Những sai phạm qua thanh tra, kiểm tra công tác trích lập các khoản dự phòng
29-8-2018

 Thông tư 228/2009/TT-BTC hướng dẫn chế độ trích lập và sử dụng các khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho, tổn thất các khoản đầu tư tài chính, nợ phải thu khó đòi và bảo hành sản phẩm, hàng hóa, công trình xây lắp tại doanh nghiệp, có hiệu lực từ ngày 7/12/2009; tuy nhiên, trong quá trình thanh tra, kiểm tra tại một số đơn vị vẫn xảy ra tình trạng thực hiện không đúng các quy định của Thông tư làm ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh và gây khó khăn trong công tác quản lý của cơ quan nhà nước.

Những sai phạm qua thanh tra, kiểm tra công tác trích lập các khoản dự phòng
CT

 Theo quy định tại Thông tư 228/2009/TT-BTC, các khoản dự phòng được trích, gồm có:

- Dự phòng giảm giá hàng tồn kho là dự phòng phần giá trị bị tổn thất do giá vật tư, thành phẩm, hàng hóa tồn kho bị giảm.

- Dự phòng tổn thất các khoản đầu tư chính là dự phòng phần giá trị bị tổn thất do các loại chứng khoán đầu tư của doanh nghiệp bị giảm giá; giá trị các khoản đầu tư tài chính bị tổn thất do tổ chức kinh tế mà doanh nghiệp đang đầu tư vào bị lỗ.

- Dự phòng nợ phải thu khó đòi là dự phòng phần giá trị bị tổn thất của các khoản nợ phải thu quá hạn thanh toán, nợ phải thu chưa quá hạn nhưng có thể không đòi được do khách nợ không có khả năng thanh toán.

- Dự phòng bảo hành sản phẩm, hàng hóa, công trình xây lắp là dự phòng chi phí cho những sản phẩm, hàng hóa, công trình xây lắp đã bán, đã bàn giao cho người mua nhưng doanh nghiệp vẫn có nghĩa vụ phải tiếp tục sửa chữa, hoàn thiện theo hợp đồng hoặc cam kết với khách hàng.

Các khoản dự phòng nêu trên được trích trước vào chi phí hoạt động kinh doanh năm báo cáo của doanh nghiệp, giúp cho doanh nghiệp có nguồn tài chính để bù đắp tổn thất có thể xảy ra trong năm kế hoạch, nhằm bảo toàn vốn kinh doanh; đảm bảo cho doanh nghiệp phản ánh giá trị vật tư hàng hóa tồn kho, các khoản đầu tư tài chính không cao hơn giá cả trên thị trường và giá trị của các khoản nợ phải thu không cao hơn giá trị có thể thu hồi được tại thời điểm lập báo cáo tài chính.

Qua thanh tra, kiểm tra, đã phát hiện một số đơn vị thực hiện không đúng hướng dẫn của Thông tư 228/2009/TT-BTC, trích dự phòng khi chưa đủ điều kiện về trích lập dự phòng, phương pháp trích không đúng, xử lý các khoản trích lập dự phòng không đúng quy định, tập trung vào những sai phạm cơ bản, như:

Trước hết về Đối tượng trích lập dự phòng:

- Trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho mà đối tượng là nguyên vật liệu, dụng cụ dùng cho sản xuất, vật tư, hàng hóa, thành phẩm tồn kho (gồm cả hàng tồn kho bị hư hỏng, kém mất phẩm chất, lạc hậu mốt, lạc hậu kỹ thuật, lỗi thời, ứ đọng, chậm luân chuyển), sản phẩm dở dang, chi phí dịch vụ dở dang (sau đây gọi tắt là hàng tồn kho) khi giá gốc ghi trên sổ kế toán cao hơn giá trị thuần có thể thực hiện được. Trích lập dự phòng khi: Chưa có hóa đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của Bộ Tài chính hoặc các chứng từ khác chứng minh giá vốn hàng tồn kho; nguyên vật liệu có giá trị thuần có thể thực hiện được thấp hơn so với giá gốc nhưng giá bán sản phẩm dịch vụ được sản xuất từ nguyên vật liệu này không bị giảm giá....

- Trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi khi chưa đủ căn cứ như: Khoản nợ không có chứng từ gốc, không có đối chiếu xác nhận của khách nợ về số tiền còn nợ, nợ phải thu chưa đến hạn thanh toán ghi trên hợp đồng kinh tế, các khế ước vay nợ hoặc các cam kết nợ khác. Trích lập dự phòng phải thu khó đòi của các tổ chức kinh tế (các công ty, doanh nghiệp tư nhân, hợp tác xã, tổ chức tín dụng ...) chưa đến hạn thanh toán nhưng chưa xác định doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản hoặc đang làm thủ tục giải thể; người nợ mất tích, bỏ trốn, đang bị các cơ quan pháp luật truy tố, giam giữ, xét xử, đang thi hành án hoặc đã chết theo quy định. 

- Dự phòng bảo hành sản phẩm, hàng hóa, công trình xây lắp khi chưa đủ điều kiện là những sản phẩm, hàng hóa, công trình xây lắp do doanh nghiệp thực hiện và đã bán hoặc bàn giao trong năm được doanh nghiệp cam kết bảo hành tại hợp đồng hoặc các văn bản quy định khác.

