Quốc hội thông qua dự án Luật Phí và lệ phí
30-11-2015

P:\A-Tin+Foto khaithac denghicapnhattaiday-2010\Cong tac vien\Năm 2015\Thang 11\TCHQ - Tran Thang\26.11\Quang canh.jpg

Chiều 25/11, với 433/437 đại biểu tán thành (87,65% tổng số đại biểu Quốc hội), Quốc hội đã thông qua dự án Luật Phí và lệ phí. Dự thảo Luật Phí và lệ phí gồm 6 chương, 25 điều, chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2017. 

 Phí và lệ phí cũng là khoản thu thuộc NSNN

Trước khi Quốc hội bấm nút thông qua dự án Luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật phí và lệ phí.

Về phạm vi điều chỉnh của Dự thảo luật, trước đó, có ý kiến cho rằng, hiện nay người dân đã nộp thuế cho Nhà nước, do đó đề nghị không phải nộp các khoản phí, lệ phí.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho biết: Theo quy định của Luật NSNN, các luật về thuế, Luật quản lý thuế, phí và lệ phí đều là khoản thu thuộc NSNN. Tuy nhiên, tính chất và đặc điểm là khác nhau. Thuế là khoản thu bắt buộc mang tính không hoàn trả trực tiếp. Nhà nước sử dụng nguồn thu thuế để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật (đường xá, cầu, cống...), xây dựng cơ sở hạ tầng xã hội (trường học, bệnh viện, công trình phúc lợi văn hóa xã hội...) để phục vụ toàn xã hội và trang trải chi phí cho hoạt động của bộ máy nhà nước, đảm bảo an ninh, quốc phòng,...

Trong khi đó, phí và lệ phí cũng là khoản thu thuộc NSNN, nhưng mang tính hoàn trả trực tiếp; các tổ chức, cá nhân được cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập cung cấp dịch vụ trực tiếp thì mới phải trả phí, lệ phí. Do đó, việc sử dụng nguồn thu từ thuế là khoản thu để phục vụ cho nhu cầu của toàn xã hội để bù đắp cho chi phí cung cấp dịch vụ cho một số tổ chức, cá nhân là không đảm bảo công bằng với các tổ chức, cá nhân không được sử dụng dịch vụ. Đồng thời, việc phải nộp phí và lệ phí là góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm người dân, tránh việc sử dụng lãng phí các nguồn lực Nhà nước. Bên cạnh đó, tỷ lệ thuế, phí, lệ phí trên GDP của Việt Nam hiện đang có xu hướng ngày càng giảm, việc không thu phí, lệ phí sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến cân đối ngân sách quốc gia. Kinh nghiệm của thế giới cho thấy, tất cả các nước đều thực hiện thu thuế, phí và lệ phí đối với các dịch vụ công do Nhà nước phục vụ. Vì vậy, UBTVQH đã đề nghị Quốc hội cho giữ như Dự thảo luật.

Chỉ chuyển sang cơ chế giá một số khoản phí Nhà nước không cần nắm giữ

Theo UBTVQH, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội nhất trí với Danh mục phí, lệ phí kèm theo Dự thảo luật. Có ý kiến đề nghị quy định chi tiết hơn; có ý kiến đề nghị làm rõ nội hàm của các khoản phí, lệ phí; có ý kiến đề nghị cân nhắc việc chuyển mạnh phí, lệ phí sang cơ chế giá sẽ tạo gánh nặng cho người dân.

Trước những ý kiến này, UBTVQH cho biết, để đảm bảo rõ ràng, minh bạch, tiếp thu ý kiến của ĐBQH tại kỳ họp thứ 9, UBTVQH đã chỉ đạo rà soát quy định chi tiết Danh mục các khoản phí, lệ phí và thẩm quyền quy định Danh mục trong Dự thảo luật. Tuy nhiên, do mỗi khoản phí, lệ phí có tính chất, nội dung kinh tế khá rộng, mỗi khoản phí có nhiều dòng, thể hiện cách tính và mức thu rất khác nhau. Do đó, nếu quy định chi tiết đến từng dòng phí, lệ phí ngay trong Luật sẽ không khả thi. Vì vậy, Dự thảo luật quy định giao Chính phủ quy định cụ thể đến dòng phí để bảo đảm tính khả thi và phù hợp với thực tiễn nhưng phải bảo đảm không phát sinh tăng thêm các khoản phí, lệ phí đã quy định trong Luật.

Về đề nghị cần cân nhắc việc chuyển mạnh phí, lệ phí sang cơ chế giá: UBTVQH cho rằng, để khuyến khích xã hội hóa thì cần thiết phải chuyển một số loại dịch vụ công sang cơ chế giá mà khu vực tư nhân có thể tham gia nhằm phục vụ tốt hơn cho người dân. Tuy nhiên, đúng như ý kiến ĐBQH, phí dịch vụ do Nhà nước cung cấp chủ yếu mang tính phục vụ, việc chuyển sang cơ chế giá và do các thành phần kinh tế ngoài nhà nước thực hiện sẽ tính đủ chi phí và có lợi nhuận, có thể làm tăng giá dịch vụ.

