Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2018 trên địa bàn tỉnh Kon Tum, những chuyển biến tích cực
30-11-2018

 Với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK, CLP) trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã ghi nhận nhiều chuyển biến và kết quả quan trọng. Đây chính là tiền đề thúc đẩy sự phát triển KT-XH, đảm bảo tốt an sinh xã hội cũng như góp phần giải quyết những nhiệm vụ cấp thiết, mang tính đột phá của địa phương.

Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2018 trên địa bàn tỉnh Kon Tum, những chuyển biến tích cực
CT

 Cùng với việc tuyên truyền, chỉ đạo các đơn vị, địa phương, tỉnh đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm kiểm soát và triển khai có hiệu quả công tác THTK, CLP trên địa bàn. Trên cơ sở Nghị quyết của Chính phủ và Hội đồng nhân dân tỉnh về kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách năm 2018, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Quyết định số 62/QĐ-UBND ngày 16/01/2018 để triển khai thực hiện. Trong đó, tập trung chỉ đạo tăng cường công tác thu ngân sách, thanh tra, kiểm tra việc chấp hành chính sách, pháp luật về thuế, triển khai đồng bộ các biện pháp chống thất thu thuế, xử lý nợ đọng thuế số nợ thuế đã giảm 8,9% so với thời điểm 31/12/2017. Phân bổ và giao dự toán ngân sách Nhà nước theo hướng tiết kiệm, cắt giảm các khoản chi không cần thiết, công khai tài chính ngân sách; không ban hành các chính sách, chế độ, chương trình, dự án làm tăng chi ngân sách địa phương khi chưa cân đối được nguồn; quản lý chặt chẽ chi ngân sách. Kiên quyết cắt giảm những khoản chi thường xuyên đã có trong dự toán đầu năm nhưng đến 30/6/2018 chưa phân bổ hoặc đã phân bổ nhưng chưa triển khai thực hiện.

Thực hiện chủ trương cơ cấu, sắp xếp lại các lĩnh vực chi, nhiệm vụ chi theo Chương trình số 28-CTr/TU ngày 24/02/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh Ủy và Kế hoạch số 1195/KH-UBND ngày 5/5/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh; các sở, ngành đã chủ động rà soát, đánh giá, xây dựng phương án giao quyền tự chủ cho cho các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018 - 2020 gắn với cân đối chi thường xuyên từ nguồn thu sự nghiệp, dịch vụ được để lại chi, giảm cấp chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước đối với các khoản chi đã được kết cấu vào giá dịch vụ, dành nguồn hỗ trợ trực tiếp cho các đối tượng chính sách trong sử dụng dịch vụ công, hỗ trợ chi an sinh xã hội, tăng cường cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng dịch vụ công để cung cấp dịch vụ với chất lượng cao cho xã hội.

Trong lĩnh vực quản lý quy hoạch và đầu tư: Triển khai theo dõi, kiểm tra, đôn đốc lập, rà soát, điều chỉnh quy hoạch, hoàn chỉnh hồ sơ trình phê duyệt quy hoạch, thẩm định, phê duyệt các dự án đầu tư sử dụng vốn đầu tư công theo quy trình tại Luật xây dựng, Luật đầu tư công và các văn bản hướng dẫn liên quan. Kiên quyết cắt giảm 100% các dự án không nằm trong quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; tạm dừng, cắt giảm các hạng mục công trình chưa thực sự cần thiết hoặc hiệu quả đầu tư thấp, đảm bảo tính khả thi nguồn vốn và khả năng cân đối nguồn vốn của địa phương.

Kết quả THTL, CLP năm 2018, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã tiết kiệm được 76.329 triệu đồng. Trong đó: Tiết kiệm trong lập, thẩm định, phê duyệt dự toán, quyết toán, quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước là 70.028 triệu đồng; tiết kiệm trong đầu tư xây dựng cơ bản 4.773 triệu đồng và tiết kiệm của các doanh nghiệp nhà nước trên địa bàn tỉnh 1.528 triệu đồng.
Trong mua sắm, sử dụng phương tiện làm việc: Tổ chức quán triệt, thi hành các nội dung của Luật quản lý sử dụng tài sản công năm 2017 và các văn bản quy định chi tiết thi hành; nghiên cứu, xây dựng, ban hành tiêu chuẩn, định mức máy móc thiết bị chuyên dùng thuộc phạm vi quản lý của tỉnh theo Quyết định số 50/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tạm dừng thực hiện việc mua sắm, giao, điều chuyển, bán xe ô tô phục vụ công tác cho đến khi có quy định mới của Trung ương; rà soát, kiểm tra, chấn chỉnh, khắc phục kịp thời những trường hợp quản lý, sử dụng tài sản công kém hiệu quả, sai mục đích, lãng phí, bỏ trống không sử dụng.

