Tỉnh Kon Tum: Những kết quả đạt được trong công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2017
2-11-2017

 Tiếp tục triển khai thực hiện Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2013 và các văn bản chỉ đạo của Trung ương về THTK-CLP. Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành các Quyết định số 304/QĐ-UBND ngày 13/4/2016 về Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2020; Quyết định số 404/QĐ-UBND ngày 12/5/2017 về Chương trình hành động về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2017. Theo đó, các ngành, địa phương đã chủ động xây dựng Chương trình tổng thể thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2020 và Chương trình hành động về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2017 của ngành, địa phương mình để triển khai thực hiện; thường xuyên phổ biến, quán triệt, kiểm tra, nhắc nhở đến từng cán bộ, công chức, viên chức và người lao động về công tác THTK-CLP. Qua đó, nhận thức về THTK, CLP của cơ quan, đơn vị và cán bộ, công chức, viên chức và người dân đã được nâng lên.

Tỉnh Kon Tum: Những kết quả đạt được trong công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2017
CT

  Cùng với việc tuyên truyền, trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của Chính phủ; hướng dẫn của Bộ Tài chính và Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh về kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách năm 2017, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các đơn vị thuộc tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố nhằm kiểm soát và triển khai có hiệu quả công tác THTK, CLP trên địa bàn. Trong đó, tập trung chỉ đạo các Sở, ngành và các đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ trong điều hành ngân sách, thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, hạn chế tối đa ban hành chính sách mới làm giảm thu; không ban hành các chính sách, chế độ, chương trình, dự án làm tăng chi ngân sách địa phương khi không cân đối được nguồn; kiểm soát chặt chẽ dự toán ngân sách địa phương, nhất là kinh phí họp, hội nghị, hội thảo lễ hội, mua sắm ô tô và trang thiết bị đắt tiền… Kiên quyết cắt giảm những khoản chi thường xuyên đã có trong dự toán đầu năm nhưng đến 30/6/2017 chưa phân bổ hoặc đã phân bổ nhưng chưa triển khai thực hiện (trừ trường hợp đặc biệt được cấp có thẩm quyền quyết định).

   Từ những chỉ đạo nêu trên, Kết quả THTK-CLP năm 2017 đã đạt được một số kết quả nhất định, như sau: Tổng số tiền nợ thuế của các đối tượng tính đến ngày 30/9/2017 giảm 1,6% (Dự báo đến 31/12/2017 giảm 2%) so với thời điểm 31/12/2016; tổng số tiết kiệm chi quản lý hành chính của các đơn vị sử dụng ngân sách trên địa bàn tỉnh là 7.666 triệu đồng (Gồm: Tiết kiệm chi văn phòng phẩm: 947 triệu đồng; cước phí thông tin liên lạc 498 triệu đồng; điện, nước, xăng dầu 1.853 triệu đồng; công tác phí 1.052 triệu đồng; tổ chức hội nghị, hội thảo 413 triệu đồng; tiếp khách, khánh tiết...1.018 triệu đồng; mua sắm, sửa chữa tài sản, trang thiết bị làm việc 1.885 triệu đồng); Tiết kiệm trong thực hiện cơ chế khoán chi, giao quyền tự chủ cho các cơ quan, tổ chức: 14.880 triệu đồng; Tiết kiệm trong đầu tư xây dựng: 17.421 triệu đồng; tiết kiệm của các doanh nghiệp nhà nước trên địa bàn tỉnh 1.721 triệu đồng (gồm: tiết kiệm chi phí, giá thành sản xuất kinh doanh: 1.402 triệu đồng, quản lý đầu tư xây dựng: 319 triệu đồng); Công tác lập, thẩm định và phê duyệt các dự án đầu tư sử dụng vốn đầu tư công được thực hiện đúng theo quy trình tại Luật Xây dựng, Luật Đầu tư công và các văn bản hướng dẫn có liên quan, phù hợp quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, quy hoạch ngành, lĩnh vực; Bên cạnh đó, Công tác lập, thẩm định và phê duyệt trong đấu thầu được thực hiện đúng theo quy định hiện hành. Việc mua sắm trang thiết bị, xem xét ưu tiên sử dụng hàng hóa sản xuất trong nước theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 494/CT-TTg ngày 20/4/2010.

   Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát về THTK, CLP đã được chỉ đạo triển khai quyết liệt. Từ đầu năm đến nay, Ngành thanh tra tỉnh Kon Tum đã thực hiện và kết thúc 94 cuộc thanh tra trên các lĩnh vực; qua thanh tra phát hiện số tiền sai phạm 9.266.801.558 đồng, đã kiến nghị thu hồi nộp NSNN 1.684.576.376 đồng, thu hồi về cho đơn vị 427.129.820 đồng, kiến nghị xử lý khác 7.155.095.362 đồng. Xử phạt vi phạm hành chính 1.644.918.963 đồng; kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại trên tất cả các lĩnh vực 2.300 vụ; trong đó xử phạt vi phạm hành chính 1.200 vụ, với tổng số tiền thu phạt 1.200 triệu đồng đạt 156% kế hoạch; Bán hàng tịch thu, tiêu hủy trị giá 380 triệu đồng.