- Dự phòng tổn thất các khoản đầu tư tài chính như các loại chứng khoán mà doanh nghiệp đầu tư nhưng không đủ cơ sở xác định giá hạch toán tại thời điểm kiểm kê, lập báo cáo. Trích lập dự phòng không đủ căn cứ xác định các khoản đầu tư tài chính dài hạn mà doanh nghiệp đang đầu tư vào tổ chức kinh tế khác được thành lập theo quy định của pháp luật như công ty nhà nước, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh… và các khoản đầu tư dài hạn khác bị lỗ. Trích lập dự phòng giảm giá những chứng khoán không được phép mua bán tự do trên thị trường như các chứng khoán bị hạn chế chuyển nhượng theo quy định của pháp luật; cổ phiếu quỹ.

Trong Phương pháp trích lập dự phòng, khi xây dựng các đơn vị thường xác định không đúng thời gian nợ và tỷ lệ trích lập; lượng hàng hóa đưa vào trích lập dự phòng không đúng với thực tế, xác định không đúng giá trị thuần có thể thực hiện được của hàng hóa, giá trị chứng khoán, thời hạn nợ, khả năng trả nợ....

Về Thẩm quyền xử lý các khoản nợ một số doanh nghiệp thực hiện không đúng thẩm quyền về xử lý các khoản nợ như giá trị các khoản nợ thuộc thẩm quyền xử lý của giao cho Hội đồng quản trị (đối với doanh nghiệp có Hội đồng quản trị) hoặc Hội đồng thành viên (đối với doanh nghiệp có Hội đồng thành viên); Tổng giám đốc, Giám đốc (đối với doanh nghiệp không có Hội đồng quản trị hoặc Hội đồng thành viên) hoặc chủ doanh nghiệp căn cứ vào Biên bản của Hội đồng xử lý, các bằng chứng liên quan đến các khoản nợ để quyết định xử lý những khoản nợ phải thu không thu hồi được và chịu trách nhiệm về quyết định của mình trước pháp luật, đồng thời thực hiện các biện pháp xử lý trách nhiệm theo chế độ hiện hành.

Đối với Căn cứ trích lập dự phòng xác định đúng căn cứ trích lập dự phòng tại thời điểm lập dự phòng về giá gốc của hàng tồn kho so với giá trị thuần có thể thực hiện được của hàng tồn kho; xác định không đúng giá trị chứng khoán do doanh nghiệp đầu tư bị giảm giá so với giá đang hạch toán trên sổ kế toán; khoản vốn đầu tư vào tổ chức kinh tế bị tổn thất do tổ chức kinh tế bị lỗ; không đủ căn cứ xác định các khoản nợ phải thu được xác định khó đòi.

Theo quy định tại Thông tư 78/2014/TT-BTC ngày 18/6/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn về thuế thu nhâp doanh nghiệp (có hiệu lực thi hành từ ngày 02/8/2014 và áp dụng tính thuế thu nhập doanh nghiệp từ năm 2014 trở đi) quy định khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp, gồm có các khoản “Trích, lập và sử dụng các khoản dự phòng không theo đúng hướng dẫn của Bộ Tài chính về trích lập dự phòng: dự phòng giảm giá hàng tồn kho, dự phòng tổn thất các khoản đầu tư tài chính, dự phòng nợ phải thu khó đòi, dự phòng bảo hành sản phẩm, hàng hóa, công trình xây lắp và dự phòng rủi ro nghề nghiệp của doanh nghiệp thẩm định giá, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ kiểm toán độc lập”.

Do đó, để tránh giảm trừ các khoản trích, lập dự phòng không đúng các đơn vị chủ quản, các doanh nghiệp cần thực hiện những biện pháp, như sau:

- Tăng cường hướng dẫn các đơn vị trực thuộc thực hiện đúng quy định tại Thông tư 228/2009/TT-BTC về trích lập dự phòng; xây dựng chi tiết chủng loại, mức trích lập dự phòng cụ thể cho từng hàng hóa, vật tư, thiết bị.

- Quy định rõ trách nhiệm, thẩm quyền trong việc theo dõi, xử lý các khoản dự phòng. Hướng dẫn các đơn vị trong phạm vi quản lý ban hành các quy định, quy chế cụ thể đối với việc theo dõi xử lý các khoản nợ, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc theo dõi tránh để phát sinh, bỏ sót các khoản nợ khó đòi ảnh hưởng đến hoạt động thường xuyên của đơn vị.

- Phối hợp với đơn vị chủ quản, cơ quan quản lý trong việc giải quyết những vướng mắc khi xử lý các khoản dự phòng chưa đủ căn cứ tránh gây nên tổn thất có thể xảy ra trong năm tài chính.

Đối với các cơ quan quản lý cần tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện công tác trích lập dự phòng; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chấn chỉnh những sai phạm trong công tác quản lý, theo dõi và xử lý các khoản dự phòng tại các đơn vị. Phối hợp với doanh nghiệp, đơn vị có biện pháp trong việc xử lý các khoản dự phòng, tổn thất kéo dài chưa được xử lý dứt điểm, giúp cho doanh nghiệp có nguồn tài chính để bù đắp tổn thất có thể xảy ra, nhằm bảo toàn vốn kinh doanh và góp phần tăng cường công tác quản lý không để thất thu ngân sách nhà nước./.

Theo http://www.mof.gov.vn.

  
Số lượt xem:2344