Hội nghị phổ biến Kế hoạch hành động triển khai nhiệm vụ, giải pháp phát triển Chính phủ điện tử
13-9-2019

 Sáng ngày 12/9, Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị trực tuyến phổ biến, quán triệt Quyết định số 844/QĐBTC ngày 21/5/2019 của Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Kế hoạch hành động của Bộ Tài chính triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng 2025. Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai chủ trì Hội nghị.

 

 

Hội nghị phổ biến Kế hoạch hành động triển khai nhiệm vụ, giải pháp phát triển Chính phủ điện tử
CT

 

 

Tham dự tại điểm cầu Kon Tum có Lãnh đạo các Sở Tài chính, Kho bạc Nhà nước tỉnh, Cục Thuế, Chi Cục Hải quan Kon Tum và Lãnh đạo các phòng ban và chuyên viên Công nghệ thông tin của các đơn vị.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết, trong giai đoạn vừa qua, ngành Tài chính đã có những bước phát triển nhanh và vững chắc, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tài chính cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Để đạt được những thành tựu đó, phải kể đến sự đóng góp không nhỏ của hệ thống tin học và thống kê ngành Tài chính. Thứ trưởng Vũ Thị Mai đánh giá cao sự chủ động của các đơn vị thuộc Bộ Tài chính đã khẩn trương xây dựng, hoàn thiện và trình Bộ ban hành Kế hoạch hành động của Bộ Tài chính triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng 2025.

Đến nay, công nghệ thông tin đã được ứng dụng sâu, rộng vào hầu hết các hoạt động nghiệp vụ tài chính, trở thành mạch máu không thể thiếu trong các hoạt động nghiệp vụ chủ chốt như: quản lý điều hành ngân sách nhà nước; quản lý thu-chi ngân sách nhà nước; thanh toán điện tử và quản lý trái phiếu chính phủ; quản lý trong lĩnh vực thuế, hải quan; triển khai thuế điện tử, hải quan điện tử, cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN; quản lý nợ công; quản lý giá, quản lý tài sản công; quản lý, giám sát thị trường tài chính; quản lý dự trữ nhà nước....; cùng các nhiệm vụ quản lý nội ngành.

 

Phát triển công nghệ thông tin được Đảng và Nhà nước xác định là công cụ hữu hiệu để thực hiện 3 đột phá chiến lược trong phát triển đất nước, là chìa khóa mở ra cánh cửa để Việt Nam bước vào giai đoạn mới. Ngày 07/3/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 17/NQ-CP về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng 2025 với mục tiêu: “hoàn thiện nền tảng Chính phủ điện tử nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước và chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp; phát triển Chính phủ điện tử dựa trên dữ liệu và dữ liệu mở hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số; bảo đảm an toàn thông tin và an ninh mạng; nâng xếp hạng Chính phủ điện tử theo đánh giá của Liên hợp quốc tăng từ 10 đến 15 bậc năm 2020, đưa Việt Nam vào nhóm 4 nước dẫn đầu ASEAN trong xếp hạng Chính phủ điện tử theo đánh giá của Liên hợp quốc đến năm 2025”.

Hội nghị đã giới thiệu về các nhiệm vụ, giải pháp Bộ Tài chính được giao chủ trì tại Nghị quyết số 17/NQ-CP của Chính phủ, đồng thời trình bày về kế hoạch hành động của Bộ Tài chính triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng 2025 tại Quyết định số 844/QĐ-BTC.
 

 Mục tiêu của kế hoạch hành động là hoàn thiện nền tảng Chính phủ điện tử của Bộ Tài chính nhằm nâng cao ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, công khai minh bạch hoạt động quản lý nhà nước của Bộ Tài chính trên môi trường mạng, bảo đảm an toàn thông tin và an ninh mạng, đẩy mạnh phát triển Chính phủ điện tử, nâng cao chất lượng, hiệu quả cung cấp dịch vụ công của Bộ Tài chính, đảm bảo phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn; phát triển Tài chính điện tử dựa trên dữ liệu và dữ liệu mở hướng tới Tài chính số.

Để thực hiện các mục tiêu này, Bộ Tài chính sẽ phải thực hiện 6 nhóm nhiệm vụ gồm: Xây dựng, hoàn thiện thể chế tạo cơ sở pháp lý đầy đủ,toàn diện cho việc triển khai xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử; Xây dựng nền tảng công nghệ phát triển Chính phủ điện tử phù hợp với xu thế phát triển Chính phủ điện tử trên thế giới; Xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử bảo đảm gắn kết chặt chẽ giữa ứng dụng CNTT với cải cách hành chính, đổi mới lề lối, phương thức làm việc phục vụ người dân, doanh nghiệp, thực hiện chuyển đổi số quốc gia hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số; Xây dựng Chính phủ điện tử bảo đảm gắn kết chặt chẽ với bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng, an ninh quốc gia, bảo vệ thông tin cá nhân; Bảo đảm các nguồn lực triển khai xây dựng Chính phủ điện tử; Thiết lập cơ chế đảm bảo thực thi./.

  
Số lượt xem:997