Luật NSNN (sửa đổi): Ngân sách trung ương đóng vai trò chủ đạo
24-4-2015

Dự thảo Luật NSNN (sửa đổi) dự kiến sẽ trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII vào tháng 5 tới. Thời gian qua, Bộ Tài chính (cơ quan soạn thảo Luật) và Ủy ban Tài chính- Ngân sách (cơ quan thẩm tra) đã tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật để chuẩn bị trình Quốc hội.

 Đẩy nhanh thời gian lập dự toán NSNN

Tại hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách mới đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã trình bản dự thảo báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật NSNN (sửa đổi) để chuẩn bị trình Quốc hội.
Về quy trình ngân sách,trước đó, nhiều ý kiến đề nghị Quốc hội quyết định ngân sách qua 2 kỳ họp: Giai đoạn 1, tại kỳ họp giữa năm, Quốc hội sẽ quyết định khung ngân sách, tổng thu, tổng chi, bội chi, cơ cấu thu, cơ cấu chi, định hướng ưu tiên nhiệm vụ chi trong một số ngành, một số lĩnh vực. Trên cơ sở đó, tại kỳ họp cuối năm Chính phủ báo cáo về dự toán thu, chi chính thức và phương án phân bổ cụ thể ngân sách Trung ương cũng như dự toán ngân sách nhà nước để Quốc hội xem xét, quyết định.
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc quyết định ngân sách theo quy trình qua hai kỳ họp sẽ giúp việc xây dựng dự toán được khoa học, chất lượng hơn, phát huy vị trí, vai trò, thẩm quyền của Quốc hội, Hội đồng nhân dân theo tinh thần Hiến pháp; nâng cao trách nhiệm của Chính phủ, Ủy ban nhân dân…
Tuy nhiên, quy trình làm dự toán ngân sách qua 2 kỳ họp là chưa thật phù hợp trong tình hình hiện nay, vì theo quy định của hệ thống pháp luật hiện hành, Quốc hội một năm chỉ họp 2 kỳ. Tại kỳ họp giữa năm (tháng 5, tháng 6), Quốc hội không quyết định về khung kế hoạch phát triển KT-XH và khung ngân sách cho năm sau. Trường hợp điều chỉnh lại quy định để giao Quốc hội quyết định về khung ngân sách cùng với khung về kế hoạch phát triển KT-XH tại kỳ họp giữa năm, đòi hỏi công tác dự báo phải có bước cải thiện lớn, chính sách kinh tế vĩ mô và tài chính - NSNN có tính ổn định cao.
Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị giữ như quy trình hiện hành. Tuy nhiên, để nâng cao chất lượng của công tác xây dựng, quyết định dự toán NSNN thì Dự thảo Luật mới đã điều chỉnh một số nội dung, như: Thời gian lập dự toán NSNN sớm hơn, bắt đầu từ 15/5 (thay vì 31/5 như hiện hành) để bảo đảm phù hợp với Luật Đầu tư công. Ngoài ra, Chính phủ trình dự thảo dự toán NSNN chậm nhất 20 ngày trước ngày khai mạc Kỳ họp Quốc hội cuối năm (Điều 43 Dự thảo Luật mới). Đồng thời, tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan của Quốc hội với các cơ quan của Chính phủ trong thảo luận dự toán NSNN thuộc ngành, lĩnh vực phụ trách (giáo dục, y tế, quốc phòng, an ninh, khoa học công nghệ...).
Phương án này đã nhận được nhiều ý kiến đồng tình trong phiên họp thứ 37 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Việc đẩy nhanh thời gian lập dự toán và sớm trình Quốc hội dự toán NSNN hàng năm là cố gắng lớn của Chính phủ, góp phần đẩy nhanh tiến độ và thực hiện hiệu quả dự toán NSNN hàng năm.
Phân định rõ nhiệm vụ "chi quốc gia" cho NSTW
Vấn đề phân cấp ngân sách cũng nhận được sự quan tâm của nhiều đại biểu Quốc hội chuyên trách trong phiên họp vừa qua. Về phân cấp quản lý NSNN giữa trung ương và địa phương, trước đó, có mộtsố ý kiến đề nghị quy định rõ hơn về phân cấp nguồn thu NSNN giữa trung ương và địa phương. Có ý kiến đề nghị quy định rõ nhiệm vụ chi NSTW bảo đảm 100% và nhiệm vụ chi của các cấp chính quyền địa phương, trong đó chỉ giao nhiệm vụ chi nghiên cứu khoa học cho chính quyền cấp tỉnh, các cấp chính quyền dưới tỉnh chỉ làm nhiệm vụ ứng dụng KHCN.
Về phân cấp nguồn thu giữa các cấp ngân sách, trong dự thảo báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng: Theo quy định của Dự thảo Luật thì thu NSTW được hưởng theo phân cấp chiếm bình quân khoảng 66-70% tổng thu NSNN, nếu tính cả bội chi NSNN chiếm khoảng 70-75% tổng nguồn thu NSNN, thu NSĐP theo phân cấp (chưa kể số bổ sung cân đối và bổ sung có mục tiêu từ NSTW cho NSĐP) chiếm bình quân khoảng 25-30% tổng nguồn NSNN, do vậy, NSTW đã chiếm vai trò chủ đạo. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến sẽ đề nghị Quốc hội cho giữ như Dự thảo Luật đã trình Quốc hội.
Theo đó, một số nguồn thu lớn tiếp tục là nguồn thu của NSTW, nhưng đồng thời chuyển khoản thu thuế TNDN của các đơn vị hạch toán tập trung thành khoản thu phân chia giữa NSTW và NSĐP. Nội dung này được thể hiện tại Điều 34, Điều 36 của Dự thảo Luật mới.
Về phân cấp nhiệm vụ chi giữa NSTW và NSĐP, theo quy định hiện hành không có sự phân định nhiệm vụ chi NSTW bảo đảm 100% và NSĐP bảo đảm 100% mà tất cả các nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội do NSTW và NSĐP cùng tham gia đóng góp, dẫn đến không rõ ràng và không minh bạch. Trong khi đó, Hiến pháp năm 2013 quy định phải xác định rõ nhiệm vụ “chi quốc gia”.
Để phân định rõ nhiệm vụ “chi quốc gia”, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị bổ sung quy định: NSTW bảo đảm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, ngoại giao; vốn đầu tư xây dựng hệ thống giao thông, thủy lợi phục vụ cho sự phát triển KT-XH có tính liên vùng, khu vực. Nội dung này được thể hiện tại Điều 35, Điều 37 và Điều 9 (về nguyên tắc phân cấp quản lý) của Dự thảo Luật mới.
Về phân cấp nhiệm vụ chi phát triển KT-XH, về cơ bản, cần thực hiện theo pháp luật về tổ chức chính quyền địa phương. Riêng chi nghiên cứu khoa học cho các cấp chính quyền địa phương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị giao nhiệm vụ nghiên cứu khoa học cho cấp tỉnh, còn các cấp huyện, xã chỉ thực hiện nhiệm vụ ứng dụng khoa học công nghệ (khoản 1 Điều 38 Dự thảo Luật mới).
Về phân cấp nhiệm vụ chi quốc phòng, an ninh, mặc dù quy định NSTW bảo đảm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh nhưng NSĐP vẫn có khoản chi quốc phòng, an ninh phù hợp với yêu cầu quản lý thực tế trên cơ sở phân cấp cho địa phương theo quy định của pháp luật, như chi cho lực lượng dân quân tự vệ, xây dựng các cơ sở phòng thủ quốc phòng và các nhiệm vụ quốc phòng, an ninh (phần giao cho địa phương quản lý). Đồng thời, khoản 9 Điều 9 được chỉnh lý lại cho phù hợp với nhiệm vụ chi của NSĐP (Điều 37), bảo đảm cho các đơn vị quốc phòng, an ninh ở địa phương đều có sự hỗ trợ của NSTW và NSĐP.

