Quốc hội cho ý kiến Quyết toán NSNN năm 2013
29-5-2015

Kết luận phiên thảo luận về Quyết toán ngân sách nhà nước năm 2013, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, đại biểu Quốc hội đánh giá sự chỉ đạo của Chính phủ, sự nỗ lực của ngành thuế, hải quan trong điều kiện hết sức khó khăn đã thực hiện được nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2013.

 

 Nỗ lực thu ngân sách trong điều kiện khó khăn

“Mặc dù nếu loại trừ những khoản thu không có trong dự toán thì chúng ta cũng chưa đạt được kế hoạch. Nhưng ở đây là một sự nỗ lực rất lớn. Chúng ta nhớ lại năm 2013 cực kỳ khó khăn. Và do cái khó khăn chung của nền kinh tế, rất nhiều doanh nghiệp thua lỗ, giải thể, ngừng hoạt động nên cũng không có phát sinh số thu phải nộp ngân sách”, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân nói.
Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân, cơ cấu nguồn thu trên cơ sở quyết toán ngân sách cũng chưa thật hợp lý, và cần rút kinh nghiệm khoảng cách giữa dự toán thu và số thực thu còn khá lớn. Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Chính phủ tăng cường chỉ đạo để có giải pháp mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn nhằm khắc phục những hạn chế trong công tác thu đã diễn ra từ nhiều năm nay.
“Về chi ngân sách trong điều kiện ngân sách trung ương hụt thu lớn, nhưng chúng ta đã chi đầu tư xây dựng 2013 khá cao, vượt hơn 50% so với dự toán. Hầu hết các khoản chi ngân sách là đạt và vượt kế hoạch, nhưng những khoản chi quan trọng thì không đạt dự toán đó là giáo dục đào tạo, dạy nghề, khoa học và công nghệ...”, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân nói.
Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (đoàn TP Hà Nội) cho rằng, năm 2013 là năm nền kinh tế thế giới và khu vực diễn ra phức tạp, tình hình trong nước lúc đó cũng rất khó khăn, sản xuất đình đốn, hàng tồn kho khá phổ biến, thiên tai dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp giải thể, khả năng hụt thu lớn. “Thời điểm đó, Quốc hội đã có Nghị quyết sáng suốt, tháo gỡ cho Chính phủ về cơ chế, chính sách, tạo ra được nguồn thu, cùng sự nỗ lực quyết tâm cao của Chính phủ và có biện pháp mạnh mẽ của Bộ Tài chính, ngành thuế, Hải quan cho nên chúng ta đã khắc phục. Qua theo dõi tôi thấy chúng ta đã vượt qua được khó khăn trong năm 2013, có thể nói là khá ngoạn mục, góp phần chi tiêu đầu tư phát triển, cũng như vấn đề sự nghiệp, an sinh xã hội”.
Đại biểu Bùi Đức Thụ (đoàn Lai Châu) cũng cho rằng, thời điểm năm 2013 trên 60.000 doanh nghiệp của ngừng hoạt động và đặc biệt bối cảnh, tình trạng xuất, nhập khẩu và thu cân đối xuất, nhập khẩu hết sức khó khăn. Chính phủ đã trình Quốc hội xem xét điều chỉnh bội chi ngân sách từ 4,5 lên 5,3% với mức bội chi đó là 195.500 tỷ. Nhưng đến bây giờ kết quả quyết toán thu ngân sách nhà nước đạt 816.000 tỷ và tăng 1,5% tương ứng trên 12.000 tỷ. Đại biểu đánh giá cao sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, của các bộ, ngành, đặc biệt Tổng cục thuế, Tổng cục hải quan của các cấp chính quyền địa phương.

