Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về quyết toán NSNN năm 2014 |
16-6-2016 |
Trong chương trình làm việc phiên họp thứ 49 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sáng 15-6, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2014. |
Vượt thu 12,1% so với dự toán trong bối cảnh khó khăn Báo cáo trước Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, năm 2014 thực hiện Nghị quyết của Quốc hội trong điều kiện tiếp tục phải điều chỉnh giảm thuế theo cam kết hội nhập khu vực và quốc tế; thực hiện chính sách miễn, giảm, giãn nộp thuế để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn sau sự kiện biển Đông giữa năm 2014; nhờ thực hiện có hiệu quả các giải pháp đồng bộ nhằm phấn đấu phục hồi tăng trưởng kinh tế, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, góp phần tác động quan trọng đến kết quả thu, chi ngân sách năm 2014. Nhờ đó đã tăng chi đầu tư phát triển hợp lý, ưu tiên đối với nông nghiệp, nông thôn, các địa phương miền núi, Tây Nguyên, thực hiện nhiệm vụ xóa đói giảm nghèo, phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh; bổ sung kinh phí quốc phòng, an ninh, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an ninh tài chính quốc gia. Bộ Tài chính trình Chính phủ quyết định để trình Quốc hội xem xét phê chuẩn quyết toán thu, chi NSNN năm 2014 như sau: Tổng số thu cân đối NSNN là 1.130.609 tỷ đồng (bao gồm cả nguồn năm 2013 chuyển sang năm 2014, thu kết dư NSĐP năm 2013, thu huy động đầu tư của NSĐP và thu từ quỹ dự trữ tài chính theo quy định của Luật NSNN); Tổng số chi cân đối NSNN là 1.350.272 tỷ đồng (bao gồm cả chuyển nguồn từ năm 2014 sang năm 2015). Bội chi NSNN 260.145 tỷ đồng, bằng 6,61% GDP (không bao gồm kết dư NSĐP 40.482 tỷ đồng). Theo báo cáo của Chính phủ, quyết toán thu cân đối NSNN năm 2014 là 1.130.609 tỷ đồng, trong đó thu theo dự toán được Quốc hội quyết định là 877.697 tỷ đồng, tăng 12,1% (94.997 tỷ đồng) so với dự toán. Trong báo cáo thẩm tra, Thường trực Ủy ban Tài chính- Ngân sách (UBTCNS) của Quốc hội đánh giá cao nỗ lực của những người làm công tác tài chính trong năm 2014. Theo cơ quan này, năm 2014, cùng với thực hiện cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính thuế, hải quan, rút ngắn thời gian làm thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi và tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp là sự chỉ đạo và phối hợp tốt hơn trong công tác thu ngân sách của các cấp, các ngành. Theo UBTCNS, ngành Thuế và Hải quan đã tăng cường thanh tra, kiểm tra chống thất thu ngân sách và xử lý các vi phạm về thuế; các doanh nghiệp nhà nước được cơ cấu lại một bước theo hướng hiệu quả hơn, thu NSNN từ doanh nghiệp nhà nước vượt dự toán được giao. Mặc dù vẫn duy trì một số ưu đãi về thuế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó khăn, phục hồi sản xuất kinh doanh (Giảm thuế suất thuế TNDN từ 25% xuống 22%; nâng mức giảm trừ cho người nộp thuế TNCN từ 4 triệu đồng lên 9 triệu đồng và người phụ thuộc từ 1,6 triệu đồng lên 3,6 triệu đồng/tháng...,) song với sự cố gắng nỗ lực của các cấp, các ngành, thu NSNN năm 2014 đã vượt 12,1% so với dự toán. Thường trực UBTCNS cho rằng, với việc thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, cơ cấu lại thu, chi NSNN, phối hợp đồng bộ chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ, tiết kiệm chi tiêu công, tiếp tục thu vào NSNN 75% số tiền lãi dầu, khí nước chủ nhà được chia và tiền đọc tài liệu phát sinh năm 2014, thu vào NSNN cổ tức được chia cho phần vốn nhà nước tại các công ty cổ phần và lợi nhuận còn lại sau khi trích nộp các quỹ tại Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước... kết quả thu NSNN năm 2014 đạt 