Cổ phần hóa DNNN: Tăng quyền cho chủ sở hữu
28-9-2015

Theo phương án sắp xếp, tái cơ cấu DNNN đã được phê duyệt, Quý IV năm 2015, cả nước còn phải cổ phần hoá 198 doanh nghiệp. Để đạt được mục tiêu này, một trong những giải pháp được chờ đợi là việc sửa đổi, bổ sung Nghị định số 59/2011/NĐ-CP ngày 18/7/2011 về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần mà Bộ Tài chính vừa trình chính phủ.

 4 tháng phải phải cổ phần hoá 198 doanh nghiệp

Theo phương án sắp xếp, tái cơ cấu DNNN đã được phê duyệt, trong 02 năm 2014 - 2015, cả nước phải cổ phần hoá 432 doanh nghiệp. Lũy kế năm 2014 và 8 tháng 2015, cả nước đã cổ phần hóa được 234 doanh nghiệp trong tổng số 432 doanh nghiệp, đạt 54% số lượng doanh nghiệp phải thực hiện cổ phần hóa. Như vậy, từ nay đến cuối năm, cả nước còn phải thực hiện cổ phần hoá 198 doanh nghiệp, trong đó 58 doanh nghiệp đã công bố giá trị doanh nghiệp, 109 doanh nghiệp đang thực hiện xác định giá trị doanh nghiệp, 31 doanh nghiệp đã thành lập Ban Chỉ đạo, đang tiến hành các bước tiếp theo để xác định giá trị doanh nghiệp. Đây thực sự là một áp lực lớn khi cổ phần hóa DNNN vừa phải hoàn thành tiến độ và kế hoạch đề ra, vừa phải đảm bảo chất lượng, không làm thất thoát tài sản Nhà nước...

 

Sở dĩ, tiến độ cổ phần hóa DNNN chưa đạt kết quả như mong muốn, hiện nay là do nhiều nguyên nhân, trong đó có sự tác động lớn của cuộc khủng hoảng tài chính thế giới và những khó khăn của kinh tế trong nước, đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường tài chính, chứng khoán làm cho nhu cầu sụt giảm. Do đó kế hoạch bán cổ phần ra công chúng của các doanh nghiệp cổ phần hóa chưa đạt được kế hoạch đề ra. Nhiều doanh nghiệp sau IPO vẫn còn số lượng vốn nhà nước lớn.

 

Mặt khác, đối tượng tái cơ cấu hiện nay hầu hết là các doanh nghiệp có quy mô lớn, phạm vi hoạt động rộng, kinh doanh đa ngành nghề, tài chính phức tạp nên  phải có nhiều thời gian chuẩn bị, xử lý...

 

 Trước thực trạng hiện nay, ngày 01/6/2015, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị quyết số 40/NQ-CP về phiên họp Chính phủ tháng 5/2015 với 9 nhóm nội dung để kịp thời xử lý các khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tái cơ cấu DNNN. Theo đó, Nghị quyết cũng giao Bộ Tài chính dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 59/2011/NĐ-CP (Nghị định 59) của Chính phủ về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần. Đây được xem là một trong những giải pháp quan trọng, trực tiếp tháo gỡ các vướng mắc hiện tại mà doanh nghiệp gặp phải.

 

Tăng quyền quyết định cho chủ sở hữu

 

Điểm nhấn của bản dự thảo này đã tăng quyền, tăng trách nhiệm cho các chủ sở hữu và sửa đổi quy định còn vướng mắc trong xác định giá trị doanh nghiệp – một khâu quan trọng trong quá trình cổ phần hóa DNNN.

 

Cụ thể, tại Khoản 2, Điều 12 Nghị định 59/2011/NĐ-CP quy định: “Cơ quan có thẩm quyền quyết định phương án cổ phần hóa theo quy định của pháp luật và hướng dẫn của Bộ Tài chính”.

 

Căn cứ quy định trên, đối với các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước được Thủ tướng Chính phủ quyết định phương án cổ phần hóa sẽ phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định lựa chọn tổ chức tư vấn cổ phần hóa. Để giảm các công việc có tính sự vụ cho Thủ tướng Chính phủ và gắn trách nhiệm cho các các Bộ quản lý ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với việc thực hiện cổ phần hóa các doanh nghiệp mà các cơ quan này làm đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ hướng dẫn bổ sung các quy định này theo hướng phân cấp mạnh hơn. Theo đó, “Cơ quan có thẩm quyền quyết định phương án cổ phần hóa theo quy định của pháp luật. Đối với các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước và một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đặc biệt (như bảo hiểm, ngân hàng, viễn thông, hàng không, khai thác than, dầu khí, khai thác mỏ quý hiếm khác) khi thực hiện cổ phần hóa mà phương án cổ phần hóa thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ thì Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương lựa chọn tổ chức tư vấn cổ phần hóa (lựa chọn tổ chức tư vấn xác định giá trị doanh nghiệp, lựa chọn tư vấn xây dựng phương án cổ phần hóa)”.

 

Cũng liên quan đến quyền của chủ sở hữu, Dự thảo nêu rõ: “Khi thực hiện cổ phần hóa mà phương án cổ phần hóa thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ thì Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương lựa chọn sở giao dịch chứng khoán hoặc thuê tổ chức tài chính trung gian để thực hiện đấu giá”.