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh phát biểu tại phiên thảo luận

Bội chi tăng do hoàn thuế và giải ngân vốn ODA
Tại phiên thảo luận, nhiều Đại biểu QH quan tâm đến vấn đề bội chi ngân sách. Bội chi NSNN năm 2013 theo báo cáo quyết toán của Chính phủ là 236.769 tỷ đồng, bằng 6,6%GDP, vượt 41.269 tỷ đồng (1,3% GDP) so với mức bội chi được Quốc hội quyết định (5,3%). Theo đó, tính đến 31/12/2013, so với GDP thực tế, dư nợ Chính phủ bằng 42,6%, dư nợ nước ngoài của quốc gia bằng 37,3%, nợ công bằng 54,5%; vẫn nằm trong giới hạn theo quy định của Quốc hội.
Bội chi ngân sách năm 2013 đã vượt mức cho phép theo Nghị quyết 54/2013/QH13 ngày 12/11/2013 của Quốc hội, chủ yếu do hai nguyên nhân: Tăng chi trả nợ quỹ hoàn thuế giá trị gia tăng 13.190 tỷ đồngTăng do chi từ nguồn vốn ngoài nước 29.422 tỷ đồng.
Phát biểu tại buổi thảo luận, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, số vượt này là do 2 nguyên nhân: Thứ nhất, do tăng chi trả nợ quỹ hoàn thuế giá trị gia tăng 13.190 tỷ đồng phát sinh năm 2011. Thứ hai, tăng chi từ nguồn vốn giải ngân ODA là 29.422 tỷ đồng. Bên cạnh đó, nhờ kiểm soát chặt chẽ, tiết kiệm đã giảm chi ngân sách từ nguồn vốn trong nước là 1.343 tỷ đồng.
Về trả nợ hoàn thuế GTGT 2011, Bộ trưởng cho biết, hàng năm, QH quyết định mức chi quỹ hoàn thuế GTGT. Tuy nhiên, khi hoàn trả cho DN thực hiện theo quy định của Luật Thuế GTGT, nên số thuế GTGT thực tế vượt mức QH duyệt. Về giải ngân vốn ODA, ngoài những nguyên nhân khách quan, theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, có những nguyên nhân là chúng ta tính toán dự toán chưa sát so với khả năng thực tế thực hiện. “Để khắc phục tình trạng này, vừa qua, Bộ Tài chính đã báo cáo và Thủ tướng đã ký ban hành Chỉ thị số 02 ngày 14-2-2015 về tăng cường công tác quản lý và nâng cao hiệu quả sử dụng nợ công nhằm chấn chỉnh vấn đề này nhằm quản lý chặt chẽ hơn nguồn vốn ODA. Trong đó có rất nhiều giải pháp, cũng như trách nhiệm của các cấp, các ngành, các chủ đầu tư…”.
Về nguồn bù đắp bội chi, theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Với kết quả thực hiện dự toán thu- chi, bội chi như trên, tính đến 31/12/2013, so với GDP thực tế, dư nợ Chính phủ là 42,6%, dư nợ nước ngoài của quốc gia là 37,3%, nợ công là 54,5%. “Chúng tôi cho rằng vẫn trong giới hạn đảm bảo an ninh tài chính quốc gia”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định.
Cùng tham gia làm rõ thêm với Bộ trưởng Bộ Tài chính, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội, ông Phùng Quốc Hiển cho biết: Chính sách tài khóa năm 2013 là một năm chúng ta gặp rất nhiều khó khăn, nhưng a cũng xử lý rất tích cực, Chính phủ rất cố gắng, dự kiến chúng ta thu cổ tức và lợi nhuận khoảng 6.300 tỷ đồng nhưng chúng ta được đến 29 nghìn tỷ đồng. Đó cũng là một nguồn thu rất quan trọng. Như vậy, hai khoản thu này là hai khoản Quốc hội phải ra ban hành Nghị quyết”.
Kết luận vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng: Vấn đề bội chi cần phải xem xét lại để đảm bảo tính nghiêm minh, tính kỷ cương của ngân sách. Đại biểu đề nghị Chính phủ phải báo cáo thêm, Bộ Tài chính đã báo cáo và trước khi trình Quốc hội phê duyệt thông qua thì sẽ báo cáo lại với Quốc hội rõ hơn.
Nguồn: http://www.mof.gov.vn/
  
Số lượt xem:482