Ban hành Nghị định về giám sát vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp |
9-10-2015 |
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 87/2015/NĐ-CP (Nghị định 87) ngày 6/10/2015 về giám sát đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp; giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động và công khai thông tin tài chính của doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước. Trong bối cảnh Chính phủ đang tăng quyền cho chủ sở hữu; tăng tính chủ động cho doanh nghiệp và tăng tốc cổ phần hóa và thoái vốn Nghị định 87 được ban hành kịp thời giúp cơ quan quản lý giám sát chặt chẽ, tránh tình trạng làm thất thoát vốn nhà nước trong hoạt động tái cơ cấu DNNN. |
Nghị định 87/2015/NĐ-CP có một số điểm đáng chú ý sau: Giám sát sẽ sát hơn Về giám sát hoạt động đầu tư vốn nhà nước: Để đáp ứng yêu cầu giám sát quy định tại Điều 40 và Điều 51 của Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, Nghị định đã thiết kế một Chương về giám sát hoạt động đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp. Trong đó: Chủ thể giám sát là Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành liên quan. Đối tượng giám sát là các cơ quan đại diện chủ sở hữu. Nội dung giám sát: Nghị định dẫn chiếu quy định tại Điều 51 Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp. Đối với cơ chế giám sát chung, chủ thể giám sát là cơ quan đại diện chủ sở hữu và cơ quan tài chính. Đối tượng giám sát là các doanh nghiệp nhà nước cấp 1. Nội dung giám sát, Nghị định đã quy định các nội dung giám sát tài chính phù hợp với từng đối tượng giám sát như sau: Đối với doanh nghiệp nhà nước, nội dung giám sát mang tính toàn diện gồm: việc bảo toàn và phát triển vốn; việc quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp; hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp; tình hình chấp hành pháp luật về đầu tư, quản lý và sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp; việc ban hành và thực hiện quy chế quản lý tài chính của doanh nghiệp; việc cơ cấu lại vốn nhà nước tại doanh nghiệp; tình hình thực hiện chính sách đối với người lao động. Đối với doanh nghiệp có vốn nhà nước, để đảm bảo tính toàn diện trong công tác giám sát tài chính doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, Nghị định đã quy định các nội dung giám sát tài chính cơ bản tương tự nội dung giám sát tài chính đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ, để phù hợp với quy định của Luật Doanh nghiệp và thực tiễn, nội dung giám sát chỉ tập trung vào: việc bảo toàn và phát triển vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp; tình hình huy động vốn và sử dụng vốn huy động; hoạt động đầu tư ra ngoài doanh nghiệp; kết quả sản xuất kinh doanh và việc thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước. Tăng cường giám sát hoạt động đầu tư ra ngước ngoài Về phương thức giám sát, Nghị định quy định rõ sẽ kết hợp 5 phương thức giám sát (trước, trong, sau, trực tiếp, gián tiếp). Các đối tượng giám sát đặc thù, ngoài các đối tượng được giám sát theo phương thức chung, Nghị định đã quy định rõ 3 trường hợp giám sát đặc thù với phương thức giám sát riêng như sau: Giám sát tài chính đối với công ty cấp 2 trong các doanh nghiệp hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con: Theo quy định tại Nghị định 61, cơ quan đại diện chủ sở hữu chỉ thực hiện giám sát các doanh nghiệp nhà nước cấp 1, việc giám sát các công ty cấp 2, cấp 3 sẽ do công ty mẹ thực hiện. Tuy nhiên, qua thực tiễn cho thấy tình hình tài chính của các công ty cấp 2 có quy mô lớn có thể ảnh hưởng trọng yếu đến tình hình tài chính và hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Vì vậy, Nghị định đã cho phép thực hiện giám sát tới công ty cấp 2 theo phương thức phù hợp với quy định tại Luật Doanh nghiệp. Theo đó, công ty mẹ chịu trách nhiệm lập Báo cáo giám sát tài chính đối với các công ty cấp 2 có ảnh hưởng trọng yếu tới tình hình tài chính hoặc có khả năng tạo ra các rủi ro tài chính đối với công ty mẹ. Đồng thời, Nghị định 87 đã quy định bộ tiêu chí để lựa chọn các công ty cấp 2 có ảnh hưởng trọng yếu để đưa vào đối tượng giám sát. Đối với giám sát hoạt động đầu tư ra nước ngoài, từ năm 2006 tới nay, đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp Việt Nam tăng