Quyết toán dự án hoàn thành sử dụng vốn nhà nước: Nhiều cải tiến sát thực tế hơn
18-6-2015

Trong năm 2015, các Nghị định về quản lý dự án đầu tư xây dựng, quản lý chi phí đầu tư xây dựng, hợp đồng xây dựng đã được thay thế bởi các Nghị định mới có nhiều điểm đổi mới so với trước đây. Do vậy, một thông tư mới thay thế Thông tư số 19/2011/TT- BTC (TT19) của Bộ Tài chính quy định về quyết toán dự án hoàn thành nguồn vốn nhà nước đang được Bộ Tài chính dự thảo để phù hợp với các quy định mới có liên quan trực tiếp đến công tác quyết toán dự án hoàn thành của các Nghị định này.

 Tăng cường kỷ cương trong quyết toán dự án hoàn thành

Trong công tác quyết toán dự án hoàn thành sử dụng vốn NSNN, Bộ Tài chính đã ban hành 2 thông tư (Thông tư 04 quy định về quy trình quyết toán, Thông tư 19 quy định về nội dung quyết toán). Nhưng để đơn giản trong việc tra cứu, dễ thực hiện cho các đối tượng áp dụng, giảm số lượng văn bản quy phạm pháp luật, tại dự thảo thông tư mới này, Bộ Tài chính đã hợp nhất 2 thông tư này vào làm 1 nhằm giúp cho các chủ đầu tư, ban quản lý dự án tiếp cận văn bản quy phạm pháp luật dễ dàng hơn (với một văn bản vừa biết được quy trình vừa biết được nội dung kinh tế). Điểm mới nổi bật trong dự thảo thông tư lần này chính là việc rút ngắn thời gian lập báo cáo quyết toán, kiểm toán, thẩm tra phê duyệt quyết toán; tăng cường kỷ cương, trách nhiệm trong quyết toán dự án hoàn thành.

Ngoài ra, tại TT19 có quy định đối tượng là các dự án đầu tư sử dụng vốn nhà nước, bao gồm: vốn NSNN, vốn tín dụng đầu tư phát triển của nhà nước, vốn trái phiếu (Chính phủ, Chính quyền địa phương), vốn tín dụng do nhà nước bảo lãnh, vốn đầu tư phát triển của các tổng công ty nhà nước, công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên. Tuy nhiên, tại Thông tư mới có quy định mở hơn, do đó bổ sung thêm các nguồn thuộc vốn nhà nước theo quy định của Luật Đấu thầu mới như: công trái quốc gia; vốn hỗ trợ phát triển chính thức, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ; vốn từ quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp; vốn vay được đảm bảo bằng tài sản của nhà nước; giá trị quyền sử dụng đất. 

Bên cạnh đó, nội dung đổi mới quan trọng trong dự thảo này là quy định rút ngắn thời gian quyết toán nhằm đẩy nhanh tiến độ công tác quyết toán dự án hoàn thành theo tinh thần của Chỉ thị số 27/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và phù hợp với Điều 29 Nghị định số 32/2015/NĐ-CP của Chính phủ. Theo đó, thời gian trình duyệt quyết toán tính từ ngày bàn giao đưa vào sử dụng đã bao gồm cả thời gian để chủ đầu tư lập báo cáo quyết toán và thời gian để thực hiện kiểm toán báo cáo quyết toán (nếu có) nên thời gian thẩm tra phê duyệt quyết toán đối với mỗi nhóm dự án đều rút ngắn 3 tháng so với quy định tại TT19 (trước đây, thời gian lập báo cáo quyết toán tính riêng, thời gian kiểm toán độc lập tính riêng).

Đơn giản hóa thủ tục hành chính

Nghị định số 112/2009/NĐ-CP của Chính phủ trước đây quy định thẩm quyền phê duyệt quyết toán đối với các dự án quan trọng quốc gia và các dự án quan trọng khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư là Bộ trưởng Bộ Tài chính phê duyệt quyết toán các dự án thành phần sử dụng vốn ngân sách nhà nước. Hiện nay, Nghị định số 32/2015/NĐ-CP của Chính phủ đã phân cấp mạnh hơn thẩm quyền phê duyệt quyết toán đối với các dự án thành phần thuộc dự án quan trọng quốc gia sử dụng vốn NSNN như:Giao cơ quan quản lý cấp trên của chủ đầu tư phê duyệt quyết toán các dự án thành phần sử dụng vốn ngân sách nhà nước; chủđầu tư phê duyệt quyết toán các dự án thành phần không sử dụng vốn ngân sách nhà nướcDo vậy, tại dự thảo này đã làm rõ thêm quy định cơ quan quản lý cấp trên của chủ đầu tư là: Bộ trưởng đối với chủ đầu tư thuộc các Bộ quản lý; Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đối với chủ đầu tư thuộc tỉnh quản lý; Chủ tịch UBND cấp quận huyện đối với chủ đầu tư thuộcquận huyện quản lý.

Để nâng cao trách nhiệm của các đơn vị được phân cấp phê duyệt quyết toán, ngoài việc sửa đổi các điều về trách nhiệm, xử lý vi phạm trong công tác quyết toán theo các Nghị định của Chính phủ mới ban hành, dự thảo còn bổ sung các quy định như: “Sau khiquyết toán xong toàn bộ dự án,bộ quản lý đối với dự án thành phần chính hoặc UBND cấp tỉnh quản lý đối với dự án thành phần chính chịu trách nhiệm tổng hợp báo cáo kết quả quyết toán toàn bộ dự án về Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư” và “Không giao dự án cho chủ đầu tư, ban quản lý dự án có dự án chậm nộp báo cáo quyết toán từ 24 tháng trở lên”.

Ngoài ra, dự thảo lần này tiếp tục rà soát để đơn giản hóa các thủ tục hành chính, các biểu mẫu quy định. Do đó, các biểu mẫu đã đơn giản, gọn hơn và chắt lọc hơn với những thông tin cần thiết để việc xử lý nghiệp vụ nhanh hơn. Dự thảo thông tư mới sẽ giúp cho công tác quyết toán dự án hoàn thành sử dụng vốn NSNN ngày càng tiến bộ, tình trạng tồn đọng quyết toán sẽ được đẩy lùi./.

Nguồn: http://www.mof.gov.vn/

  
Số lượt xem:582