"Giữ thuế suất thuế GTGT ở mức thấp không phải là cách tốt nhất để giải quyết cân bằng tài khóa ..."
1-9-2017

 Đó là quan điểm của Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam - Ông Sebastian Eckardt nhận định đối với Dự án Luật sửa 5 Luật về thuế đang được Bộ Tài chính đưa ra lấy ý kiến và đã nhận được nhiều luồng ý kiến khác nhau. Để cung cấp thêm thông tin đa chiều liên quan đến Dự án Luật, Cổng TTĐT Bộ Tài chính xin giới thiệu quan điểm của Ông Sebastian Eckardt nhận định và đánh giá về một số nội dung tại Dự án Luật.

"Giữ thuế suất thuế GTGT ở mức thấp không phải là cách tốt nhất để giải quyết cân bằng tài khóa ..."
CT

 PVThưa ông, Ngân hàng Thế giới đánh giá tổng thể như thế nào về đề xuất Luật sửa đổi một số luật thuế của Bộ Tài chính trong bối cảnh hiện nay của Việt Nam?

Ông Sebastian Eckardt: Chúng tôi cho rằng đề xuất cải cách chính sách thuế của Bộ Tài chính là rất quan trọng và kịp thời để đảm bảo tăng trưởng bền vững và ổn định kinh tế vĩ mô. Tỷ lệ số thu thuế trên GDP của Việt Nam đã giảm trong những năm gần đây - từ 23,5% GDP năm 2010 xuống 18,3% GDP vào năm 2016. Việc giảm tỷ lệ động viên trên GDP chủ yếu do ba yếu tố. Thứ nhất, thu từ dầu thô giảm. Thứ hai, thu từ thương mại giảm do thực hiện các cam kết cắt giảm thuế quan mà Việt Nam đã ký kết tại các Hiệp định thương mại. Cuối cùng là do việc giảm thuế suất thuế TNDN từ 32 xuống 20 phần trăm để tăng tính cạnh tranh của nền kinh tế. Những thay đổi nêu trên tạo hiệu quả tốt cho nền kinh tế nói chung do đã kích thích đầu tư, tăng trưởng và tạo việc làm, nhưng cũng đã góp phần làm thâm hụt ngân sách ngày càng tăng, dẫn đến tăng nợ công. Hiện nay tỷ lệ động viên trên GDP của Việt Nam đã giảm 5,2% so với thời điểm năm 2010 và sự sụt giảm trong nguồn thu này đang được bù đắp bởi nợ công.

image001.jpg

Ông Sebastian Eckardt- Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam

Mức chênh lệch tài khóa trên cần được thu hẹp để đảm bảo bền vững nợ công. Việc này đòi hỏi các chính sách toàn diện và cân bằng ở cả chính sách huy động nguồn lực đủ và chi tiêu hiệu quả hơn. Về chi ngân sách, cần phải cải thiện tính hiệu quả và tiết kiệm. Có những nội dung chi tiêu không hiệu quả cần phải được cắt giảm. Nhưng đồng thời, Việt Nam đang phải đối mặt với nhu cầu đầu tư lớn. Việt Nam cần tiếp tục đầu tư vào cơ sở hạ tầng cũng như y tế và giáo dục cho người dân Việt Nam. Do đó, cần phải tiến hành những bước/biện pháp để tăng huy động nguồn thu trong nước để đảm bảo nguồn lực cho đầu tư bền vững phục vụ phát triển và tăng trưởng trong tương lai. Nếu không tiến hành kịp thời các biện pháp này thì nợ công sẽ tăng cao và dịch vụ xã hội sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.

Vì vậy, điều quan trọng là phải tiến hành cải cách thuế để đưa huy động thu quay lại quỹ đạo bền vững. Đồng thời, gánh nặng thuế cần phải được chia sẻ công bằng và môi trường thuế cũng cần hỗ trợ phát triển và đầu tư. Đề xuất Luật sửa một số luật thuế mới đây là một gói cải cách toàn diện với các phương án chính sách rõ ràng cần được cân nhắc một cách cẩn trọng theo hướng này.Đề xuất sửa một số luật thuế đã đơn giản hóa cấu trúc thuế suất thuế TNCN và thiết kế các mức thuế suất lũy tiến hơn. Đề án cũng tăng thuế đối với tài nguyên, điều này sẽ tạo nguồn thu thêm cho NSNN nhưng cũng mang lại lợi ích bảo vệ môi trường. Cuối cùng, đó là việc chuyển dịch gánh nặng thuế nhiều hơn đối với thuế tiêu dùng, bao gồm cả thuế GTGT, sắc thuế mà có xu hướng là loại thuế rất hiệu quả và phục vụ tăng trưởng. Mặc dù chúng ta có thể thảo luận chi tiết hơn nhưng về nhận định tổng quan thì có thể nói nhiều giải pháp đề xuất trong Dự án Luật sửa các luật thuế sẽ giúp đạt được các mục tiêu của Chính phủ trong việc ổn định huy động nguồn thu trong khi giữ tỷ trọng gánh nặng thuế công bằngvà môi trường thuế thuận lợi cho tăng trưởng.