 

Một điểm đáng quan tâm nữa là quyền chỉ định thầu đối với tổ chức tư vấn xác định giá trị doanh nghiệp. Dự thảo đã sửa đổi Khoản 3, Điều 22 Nghị định 59 theo hướng cơ quan chức năng có quyền chỉ định thầu với đối với các gói thầu có gia trị không quá 03 tỷ đồng.

 

Xác định giá trị doanh nghiệp: Tôn trọng thị trường

 

Tại điểm d, khoản 1, Điều 33 Nghị định 59 quy định: “Trường hợp giá trị vốn đầu tư dài hạn của doanh nghiệp cổ phần hóa tại doanh nghiệp khác được xác định thấp hơn giá trị ghi trên sổ kế toán thì xác định giá trị vốn đầu tư dài hạn theo giá thì ghi trên sổ kế toán của doanh nghiệp cổ phần hóa”.

 

Thực tế, trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp khi xác định giá trị doanh nghiệp có khoản đầu tư tài chính dài hạn tại các doanh nghiệp khác mà các doanh nghiệp được đầu tư bị lỗ, mất vốn, thì giá trị các khoản đầu tư này đã thấp hơn giá trị trên sổ sách kế toán của doanh nghiệp cổ phần hóa. Nhưng doanh nghiệp vẫn phải lấy giá trị ghi trên sổ sách kế toán để tính vào giá trị doanh nghiệp. Trong khi đó, các khoản trích dự phòng mà doanh nghiệp đã trích lại phải hoàn nhập tăng vốn nhà nước khi xác định giá trị doanh nghiệp. Việc này, phản ánh không đúng giá trị thực của doanh nghiệp khi thực hiện cổ phần hóa.

 

Do vậy, Bộ Tài chính đã trình chỉnh phủ sửa đổi nội dung này theo hướng: “Trường hợp giá trị vốn đầu tư dài hạn của doanh nghiệp cổ phần hóa tại doanh nghiệp khác khi đánh giá, xác định lại có giá trị thực tế thấp hơn giá trị ghi trên sổ sách kế toán thì được xác định theo giá trị thực tế xác định lại.” Điều này cho thấy, việc định giá đã được điều chỉnh theo hướng thị trường, căn cứ vào giá trị thực tế tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa.

 

Cũng liên quan đến xác định giá trị doanh nghiệp, Khoản 2, Điều 33, Nghị định 59 quy định: “Giá trị vốn góp của doanh nghiệp cổ phần hóa vào công ty cổ phần đã niêm yết, đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán được xác định theo giá đóng cửa của cổ phiếu giao dịch trên thị trường chứng khoán tại thời điểm gần nhất với thời điểm thực hiện xác định giá trị doanh nghiệp. Đối với giá trị vốn góp vào công ty cổ phần chưa niêm yết, chưa đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán thì căn cứ kết quả xác định của cơ quan tư vấn, Ban chỉ đạo cổ phần hóa doanh nghiệp xem xét trình cơ quan có thẩm quyền quyết định giá trị doanh nghiệp quyết định”.

 

Có một vấn đề đặt ra là nhiều cổ phiếu của các công ty cổ phần đã đăng ký trên thị trường Upcom không có giao dịch, vì vậy không có giá trị thực tế để đánh giá lại khoản đầu tư tài chính. Việc này làm kéo dài thời gian định giá của doanh nghiệp cổ phần hóa. Dự thảo đã bổ sung: “Trường hợp cổ phiếu của công ty cổ phần đã niêm yết trên thị trường Upcom mà không có giao dịch trong vòng 30 ngày trước thời điểm tổ chức xác định giá trị doanh nghiệp thì được xác định theo quy định tại điểm a, điểm b, điểm c, khoản 1, Điều 33  và khoản 4, Điều 1, Nghị định 59. Đối với giá trị vốn góp vào công ty cổ phần chưa niêm yết, chưa đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán thì căn cứ kết quả xác định của cơ quan tư vấn, Bản chỉ đạo cổ phần hóa doanh nghiệp xem xét trình cơ quan có thẩm quyền quyết định giá trị doanh nghiệp quyết định”.

 

Cổ phần hóa qua người lao động và tổ chức công đoàn

 

Một câu hỏi được đặt ra lâu nay là liệu cổ phần hóa có về đích đúng hẹn hay không? Trong trường hợp chưa thể bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) do thị trường khó khăn, nhà đầu tư bị eo hẹp túi tiền thì khắc phục thế nào?

 

Tại dự thảo đã có bước đột phá để trả lời những câu hỏi này. Theo đó, đối với những doanh nghiệp đã tiến hành các thủ tục cần thiết theo phương án cổ phần hóa đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt nhưng chưa thực hiện IPO trong thời gian 90 ngày kể từ ngày có quyết định phê duyệt thì doanh nghiệp được bán trước cổ phần cho người lao động, tổ chức công đoàn trong doanh nghiệp. Giá bán cổ phiếu bằng 60% giá khởi điểm trong phương án cổ phần hóa đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Chênh lệch giữa giá bán cho người lao động, cho tổ chức công đoàn (nếu có) so với mệnh giá cổ phần được trừ vào giá trị phần vốn nhà nước khi quyết toán tại thời điểm doanh nghiệp chính thức chuyển thành công ty cổ phần. Trong vòng 12 tháng sau khi doanh nghiệp chính thức chuyển thành công ty cổ phần, doanh nghiệp cổ phần hóa phải thực hiện IPO theo đúng quy định.

Nguồn: http://www.mof.gov.vn/

  
Số lượt xem:465