7 câu hỏi giúp bạn xây dựng chiến lược kinh doanh hiệu quả |
8-3-2017 |
Một chiến lược kinh doanh thành công đòi hỏi phải được xây dựng qua những cuộc tranh luận mặt trực tiếp mà người quản lý có trách nhiệm dẫn dắt bằng cách đưa ra những câu hỏi đúng đắn. Việc đưa ra những câu hỏi đơn giản, rõ ràng sẽ giúp đội ngũ kinh doanh tập trung vào các vấn đề trọng tâm thay vì chỉ chú tâm vào các thông tin làm rối trí, dẫn tới những suy nghĩ không rõ ràng. |
Dưới đây là 7 câu hỏi được đề cập trong cuốn sách 7 Strategy Questions (Tạm dịch: 7 Câu Hỏi Chiến Lược) của giáo sư Robert Simons mà các nhà quản lý nên tham khảo để có thể đưa ra những lựa chọn khôn ngoan, góp phần nâng cao hiệu quả chiến lược kinh doanh của mình. 1. AI LÀ KHÁCH HÀNG MỤC TIÊU CỦA BẠN? Câu hỏi đầu tiên - điểm mấu chốt của mọi chiến lược thành công nằm ở sự lựa chọn của bạn trong việc phân bổ tài nguyên đến khách hàng. Sự cạnh tranh liên tục về nhu cầu tài nguyên của các đơn vị kinh doanh, các tổ chức hỗ trợ và các đối tác bên ngoài đòi hỏi các nhà quản lý phải có một phương pháp giúp đánh giá cách lựa chọn phân bổ tài nguyên nào là tối ưu nhất. 2. NHỮNG GIÁ TRỊ CỐT LÕI DÀNH ƯU TIÊN CHO CỔ ĐÔNG, NHÂN VIÊN HAY KHÁCH HÀNG? Cùng với việc xác định đối tượng khách hàng chủ yếu, bạn cũng cần xác định các giá trị cơ bản, trong đó sẽ chỉ rõ trong ba đối tượng là: cổ đông, nhân viên và khách hàng, thì ai sẽ được ưu tiên hơn ai. Đặt ra các giá trị ở đây không đơn giản là liệt kê các hành vi hay cách cư xử được mong đợi mà phải xác định được lợi ích của ai là quan trọng nhất trong những trường hợp cần cân nhắc, thỏa hiệp. 3. NHỮNG MỤC TIÊU QUAN TRỌNG NHẤT MÀ BẠN THEO ĐUỔI LÀ GÌ? Một khi đã có nền móng vững chắc trong tay, bạn đã phân bổ tài nguyên hợp lý, và đưa ra chỉ dẫn thích đáng cho những quyết định khó khăn, thì đã đến lúc tất cả nhân viên của bạn tâp trung vào công việc sắp tới. 4. NHỮNG RANH GIỚI CHIẾN LƯỢC BẠN VẠCH RA LÀ GÌ? Mỗi chiến lược đều ẩn chứa trong nó một rủi ro nhất định, và hành động của một cá nhân nào đó có thể sẽ khiến công việc kinh doanh của bạn đi lệch hành trình đã vạch ra. Kiểm soát rủi ro trong chiến lược chính là công việc thứ tư mà bạn phải làm. Các giới hạn chiến lược đảm bảo rằng tất cả các sáng kiến của nhân viên đều nằm trong đường ray mà bạn đã định sẵn cho hoạt động kinh doanh của mình, và các giới hạn chiến lược cũng sẽ giúp bạn tránh mắc phải các hành động sai lầm dẫn đến phá sản. 5. LÀM THẾ NÀO ĐỂ THÚC ĐẨY KHÁCH HÀNG CHẤP NHẬN CÁI MỚI? Một khi bạn chắc chắn rằng mình đang đặt ra mục tiêu kinh doanh đúng đắn và kiểm soát được rủi ro, đã đến lúc bạn thực hiện nhiệm vụ: thúc đẩy cải tiến và đổi mới. Đây chính là nhiệm vụ sống còn đối với bất kì doanh nghiệp nào. Nếu bạn mãi không đổi mới, cải tiến sản phẩm, dịch vụ thì bạn không thể tồn tại. 6. NHÂN VIÊN CỦA BẠN CÓ CAM KẾT GIÚP ĐỠ LẪN NHAU HAY KHÔNG? Với hầu hết các công ty thì việc đặt ra nguyên tắc rằng mọi thành viên phải giúp đỡ nhau để cùng đạt mục tiêu chung là rất quan trọng, đặc biệt là khi bạn yêu cầu họ phải đổi mới. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp ngoại lệ, một số tổ chức có thể và nên được xây dựng dựa trên tính tư lợi, có nghĩa là mỗi người làm việc vì lợi ích của chính họ. 7. TÍNH BẤT ĐỊNH CỦA CHIẾN LƯỢC KINH DOANH LÀ GÌ? Dù chiến lược kinh doanh hiện tại của bạn có tốt đến đâu thì nó cũng không thể hiệu quả mãi mãi. Doanh nghiệp có lúc thịnh lúc suy, sở thích của khách hàng thì luôn thay đổi, các đối thủ cạnh tranh thì liên tục tung ra các sản phẩm mới, trong khi công nghệ cũng đổi mới không ngừng tới mức bạn không thể ngờ tới. (Nguồn: http://www.saga.vn/7-cau-hoi-giup-ban-xay-dung-chien-luoc-kinh-doanh-hieu-qua~34509) |
Số lượt xem:5093 |