PVTỷ lệ động viên của thuế GTGT trong tổng thu ngân sách của Việt Nam cao hơn so với một số quốc gia. Vì vậy, để cơ cấu lại nguồn thu ngân sách nhà nước, Việt Nam nên cân nhắc những biện pháp nào? Và liệu đề xuất tăng thuế GTGT để cơ cấu lại nguồn thu có phù hợp trong bối cảnh hiện nay và xu hướng cải cách hệ thống thuế trên thế giới hay không?

Ông Sebastian Eckardt: Về đề xuất sửa đổi thuế GTGT, có nhiều ý kiến khẳng định rằng cần xem xét thuế GTGT là một phần của tiến trình cải cách, cơ cấu lại tổng thể hệ thống thuế. Đã có nhiều nghiên cứu cho thấy thuế GTGT hiệu quả hơn về khía cạnh phục vụ phát triển kinh tế so với thuế thu nhập đánh vào lao động và vốn. Thuế GTGT có ít tác động bóp méo đến các quyết định kinh tế của hộ và doanh nghiệp hơn sắc thuế đánh vào lao động và vốn. Thuế GTGT cũng góp phần hỗ trợ tăng tính cạnh tranh quốc tế. Là thuế đánh vào việc tiêu dùng trong nước, bao gồm cả hàng hóa dịch vụ nhập khẩu trong khi hàng hóa dịch vụ xuất khẩu không thuộc đối tượng chịu thuế GTGT. Mặt khác, thuế thu nhập, dù là đánh vào lao động hay vốn thì đều tạo gánh nặng thuế lên quá trình sản xuất trong nước nhưng hàng nhập khẩu thì không thuộc đối tượng chịu thuế thu nhập. Chúng ta không ngạc nhiên thấy rằng ở nhiều nước đang chuyển đổi cơ cấu thuế phụ thuộc nhiều hơn vào thuế GTGT. Hiện nay, đây là sắc thuế đánh vào tiêu dùng mà tất cả các nước OECD đang áp dụng, trừ Hoa Kỳ. Đây cũng là sắc thuế tiêu dùng mà tất cả các nước lớn ngoài khối OECD đang áp dụng, bao gồm cả Ấn Độ đã bắt đầu áp dụng từ ngày 01 tháng 7 năm nay.

Việt Nam vẫn còn tiềm năng mở rộng việc áp dụng thuế GTGT. Nếu chúng ta xem xét về tỷ lệ động viên của các sắc thuế tiêu dùng, bao gồm cả thuế GTGT trong tổng thu NSNN, thì tỷ trọng của thuế hàng hóa và dịch vụ hiện hành của Việt Nam vào năm 2016 chiếm khoảng 48.5% tổng thu NSNN. Trong khu vực ASEAN, tỷ lệ này của Việt Nam là thấp hơn Thái Lan (53.9%), Lào (55.9%), Cam-pu-chia (55.5%), và nhỉnh hơn Philippines (45.6%).Thuế suất thuế GTGT hiện hành đang ở ngưỡng thấp so với toàn cầu. Mức thuế suất thuế GTGT trung bình của toàn thế giới là 16% nhưng tất nhiên là có nhiều khác biệt giữa các nước. Trong khối các nước ở Châu Á, có Indonesia và Cam-pu-chia đang áp dụng thuế suất 10%, Philippines mức 12%, Sri Lanka 12,5%, Mông Cổ 13%, Bangladesh 15% và Trung Quốc 17%. Ấn Độ vừa mới áp dụng hệ thống thuế hàng hóa và dịch vụ (GST), thuế suất 20% hoặc cao hơn tùy vào mặt hàng. Do đó, mức tăng thuế suất thuế GTGT như đề xuất là phù hợp với thông lệ quốc tế.

Hiện nay, có những lo ngại chính đáng về tác động tới phân bổ thu nhập của thuế GTGT, đặc biệt là đến người nghèo. Những lo lắng này là quan trọng, nhưng tôi sẽ giải thích sau đây về việc tác động này có thể được giải quyết và kinh nghiệm quốc tế cho thấy việc giữ thuế suất thuế GTGT ở mức thấp không nhất thiết là cách tốt nhất để giải quyết cân bằng tài khóa và đảm bảo công bằng.

PV: Ông đánh giá như thế nào về tác động của việc tăng thuế GTGT đối với người nghèo?