 

Thu từ XSKT và tiền sử dụng đất đều đưa vào cân đối NSNN
Trước kiến nghị quy định thu xổ số kiến thiết (XSKT) và thu từ đất vào cân đối ngân sách theo Luật NSNN hiện hành; và đề nghị chỉ đưa thu tiền sử dụng đất vào cân đối ngân sách..., Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho biết: Thu từ XSKT là các khoản thuế thu từ hoạt động XSKT (thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp); vì vậy, về nguyên tắc khoản thu này phải được cân đối chi NSNN như đối với các khoản thuế, lệ phí và phí.
Tuy nhiên, hoạt động XSKT là hoạt động vui chơi có thưởng có sự quản lý của Nhà nước mà Nhà nước không khuyến khích, mục đích thu từ hoạt động XSKT là để phục vụ lợi ích công cộng. Nếu đưa vào chi cân đối NSNN như đối với các khoản thuế, lệ phí và phí sẽ tạo áp lực cho các địa phương trong thu NSNN từ khoản thu này, đồng thời tạo ra sự không bình đẳng giữa các địa phương do số thu từ hoạt động XSKT của các địa phương hiện nay có sự chênh lệch rất lớn, gây thiệt thòi cho các địa phương có nguồn thu từ XSKT lớn.
Đối với khoản thu tiền sử dụng đất là khoản thu có tính chất như thuế tài nguyên, gắn với từng địa bàn và phúc lợi dân cư, do vậy Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị tiếp tục sử dụng nguồn thu này để đầu tư trở lại xây dựng cơ sở hạ tầng như hiện nay là phù hợp.
Do đó, trong dự thảo báo cáo chuẩn bị trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị, thu từ hoạt động xổ số kiến thiết và thu tiền sử dụng đất đều đưa vào cân đối NSNN (như Luật NSNN hiện hành) nhưng không sử dụng để xác định tỷ lệ phần trăm (%) phân chia nguồn thu giữa NSTW và NSĐP hoặc xác định số bổ sung cân đối từ NSTW cho NSĐP

 

 
Nguồn: http://www.mof.gov.vn/
  
Số lượt xem:553