Đại biểu Quốc hội đề nghị thống nhất đầu mối quản lý nợ công |
20-6-2017 |
Sáng 16/6, Quốc hội (QH) thảo luận ở hội trường về dự án Luật Quản lý nợ công (sửa đổi). Nhiều ý kiến đại biểu QH (ĐBQH) đề nghị nên thống nhất đầu mối để quản lý nợ công an toàn, hiệu quả. Sau phần thảo luận của các ĐBQH, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã giải trình ý kiến của đại biểu về dự án Luật. |
CT |
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng tại Quốc hội Một đầu mối để gắn trách nhiệm Đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) cho rằng, nếu để 3 cơ quan quản lý như hiện nay sẽ đỡ xáo trộn bộ máy và có thể phân định trách nhiệm rõ hơn, quy định việc phối hợp rõ hơn để quản lý nợ. "Nhưng thực tế sự phối hợp chưa bao giờ thông suốt, bức tranh nợ công phải lắp ghép từ nhiều mảnh nên không hoàn chỉnh, không kịp thời và ODA chưa bao giờ kiểm soát được, luôn dự vượt dự toán đẩy bội chi nợ công lên cao ngoài dự kiến, chưa gắn được trách nhiệm vay, phân bổ với trách nhiệm cân đối nguồn để trả nợ, trách nhiệm khi xảy ra thất thoát, lãng phí", ĐB Hoàng Quang Hàm nói. Theo đại biểu Hoàng Quang Hàm, không thể chối cãi là một đầu mối sẽ tốt hơn, thuận lợi hơn ba đầu mối vì gắn được trách nhiệm vay, trách nhiệm phân bổ, trách nhiệm sử dụng với trách nhiệm cân đối nguồn và trách nhiệm trong thất thoát, lãng phí. Gộp bộ phận quản lý nợ công của nhiều cơ quan về một cơ quan sẽ giảm được biên chế, tăng tính chuyên nghiệp của cán bộ, công chức. Lý do gom về một đầu mối được ĐB Hoàng Quang Hàm nêu ra đó là sẽ góp phần tăng niềm tin và giảm phiền hà cho người cho vay. "Do chỉ phải làm việc với một đầu mối, từ đó mang lại những lợi ích từ chi phí vay và điều kiện vay. Đơn vị sử dụng vốn vay nhất là ODA chỉ phải làm việc với một đầu mối thay vì nhiều đầu mối như hiện nay", ĐB dẫn chứng. ĐB Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa - Vũng Tàu) cũng đồng tình quan điểm với một số ĐBQH phát biểu trước đó. Theoông, việc quy định nhiều cơ quan, nhiều đầu mối quản lý nợ công như hiện nay là chưa đáp ứng với yêu cầu về cải cách hành chính và sẽ không khắc phục được hạn chế đang diễn ra trên thực tế. ĐB cho rằng: "Tổng kết lại thời gian vừa qua vấn đề này còn hạn chế. Thông lệ quốc tế thì nhiều quốc gia trên thế giới cũng đang thực hiện quy định một đầu mối quản lý tập trung thống nhất nguồn lực". Theo ĐB Bùi Thị Quỳnh Thơ (Hà Tĩnh), thực tế, nhiều cơ quan cùng quản lý nợ công ở các công đoạn khác nhau dẫn đến tình trạng quản lý phân tán, việc phối hợp chưa chặt chẽ nên công tác theo dõi, tổng hợp báo cáo, quyết toán, thống kê, đặc biệt là xác định trách nhiệm vay, nợ vay, đánh giá hiệu quả sử dụng vốn vay, bố trí đối ứng còn gặp nhiều khó khăn, bất cập. Theo thông lệ quốc tế, nhiều nước trên thế giới đã và đang thực hiện quy định rõ một đầu mối thống nhất quản lý tập trung nguồn nợ công. Trường hợp cần thiết sẽ điều chỉnh các luật liên quan để phù hợp. Phải tham khảo quốc tế chứ không thể "một mình một kiểu" Phát biểu tại Quốc hội, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho rằng, tinh thần đặt ra yêu cầu về quản lý nợ công là hoàn thiện thể chế, đặc biệt là chính sách công cụ bộ máy quản lý nợ công đảm bảo đúng quy định của Hiến pháp và pháp luật có liên quan để kiểm soát toàn diện rủi ro và hiệu quả nợ công. Đồng thời nghiên cứu điều chỉnh phạm vi nợ công phù hợp với thông lệ chuẩn mực quốc tế. Về rà soát quy định của pháp luật, vừa qua Bộ Tài chính đã rà soát 24 luật có liên quan, tiếp thu ý kiến các vị ĐBQH, Bộ sẽ tiếp tục rà soát để tránh chồng chéo và đảm bảo sự phù hợp đồng bộ của hệ thống pháp luật. Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: "Về phạm vi nợ công, theo thông lệ quốc tế phạm vi nợ công bao gồm nghĩa vụ nợ trực tiếp của Chính phủ, bao gồm của cả Trung ương và địa phương và nghĩa vụ nợ dự phòng. Các nghĩa vụ nợ trực tiếp là các khoản nợ mà Chính phủ là chủ thể vay và chịu trách nhiệm trả nợ trực tiếp từ ngân sách nhà nước. Các nghĩa vụ nợ dự phòng là các khoản nợ mà Chính phủ không phải là chủ thể đi vay nhưng có cam kết thực hiện nghĩa vụ trả nợ trong trường hợp chủ thể đi vay mất khả năng trả nợ một phần hoặc toàn bộ, tức là bảo lãnh cho vay lại. Cho nên chúng tôi kế thừa vấn đề này". Về nợ doanh nghiệp Nhà nước, phạm vi nợ công đã tính vào khoản doanh nghiệp Nhà nước vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ và các khoản vay của doanh nghiệp Nhà nước được Chính phủ bảo lãnh. Đối với các khoản vay theo cơ chế tự vay, tự trả doanh nghiệp Nhà nước là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên hoạt động bình đẳng với các doanh nghiệp khác theo quy định của Luật Doanh nghiệp và quản lý theo Luật Quản lý đầu tư kinh doanh vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Theo hướng dẫn của Ngân hàng thế giới, tính nợ tự vay, tự trả của doanh nghiệp Nhà nước vào nợ công nếu thỏa mãn đồng thời ba điều kiện: Thứ nhất, Chính phủ sở hữu 50% vốn của doanh nghiệp. Thứ hai, hoạt động thu chi của doanh nghiệp Nhà nước được kết cấu trong dự toán ngân sách hàng năm. Thứ ba, Chính phủ cam kết trả nợ thay trong trường hợp các doanh nghiệp mất khả năng trả nợ. Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, qua khảo sát 40 nước và nhóm nước thì hầu hết các nước đều không tính nợ doanh nghiệp nhà nước vào nợ công. Chỉ có 3 nước, nhưng tính nợ công doanh nghiệp nhà nước vào nợ công, tức là doanh nghiệp hoạt động công ích và chi tiêu của doanh nghiệp này được tính trong cơ cấu, kết cấu của dự toán ngân sách nhà nước hàng năm. Về chỉ tiêu an toàn nợ công, theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, cơ quan soạn thảo đã tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ QH, các vị ĐBQH, sau phiên thảo luận này, Bộ sẽ tiếp tục nghiên cứu và điều chỉnh lại theo hướng QH quyết định các chỉ tiêu này trong kế hoạch tài chính 5 năm. Về nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan trong quản lý nợ công, Bộ trưởng Bộ Tài chính trích dẫn kinh nghiệm quốc tế về vấn đề này. Theo đó, tại Ngân hàng thế giới có 185 thành viên, trong đó Bộ trưởng Tài chính đóng vai trò Thống đốc tại Ngân hàng thế giới là 118 nước. Thống đốc ngân hàng trung ương đóng vai trò Thống đốc tại Ngân hàng thế giới là 6 nước trong đó có Việt Nam và Lào. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Bộ Thương mại, các bộ khác là 61 nước. Ngân hàng Châu Á (ADB) có 67 thành viên, trong đó Bộ trưởng Bộ Tài chính đóng vai trò Thống đốc là 48 nước. Thống đốc Ngân hàng Trung ương đóng vai trò Thống đốc tại ADB là 5 nước, trong đó có Việt Nam và các cơ quan khác là 13 nước. Theo người đứng đầu ngành Tài chính, hiện chúng ta đang hội nhập sâu rộng thì phải tham khảo kinh nghiệm của quốc tế, chứ không "một mình một kiểu". Đã đến lúc phải thay đổi, nhưng thay đổi vào thời điểm nào, và vào lúc nào thì chúng ta phải dũng cảm quyết định. Bày tỏ quan điểm, Bộ trưởng Bộ Tài chính nêu rõ: "Một đầu mối ở đây, chúng tôi không nói là Bộ Tài chính mà chúng tôi muốn báo cáo là về đâu cũng được, về Bộ Kế hoạch và Đầu tư, về Ngân hàng Nhà nước cũng được, thậm chí về văn phòng Chính phủ cũng được, do Chính phủ phân công. Nhưng kinh nghiệm tổng kết các nước thì phần lớn là về Bộ Tài chính. Chúng ta cần thống nhất nhận thức. Từ nhận thức, có chủ trương rồi thì phải quyết tâm hành động"./. Theo http://www.mof.gov.vn. |
Số lượt xem:575 |