Ông Sebastian Eckardt: Tranh luận về tác động tới phân bổ thu nhập của thuế GTGT, đặc biệt là đối với người nghèo là rất quan trọng. Đây là vấn đề gây tranh cãi khắp nơi trên thế giới. Không giống như thuế thu nhập có tính chất lũy tiến, thuế GTGT không phân biệt đối tượng nộp thuế. Tất cả các hộ gia đình đều phải trả thuế GTGT như nhau, bất kể mức thu nhập thế nào. Vì vậy thuế GTGT có tính chất lũy thoái. Theo tôi, có một số điểm quan trọng như sau. Thứ nhất, bởi vì các hộ gia đình giàu thường có xu hướng tiêu dùng nhiều hơn, và dùng nhiều hàng hoá đắt đỏ hơn nên họ trả phần lớn thuế GTGT. Tôi cho rằng lo ngại về tác động tới người nghèo là chính đáng, nhưng theo tính toán của chúng tôi thì 20% hộ gia đình nghèo nhất ở Việt Nam hiện chỉ trả khoảng 9% tổng số thu thuế GTGT, trong khi 20% hộ giàu nhất trả gần 40%. Như vậy, nếu một hộ nghèo tiết kiệm được trung bình 10.000 đồng do thuế suất thuế GTGT thấp thì hộ giàu tiết kiệm được 40.000 đồng. Do đó, thuế GTGT thấp mang lại lợi ích cho người giàu hơn người nghèo.

Thứ hai, các hộ gia đình nghèo chi trả phần lớn hơn trong thu nhập của mình để tiêu dùng, đặc biệt là vào các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm. Một giải pháp để giảm tác động tiêu cực của việc tăng thuế đối với người nghèo là giữ nguyên mức thuế suất thuế GTGT ưu đãi cho các mặt hàng thiết yếu. Điều này sẽ làm giảm tác động tiêu cực của việc tăng thuế đối với người nghèo và phù hợp với xu hướng cải cách thuế theo đề xuất của Bộ Tài chính. Chúng tôi đang tiến hành,cùng với Bộ Tài chính nhằmđánh giá tác động tới phân bổ thu nhập của đề xuất tăng thuế để có những điều chỉnh tiếp theo.

Cuối cùng, bất kỳ cuộc tranh luận về tác động tới phân bổ thu nhập của việc tăng thuế GTGT cần được đánh giá trong bối cảnhtoàn bộ hệ thống thuế và hệ thống phúc lợi, chứ không chỉ một sắc thuế riêng lẻ. Câu hỏi đặt ra là liệu mức thuế suất thuế GTGT thấp có phải là cách tốt nhất để đạt được mục tiêu hệ thống tài chính công bằng. Một lần nữa, tôi cho rằng biện pháp tốt hơn là sử dụng các biện pháp khác để hỗ trợ người nghèo. Về số thu, đề xuất của Bộ Tài chính đã bao gồm các cải cách thuế khác để tạo ra một hệ thống thuế lũy tiến và công bằng hơn. Ví dụ, cải cách thuế TNCN làm cho thuế TNCN có tính chất lũy tiến hơn. Việc đề xuất áp dụng thuế tài sản, thường có tính chất lũy tiến, cũng rất quan trọng. Cuối cùng, chúng tôi cũng khuyến nghị Việt Nam nênxóa bỏ các “lỗ hổng thuế” và ưu đãi miễn thuế TNDN để đảm bảo rằng khu vực doanh nghiệp cũng đóng góp ngân sách, đặc biệt là khi mức thuế suất thuế TNDN hiện nay của Việt Nam đã rất cạnh tranh. Ngoài ra, cũng có nhiều cách tốt hơn để phân bổ lại cho các hộ nghèo trong về mặt chi ngân sách, bao gồm chi tiêu cho y tế, giáo dục, cơ sở hạ tầng mang lại lợi ích cho người nghèo. Vì vậy, nếu chúng ta xem xét đề xuất tăng thuế GTGT trong bối cảnh rộng hơn này thì có thể giải quyết được mối lo ngại về tác động tới phân bổ thu nhập của việc tăng thuế GTGT.

PV: Tác động của việc tăng thuế GTGT đối với lạm phát?

Ông Sebastian Eckardt: Kinh nghiệm quốc tế cho thấy tác động của việc tăng thuế suất thuế GTGT đối với lạm phát là tương đối hạn chế. Mặc dù việc tăng giá cao hơn xu hướng giá bình thường hoặc lạm phát có thể xảy ra “một lần” nhưng thường sẽ không có tác động lâu dài đối với tỷ lệ lạm phát. Phân tích ban đầu của chúng tôi chỉ ra rằng đề xuất tăng thuế GTGT hiện nay sẽ dẫn đến tăng chỉ số CPI “một lần” trong khoảng 0,06-0,39%. Như vậy, trừ khi Chính phủ nới lỏng chính sách tiền tệ hoặc tăng lương bất thường trùng với giai đoạn tăng thuế GTGT thì lạm phát không phải là vấn đề đáng lo ngại. Đáng lưu ý là ở giai đoạn này, lạm phát vẫn ở mức thấp do vậy đây là thời điểm tốt để thực hiện cải cách thuế như đề xuất của Bộ Tài chính

Theo http://www.mof.gov.vn.

  
Số lượt xem:2497