Quy định về tiêu chuẩn sử dụng máy móc, thiết bị của cơ quan nhà nước
1-3-2016

 Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 19/2016/TT-BTC hướng dẫn một số nội dung của Quyết định số 58/2015/QĐ-TTg quy định tiêu chuẩn, định mức, chế độ quản lý, sử dụng máy móc, thiết bị của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị sự nghiệp công lập thay thế Quyết định số 170/QĐ-TTg ngày 18/7/2006.

 Thông tư 19 hướng dẫn cụ thể về nguồn hình thành máy móc, thiết bị: Máy móc, thiết bị được hình thành thông qua việc mua sắm từ các nguồn kinh phí được phép sử dụng; được nhận điều chuyển từ các cơ quan, tổ chức, đơn vị theo quyết định của cấp có thẩm quyền; máy móc, thiết bị là các tài sản được xác lập quyền sở hữu của Nhà nước giao cho cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật.

Đối với việc thay thế máy móc, thiết bị phục vụ hoạt động của cán bộ, công chức và phục vụ hoạt động chung của cơ quan, tổ chức, đơn vị: Khi máy móc, thiết bị đủ điều kiện thay thế sẽ được nhận điều chuyển từ các cơ quan, tổ chức, đơn vị theo quyết định của cấp có thẩm quyền hoặc được mua mới trong trường hợp không có máy móc, thiết bị để nhận điều chuyển. Việc thay thế máy móc, thiết bị được quy định đối với các loại máy móc, thiết bị trang bị cho các chức danh đủ tiêu chuẩn và máy móc, thiết bị tại cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc Trung ương và địa phương theo quy định tại Điều 5, Điều 6, Điều 7, Điều 8 và Điều 9 Quyết định số 58/2015/QĐ-TTg.

Tiêu chuẩn, định mức máy móc, thiết bị chuyên dùng được quy định: Việc xác định giá làm căn cứ xây dựng tiêu chuẩn, định mức về máy móc, thiết bị chuyên dùng căn cứ trên cơ sở giá phổ biến trên thị trường (giá đã được các nhà cung cấp niêm yết, thông báo trên thị trường) hoặc tham khảo giá mua của các kỳ trước.

Thông tư cũng hướng dẫn việc thuê máy móc, thiết bị tại cơ quan, tổ chức, đơn vị do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương quyết định hoặc theo phân cấp thẩm quyền quyết định; Hội đồng nhân dân cấp tỉnh phân cấp thẩm quyền quyết định đối với các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý. Tuy nhiên đối với một số trường hợp sau bắt buộc phải sử dụng hình thức thuê máy móc, thiết bị mà trên thị trường có cung cấp dịch vụ cho thuê, gồm: Máy móc, thiết bị có nhu cầu sử dụng trong thời gian dưới 12 tháng hoặc chỉ sử dụng tối đa không quá 03 lần/năm; Máy móc, thiết bị phục vụ công tác quản lý dự án có nhu cầu sử dụng dưới 50% thời gian sử dụng theo chế độ quy định hoặc đã được cấp có thẩm quyền cho phép đầu tư, xây dựng, mua sắm, tiếp nhận tài sản nhưng phải thuê để sử dụng tạm thời trong thời gian triển khai thực hiện việc đầu tư xây dựng, mua sắm, tiếp nhận.

Việc khoán kinh phí sử dụng máy móc, thiết bị văn phòng phổ biến được thực hiện trên cơ sở cán bộ, công chức, viên chức tự nguyện đăng ký thực hiện khoán kinh phí. Mức khoán kinh phí để thanh toán cho cán bộ, công chức, viên chức được xác định theo từng tháng và theo công thức: Giá mua mới máy móc, thiết bị văn phòng phổ biến trên thị trường : (chia) Thời gian sử dụng theo quy định (năm) : (chia) 12 tháng. Cán bộ, công chức, viên chức nhận khoán kinh phí sử dụng máy móc, thiết bị văn phòng phổ biến có trách nhiệm tự trang bị, bảo dưỡng, sữa chữa máy móc, thiết bị, đảm bảo phục vụ yêu cầu công tác.

Ngoài ra, Thông tư số 19/2016/TT-BTC còn hướng dẫn một số trường hợp cụ thể phát sinh khi triển khai thực hiện, như xử lý đối với trường hợp: số lượng máy móc, thiết bị đã được trang bị vượt so với quy định tại Quyết định số 58/2015/QĐ-TTg, trường hợp cán bộ, công chức, viên chức nghỉ công tác theo quy định …

Thông tư số 19/2016/TT-BTC có hiệu lực kể từ ngày 16 tháng 3 năm 2016, thay thế Thông tư số 94/2006/TT-BTC ngày 09 tháng 10 năm 2006 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Quyết định số 170/2006/QĐ-TTg ngày 18 tháng 7 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy định tiêu chuẩn, định mức trang thiết bị và phương tiện làm việc của cơ quan và cán bộ, công chức, viên chức nhà nước./.

QLCS

  
Số lượt xem:678