Hội nghị trực tuyến tổng kết nhiệm vụ tài chính - ngân sách năm 2017
9-1-2018

 Sáng ngày 08/01/2018, Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác tài chính - ngân sách Nhà nước năm 2017, triển khai nhiệm vụ tài chính - ngân sách Nhà nước năm 2018; đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ đến dự và chỉ đạo hội nghị.
Tại điểm cầu Kon Tum, dự hội nghị có đồng chí Lê Ngọc Tuấn, Phó chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các ngành Tài chính, Kho bạc, Ngân hàng, Thuế, Hải quan.

Hội nghị trực tuyến tổng kết nhiệm vụ tài chính - ngân sách năm 2017
CT

Đ/c Lê Ngọc Tuấn Phó chủ tịch UBND tỉnh dự hội nghị

 Trình bày báo cáo tổng kết công tác tài chính - NSNN năm 2017, triển khai nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2018, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho biết, năm 2017, ngành Tài chính đã cơ bản hoàn thành nhiệm vụ tài chính - NSNN mà Quốc hội đã quyết định, Thủ tướng Chính phủ giao, góp phần quan trọng hoàn thành thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

 

Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà trình bày báo cáo

 

Trong năm 2017, Bộ Tài chính đã thực hiện điều hành chính sách tài khóa chủ động, chặt chẽ, tiết kiệm; siết chặt kỷ cương, kỷ luật tài chính góp phần đảm bảo mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Thu cân đối ngân sách Nhà nước đạt hơn 1.283,2 nghìn tỷ đồng, vượt 71 nghìn tỷ đồng, tăng 5,9% so dự toán, tăng 43,7 nghìn tỷ đồng so báo cáo Quốc hội đạt mức động viên 25,6% so GDP; trong đó, thuế phí 21% GDP. Về chi NSNN, Bộ Tài chính đã sớm có văn bản hướng dẫn các bộ, ngành và địa phương tổ chức triển khai dự toán chi NSNN năm 2017 tích cực, chủ động, tiết kiệm triệt để các khoản chi ngay từ khâu phân bổ dự toán và trong quá trình thực hiện, hạn chế tối đa việc đề nghị bổ sung kinh phí, ứng trước dự toán năm sau... Đồng thời, tiếp tục rà soát, trình cấp có thẩm quyền bổ sung, ban hành các chính sách, chế độ chi phù hợp với thực tiễn; tăng cường kiểm soát chi NSNN chặt chẽ, đúng chế độ; đẩy mạnh công tác thanh tra tài chính - ngân sách, qua đó từng bước tăng cường kỷ cương, kỷ luật tài chính, nâng cao hiệu quả sử dụng NSNN.

 

Bộ Tài chính đã xây dựng và trình ban hành đồng bộ, đầy đủ, kịp thời các văn bản hướng dẫn Luật NSNN; đồng thời, đã trình Quốc hội thông qua Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và Luật Quản lý nợ công (sửa đổi); triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến 946 thủ tục; rà soát 325 thủ tục hành chính (TTHC); đơn giản hóa 38 TTHC và bãi bỏ 4 TTHC không còn phù hợp. Ngành Tài chính đã mở rộng hệ thống khai thuế qua mạng, hiện có 623,7 nghìn DN tham gia sử dụng dịch vụ khai thuế điện tử, đạt 99,8% số DN kê khai; số DN đăng ký nộp thuế điện tử đạt 97,9%. Ngành cũng đã mở rộng hoàn thuế điện tử, các dịch vụ điện tử đối với cá nhân, tổ chức. Cơ chế một cửa quốc gia đã kết nối được 11 bộ, ngành; xử lý trên 581 nghìn bộ hồ sơ, với trên 14,8 nghìn DN tham gia...
 

 

Để hoàn thành tốt nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2018, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, ngành, địa phương: tiếp tục điều hành chính sách tài khóa thận trọng; phối hợp chặt chẽ với chính sách tiền tệ nhằm hỗ trợ phát triển sản xuất - kinh doanh, tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; quyết liệt công tác thu ngân sách; quản lý chi ngân sách chặt chẽ, siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính; đẩy mạnh cải cách TTHC, hiện đại hóa trong lĩnh vực tài chính, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, phát triển doanh nghiệp, khuyến khích khởi nghiệp, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế; tăng cường quản lý tài chính doanh nghiệp, đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp; đẩy mạnh đổi mới cơ chế tài chính đơn vị sự nghiệp công lập, giá dịch vụ công theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII); đẩy mạnh sắp xếp tổ chức bộ máy, giảm đầu mối theo hướng tinh gọn; tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý giá, …. Với mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu về NSNN năm 2018 phấn đấu hoàn thành:
- Dự toán thu cân đối NSNN là 1.319,2 nghìn tỷ đồng; trong đó: dự toán thu nội địa 1.099,3 nghìn tỷ đồng, dự toán thu dầu thô 35,9 nghìn tỷ đồng, dự toán thu cân đối từ hoạt động XNK 179 nghìn tỷ đồng.
- Dự toán chi NSNN là 1.523,2 nghìn tỷ đồng; trong đó: dự toán chi ĐTPT là 399,7 nghìn tỷ đồng, dự toán chi thường xuyên NSNN là 940,74 nghìn tỷ đồng, dự toán chi trả nợ lãi là 112,5 nghìn tỷ đồng. Ngoài ra, chi trả nợ gốc của NSNN khoảng 159,74 nghìn tỷ đồng.
- Dự toán bội chi NSNN là 204 nghìn tỷ đồng (3,7%GDP); trong đó: bội chi NSTW 3,5%GDP (195 nghìn tỷ đồng); bội chi NSĐP 0,2%GDP (9 nghìn tỷ đồng).
- Nhiệm vụ huy động vốn là 363,28 nghìn tỷ đồng, trong đó để bù đắp bội chi 206,15 nghìn tỷ đồng, để trả nợ gốc 157,1 nghìn tỷ đồng.
Tóm lại, nhiệm vụ tài chính-NSNN năm 2018 diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế - xã hội đất nước tiếp tục có những chuyển biến tích cực, song cũng còn nhiều khó khăn. Bộ Tài chính tin tưởng với sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ của các các bộ, ngành, địa phương và quyết tâm cao của toàn bộ công chức ngành tài chính sẽ hoàn thành nhiệm vụ Quốc hội, Chính phủ giao./.
 

TH

 

  
Số lượt xem:847