Về nội dung phân tích hiệu quả sử dụng tài sản của doanh nghiệp
6-10-2017

 Nội dung phân tích hiệu quả sử dụng (HQSD) tài sản (TS) được thể hiện qua các chỉ tiêu có liên quan rất chặt chẽ với TS phản ảnh trên Bảng cân đối kế toán (BCĐKT). Trong thời gian qua, những quy định về trình bày thông tin trên báo cáo tài chính (BCTC), trong đó có TS trên BCĐKT đã có nhiều thay đổi. Những thay đổi này, ảnh hưởng rất lớn đến nội dung phân tích HQSD TS của doanh nghiệp (DN).

Về nội dung phân tích hiệu quả sử dụng tài sản của doanh nghiệp
CT

 Tuy nhiên, hiện nay nội dung phân tích này thể hiện trong các giáo trình phân tích chưa có sự thay đổi căn bản, để phù hợp với những thay đổi của TS phản ảnh trên BCĐKT.
Bài viết chỉ ra sự cần thiết, phải nhìn nhận lại nội dung phân tích HQSD TS của DN, để bảo đảm nội dung phân tích này được đúng đắn, phù hợp với điều kiện hiện nay.

Nội dung phân tích HQSD TS

Phân tích HQSD toàn bộ TS: HQSD toàn bộ TS được xem xét ở giác độ: 1 đồng TS được đầu tư sẽ đem lại bao nhiêu đồng doanh thu (DT) hoặc lợi nhuận (LN), thể hiện qua các chỉ tiêu:

Hiệu suất sử dụng TS = Tổng DT thuần/ Tổng TS bình quân

Tỉ suất sinh lời TS = Lợi nhuận trước (sau thuế) / Tổng TS bình quân

Phân tích HQSD từng loại TS: Nội dung phân tích này, phụ thuộc rất nhiều vào quan niệm và cách sắp xếp các loại TS trên BCĐKT. Cụ thể:

1. Giai đoạn từ 1995 trở về trước: TS chỉ đơn giản được chia thành 2 loại là: Tài sản cố định (TSCĐ) và tài sản lưu động (TSLĐ) (Bộ Tài chính, Quyết định số 212-TC/CĐKT, ngày 15/12/1989). Do vậy, phân tích HQSD TS về cơ bản gồm 2 nội dung: Phân tích HQSD TSCĐ và phân tích HQSD TSLĐ.
Về HQSD TSCĐ, được phân tích qua chỉ tiêu:

Hiệu suất sử dụng TSCĐ = Tổng DT thuần / Nguyên giá TS bình quân

Ngoài ra, còn có các chỉ tiêu phân tích từng loại TSCĐ, đặc biệt là thiết bị sản xuất, như các chỉ tiêu: Hệ số sử dụng thiết bị hiện có, Hệ số sử dụng thời gian làm việc của thiết bị, Hệ số sử dụng năng lực của thiết bị, ...
Về HQSD TSLĐ: TSLĐ của các DN trong giai đoạn này, chủ yếu là TS sử dụng cho hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD), được phân bổ ở các khâu của quá trình SXKD và HQSD được đặt ra là làm sao cho TS này luân chuyển được nhanh nhất. Do vậy, phân tích HQSD TSLĐ được thực hiện thông qua việc đánh giá vòng quay vốn lưu động (VLĐ), thể hiện qua chỉ tiêu:

Vòng quay VLĐ = Tổng DT thuần / VLĐ bình quân

2. Giai đoạn từ 1995 đến 2006: TS được chia thành 2 loại: TSLĐ và đầu tư ngắn hạn và TSCĐ và đầu tư dài hạn (Bộ Tài chính, Quyết định số 1141-TC/QĐ/CĐKT, ngày 1/11/1995). Như vậy, đến giai đoạn này thì cách sắp xếp các loại TS trên BCĐKT đã có khác so với trước. Tuy nhiên, vẫn giữ 2 loại cơ bản là: TSLĐ và TSCĐ, chỉ có khác là ở mỗi loại có thêm TS đầu tư (ngắn hạn và dài hạn). Mặc dù, đã có khác so với trước, nhưng nội dung phân tích HQSDTS thể hiện qua các chỉ tiêu vẫn chưa có sự thay đổi đáng kể so với giai đoạn trước.

