về NSNN còn đang trong quá trình hoàn thiện nên để thực hiện được các nguyên tắc Hiến pháp quy định về Tài chính ngân sách (Điều 55 và Điều 70), Dự thảo Luật NSNN (sửa đổi) phải thống nhất với Hiến pháp. Việc khắc phục các tồn tại hiện nay được thực hiện bằng cách hoàn thiện các quy định có liên quan, như bổ sung một số quy định tại Điều 44 về trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong việc: lập dự toán ngân sách hàng năm và Điều 45 về thảo luận và quyết định dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách hàng năm.

Ngoài ra, cùng với việc làm tốt công tác dự báo và tổ chức thực hiện sẽ giúp giảm tính hình thức của Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp trong việc quyết định dự toán ngân sách cũng như các bất cập khác do sự phức tạp, chồng chéo của lồng ghép ngân sách.

Về quy trình ngân sách, trước đó nhiều ý kiến đề nghị Quốc hội quyết định ngân sách qua 2 kỳ họp. Giai đoạn 1, tại kỳ họp giữa năm, Quốc hội sẽ quyết định khung ngân sách, tổng thu, tổng chi, cơ cấu thu, cơ cấu chi, định hướng ưu tiên nhiệm vụ chỉ trong một số ngành, một số lĩnh vực. Trên cơ sở đó, tại kỳ họp cuối năm Chỉnh phủ báo cáo về dự toán thu, chi chính thức và phương án phân bổ cụ thể ngân sách Trung ương cũng như dự toán ngân sách nhà nước để Quốc hội xem xét, quyết định.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc quyết định ngân sách theo quy trình qua hai kỳ họp sẽ giúp việc xây dựng dự toán được khoa học, chất lượng hơn, phát huy vị trí, vai trò, thẩm quyền của Quốc hội, Hội đồng nhân dân theo tinh thần Hiến pháp; nâng cao trách nhiệm của Chính phủ, ủy ban nhân dân... Tuy nhiên, quy trình làm dự toán ngân sách qua 2 kỳ họp là chưa phù hợp trong tình hình hiện nay.

Bởi vì, theo quy định của hệ thống pháp luật hiện hành, Quốc hội một năm chỉ họp 2 kỳ. Tại kỳ họp giữa năm (tháng 5, tháng 6), Quốc hội không quyết định về khung kế hoạch phát triển KT-XH và khung ngân sách cho năm sau. Trường họp điều chỉnh lại quy định để giao Quốc hội quyết định về khung ngân sách cùng với khung về kế hoạch phát triển KT-XH tại kỳ họp giữa năm, đòi hỏi công tác dự báo phải có bước cải thiện lớn, chính sách kinh tế vĩ mô và tài chính - NSNN có tính ổn định cao.

Vì vậy, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị giữ nguyên như quy trình hiện hành; đồng thời, để nâng cao chất lượng của công tác xây dựng, quyết định dự toán NSNN thì Dự thảo Luật mới đã điều chỉnh một số nội dung sau: Thời gian lập dự toán NSNN sớm hơn, bắt đầu từ 01/5 (thay vì 15/5 như Dự thảo Luật đã trình Quốc hội), quy định này được thể hiện tại Điều 43 của Dự thảo Luật mới; Chính phủ trình dự thảo dự toán NSNN chậm nhất 20 ngày trước ngày khai mạc Kỳ họp Quốc hội cuối năm (Điều 43 Dự thảo Luật mới). Ngoài ra, tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan của Quốc hội với các cơ quan của Chính phủ trong thảo luận dự toán NSNN thuộc ngành, lĩnh vực phụ trách (giáo dục, y tế, quốc phòng, an ninh, khoa học công nghệ...)

Nguồn: http://www.mof.gov.vn/

  
Số lượt xem:464