mạnh, trong đó phần lớn các dự án quy mô lớn là của các doanh nghiệp nhà nước hoặc có vốn nhà nước. Thực tế phần lớn hoạt động đầu tư ra nước ngoài được tiến hành bởi công ty cấp 2, cấp 3. Vì vậy, việc giám sát, đánh giá hiệu quả của các dự án này do công ty mẹ thực hiện và hòa đồng chung vào kết quả giám sát, đánh giá chung của công ty mẹ mà không có cơ chế giám sát từ cơ quan đại diện chủ sở hữu và cơ quan tài chính. Trong bối cảnh hoạt động đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp thời gian qua hiệu quả chưa cao, còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, Nghị định đã xây dựng một Mục riêng quy định về giám sát đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp. Quy định giám sát được bổ sung một số nội dung đặc thù của hoạt động đầu tư ra nước ngoài như tình hình chuyển lợi nhuận về nước, các rủi ro tại địa bàn đầu tư… Đối với giám sát tài chính đặc biệt, để khắc phục hạn chế của Nghị định 61 về giám sát tài chính đặc biệt, Nghị định 87 đã bổ sung quy định cụ thể về “Các dấu hiệu mất an toàn tài chính”, đồng thời, quy định đây là các dấu hiệu để cơ quan đại diện chủ sở hữu phối hợp với cơ quan tài chính xem xét trước khi đưa ra quyết định cuối cùng về việc đưa doanh nghiệp vào diện giám sát tài chính đặc biệt (trên cơ sở có tính tới yếu tố đặc thù ngành và tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp) hay tiếp tục áp dụng cơ chế giám sát thông thường. Nghị định cũng quy định quy trình chung áp dụng đối với các doanh nghiệp trong diện giám sát đặc biệt để trên cơ sở đó cơ quan đại diện chủ sở hữu thống nhất với doanh nghiệp về phương án khắc phục, phương án giám sát cụ thể phù hợp với nguyên nhân đưa doanh nghiệp vào tình trạng mất an toàn tài chính. Về đánh giá kết quả và xếp loại doanh nghiệp: Nghị định 87 kế thừa cơ bản những quy định tại Nghị định 61 về đánh giá kết quả và xếp loại doanh nghiệp để tránh xáo trộn lớn đối với doanh nghiệp và các cơ quan đại diện chủ sở hữu. Theo đó, doanh nghiệp được xếp loại theo 3 mức (A, B, C) căn cứ so sánh với tiêu chí phân loại doanh nghiệp và chỉ tiêu do cơ quan đại diện chủ sở hữu giao từ đầu năm. Minh bạch thông tin để tăng cường giám sát Về công khai thông tin tài chính doanh nghiệp, Nghị định quy định nội dung thông tin tài chính cần được công khai trên cơ sở quy định tại Điều 61 Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp quy định về “Công khai thông tin về hoạt động của doanh nghiệp” và Điều 108 Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định về “Công bố thông tin định kỳ” đối với doanh nghiệp nhà nước. Ở cấp độ doanh nghiệp, doanh nghiệp nhà nước phải công bố Báo cáo tài chính 6 tháng và Báo cáo tài chính năm (đã được kiểm toán) cùng với ý kiến, kiến nghị của kiểm toán, của cơ quan đại diện chủ sở hữu và cơ quan tài chính về báo cáo tài chính và tình hình tài chính của doanh nghiệp. Đối với cơ quan đại diện chủ sở hữu, với mục tiêu nâng cao tính công khai, minh bạch, tăng cường sự giám sát của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền và của cộng đồng xã hội, các nội dung thông tin tài chính cần công khai bao gồm: Danh sách doanh nghiệp, phần vốn góp của cơ quan đại diện chủ sở hữu tại mỗi danh nghiệp;Kế hoạch giám sát các doanh nghiệp; Quyết định giao chỉ tiêu đánh giá hằng năm của từng doanh nghiệp; Báo cáo tình hình đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp; Báo cáo tài chính của từng doanh nghiệp. Đối với Bộ Tài chính, các nội dung thông tin tài chính cần công khai bao gồm: Kế hoạch giám sát đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp; Báo cáo về hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp (sau khi Chính phủ báo cáo Quốc hội); Báo cáo đánh giá kết quả, xếp loại doanh nghiệp; Báo cáo giám sát tình hình thực hiện công khai thông tin tài chính của doanh nghiệp và các cơ quan đại diện chủ sở hữu; Kết quả giám sát đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp năm trước (theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ). Đồng thời, để nâng cao tính tuân thủ quy định về công khai thông tin tài chính, Nghị định đã thiết kế các quy định về giám sát tình hình thực hiện công khai thông tin tài chính của doanh nghiệp và cơ quan đại diện chủ sở hữu. Nguồn: http://www.mof.gov.vn/ |
Số lượt xem:533 |