Đẩy mạnh tự chủ tại các đơn vị sự nghiệp công lập |
22-11-2018 |
Trong vài năm trở lại đây, Nhà nước đã và đang xóa bỏ cơ chế bao cấp, trừ một số hoạt động sự nghiệp quan trọng thiết yếu đến cuộc sống và sức khỏe của người dân. Chủ trương xã hội hóa hoạt động sự nghiệp đã và đang được triển khai. Tuy nhiên, đến nay, số lượng đơn vị sự nghiệp do ngân sách nhà nước bảo đảm toàn bộ chi hoạt động thường xuyên vẫn chiếm tỷ trọng cao. |
CT |
Thực trạng xã hội hóa hoạt động sự nghiệp Thực hiện các chủ trương, thông báo kết luận của Bộ Chính trị, của Chính phủ về đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập (đơn vị SNCL); với mục tiêu thúc đẩy các đơn vị SNCL vươn lên, phát triển nhanh, bền vững, tăng cường khả năng tự chủ ở mức cao hơn, nâng cao số lượng, chất lượng dịch vụ sự nghiệp công, đáp ứng tốt hơn các yêu cầu của phát triển kinh tế xã hội, Bộ Tài chính và các Bộ, ngành đã tham mưu trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ từng bước hoàn thiện cơ chế chính sách đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tự chủ đối với các đơn vị SNCL, trong đó tự chủ tài chính là điều kiện tiên quyết cho đổi mới hoạt động của đơn vị SNCL, giúp các đơn vị đẩy mạnh tự chủ trong thực hiện nhiệm vụ được giao; phát huy mọi khả năng để trở thành cơ sở cung cấp dịch vụ sự nghiệp công có uy tín, chất lượng. Thực tiễn thời gian qua cho thấy việc triển khai giao quyền tự chủ tài chính cho đơn vị SNCL đã mang lại một số kết quả tích cực, như các đơn vị SNCL đã chủ động sử dụng nguồn kinh phí NSNN giao để thực hiện nhiệm vụ có hiệu quả; đồng thời chủ động sử dụng tài sản, nguồn nhân lực để phát triển và nâng cao số lượng, chất lượng hoạt động cung cấp dịch vụ công, từ đó phát triển nguồn thu. Tuy vậy, kết quả này mới chỉ tập trung tại một số đơn vị năng động, sáng tạo và có lợi thế về uy tín trong cung cấp dịch vụ sự nghiệp công hoặc ở một số ngành nghề có khả năng xã hội hóa cao. Theo báo cáo chưa đầy đủ của các Bộ, ngành và địa phương, đến nay tỷ lệ các đơn vị SNCL tự đảm bảo kinh phí hoạt động còn thấp (chiếm khoảng 3,7% tổng số các đơn vị SNCL của cả nước, tương đương 2.057 đơn vị SNCL), việc thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị SNCL còn chậm, chưa có bước chuyển biến có tính đột phá; chưa tách bạch rõ ràng giữa chức năng QLNN với chức năng cung cấp dịch vụ công. Một số chính sách là điều kiện quan trọng để thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của đơn vị SNCL chưa được sửa đổi, bổ sung và ban hành đầy đủ kịp thời (như danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN, quy hoạch mạng lưới đơn vị SNCL, các định mức kinh tế kỹ thuật, định mức chi phí, giá, phí dịch vụ sự nghiệp công...); một số đơn vị SNCL khi mở rộng hoạt động dịch vụ (như liên doanh, liên kết) còn chạy theo số lượng mà không quan tâm đến chất lượng hoạt động, lạm dụng kỹ thuật để tăng thu. Đồng thời, vẫn có những khoảng cách lớn giữa các vùng, miền, giữa trung ương với địa phương trong các hoạt động của các đơn vị SNCL… nên việc khai thác các nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển hoạt động cung cấp dịch vụ sự nghiệp công còn hạn chế. Nguyên nhân cơ bản của tình trạng trên chủ yếu là do công tác tuyên truyền cũng như hoạt động triển khai của các cấp, các ngành và các địa phương chưa được quan tâm đúng mức; cơ chế quản lý và phương thức hoạt động chưa được đổi mới đồng bộ… nên hoạt động của đơn vị SNCL chưa mang lại hiệu quả cao, chưa đáp ứng nhu cầu của xã hội. Việc phân bổ kinh phí hoạt động thường xuyên (đối với đơn vị tự bảo đảm một phần chi phí và đơn vị do NSNN bảo đảm toàn bộ chi phí hoạt động) còn mang tính bình quân, trên cơ sở nguồn thu sự nghiệp của đơn vị và khả năng NSNN; chưa thực sự gắn kết giữa giao nhiệm vụ và giao kinh phí; nên còn tình trạng trông chờ, ỉ lại vào sự bao cấp của nhà nước, đây cũng là nguyên nhân làm chậm quá trình đẩy nhanh việc đổi mới tự chủ tài chính của các đơn vị SNCL. Khẩn trương xây dựng kế hoạch và hành động quyết liệt Đẩy mạnh tự chủ tại các đơn vị SNCL là hướng đi đúng đắn và cần phải quyết tâm thực hiện, giúp giảm số lượng biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước, tăng cường tự chủ cho các đơn vị SNCL trong tuyển dụng cũng như đãi ngộ người lao động. Điều