Về quản lý đất đai, khai thác khoáng sản: Tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện, chấn chỉnh kịp thời tình hình khai thác không đúng quy định. Công tác quản lý, cấp giấy phép về khoáng sản, thăm dò trữ lượng, cấp quyền khai thác khoáng sản được thực hiện theo đúng quy định. Công tác giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất đúng quy trình, quy định của Luật đất đai năm 2013, đảm bảo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt, đồng thời đáp ứng được nhu cầu sử dụng đất của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân cũng như đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người sử dụng đất.

Ngoài ra, các doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, công tác THTK, CLP cũng được thực hiện có hiệu quả, đặc biệt là việc quản lý tài sản Nhà nước như sử dụng đất đúng mục đích, các quy chế của doanh nghiệp theo quy định, công khai các định mức, tiêu chuẩn, tiền lương theo đúng quy định, quản lý và sử dụng chi phí kinh doanh đúng mục đích, tiết kiệm và hiệu quả. Trên địa bàn tỉnh hiện có 08 doanh nghiệp Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Trong năm, các đơn vị đã thực hiện tiết kiệm 1.528 triệu đồng; Trong đó, tiết kiệm trong chi phí, giá thành SXKD: 1.200 triệu đồng; tiết kiệm trong quản lý đầu tư xây dựng là 328 triệu đồng.

Ngoài việc sử dụng các biện pháp THTK, CLP tỉnh cũng tăng cường chỉ đạo công tác thanh, kiểm tra về THTK, CLP. Năm 2018, toàn ngành Thanh tra thực hiện hoàn thành 127 cuộc thanh tra, kiểm tra trên các lĩnh vực. Phát hiện số tiền sai phạm 15.397 triệu đồng và 5.939,6 ha đất, đã kiến nghị thu hồi nộp ngân sách nhà nước 4.413 triệu đồng, thu hồi về cho đơn vị: 600 triệu đồng; kiến nghị xử lý khác 10.383 triệu đồng; xử phạt vi phạm hành chính 949 triệu đồng và chuyển Cơ quan Cảnh sát điều tra làm rõ 01 vụ việc.

Để phát huy hiệu quả công tác THTK, CLP, năm 2019 tỉnh sẽ tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cải cách hành chính, cải cách chế độ công vụ tại các đơn vị, địa phương; tiếp tục triển khai thực hiện cơ cấu, sắp xếp lại các lĩnh vực chi, nhiệm vụ chi ngân sách theo Chương trình số 28-CTr/TU của Ban Thường vụ Tỉnh Ủy, Kế hoạch số 1195/KH-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh, triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020, trong đó đưa ra các mục tiêu, biện pháp cụ thể phát triển kinh tế - xã hội, thực hành tiết kiệm, kiềm chế lạm phát, phòng, chống tham nhũng trong sử dụng ngân sách Nhà nước tại các đơn vị và địa phương trên địa bàn tỉnh; chú trọng các giải pháp phát triển lĩnh vực văn hóa - xã hội, tăng cường chính sách an sinh xã hội, đảm bảo đời sống nhân dân.

Bên cạnh đó, địa phương cũng tiếp tục chấn chỉnh nâng cao trách nhiệm các cơ quan, đơn vị, chủ đầu tư trong thực hiện dự án; tăng cường vai trò trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan đơn vị trong việc sử dụng ngân sách phải đảm bảo đúng đối tượng, đúng chế độ, có hiệu quả và tiết kiệm, tăng cường thanh tra, kiểm tra giám sát trong quản lý vốn, tài sản Nhà nước, xây dựng cơ bản, tiết kiệm trong chi tiêu ngân sách; nâng cao hiệu quả, hiệu lực bộ máy quản lý Nhà nước theo hướng tinh gọn, điều hành tập trung, thống nhất, đẩy mạnh cải cách hành chính tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và nhân dân, tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung ban hành mới các định mức, tiêu chuẩn, chế độ trong một số lĩnh vực trọng điểm theo quy định mới để đáp ứng yêu cầu THTK, CLP, cải cách hành chính được kịp thời...

TTD-TT

  
Số lượt xem:656