Tọa đàm đánh giá Luật Quản lý nợ công sau 5 năm triển khai thực hiện
29-5-2015

Sáng ngày 28/5/2015, tại Quảng Ninh, Cục Quản lý Nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức Tọa đàm Đánh giá Luật Quản lý nợ công sau 5 năm triển khai thực hiện.

 Phát biểu tại buổi tọa đàm, Thứ trưởng Trương Chí Trung nhấn mạnh, buổi tọa đàm được tổ chức nhằm đánh giá lại kết quả sau 5 năm triển khai thực hiện Luật Quản lý nợ công, đồng thời đánh giá nguyên nhân chủ quan, khách quan đã đạt được trong công tác quản lý nợ công.

Đồng thời, Thứ trưởng Trương Chí Trung yêu cầu, tập trung làm rõ mục tiêu và định hướng quản lý nợ công sau 5 năm triển khai thực hiện. Đặc biệt, trong quá trình triển khai thực hiện Luật Quản lý nợ công cần tính đến mối quan hệ, tác động của các luật liên quan; thống nhất quản lý nợ công và quan tâm tới sự phối hợp giữa các cơ quan, vì một trong những vấn đề cốt lõi của quản lý nợ công là xây dựng kế hoạch huy động vốn, hết quả huy động vốn…
Bên cạnh đó, cần lập kế hoạch huy động phân bổ và sử dụng vốn như thế nào là hợp lý, đảm bảo tính hiệu quả. Trong Luật Quản lý nợ công quy định rất rõ và thống nhất trong quản lý nợ công; Sự phối hợp điều hành ra sao; khâu lập kế hoạch kiểm tra đánh giá thế nào… Hơn nữa, đánh giá Luật quản lý nợ công so với luật pháp các nước, tập trung vào sự khác biệt với thông lệ quốc tế của các quyết định hiện nay.
Ngoài ra, “chúng ta cần phải xác định rõ quản lý nợ Trung ương và nợ địa phương như thế nào cho hợp lý trong khi Luật Quản lý nợ công hiện nay chủ yếu vẫn là nợ Trung ương, do đó cần phân cấp rõ giữa nợ Trung ương và nợ địa phương”, Thứ trưởng Trương Chí Trung nhấn mạnh. Quan trọng hơn để quản lý nợ công hiệu quả, an toàn, vấn đề quản lý nợ và nợ đọng cần chủ động hơn.
Ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại cho rằng, trên cơ sở các vấn đề Thứ trưởng Trương Chí Trung đưa ra, công tác quản lý nợ công trong 5 năm qua cũng cần phải nhìn nhận lại để có thể tiếp tục phát huy những mặt tích cực, đồng thời điều chỉnh những mặt chưa hợp lý, vướng mắc.
“Chỉ số đầu tư đang ở mức cao trong khi nhu cầu đầu tư vẫn lớn đã đặt ra yêu cầu thay đổi định hướng quản lý nợ công để phù hợp với tình hình mới đồng thời tiếp cận dần với thông lệ quốc tế tốt” , ông Long nói.

Toàn cảnh buổi Tọa đàm

Ông Long nhấn mạnh, buổi tọa đàm này tập trung thảo luận vào 3 khía cạnh: Đánh giá thực trạng việc triển khai các quy định của Luật Quản lý nợ công; xem xét, nghiên cứu học hỏi kinh nghiệm quốc tế; khả năng áp dụng tốt các thông lệ quốc tế tại Việt Nam.
Chia sẻ tại tọa đàm, ông Sandeep Mahajan - chuyên gia Kinh tế trưởng của WB nhấn mạnh, có nhiều yêu cầu để tăng cường tài khóa trong nước kể cả các khoản vay của Chính phủ nhưng quan trọng hơn Chính phủ cần quản lý tài khóa hiệu quả hơn, đáp ứng tốt nhu cầu của nền kinh tế, đảm bảo sự bền vững trong quản lý nợ công.
“Nội dung chúng ta trao đổi hôm nay là hết sức quan trọng để đánh giá lại Luật Quản lý nợ công sau 5 năm triển khai thực hiện. Từ đó, giúp Việt Nam có các chính sách quản lý nợ công tốt hơn trong tương lai” ông Sandeep Mahajan, nói.
Bên cạnh đó, các đại biểu tham gia Tọa đàm được nghe và cùng thảo luận về các vấn đề: Định hướng tổng kết, đánh giá 5 năm thực hiện Luật Quản lý nợ công; Các vấn đề trong Luật Quản lý nợ công và khuyến nghị; Vai trò Kiểm toán Nhà nước đối với nợ công và đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý nợ công…
Trong khuôn khổ tọa đàm diễn ra từ ngày 28 - 29/5/2015, các đại biểu cũng tham gia thảo luận nhóm về vấn đề quản lý nợ công, đánh giá những kết quả đã đạt được, tồn tại và hạn chế; từ đó đưa ra những khuyến nghị chính sách trong thời gian tới để quản lý nợ công đảm bảo an ninh tài chính quốc gia./
Nguồn: http://www.mof.gov.vn/
  
Số lượt xem:582