3. Giai đoạn từ 2006 đến nay: TS được chia thành 2 loại: TS ngắn hạn và TS dài hạn (Bộ Tài chính, Quyết định số 15/2006/QĐ-BTC, ngày 20/3/2006 và hiện nay là Thông tư số 200/2014/TT-BTC, ngày 22/12/2014). Như vậy, từ năm 2006 đến nay, TS trên BCĐKT đã có sự thay đổi đáng kể: Không còn phân thành 2 loại lớn là TSCĐ và TSLĐ. Và từ đây, nội dung phân tích HQSD TS đã có sự thay đổi: Thay vì phân tích HQSD TSCĐ và TSLĐ, các giáo trình đã thay đổi là phân tích HQSD TS ngắn hạn và HQSD TS dài hạn (Nguyễn Năng Phúc, 2013), (Phan Đức Dũng, 2011). Tuy nhiên, sự thay đổi này chỉ mới để phù hợp với tên gọi của TS là TS ngắn hạn và TS dài hạn, chứ chưa thật đầy đủ so với thực chất những thay đổi về cách sắp xếp các TS trên BCĐKT.

Cần nhìn nhận lại nội dung phân tích HQSD tài sản hiện nay

TS trên BCĐKT và những vấn đề đặt ra cho phân tích HQSD TS

Theo Thông tư 200, trước hết TS được phân biệt kỹ hơn giữa ngắn hạn và dài hạn thông qua đặc tính về thời gian luân chuyển. Kế đến là, trong TS ngắn hạn và TS dài hạn bao gồm nhiều loại hơn và tính chất cũng như yêu cầu quản lý đối với mỗi loại là rất khác nhau. Chẳng hạn: Trong TS ngắn hạn, giữa TS là đầu tư tài chính (ĐTTC) với hàng tồn kho (HTK) hoặc với khoản phải thu, ta thấy ĐTTC có tính chất là một khoản tiền đầu tư để có được LN ngay trên khoản đầu tư đó và yêu cầu quản lý được thể hiện thông qua các quyết định đầu tư, còn HTK hoặc khoản phải thu có tính chất là TS tồn tại ở các khâu của quá trình SXKD và yêu cầu quản lý là làm sao các TS này hoán chuyển thành tiền, quay vòng được nhanh nhất. Hoặc trong TS dài hạn, giữa TSCĐ với bất động sản đầu tư (BĐSĐT) hoặc với ĐTTC dài hạn,... ta cũng có thể phân tích, để chỉ ra sự khác nhau về tính chất và yêu cầu quản lý đối với từng loại TS như trường hợp TS ngắn hạn.
Tuy có sự khác nhau như vậy, nhưng giữa những TS ngắn hạn và TS dài hạn lại có những TS giống nhau, chỉ khác nhau về thời gian luân chuyển, như: Các khoản phải thu ngắn hạn và các khoản phải thu dài hạn; Các khoản ĐTTC ngắn hạn và các khoản ĐTTC dài hạn,...
Sự khác nhau và giống nhau như nêu trên, cần phải được xem là cơ sở để có cách tiếp cận trong phân tích HQSD TS cho phù hợp với những thay đổi về TS trên BCĐKT.

Phân tích HQSD TS - cần được nhìn nhận lại cho phù hợp

Cần phải thấy rằng, việc phân loại TS thành ngắn hạn và dài hạn là có ý nghĩa quan trọng trong phân tích cân bằng tài chính, đánh giá mức độ ổn định của nguồn tài trợ và khả năng thanh toán của DN. Tuy nhiên, việc phân loại này có ý nghĩa không lớn đối với trường hợp phân tích HQSD TS. Trong phân tích HQSD TS thì điều có ý nghĩa quan trọng hơn là phân tích các loại TS theo nội dung (với tính chất và yêu cầu cầu quản lý nhất đinh), sau đó mới xem xét đến yếu tố ngắn hạn hay dài hạn. Trên tinh thần như vậy, ta mới xác định nội dung và các chỉ tiêu phân tích được đúng đắn.
Phân tích HQSD TS, như đã nêu trên, trước hết cần phân tích HQSD toàn bộ TS, sau đó phân tích HQSD từng loại TS. Tuy nhiên, nội dung phân tích HQSD toàn bộ TS không có thay đổi đáng kể. Do vậy, ở đây chỉ trình bày về nội dung phân tích HQSD từng loại TS. Cụ thể, nội dung phân tích này cần được nhìn nhận lại và tiến hành phân tích theo các loại TS như sau:

- TSCĐ: Chỉ tiêu phân tích đối với HQSD TSCĐ này, cũng không có sự thay đổi đáng kể. Tuy nhiên, để đánh giá được thực chất hơn về HQSD TSCĐ, ta cần chú trọng nhiều hơn đối với các chỉ tiêu phản ảnh hiệu quả khai thác TSCĐ, thể hiện qua các chỉ tiêu về hệ số sử dụng đối với các loại TSCĐ.

