Tháng 7: Chỉ số CPI cả nước tăng 0,13%
29-7-2016

Tháng 7: Chỉ số CPI cả nước tăng 0,13%

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 năm 2016 tăng 0,13% so với tháng trước, tăng 2,39% so với cùng kỳ năm trước; tăng 2,48% so với tháng 12 năm trước; CPI bình quân bảy tháng đầu năm 2016 so với cùng kỳ năm trước tăng 1,82%.

 Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính, có 5 nhóm tăng với mức tăng như sau: Giao thông tăng 1,19% và là nhóm có chỉ số tăng cao nhất trong 11 nhóm hàng chính. Chỉ số giá nhóm giao thông tháng 7 tăng chủ yếu ở mặt hàng xăng dầu còn ảnh hưởng từ lần điều chỉnh tăng giá ngày 04/6/2016 mặc dù có hai đợt giảm giá ngày 20/6/2016 và ngày 05/7/2016, tổng hai lần giá giảm là 540đ/lít; Hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,17%; Nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,14%; Đồ uống và thuốc lá tăng 0,09%; Thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,06%. Có 4 nhóm ổn định hoặc chỉ tăng rất nhẹ: May mặc, mũ nón, giầy dép tăng 0,04%; Thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,02%; Văn hóa giải trí và du lịch tăng 0,01%; Giáo dục không thay đổi. Có 2 nhóm hàng giảm: Hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,05% và Bưu chính viễn thông giảm 0,1%.

Theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, CPI tháng 7 tăng do một số nguyên nhân chính sau: Tháng 7 năm 2016 diễn ra kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 và kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học Quốc Gia năm 2016, cùng với thời tiết nắng nóng nên nhu cầu dịch vụ ăn uống ngoài gia đình, giải khát, dịch vụ giao thông công cộng tăng làm cho giá các mặt hàng này tăng theo; Giá xăng, dầu còn ảnh hưởng từ đợt tăng giá ngày 04/6/2016 (mặc dù ngày 20/6/2016 và ngày 05/7/2016 tổng cộng giá xăng giảm 540 đồng/lít), bình quân tháng 7, chỉ số giá nhóm nhiên liệu tăng 2,55% so với tháng trước; Thời tiết nắng nóng nên nhu cầu sử dụng điện, nước tăng làm cho giá nước sinh hoạt tăng 0,14%, giá điện sinh hoạt tăng 1,16%.

Bên cạnh đó, cơ quan thống kê cũng đã chỉ ra các nguyên nhân làm giảm CPI tháng 7 năm 2016, điển hình, nguồn cung lương thực, thực phẩm trong nước dồi dào nên giá lương thực giảm và giá thực phẩm khá ổn định, góp phần kiềm chế CPI tháng 7; Giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở giảm 0,44% do nhu cầu xây dựng giảm cùng với giá thép thế giới giảm; Giá gas giảm 3,02% do các doanh nghiệp giảm 14.000đ/bình 12 kg từ ngày 01 tháng 7 năm 2016 do giá gas thế giới giảm.

Chỉ số giá vàng và giá đô la Mỹ không nằm trong giỏ tính CPI. Trong đó, chỉ số giá vàng tăng 5,36% trong khi chỉ số giá đô la Mỹ giảm 0,21% so với tháng trước.

Nguồn: http://www.mof.gov.vn/.

  
Số lượt xem:337