Quy định về điều kiện cho vay tín dụng đầu tư của Nhà nước
7-4-2017

 Chính phủ vừa ban hành Nghị định 32/2017/NĐ-CP về tín dụng đầu tư của Nhà nước. Nghị định này quy định về chính sách tín dụng đầu tư của Nhà nước do Ngân hàng Phát triển Việt Nam thực hiện và có hiệu lực thi hành từ ngày 15/5/2017.

Quy định về điều kiện cho vay tín dụng đầu tư của Nhà nước
CT

 

nganhang2.jpg

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Nghị định 32/2017/NĐ-CP áp dụng đối với các doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp tự chủ về tài chính và tổ chức kinh tế khác là chủ đầu tư dự án thuộc Danh mục vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước; Ngân hàng Phát triển Việt Nam; Cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan trong quá trình thực hiện tín dụng đầu tư của Nhà nước.

Nghị định cũng quy định rõ đối tượng cho vay tín dụng đầu tư của Nhà nước là khách hàng có dự án đầu tư thuộc Danh mục các dự án được vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước ban hành kèm theo Nghị định này. Trường hợp các dự án nêu trên đã được hưởng tín dụng ưu đãi từ các tổ chức tài chính nhà nước khác thì không được vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước theo quy định.

Để được vay tín dụng đầu tư của Nhà nước, khách hàng phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau: Thuộc đối tượng cho vay; Có đầy đủ năng lực pháp luật và thực hiện các thủ tục đầu tư theo quy định; Dự án đầu tư xin vay vốn được Ngân hàng Phát triển Việt Nam thẩm định, đánh giá là dự án có hiệu quả, có khả năng trả được nợ vay; Có vốn chủ sở hữu tham gia trong quá trình thực hiện dự án tối thiểu 20% tổng vốn đầu tư dự án, mức cụ thể do Ngân hàng Phát triển Việt Nam xem xét, quyết định phù hợp với khả năng tài chính của chủ đầu tư và phương án trả nợ của dự án, trừ trường hợp các dự án đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ quyết định; Thực hiện bảo đảm tiền vay theo các quy định tại Nghị định này và quy định của pháp luật; Khách hàng không có nợ xấu tại các tổ chức tín dụng tại thời điểm Ngân hàng Phát triển Việt Nam xem xét cho vay, giải ngân vốn vay; Mua bảo hiểm tài sản tại một doanh nghiệp bảo hiểm hoạt động hợp pháp tại Việt Nam đối với tài sản bảo đảm tiền vay; Khách hàng thực hiện chế độ hạch toán kế toán, báo cáo tài chính và kiểm toán báo cáo tài chính hàng năm theo quy định của pháp luật.

Nghị định quy định mức vốn cho vay tín dụng đầu tư của Nhà nước tối đa đối với mỗi dự án bằng 70% tổng mức vốn đầu tư của dự án (không bao gồm vốn lưu động).

Thời hạn cho vay được xác định theo khả năng thu hồi vốn của dự án và khả năng trả nợ của khách hàng phù hợp với đặc điểm sản xuất, kinh doanh của dự án nhưng không quá 12 năm. Riêng các dự án đầu tư thuộc nhóm A thời hạn cho vay vốn tối đa là 15 năm.

Lãi suất cho vay tín dụng đầu tư của Nhà nước bằng mức lãi suất bình quân gia quyền của các mức lãi suất trúng thầu trái phiếu Ngân hàng Phát triển Việt Nam được Chính phủ bảo lãnh kỳ hạn 5 năm trong thời hạn 1 năm trước thời điểm công bố lãi suất theo quy định tại Nghị định này cộng (+) tỷ lệ chi phí quản lý hoạt động và dự phòng rủi ro của Ngân hàng Phát triển Việt Nam.

Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ quyết định tỷ lệ chi phí quản lý ổn định trong thời kỳ 03 năm, đảm bảo cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam đủ nguồn kinh phí hoạt động và trích lập dự phòng rủi ro theo quy định. Trường hợp có biến động lớn, Ngân hàng Phát triển Việt Nam báo cáo Bộ Tài chính để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định tỷ lệ chi phí quản lý hoạt động phù hợp.

Lãi suất nợ quá hạn đối với mỗi dự án do Ngân hàng Phát triển Việt Nam xem xét, quyết định, tối đa bằng 150% lãi suất cho vay trong hạn.

Nghị định cũng quy định về trách nhiệm của các cơ quan và khách hàng vay vốn tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam, trong đó nêu rõ, Bộ Tài chính thực hiện vai trò quản lý Nhà nước về tài chính đối với hoạt động tín dụng đầu tư của Ngân hàng Phát triển Việt Nam; chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các cơ chế, chính sách liên quan đến tín dụng đầu tư của Nhà nước. Bộ Tài chính hướng dẫn hoặc ban hành theo thẩm quyền các cơ chế, chính sách liên quan đến tín dụng đầu tư của Nhà nước thuộc thẩm quyền của Bộ Tài chính; tham gia với Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định kế hoạch tín dụng đầu tư của Nhà nước hàng năm và trung hạn do Ngân hàng Phát triển Việt Nam lập.

Bộ Tài chính định kỳ hàng năm, trên cơ sở báo cáo của Ngân hàng Phát triển Việt Nam, chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giao thông vận tải, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các bộ, ngành liên quan đánh giá tình hình thực hiện chính sách tín dụng đầu tư của Nhà nước và kết quả hoạt động của Ngân hàng Phát triển Việt Nam báo cáo Thủ tướng Chính phủ./.

Nguồn: http://www.mof.gov.vn.

  
Số lượt xem:462