- TS có yêu cầu quản lý về thời gian luân chuyển: Các TS thuộc loại này gồm HTK và TS trong thanh toán. Các TS này có yêu cầu quản lý về thời gian luân chuyển, không phân biệt ngắn hạn hay dài hạn và được phân tích như sau:
• Đối với HTK: Với tính chất và yêu cầu quản lý HTK, chỉ tiêu phân tích được xác định phù hợp như trước nay là:

Vòng quay HTK = Giá vốn hàng bán / Giá trị HTK bình quân

Hay:

Thời gian HTK = Thời gian kỳ phân tích / Vòng quay HTK

Trong đó: Giá trị HTK phải chú ý xác định sao cho tương ứng với giá vốn hàng bán. Đối với DN thương mại thì HTK đơn giản, chỉ gồm hàng hóa tồn kho và bảo đảm được sự tương ứng với giá vốn hàng bán. Còn đối với DN sản xuất thì HTK còn phải được xem xét đến nhiều bộ phận ngoài mục HTK trên BCĐKT. Chẳng hạn: Thiết bị, vật tư, phụ tùng thay thế dài hạn; chi phí trả trước ngắn hạn và dài hạn mà sau đó được phân bổ vào giá thành sản phẩm, như: Giá trị công cụ dụng cụ chờ phân bổ, chi phí sửa chữa TSCĐ chờ phân bổ,... thì cũng phải được tính vào giá trị HTK này. Có như vậy, mới bảo đảm sự tương ứng giữa giá trị HTK với giá vốn hàng bán khi tính toán chỉ tiêu phân tích.

• Đối với TS trong thanh toán: Loại TS này chính là nợ phải thu, được thể hiện qua nhiều khoản mục phải thu khác nhau, nhưng trong đó chiếm tỷ trọng lớn và có ý nghĩa nhiều trong đánh giá tình hình quản lý nợ phải thu của DN là khoản mục nợ phải thu khách hàng (NPTKH). Yêu cầu quản lý là phải thu hồi càng nhanh càng tốt để vốn được luân chuyển nhanh. Do vậy, đối với loại TS này cần tập trung vào phân tích đánh giá tình hình thu hồi nợ đối với khách hàng. Chỉ tiêu được xác định phù hợp như trước nay là:

Vòng quay NPTKH = DT thuần HĐKD + Thuế GTGT

Hay:
Thời gian NPHTK = Thời gian kỳ phân tích / Vòng quay NPTK

Trong đó, NPTKH bao gồm cả NPTKH ngắn hạn và NPTKH dài hạn.
HTK và NPTKH, như đã nêu trên, đều có tính chất là TS tồn tại ở các khâu của quá trình SXKD và đều có yêu cầu quản lý là làm sao luân chuyển được nhanh. Do vậy, ta có thể gộp lại, để đánh giá thời gian luân chuyển chung của 2 loại TS này, thể hiện qua chỉ tiêu:

Vòng quay HTK+NPTKH = Thời gian HTK + Thời gian NPTKH


- TS đầu tư: TS đầu tư gồm các TS đầu tư với mục đích tìm kiếm LN ngay trên TS đầu tư đó. Loại TS này bao gồm: TSĐTTC và BĐSĐT. Chỉ tiêu phân tích đối với các TS này được xác định, trên cơ sở thu nhập (TN) thuần như sau:
• Đối với TS ĐTTC:

Hiệu quả ĐTTC = TN thuần ĐTTC / Giá trị ĐTTC bình quân

Chỉ tiêu chi tiết theo ĐTTC ngắn hạn và ĐTTC dài hạn:

Hiệu quả ĐTTC ngắn hạn = TN thuần ĐTTC ngắn h / Giá trị ĐTTC ngắn h bq

Hiệu quả ĐTTC dài hạn = TN thuần ĐTTC dài h / Giá trị ĐTTC dài h bq
• Đối với BĐSĐT:
Hiệu quả BĐSĐT = TN thuần BĐSĐT / Giá trị thuần BĐSSST (?)

