Sự cần thiết phải sửa đổi mức thuế suất thuế tài nguyên |
14-9-2015 |
Mới đây, Bộ Tài chính đã có Tờ trình Chính phủ về việc trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết để sửa đổi Biểu mức thuế suất thuế tài nguyên thay thế cho Nghị quyết số 712/2013/UBTVQH13. Theo đó, Bộ Tài chính đã đề xuất điều chỉnh mức thuế suất thuế tài nguyên đối với một số nhóm tài nguyên, khoáng sản theo chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước trong tình hình mới. Để có thêm thông tin cho quý vị bạn đọc, Cổng TTĐT Bộ Tài chính đã có bài phỏng vấn ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ chính sách thuế xung quanh những nội dung về việc dự kiến điều chỉnh này. |
Phóng viên: Bộ Tài chính đang đề xuất sửa đổi Biểu mức thuế suất thuế tài nguyên? Căn cứ nào cho những đề xuất trên thưa Ông? Ông Phạm Đình Thi: Thuế tài nguyên là một trong những công cụ tài chính, thể hiện vai trò sở hữu nhà nước đối với tài nguyên quốc gia và thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên của tổ chức, cá nhân. Mức thuế suất thuế tài nguyên hiện hành đang được thực hiện theo Nghị quyết số 712/2013/UBTVQH13 ngày 16/12/2013 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về việc ban hành Biểu mức thuế suất thuế tài nguyên. Theo quy định của Luật thuế Tài nguyên, mức thuế suất cụ thể do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành để áp dụng đối với từng loại tài nguyên trong từng thời kỳ, phù hợp với danh mục nhóm, loại tài nguyên và trong phạm vi khung thuế suất do Quốc hội quy định, góp phần bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm và hiệu quả nguồn tài nguyên, đồng thời đảm bảo nguồn thu ngân sách nhà nước và bình ổn thị trường. Thực hiện Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2015 của Quốc hội tại Nghị quyết số 89/2015/QH13 đã được Quốc hội thông qua ngày 09/6/2015, để tiếp tục góp phần bảo vệ, khai thác tài nguyên hợp lý, tiết kiệm, có hiệu quả tài nguyên, đảm bảo nguồn tài nguyên phục vụ nhu cầu trong nước trong thời gian tới, đồng thời đảm bảo nguồn thu NSNN trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, Bộ Tài chính đã có Tờ trình số 106/TTr-BTC ngày 21/7/2015 trình Chính phủ về việc trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết để sửa đổi Biểu mức thuế suất thuế tài nguyên thay thế cho Nghị quyết số 712/2013/UBTVQH13. Theo đó, Bộ Tài chính đã đề xuất điều chỉnh mức thuế suất thuế tài nguyên đối với một số nhóm tài nguyên, khoáng sản theo chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước trong tình hình mới. Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 25/4/2011 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã đưa ra giải pháp về cơ chế, chính sách tài chính đối với hoạt động khai khoáng, đồng thời đề ra giải pháp: Điều chỉnh kịp thời, hợp lý các loại thuế liên quan đến hoạt động khai thác, chế biến và xuất khẩu khoáng sản, tăng thu ngân sách nhà nước; Đảm bảo lợi ích hài hòa giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân nơi có khoáng sản được khai thác. Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 03/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường đã khẳng định tài nguyên cần phải được quản lý, bảo vệ chặt chẽ; khai thác, sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả và bền vững, gắn với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh về tài nguyên. Tại Nghị quyết này cũng đã đánh giá trong thời gian qua, tài nguyên chưa được quản lý, khai thác, sử dụng có hiệu quả và bền vững, một số loại tài nguyên bị khai thác quá mức dẫn tới suy thoái, cạn kiệt, gây ô nhiễm môi trường, đồng thời nêu mục tiêu cụ thể về quản lý tài nguyên: Quy hoạch, quản lý, khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả và bền vững nguồn tài nguyên quốc gia. Ngăn chặn xu hướng suy giảm tài nguyên nước ngọt ... Hạn chế tối đa xuất khẩu khoáng sản; và đưa ra các giải pháp bảo vệ, quản lý tài nguyên như: Đổi mới, hoàn thiện cơ chế chính sách tài chính, theo đó người hưởng lợi từ tài nguyên, môi trường phải có nghĩa vụ đóng góp để đầu tư trở lại cho quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Phóng viên: Trên thực tế những nguy cơ đang tồn tại đối với nguồn tài nguyên trong diện điều chỉnh của Luật là gì thưa ông? Ông Phạm Đình Thi: Từ những chủ trương của Đảng, nhà nước như tôi đã nêu trên, qua tổng kết đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết số 712/2013/UBTVQH13 về việc ban hành Biểu mức thuế suất thuế tài nguyên cho thấy, các nhóm tài nguyên đang được chúng ta khai thác, sử dụng không hiệu quả, gây lãng phí, cụ thể: Nhóm khoáng sản kim loại: Khoáng sản kim loại là loại tài nguyên không tái tạo, có giá trị kinh tế lớn. Tuy nhiên, việc khai thác một số khoáng sản kim loại vẫn chưa hiệu quả, gây lãng phí tài nguyên; đa số các khoáng sản kim loại chưa được chế biến sâu.
Ảnh minh họa: Nguồn internet Nhóm khoáng sản không kim loại: Đây cũng là loại tài nguyên không tái tạo, một số là nguyên liệu đầu vào phục vụ quá trình sản xuất, một số là vật liệu không thể thiếu của ngành xây dựng. Hiện nay, việc khai thác, sử dụng một số khoáng sản không kim loại vẫn chưa hiệu quả, gây lãng phí nguồn tài nguyên (như đá hoa trắng, cát, đá, sỏi ...); một số loại khoáng sản không kim loại cần phải hạn chế khai thác để đảm bảo sản xuất trong nước hoặc sử dụng các sản phẩm thay thế (như than, gờ-ra-nít, đất làm gạch...). Nhóm nước thiên nhiên: Hiện nay, nhu cầu sử dụng nước ngày càng gia tăng, trong khi tình trạng khai thác và sử dụng nguồn tài nguyên nước còn lãng phí, hiệu quả sử dụng nước thấp, thiếu bền vững gây suy giảm nguồn tài nguyên nước. Bên cạnh đó, Bộ Chính trị cũng đã ban hành Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 12/3/2014 về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty nông, lâm nghiệp. Theo đó, để thực hiện mục tiêu tăng trưởng sản lượng rừng, hạn chế mất và suy giảm chất lượng rừng, tại Nghị quyết số 30-NQ/TW đã đưa ra giải pháp “nghiên cứu giảm thuế suất thuế tài nguyên đối với gỗ khai thác rừng tự nhiên”. Vì vậy, để góp phần bảo vệ, khai thác tài nguyên hợp lý, tiết kiệm, có hiệu quả, đảm bảo nguồn tài nguyên phục vụ nhu cầu trong nước trong thời gian tới, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó việc nghiên cứu điều chỉnh mức thuế suất thuế tài nguyên là một trong những giải pháp cần thiết, có tính khả thi. Bên cạnh đó, để góp phần đảm bảo đồng bộ hệ thống pháp luật về thuế, phí, lệ phí trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng khi phải thực hiện các cam kết về cắt giảm thuế nhập khẩu, đảm bảo bình đẳng trong các quan hệ thương mại quốc tế thì việc sử dụng các chính sách thuế nội địa, trong đó có chính sách thuế tài nguyên, là một trong những công cụ tài chính có hiệu quả. Phóng viên: Kinh nghiệm quốc tế trong việc xây dựng và ban hành Biểu mức thuế suất thuế tài nguyên này như thế nào thưa Ông? Ông Phạm Đình Thi: Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, các nước đã sử dụng chính sách thuế nội địa, trong đó có thuế tài nguyên để thay thế cho thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu phải cắt giảm trong quá trình hội nhập quốc tế. Ví dụ: Trung Quốc đã thực hiện cải cách chính sách thuế tài nguyên, trong đó đã thay đổi cách tính thuế tài nguyên để tăng nguồn thu NSNN khi gia nhập Tổ chức thương mại thế giới; Indonesia đã tăng mức thuế suất thuế tài nguyên từ tháng 1/2015 khi dự kiến phải thực hiện cắt giảm thuế xuất khẩu theo cam kết quốc tế. Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) cũng khuyến nghị các nước sử dụng thuế nội địa để thực hiện các phương án cắt, giảm thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu theo các cam kết quốc tế. Tại Điều 7 Luật thuế tài nguyên, Quốc hội đã quy định khung thuế suất thuế tài nguyên và giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định mức thuế suất cụ thể đối với từng loại tài nguyên cho phù hợp từng thời kỳ, đảm bảo các nguyên tắc: Phù hợp với danh mục, nhóm loại tài nguyên và trong phạm vi khung thuế suất do Quốc hội quy định; Góp phần quản lý nhà nước đối với tài nguyên; bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm và hiệu quả nguồn tài nguyên; Góp phần đảm bảo nguồn thu ngân sách nhà nước và bình ổn thị trường. Việc điều chỉnh mức thuế suất thuế tài nguyên là cần thiết trong bối cảnh nước ta hiện nay nhằm góp phần đảm bảo thực hiện mục tiêu không khuyến khích khai thác tài nguyên không tái tạo có giá trị lớn, góp phần bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm và hiệu quả nguồn tài nguyên và góp phần đảm bảo nguồn thu cho NSNN. Việc xây dựng Nghị quyết đã đảm bảo đúng quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật về việc thành lập Ban Soạn thảo, Tổ biên tập; tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện, lấy ý kiến rộng rãi các Bộ, Ngành, địa phương và các đối tượng chịu tác động của việc điều chỉnh thuế suất thuế tài nguyên... Phóng viên: Dự kiến sửa đổi mức thuế suất thuế tài nguyên được các DN và người dân tiếp nhận như thế nào? Ông Phạm Đình Thi: Bộ Tài chính đã phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Hội thảo lấy ý kiến các Hiệp hội và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khai thác, chế biến tài nguyên khoáng sản. Tại Hội thảo đã nhận được nhiều ý kiến về việc điều chỉnh thuế suất thuế tài nguyên, một số doanh nghiệp nêu khó khăn của doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay do nguyên nhân giá khoáng sản trên thế giới đang giảm sâu, nhiều doanh nghiệp đang bị lỗ. Cũng có ý kiến nêu việc điều chỉnh mức thuế suất thuế tài nguyên tại thời điểm hiện nay là chưa đảm bảo tính ổn định của chính sách, từ đó ảnh hưởng đến môi trường đầu tư. Để doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị để ổn định sản xuất, dự thảo Nghị quyết cũng đã đưa ra lộ trình áp dụng mức thuế suất thuế tài nguyên mới đối với một số loại khoáng sản hiện đang gặp khó khăn trong khai thác. Việc điều chỉnh mức thuế suất thuế tài nguyên vẫn đảm bảo nằm trong khung thuế suất thuế tài nguyên do Quốc hội ban hành và có hiệu lực từ ngày Luật thuế tài nguyên có hiệu lực thi hành 01/7/2010 đến nay. Mặt khác để tránh rủi ro khi đầu tư vào lĩnh vực khai thác khoáng sản, các doanh nghiệp thường đã phải tính toán kỹ lưỡng các chi phí đầu tư, sản xuất kinh doanh, trong đó có các chi phí về thuế theo mức thuế suất trần trong khung thuế suất do Quốc hội quy định. Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn Ông Nguồn:http://www.mof.gov.vn/ |
Số lượt xem:564 |