Tình hình kinh tế - xã hội đạt được những kết quả quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực | |
23-5-2018 | |
Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội khóa khóa XIV dành phần lớn thời gian chương trình cho công tác lập pháp, bên cạnh đó thực hiện nhiều đổi mới trong hoạt động chất vấn, cải tiến thảo luận tại hội trường về quyết toán ngân sách nhà nước cùng các báo cáo về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. |
|
CT | |
Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình báo cáo tại Quốc hội. Tốc độ tăng trưởng 6,81% Ngay sau phiên khai mạc Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội khóa XIV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Quốc hội nghe Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình trình bày Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2018. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cho biết, tổng hợp kết quả đạt được cả năm cho thấy những nhận định, đánh giá đã báo cáo Quốc hội cơ bản phù hợp, trong đó 7/13 chỉ tiêu đạt kết quả tích cực hơn. Đáng chú ý là tốc độ tăng trưởng GDP đạt 6,81% (đã báo cáo 6,7%), kim ngạch xuất khẩu tăng 21,2% (đã báo cáo 14,4%) và xuất siêu 2,9 tỷ USD. Theo đánh giá của Chính phủ, nhờ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước, tình hình kinh tế - xã hội năm 2017 và những tháng đầu năm 2018 chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực. Kinh tế vĩ mô ổn định; các ngành chủ yếu đều tăng trưởng cao hơn cùng kỳ. Đời sống người dân tiếp tục được cải thiện; các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường, cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, lãng phí, quốc phòng, an ninh, đối ngoại đạt nhiều kết quả, tạo không khí phấn khởi trong toàn xã hội, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Tuy nhiên, nền kinh tế nước ta vẫn còn những hạn chế, yếu kém. Đặc biệt, thu NSNN 4 tháng tăng 12,1% so với cùng kỳ, đạt 33,8% dự toán; đáp ứng kịp thời các khoản chi theo kế hoạch và các nhiệm vụ cấp bách, mới phát sinh. Công tác quản lý thị trường, giá cả, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại được tăng cường; bảo đảm cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu cho sản xuất và đời sống, không để xảy ra thiếu hàng, sốt giá, nhất là trong dịp lễ, Tết. Môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện; cải cách thủ tục hành chính có nhiều tiến bộ. Rà soát, có phương án cắt giảm khoảng 50% điều kiện đầu tư kinh doanh trong các lĩnh vực công thương, y tế, giao thông vận tải, xây dựng, nông nghiệp... Tạo chuyển biến trong quản lý tài sản công Thẩm tra báo cáo này, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhất trí với các kết quả đạt được như Báo cáo của Chính phủ đã nêu và đề nghị làm rõ thêm một số vấn đề như đề nghị Chính phủ báo cáo cụ thể hơn về việc thực hiện các giải pháp nhằm tăng cường quản lý tài sản công liên quan đến quá trình cổ phần hóa DNNN và bán tài sản nhà nước; công tác quản lý chất lượng và vận hành các công trình xây dựng; việc kiểm soát tình trạng bong bóng bất động sản ở các địa phương; việc ban hành cơ chế, chính sách, giải pháp đầu tư, hỗ trợ Nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội sau khi Quốc hội quyết định dừng thực hiện chủ trương đầu tư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận; việc bảo đảm an ninh chính trị nội bộ, an ninh văn hóa; kết quả triển khai tận dụng các lợi thế, giải pháp vượt qua khó khăn trong thực hiện các điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế. Kiến nghị thêm các giải pháp để hoàn thành nhiệm vụ những tháng còn lại năm 2018, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ tập trung giải quyết các yếu kém đã được nhận diện, quan tâm hơn đến vấn đề chất lượng tăng trưởng, đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng; chú trọng nâng cao chất lượng xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, tăng cường hiệu quả thực thi pháp luật; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Bên cạnh đó, triển khai quyết liệt việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy thuộc hệ thống chính trị và các đơn vị sự nghiệp công lập, tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy, có phương án về chính sách xã hội đối với người lao động; đẩy mạnh cải cách hành chính, tư pháp, phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, cắt giảm các thủ tục hành chính một cách thực chất, minh bạch thủ tục hành chính và xử lý các sai phạm. Ngoài ra, trên cơ sở kết quả giám sát của Quốc hội, cần tạo sự chuyển biến thực chất về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa DNNN, đẩy nhanh việc cơ cấu lại DNNN và xử lý các DNNN thua lỗ, có dấu hiệu mất an toàn, xử lý nghiêm lãnh đạo các DNNN vi phạm quy định về công bố thông tin, tài chính, kế toán. Sớm ban hành quy định về tổ chức và hoạt động của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; tập trung cơ cấu lại, kiểm soát chặt chẽ thu, chi NSNN, quyết liệt tăng cường kỷ luật NSNN, nghiên cứu kỹ trước khi đề xuất các loại thuế mới. Xây dựng danh mục các dự án trọng điểm, có sức lan tỏa cao để tận dụng nguồn vốn vay ưu đãi của các tổ chức tài chính quốc tế. Bố trí nguồn lực tài chính thực hiện có hiệu quả các chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi...
Theo: http://www.mof.gov.vn |
|
Số lượt xem:859 | |