Giao quyền tự chủ tài chính cho các ĐVSN công lập trên địa bàn tỉnh- PH chuyển đổi và những khó khăn |
23-3-2016 |
Công tác triển khai quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị định số 43/2006/NĐ-CP của Chính phủ trên địa bàn tỉnh Kon Tum trong các năm qua đã đạt được một số kết quả nhất định. Tuyến tỉnh đã giao tự chủ cho 93/112 đơn vị đạt 83%, 19 đơn vị còn lại chưa đủ điều kiện để giao quyền tự chủ. Tuyến huyện đã giao quyền tự chủ 392/400 đơn vị đạt 98%. Như vậy, tổng toàn tỉnh đã có 485/512 đơn vị thực hiện tự chủ đạt 94,7%. |
Hầu hết các đơn vị được giao quyền tự chủ đã xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ đúng quy định; chủ động trong việc thực hiện nhiệm vụ, sắp xếp bộ máy phù hợp với chức năng nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức; thủ trưởng các cơ quan đơn vị chủ động trong điều hành ngân sách, căn cứ vào nhiệm vụ được giao và khả năng nguồn tài chính của mình quyết định kinh phí và tiết kiệm chi để tăng thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức, góp phần cải cách thủ tục hành chính, quản lý tài sản công, chống lãng phí; nhiều đơn vị đã trích lập được các quĩ dự phòng ổn định thu nhập, quĩ khen thưởng, quĩ phúc lợi; Tạo điều kiện cho cán bộ, viên chức tham gia quản lý và giám sát việc sử dụng kinh phí tại đơn vị có hiệu quả, góp phần thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở và công khai tài chính theo quy định; Một số đơn vị đã tự cân đối từ nguồn thu sự nghiệp đảm bảo được một phần về nhu cầu kinh phí thực hiện chế độ cải cách tiền lương theo lộ trình của Chính phủ, giảm dần kinh phí ngân sách nhà nước phải hỗ trợ. Bên cạnh những mặt đạt được, cơ chế tự chủ theo Nghị định 43/CP cũng đã bộc lộ một số tồn tại và bất cập như: (1) Cơ chế giao ngân sách cho các đơn vị sự nghiệp chưa gắn với kết quả đầu ra. (2) Việc phân cấp quản lý biên chế cho các đơn vị sự nghiệp công lập tuy đã được thực hiện nhưng chưa quyết liệt, các đơn vị sự nghiệp công lập chưa thật sự chủ động trong việc rà soát nhiệm vụ nhà nước giao và khả năng tài chính để xây dựng kế hoạch sử dụng và tuyển dụng biên chế. (3) Một số đơn vị chưa mạnh dạn trong việc sắp xếp, tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế; Số biên chế tiết kiệm được ở một số đơn vị thực chất là do chưa tuyển được người theo đúng tiêu chuẩn tuyển dụng. (4) Việc xây dựng tiêu chí để đánh giá chưa được Nhà nước cụ thể hóa và quy định cụ thể để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao… Trước thực trạng trên, ngày 14/02/2015 Chính phủ ban hành Nghị định số 16/2015/NĐ-CP về qui định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập (thay thế Nghị định số 43/2006/NĐ-CP của Chính phủ); theo đó nhằm đổi mới toàn diện, tái cơ cấu các đơn vị sự nghiệp công; đẩy mạnh việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị sự nghiệp, bao gồm cả về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, nhân sự và về tài chính. Đơn vị càng tự chủ cao về tài chính thì được tự chủ cao trong triển khai nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, nhân sự và phân bổ sử dụng các nguồn lực tài chính; dần dần tiến tới xóa bỏ bao cấp qua giá, từng bước tính đủ chi phí. Đổi mới phương thức chi từ ngân sách cho các đơn vị sự nghiệp theo hướng tăng cường thực hiện phương thức đấu thầu, đặt hàng, giao nhiệm vụ trên cơ sở hệ thống định mức kinh tế kỹ thuật. Tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, tăng cường thu hút đầu tư từ các thành phần kinh tế; phát huy mọi khả năng của đơn vị sự nghiệp để cung cấp dịch vụ với chất lượng cao cho xã hội. Tăng cường nguồn thu giảm áp lực chi từ ngân sách nhà nước ở nơi có điều kiện thuận lợi để hỗ trợ cho những vùng còn khó khăn, chăm lo tốt hơn các đối tượng chính sách, người nghèo, các đối tượng xã hội… Để thực hiện cơ chế tự chủ tài chính mới, nhiệm vụ trước mắt hiện nay là: Ban hành danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước; Ban hành, sửa đổi, bổ sung định mức kinh tế - kỹ thuật (KTKT) áp dụng trong các lĩnh vực dịch vụ sự nghiệp công; Ban hành tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ sự nghiệp công; cơ chế giám sát, đánh giá, kiểm định chất lượng dịch vụ công; hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập; Ban hành Qui hoạch mạng lưới đơn vị sự nghiệp công lập trong từng lĩnh vực. Việc triển khai các nhiệm vụ trên cũng đặt ra không ít vấn đề, khó khăn, thách thức cho các Sở, ngành và địa phương cũng như mỗi đơn vị sự nghiệp công lập trong thời gian hiện nay, như: công tác tổ chức rà soát, phân loại ban hành danh mục dịch vụ sự nghiệp công; cơ sở, phương pháp xây dựng định mức KTKT gắn với từng danh mục dịch vụ sự nghiệp công, công tác triển khai thẩm định, trình duyệt; công tác xây dựng các tiêu chí đánh giá chất lượng, mức độ hoàn thành … Để hiện thực hóa các chủ trương về đổi mới tài chính trong giai đoạn hiện nay là một công việc khó khăn, phức tạp, liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực, đòi hỏi phải có sự phối hợp đồng bộ, tích cực và quyết liệt từ các sở, ngành, địa phương và các đơn vị sự nghiệp công lập./. TVK |
Số lượt xem:1016 |