112,1% dự toán được Quốc hội quyết định, bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển, nâng cao đời sống nhân dân, tăng cường và củng cố quốc phòng, an ninh, giữ vững chủ quyền quốc gia, bảo đảm an sinh xã hội. Về quyết toán chi NSNN, theo báo cáo của Chính phủ, quyết toán chi cân đối NSNN năm 2014 là 1.350.272 tỷ đồng, trong đó chi theo dự toán được Quốc hội quyết định là 1.114.767 tỷ đồng, tăng 10,7% (108.067 tỷ đồng) so với dự toán. Thường trực UBTCNS cho rằng, chi NSNN cơ bản tuân thủ các quy định về tiêu chuẩn, định mức, chế độ chi NSNN. Công tác quản lý, điều hành chi NSNN đã được Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương quán triệt thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, kiểm soát chặt chẽ các khoản chi theo quy định của pháp luật, xử lý kịp thời nhiệm vụ phát sinh về khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, đảm bảo quốc phòng - an ninh, an sinh xã hội, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực tài chính công. Tuy nhiên theo cơ quan này, qua quyết toán chi NSNN năm 2014 còn nổi lên một số vấn đề như: Một số khoản chi của một số địa phương xây dựng dự toán chưa thực sự căn cứ vào nhiệm vụ thực tế; Chi đầu tư xây dựng cơ bản còn hạn chế, sai phạm trong các khâu của quá trình đầu tư vẫn xảy ra nhưng chậm được khắc phục, xử lý chưa kiên quyết, còn để xảy ra thất thoát, lãng phí. Tình trạng chấp hành chưa nghiêm các quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng và pháp luật về đấu thầu diễn ra khá phổ biến trong tất cả các khâu từ chuẩn bị đầu tư, quá trình đầu tư đến hoàn thành quyết toán đưa vào sử dụng. Việc xử lý sai phạm còn chưa nghiêm, áp dụng chế tài xử phạt chưa đủ mạnh nên tính răn đe chưa cao, tái phạm với mức độ lớn... Quyết toán giải ngân vốn ODA để minh bạch hóa Việc giải ngân vốn ngoài nước tăng 36.952 tỷ đồng, trong đó có 10.782,7 tỷ đồng do chuyển đổi vốn ODA từ hình thức cho vay lại sang hình thức Nhà nước đầu tư trực tiếp nhận được sự quan tâm UBTVQH. Theo Nghị quyết số 57/2013/QH13 ngày 12/11/2013 của Quốc hội về dự toán NSNN năm 2014, bội chi NSNN là 224.000 tỷ đồng, bằng 5,3% GDP. Theo báo cáo quyết toán NSNN 2014, bội chi NSNN là 260.145 tỷ đồng, bằng 6,61%GDP, tăng 36.145 tỷ đồng so với dự toán, trong đó tăng chi từ vốn ngoài nước 36.952 tỷ đồng, tiết kiệm chi nguồn trong nước 807 tỷ đồng. Đa số ý kiến Thường trực UBTCNS cho rằng, theo quy định tại Điều 49 Luật NSNN hiện hành, trường hợp giải ngân vốn ODA vượt dự toán lớn, Chính phủ phải trình Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh dự toán và báo cáo Quốc hội. Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị, mặc dù chi vượt dự toán nhưng khoản chi vượt dự toán do giải ngân nhanh nguồn vốn ODA đã diễn ra tương tự từ nhiều năm trước và đã được Quốc hội cho phép quyết toán theo số thực tế. Mặt khác, từ năm 2015, Chính phủ đã có báo cáo với Quốc hội về việc điều chỉnh dự toán do dự báo tăng giải ngân nguồn vốn ODA. Vì vậy, nhất trí cho phép quyết toán chi NSNN năm 2014 như đề nghị của Chính phủ. Báo cáo về vấn đề trên, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, việc bố trí vốn ODA giải ngân hàng năm đều đạt thấp, không đi vào thực chất thì đến nay đã khắc phục một bước của giai đoạn 2016-2020. Trước đây chỉ bố trí khoảng 17.000-18.000 tỷ đồng thì nay bố trí 250.000 tỷ cho 5 năm. Theo Bộ trưởng: “Dự toán đã có nhưng vượt dự toán, nhìn lại là khuyết điểm, nhưng nhìn sâu cũng là thành tích, cần nhìn cả quá trình. Nếu trước đây giải ngân chậm thì giai đoạn 2014-2015 đã đẩy giải ngân ODA lên khá cao. Việc đề nghị cho vào quyết toán 2014 cũng là một bước minh bạch hoá”. Nguồn: http://www.mof.gov.vn/. |
Số lượt xem:398 |