Quý I/2019, công tác quản lý điều hành giá đã đi đúng hướng
29-3-2019

 Sáng 28/3/2019, tại Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá của Chính phủ chủ trì cuộc họp đánh giá kết quả thực hiện công tác điều hành giá 3 tháng đầu năm và triển khai phương hướng điều hành trong những tháng còn lại của năm 2019.

Quý I/2019, công tác quản lý điều hành giá đã đi đúng hướng
CT

 CPI thấp nhất trong 3 năm qua

Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng – Trưởng ban Ban Chỉ đạo điều hành giá Vương Đình Huệ đánh giá cao công tác điều hành giá trong 3 tháng vừa qua, bình quân CPI trong 3 tháng đầu năm 2019 chỉ tăng 2,67% so với cùng kỳ năm 2018, đây là chỉ số thấp nhất trong 3 năm gần đây (năm 2017 tăng 4,96%, năm 2018 tăng 2,82%) cho thấy công tác điều hành giá đã có những dự báo tương đối chính xác với diễn biến của thị trường để từ đó đưa ra các kịch bản điều hành giá phù hợp. Mặt bằng giá cả thị trường quý I/2019 biến động sát với các dự báo và kịch bản đã đưa ra từ đầu năm với diễn biến tăng nhẹ trong tháng 1, tăng cao trong tháng 2 sau đó giảm nhẹ vào tháng 3 phản ánh đúng quy luật tiêu dùng hàng năm. Các nguyên nhân giúp cho việc điều hành giá thành công là do công tác phân tích, dự báo và điều hành đúng với quy luật thị trường. Công tác điều hành giá một số mặt hàng do Nhà nước quản lý đã được các Bộ, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ và thực hiện đồng bộ các biện pháp góp phần kiềm chế tốc độ tăng CPI. Bên cạnh đó còn có sự chung tay của các địa phương đã góp phần kiểm soát cân đối cung cầu, không để tình trạng thiếu hàng sốt giá xảy ra trong dịp Tết Nguyên Đán.

P:\Nam 2019\2. TIN BAI\PHONG BAO CHI\5. Ta Vu Thu Hang\Tháng 3\28.3 DHG\PTT dung.JPG

Phó Thủ tướng – Trưởng ban Ban Chỉ đạo điều hành giá Vương Đình Huệ đánh giá cao 
công tác điều hành giá trong 3 tháng vừa qua

Báo cáo với cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành quốc gia về giá, Cục trưởng Cục Quản lý giá – Bộ Tài chính Nguyễn Anh Tuấn cho biết, trong quý I/2019, các mặt hàng do Nhà nước quản lý như Xăng dầu, điện, than, sữa, dịch vụ hàng không… đã được tính toán chu toàn. Thông thường, khi giá xăng dầu thế giới tăng cao thì giá trong nước cũng sẽ tăng mạnh. Tuy nhiên, trong 3 tháng qua, giá bán lẻ tối đa xăng dầu trong nước đã được điều chỉnh ổn định trong 4 kỳ điều hành và chỉ tăng 1 lần vào kỳ điều hành tháng 3 trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới tăng cao. Giá thu học phí bậc mầm non, trung học cơ sở hệ công lập tại TP. Hồ Chí Minh giảm theo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân thành phố làm chỉ số giá nhóm giáo dục chung cả nước giảm 0,55%, góp phần giảm CPI chung 0,03%.

Đối với mặt hàng điện, trên cơ sở hồ sơ phương án đề xuất của Tập đoàn điện lực Việt Nam, Bộ Công Thương đã rà soát, báo cáo xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ và quyết định điều chỉnh tăng giá điện theo thẩm quyền kể từ ngày 20/3/2019. Việc điều chỉnh giá điện lần này đã bao gồm cả việc điều chỉnh giá than bán cho sản xuất điện tại văn bản số 19/VPCP-KTTTH ngày 3/1/2019. Như vậy, việc tăng giá than cho sản xuất điện chỉ ảnh hưởng qua giá điện trong một lần điều chỉnh giá điện. Điều này khác với những lần trước, điều chỉnh giá điện xong mới điều chỉnh giá than. Thời điểm điều chỉnh giá điện vào cuối tháng 3 không làm ảnh hưởng việc tăng CPI trong quý I/2019.