Do đó, việc chuyển một số loại phí sang cơ chế giá đã được cơ quan thẩm tra, cơ quan soạn thảo rà soát kỹ lưỡng, chỉ chuyển sang cơ chế giá đối với một số khoản phí mà Nhà nước không cần phải nắm giữ và có sự cạnh tranh nhằm góp phần giảm giá và nâng cao chất lượng dịch vụ cho người dân. Riêng đối với các dịch vụ gắn với nhiệm vụ quản lý nhà nước vẫn được quy định trong Danh mục phí, lệ phí do Nhà nước cung cấp, mang tính chất phục vụ người dân; một số khoản phí chuyển sang cơ chế giá nhưng để bảo đảm phù hợp với thu nhập của người dân sẽ do Nhà nước định giá hoặc dùng chính sách an sinh, bảo hiểm để hỗ trợ. Do đó, UBTVQH xin Quốc hội cho giữ như Dự thảo luật.

P:\A-Tin+Foto khaithac denghicapnhattaiday-2010\Cong tac vien\Năm 2015\Thang 11\TCHQ - Tran Thang\26.11\Thong qua Luat.jpg

Đại biểu Quốc hội ấn nút thông qua dự án Luật Phí và lệ phí

Về một số ý kiến đề nghị cân nhắc việc quy định phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố; Những trường hợp cá biệt cho phép việc thu phí sử dụng lòng đường, hè phố phải do HĐND cấp tỉnh phê duyệt quy hoạch và công khai sử dụng, giải trình về vấn đề này, UBTVQH cho biết: Tại Báo cáo số 954/BC-UBTVQH13 ngày 08/10/2015 của UBTVQH về việc tiếp thu, giải trình, chỉnh lý Dự án luật phí và lệ phí, UBTVQH đã giải trình khá rõ về sự cần thiết của việc quy định phí sử dụng lòng đường, hè phố.

Tuy nhiên, đúng như ý kiến ĐBQH, thực tế hiện nay, việc quản lý, sử dụng lòng đường, hè phố ở một số đô thị còn chưa tốt, dẫn đến ách tắc giao thông, mất trật tự an toàn xã hội, nhất là việc quản lý các hộ, cá nhân kinh doanh tại lòng đường, hè phố. Tuy nhiên, việc sử dụng lòng đường, hè phố là nhu cầu thực tế, cần thiết ở tất cả các đô thị, không chỉ ở Việt Nam mà ở các nước trên thế giới và là nguồn thu NSNN khá lớn của nhiều đô thị. Mặt khác, việc quy định thu phí đối với lòng đường, hè phố cũng là một công cụ góp phần quản lý đô thị, nếu không thu phí lòng đường hè phố sẽ thất thoát nguồn thu của NSNN. Do đó, UBTVQH xin Quốc hội cho giữ như Dự thảo luật.

Công khai thu nộp và sử dụng phí lệ phí

Về thu, nộp, quản lý và sử dụng phí (Điều 12), có ý kiến đề nghị quy định ngay trong Dự thảo luật toàn bộ các khoản phí thu được phải nộp 100% vào NSNN, không quy định khấu trừ để đảm bảo phù hợp với Luật NSNN và Hiến Pháp.

Báo cáo trước Quốc hội, UBTVQH phân tích: Khi thông qua Luật NSNN, Quốc hội đã tính đến việc quản lý, sử dụng nguồn thu từ phí, lệ phí để đảm bảo tập trung vào NSNN. Các khoản phí do cơ quan nhà nước thu, quy định nộp 100% vào NSNN; chỉ còn phí do đơn vị sự nghiệp và DNNN thu thì để lại một phần, phần để lại được coi là doanh thu của đơn vị.

Do vậy, nếu quy định nộp toàn bộ vào NSNN sau đó NSNN cấp lại cho đơn vị sẽ làm tăng thủ tục hành chính và không phù hợp với nguyên tắc hạch toán kế toán của đơn vị thu. Việc quy định về thu, nộp, quản lý và sử dụng phí trong Dự thảo luật đã bảo đảm phù hợp với thực tế, phù hợp với Luật NSNN mới được Quốc hội thông qua. Tuy nhiên, để bảo đảm rõ ràng, cụ thể, UBTVQH xin Quốc hội cho phép tách khoản 1 thành 2 khoản, trong đó khoản 2 quy định về sử dụng số tiền được để lại cho đơn vị thu phí. Nội dung này được thể hiện tại Điều 12 của Dự thảo luật.

Về công khai phí, lệ phí, UBTVQH cho biết, theo quy định hiện hành, văn bản quy định thu phí, lệ phí phải được công bố trên trang thông tin điện tử của cơ quan phát hành và trang thông tin điện tử của Chính phủ. Do đó, để công khai rộng rãi các khoản thu phí, lệ phí, tiếp thu ý kiến ĐBQH, UBTVQH xin Quốc hội cho phép bổ sung quy định công khai trên trang thông tin điện tử của tổ chức thu phí, lệ phí vào khoản 1 Điều 14 của Dự thảo luật./.

Nguồn: http://www.mof.gov.vn/.

  
Số lượt xem:430