Từ những kết quả đạt được nêu trên, Phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm về THTK-CLP năm 2018 trên địa bàn tỉnh, đó là:

- Tiếp tục quán triệt Luật thực hành tiết kiệm chống lãng phí; Nghị định số 84/2014/NĐ-CP ngày 08/9/2014 của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều của Luật Thực hành tiết kiêm chống lãng phí; Thông tư số 188/2014/TT- BTC ngày 10/12/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn một số điều của Nghị định số 84/2014/NĐ-CP ngày 08/9/2014 của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều của Luật Thực hành tiết kiêm chống lãng phí; Quyết định số 2544/QĐ-TTg ngày 30/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2020; Quyết định số 304/QĐ-UBND ngày 13/4/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh về ban hành Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2020; rà soát bổ sung chương trình hành động có trọng tâm, trọng điểm, quản lý việc sử dụng ngân sách trong các lĩnh vực mua sắm tài sản công, đầu tư xây dựng cơ bản; quản lý đất đai..., cải cách thủ tục hành chính.

- Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục phổ biến pháp luật về THTK, CLP cho cán bộ, công chức, viên chức về ý thức thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong thi hành công vụ gắn với “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, đặc biệt là tư tưởng đạo đức của Người về THTK, CLP nhằm nâng cao ý thức chấp hành và thực hiện tốt công tác THTK, CLP trong cán bộ công chức, viên chức và người lao động.

- Rà soát, kiến nghị cấp thẩm quyền, sửa đổi, bổ sung ban hành mới các định mức, tiêu chuẩn, chế độ trong các lĩnh vực, nhất là chi tiêu ngân sách, tài sản công.

- Nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về THTK, CLP đối với các cơ quan, đơn vị sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước, tiền, tài sản Nhà nước, tài nguyên thiên nhiên và các doanh nghiệp có vốn của Nhà nước. Kiên quyết xử lý theo đúng quy định pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân có vi phạm, gây lãng phí...

- Thực hiện theo đúng quy định của Luật Đầu tư công và các văn bản hướng dẫn, trong đó chỉ bố trí vốn cho các chương trình, dự án đã dự kiến đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016 - 2020; các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020.

- Năm 2018, ngay từ đầu năm các cấp, các ngành tiếp tục chủ động sắp xếp, các nhiệm vụ chi cho phù hợp dự toán được giao; UBND các huyện, thành phố điều hành chi phù hợp với khả năng thu ngân sách trên địa bàn; Các đơn vị tăng cường quản lý chi ngân sách nhà nước, bảo đảm chặt chẽ, tiết kiệm và hiệu quả; thực hiện rà soát, sắp xếp, cắt giảm hoặc lùi thời gian thực hiện các nhiệm vụ chi thường xuyên chưa thực sự cấp thiết, nhất là các khoản chi: điện thoại, văn phòng phẩm ...; không ban hành các đề án, chương trình, chính sách mới hoặc nâng định mức làm tăng chi ngân sách khi chưa xác định được nguồn đảm bảo.

- Tiếp tục triển khai thực hiện Kế hoạch số 2036/KH-UBND ngày 04/9/2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 2 năm 2015 của Chính phủ về cơ chế tự chủ tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập; đối với các cơ quan quản lý nhà nước, tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai thực hiện cơ chế tự chủ về nhiệm vụ, biên chế và kinh phí quản lý hành chính theo Nghị định 130/2005/NĐ-CP và Nghị định 117/2013/NĐ-CP của Chính phủ. Đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện tự chủ của các cơ sở sự nghiệp công lập gắn với lộ trình thực hiện tính giá dịch vụ sự nghiệp công, giảm dần mức hỗ trợ trực tiếp cho đơn vị sự nghiệp công lập, tăng nguồn đảm bảo chính sách hỗ trợ người nghèo, đối tượng chính sách; khuyến khích xã hội hoá, huy động các nguồn lực xã hội để phát triển kinh tế - xã hội. Rà soát, sắp xếp nhiệm vụ chi theo hướng tăng cường lồng ghép, khắc phục trùng lắp, chồng chéo, lãng phí (nếu có);

- Tăng cường vai trò trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan đơn vị trong việc sử dụng ngân sách phải đảm bảo đúng đối tượng, đúng chế độ, có hiệu quả và tiết kiệm. Tổ chức công khai việc sử dụng ngân sách, mua sắm, sử dụng tài sản công; công khai các nguồn vốn huy động, các quỹ có nguồn huy động đóng góp của nhân dân; công khai việc quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, hoạt động khai thác tài nguyên thiên nhiên... theo quy định hiện hành;

- Đẩy mạnh cải cách hành chính nhà nước, nhất là cải cách về thủ tục hành chính trong giải quyết các công việc liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp. Thực hiện đúng quy định của Luật Đầu tư công và các văn bản hướng dẫn, chỉ bố trí vốn cho các chương trình, dự án đã dự kiến đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016 - 2020; các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020./.

TT

 

  
Số lượt xem:740