Đối với dịch vụ đường bộ, hàng không cũng đã có những chuyển biến lớn so với những năm trước. Nhiều dịch vụ đường bộ đang được Bộ GTVT rà soát, thống kê để được xem xét miễn giảm. Trong dịp Tết Nguyên đán và mùa Lễ hội xuân Kỷ Hợi năm 2019, Bộ GTVT đã có chỉ đạo tăng cường công tác quản lý giá cước vận tải trong dịp lễ, Tết, thực hiện nghiêm các quy định trong việc vận chuyển hành khách và hàng hóa, thực hiện công khai, minh bạch và đúng quy định về giá cước vận tải, các loại giá, dịch vụ tại bến xe; có chính sách ưu đãi, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho hành khách là người khuyết tật, người cao tuổi khi tham gia giao thông…

Về cơ bản, thuốc chữa bệnh cho người và vật tư y tế được duy trì ổn định, đáp ứng đủ thuốc cung ứng cho các cơ sở khám chữa bệnh và nhu cầu điều trị của nhân dân, đảm bảo đủ thuốc phục vụ phòng chống dịch bệnh, thiên tai, lũ lụt. Theo Cục Quản lý Dược, hiện các cơ sở y tế trên toàn quốc đang thực hiện cung ứng 04 biệt dược gốc Cerebrolysin, Tienam, Nexavar và Matbthera theo kết quả đàm phán giá năm 2018 của Trung tâm mua sắm tập trung thuốc quốc gia tại Quyết định số 7770/QĐ-BYT ngày 27/12/2018. Việc Hội đồng đàm phán giá – Bộ Y tế triển khai đàm phán giá đối với 04 biệt dược gốc nói trên đã giảm 551 tỷ đồng và thuốc sẽ được cung ứng theo giá đàm phán tại các cơ sở y tế trong năm 2019 – 2020.

Giá dịch vụ bưu chính, viễn thông tiếp tục ổn định. Giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm và các mặt hàng nông sản khác tương đối ổn định và giảm. Giá đất trong 3 tháng đầu năm đang trải qua giai đoạn chững lại.

Định hướng công tác điều hành giá quý II/2019

Để công tác quản lý, điều hành giá trong quý II/2019 đạt hiệu quả cao, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị các Bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục chung tay tính toán bài toán cung cầu, phát triển sản xuất. Các Bộ, ngành tham gia cần phải tính toán kỹ để đảm bảo cung cầu trong ngắn hạn và dài hạn. Công tác quản lý, điều hành giá cần hài hòa lợi ích. Phó Thủ tướng yêu cầu công tác điều hành giá không thụ động, không chỉ phụ thuộc vào cung - cầu của thị trường mà từ thực tiễn và diễn biến giả cả phải kịp thời kiến nghị tới Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong tổ chức sản xuất và tiêu dùng.

Theo nhận định của Phó Thủ tướng, với tinh thần chủ động theo dõi, phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, tính toán điều hành giá cả hàng hóa, dịch vụ công y tế, giáo dục theo tín hiệu của thị trường, minh bạch và cung cấp thông tin kịp thời cho xã hội thì việc kiểm soát lạm phát năm 2019 ở mức từ 3,3-3,9% là trong tầm tay.

P:\Nam 2019\2. TIN BAI\PHONG BAO CHI\5. Ta Vu Thu Hang\Tháng 3\28.3 DHG\Toan canh cho Cuc.JPG

Toàn cảnh

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính cần phải chủ động linh hoạt hơn, yêu cầu các Bộ, ngành liên quan phối hợp để có định hướng điều phối. Các Bộ, Ngành cần phải phối hợp chia sẻ thông tin để có biện pháp điều hành kịp thời. Ví như việc tăng Sách giáo khoa cần phải rút kinh nghiệm.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ngăn chặn lây lan dịch tả lợn châu Phi, có biện pháp tái đàn để bảo đảm nguồn cung khi bệnh dịch được kiểm soát. Ngân hàng Nhà nước có hình thức hỗ trợ tín dụng với các hộ chăn nuôi bị ảnh hưởng.

Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính chủ động nắm bắt thông tin về diễn biến giá thế giới để có phương án điều hành giá xăng dầu trong nước, kết hợp với trích lập và sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu hợp lý để bình ổn giá trong thời điểm giá thế giới có biến động bất thường, không ảnh hưởng tới kỳ vọng về lạm phát; tiếp tục tăng cường công khai, minh bạch chi phí đầu vào của giá điện, kết quả sản xuất kinh doanh điện theo quy định.

Bộ Y tế đẩy mạnh rà soát, thu gọn danh mục dịch vụ, trên cơ sở đó đổi mới định mức kinh tế kỹ thuật, bảo đảm việc hoạt động ổn định của cơ sở y tế, tiết kiệm chi phí cho người bệnh và ngân sách Nhà nước; cùng với Bảo hiểm xã hội Việt Nam triển khai và mở rộng danh sách đấu thầu tập trung quốc gia đối với thuốc, vật tư y tế, đẩy nhanh đấu thầu và đàm phán giá thuốc để hạ giá và cung ứng thuốc có chất lượng

Bộ Giáo dục và Đào tạo cần phải có lịch trình cụ thể về giá sách giáo khoa và thiết bị dạy học, chống lạm thu ở trường học.

Theo http://www.mof.gov.vn.


 
  
Số lượt xem:760