này đã được khẳng định tại Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban chấp hành Trung ương về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Nghị quyết số 19-NQ/TW về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị SNCL với mục tiêu: Đến năm 2021 giảm tối thiểu 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2015, cơ bản chấm dứt số hợp đồng lao động không đúng quy định trong các đơn vị sự nghiệp công lập (trừ những đơn vị đã bảo đảm tự chủ tài chính); Đến năm 2025 tiếp tục giảm 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2021, chấm dứt số hợp đồng lao động không đúng quy định trong các đơn vị sự nghiệp công lập (trừ các đơn vị bảo đảm tự chủ tài chính); Đến năm 2030 giảm 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2025. Một mặt, việc đổi mới cơ chế xác định và giao biên chế cần thực hiện theo hướng quản lý, giám sát chặt chẽ biên chế của các đơn vị SNCL do ngân sách nhà nước bảo đảm toàn bộ hoặc một phần chi thường xuyên; mặt khác cần đẩy mạnh thí điểm việc thi tuyển và thực hiện thuê giám đốc điều hành tại các đơn vị SNCL. Bên cạnh đó, cần tiếp tục đổi mới cơ chế, phương thức tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức (bao gồm cả cán bộ quản lý); có chính sách thu hút nhân tài, thu hút đội ngũ viên chức có chuyên môn, nghiệp vụ giỏi vào làm việc trong đơn vị SNCL; thực hiện đào tạo lại, hỗ trợ thích hợp đối với viên chức và người lao động dôi dư do sáp nhập, giải thể hoặc chuyển thành đơn vị sự nghiệp ngoài công lập. Theo đó, các Bộ, ngành, địa phương cần khẩn trương xây dựng kế hoạch, hành động khẩn trương, quyết liệt để đạt được các mục tiêu đã được đề ra. Giải pháp thực hiện Để tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị SNCL nhằm đạt các mục tiêu đã nêu tại Nghị quyết số 19-NQ/TW, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp như sau: Thứ nhất, các bộ, ngành, địa phương xây dựng, trình cấp có thẩm quyền Đề án sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc bộ, ngành, địa phương để triển khai thực hiện ngay nhằm giảm mạnh đầu mối, đặc biệt là kiên quyết giải thể, sáp nhập, cơ cấu lại các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động không hiệu quả; nâng cao hiệu quả hoạt động các đơn vị sự nghiệp; khắc phục chồng chéo, dàn trải, trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ; khẩn trương hoàn tất xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành danh mục dịch vụ sự nghiệp công, định mức kinh tế - kỹ thuật, đơn giá của các dịch vụ sự nghiệp công, tiêu chí đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ và chất lượng dịch vụ. Thứ hai, thực hiện lộ trình giá dịch vụ sự nghiệp công phù hợp với khả năng của ngân sách nhà nước và thu nhập của người dân; từng bước tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý và chi phí khấu hao tài sản cố định. Đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi từ phí sang thực hiện giá dịch vụ sự nghiệp công theo hướng Nhà nước quy định khung giá dịch vụ, từng bước tính đủ các chi phí đối với các loại dịch vụ cơ bản, thiết yếu, đồng thời cần gắn với chính sách hỗ trợ phù hợp cho người nghèo, đối tượng chính sách. Đối với giá dịch vụ sự nghiệp công không sử dụng ngân sách nhà nước, giao quyền tự chủ cho các đơn vị cung ứng dịch vụ tự quyết định theo nguyên tắc bảo đảm bù đắp chi phí và có tích luỹ. Thứ ba, các Nghị định về tự chủ của đơn vị SNCL trong các lĩnh vực còn lại (y tế, giáo dục đào tạo, dạy nghề, văn hóa thể thao và du lịch, thông tin và truyền thông) do các bộ trình Chính phủ theo Nghị quyết số 08/NQ-CP ngày 24/01/2018 của Chính phủ, làm cơ sở giao quyền tự chủ cho đơn vị SNCL theo kết quả thực hiện nhiệm vụ phải sớm được ban hành và triển khai thực hiện. Thứ tư, đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền mục tiêu, ý nghĩa, yêu cầu, nội dung đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính và tổ chức lại hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập đến đội ngũ lãnh đạo, công chức, viên chức, người lao động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp công lập cần được các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh để tạo sự đồng thuận cao trong quá trình thực hiện./. Theo http://www.mof.gov.vn. |
Số lượt xem:589 |