Chỉ tiêu chi tiết theo BĐSĐT dùng để cho thuê và BĐSĐT nắm giữ chờ tăng giá:

Hiệu quả BĐSĐT cho thuê = TN thuần BĐSĐT cho thuê / Giá trị thuần BĐSĐT cho thuê

Hiệu quả BĐSĐT chờ tang giá = TN thuần BĐSĐT chờ tang giá / Giá trị thuần BĐSĐT cho thuê

Chỉ tiêu phân tích hiệu quả các TS đầu tư vì được tính trên cơ sở TN thuần. Do vậy, ngoài việc phân tích so sánh với chỉ tiêu gốc để đánh giá, ta còn có thể so sánh với chỉ tiêu tỷ suất sinh lời kinh tế của TS là: RE = (LN trước thuế + Lãi vay)/ Tổng TS bq. Qua so sánh ta có thể đánh giá hiệu quả của các TS đầu tư so với hiệu quả kinh tế chung của toàn bộ TS. Từ đó, có thể quyết định nên mở rộng hay thu hẹp các TS đầu tư, mở rộng hay thu hẹp TS đầu tư nào.

- Các TS còn lại: Các TS còn lại, ngoài các TS trên gồm nhiều loại có tính chất và yêu cầu quản lý khác nhau. Phần lớn trong đó là những TS đang nằm ngoài hoạt động sinh lời của DN. Trong phân tích, các TS này không được thể hiện qua các chỉ tiêu như đối với các TS được phân tích trên, mà phải xem xét đánh giá trực tiếp đối với từng TS. Yêu cầu chung trong quản lý là các TS này, phải được giảm thấp đến mức có thể được thì mới góp phần làm tăng HQSD TS của DN.

Kết luận

Qua mỗi chế độ kế toán, đều có những thay đổi nhất định về phân loại TS trên BCĐKT và có ảnh hưởng rất lớn, đến phân tích HQSD TS. Với cách phân loại TS thành TS ngắn hạn và dài hạn như hiện nay, thì chủ yếu là nhằm để phân tích cân bằng tài chính, đánh giá tính ổn định của nguồn tài trợ và khả năng thanh toán của DN. Còn đối với phân tích HQSD TS thì cách phân loại này, chỉ có ý nghĩa ở mức độ nhất định. Phân loại TS theo nội dung, chỉ ra những TS có nội dung, tính chất và yêu cầu quản lý khác nhau mới là cơ sở chính yếu cho phân tích HQSD TS.
Trước đây, TS chỉ gồm 2 loại là: TSCĐ và TSLĐ. Giữa 2 loại này vừa khác nhau về thời gian luân chuyển giá trị, vừa khác nhau về nội dung, tính chất và yêu cầu quản lý. Cho nên, việc phân loại này vừa bảo đảm cho cả mục đích phân tích đánh giá tính ổn định của nguồn tài trợ và khả năng thanh toán, vừa bảo đảm cho cả mục đích phân tích HQSD TS. Lúc này, cả phân tích đánh giá tính ổn định của nguồn tài trợ, khả năng thanh toán và phân tích HQSD TS đều dựa trên một cách phân loại này là phù hợp. Còn hiện nay, TS cũng được chia thành 2 loại, nhưng là TS ngắn hạn và TS dài hạn và trong mỗi loại còn gồm nhiều loại nhỏ có nội dung, tính chất và yêu cầu quản lý khác nhau. Và như đã chỉ ra ở trên, cách phân loại này chỉ phù hợp cho phân tích đánh giá tính ổn định của nguồn tài trợ và khả năng thanh toán. Còn đối với phân tích HQSD TS thì ta cần phải xem xét lại, trong đó tập trung chính là xác định lại nội dung phân tích HQSD từng loại TS cho phù hợp với đặc điểm sắp xếp các loại TS trên BCĐKT hiện nay như đã được trình bày trên./.

Tài liệu tham khảo

1. Bộ Tài chính, Quyết định số 212-TC/CĐKT, ngày 15/12/1989; số 1141-TC/QĐ/CĐKT ngày 1/11/1995; Quyết định số 15/2006/QĐ-BTC, ngày 20/3/2006.
2. Thông tư số 200/2014/TT-BTC, ngày 22/12/2014 của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
3. Nguyễn Năng Phúc. Giáo trình Phân tích báo cáo tài chính - NXB Đại học Kinh tế quốc dân.
4. Phan Đức Dũng, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh (2011). Giáo trình Phân tích báo cáo tài chính - NXB Thống kê.

(Theo Tạp chí Kế toán & Kiểm toán – Bài của PGS.TS. Ngô Hà Tấn * * Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng)

  
Số lượt xem:2713