Năm thứ 4 liên tiếp, CPI tăng ở mức thấp |
26-12-2019 |
Sáng 25/12/2019, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá chủ trì cuộc họp đánh giá kết quả công tác quản lý, điều hành giá quý IV năm 2019 và cả năm 2019, định hướng công tác điều hành giá năm 2020. |
CT |
Năm 2019, CPI tăng thấp Đánh giá về công tác điều hành giá năm 2019, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã biểu dương những nỗ lực trong công tác của nhóm giúp việc Ban Chỉ đạo điều hành giá, đây cũng là năm thứ 4 liên tiếp công tác điều hành giá tiếp tục đạt mục tiêu Quốc hội đề ra. CPI tháng 12 ước tăng từ 1 – 1,1% so với tháng trước và CPI bình quân năm 2019 ước tăng khoảng 2,7 – 2,8% so với cùng kỳ năm 2018. Như vậy, diễn biến chỉ số giá trong năm 2019 tương đối sát với dự báo từ đầu năm, nằm trong kịch bản CPI tăng thấp. “Năm 2019, GDP tăng khoảng 7%, lạm phát kiểm soát thấp so với chỉ tiêu Quốc hội đề ra (2,75%). Tăng trưởng cao gần gấp 3 lần lạm phát. Cho nên tổng thu nhập và tích lũy thực tế của cả Nhà nước, người dân và doanh nghiệp tăng lên. Xem xét trong 5 khía cạnh: căng thẳng chính trị, tranh chấp thương mại trên toàn cầu; tiếp tục điều chỉnh giá điện và một số dịch vụ công thiết yếu; điều chỉnh tiền lương; 4 năm liên tiếp kiểm soát lạm phát thấp; Quản lý vĩ mô không chỉ bằng thông điệp, mệnh lệnh hành chính, mà phải sát thực tế. Thủ tướng rất tự hào vì có đội ngũ giúp việc công tác điều hành giá xuất sắc như vậy. Nếu lĩnh vực nào cũng có đội ngũ giúp việc như vậy thì yên tâm” – Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khen ngợi.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá Báo cáo về công tác quản lý, điều hành giá năm 2019, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) Nguyễn Anh Tuấn cho biết, trong quý IV/2019, CPI các tháng đều tăng so với tháng trước; theo đó tháng 10/2019 tăng 0,59%, tháng 11/2019 tăng 0,96% và tháng 12/2019 ước tăng. Trong năm 2019, mặt bằng giá thị trường biến động theo hướng tăng cao trong tháng diễn ra Tết Nguyên đán, giảm nhẹ trong tháng 3, tăng dần trở lại trong hai tháng tiếp theo, sau đó giảm trở lại vào tháng 6 và tiếp tục tăng vào những tháng cuối năm. Các nguyên nhân chủ yếu làm tăng CPI trong năm 2019 do một số mặt hàng tăng giá theo quy luật hàng năm như giá một số mặt hàng nhóm hàng tiêu dùng tăng vào dịp lễ, Tết, trong các tháng cao điểm du lịch nghỉ hè; giá nhiên liệu, chất đốt trong nước tăng theo giá thế giới trong những tháng đầu năm, tác động của việc điều chỉnh tăng giá một số mặt hàng do Nhà nước quản lý (điện, sách giáo khoa); giá dịch vụ y tế điều chỉnh tăng theo mức tăng thêm của lương cơ bản; giá một số vật liệu xây dựng (sắt, thép, xi măng) và giá nhân công xây dựng tăng do nhu cầu xây dựng và chi phí đầu vào tăng. Trong nửa cuối năm 2019, mặt bằng giá thị trường trong nước chịu áp lực lớn từ biến động tăng cao giá thịt lợn do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi khiến nguồn cung thịt lợn sụt giảm. Ở chiều ngược lại, các nguyên nhân chủ yếu làm giảm áp lực lên mặt bằng giá đó là: giá lương thực giảm do nguồn cung trong nước dồi dào và nhu cầu nhập khẩu gạo trên thể giới giảm; giá xăng dầu và giá gas trong nước có xu hướng tăng giảm đan xen trong năm, trong đó giá gas sinh hoạt được điều chỉnh theo giá gas thế giới giảm 6% so với cùng kỳ năm trước; giá dịch vụ viễn thông tiếp tục xu hướng giảm; giá đường trong nước giảm mạnh theo giá đường thế giới. Ngoài ra, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá, các Bộ, ngành, địa phương đã phối hợp chặt chẽ trong việc thực hiện các giải pháp nhằm bảo đảm cân đối cung cầu, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường giá cả; điều hành giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý với mức độ và thời điểm phù hợp làm hạn chế tác động đến mặt bằng giá chung và lạm phát kỳ vọng; điều hành tỷ giá theo cơ chế tỷ giá trung tâm linh hoạt; chủ động tính toán, điều chỉnh giá các mặt hàng thiết yếu theo lộ trình thị trường và kịch bản Ban Chỉ đạo đã đề ra trong từng quý. Có dấu hiệu găm hàng, đẩy giá thịt lợn Trong năm 2019, hầu hết các mặt hàng đều nằm trong kịch bản tính toán của Ban Chỉ đạo, chỉ có giá thịt lợn vào cuối năm có sự tăng đột biến (mặc dù Trưởng ban Ban Chỉ đạo điều hành giá đã có chỉ đạo) nhưng do nhiều nguyên nhân, cả khách quan và chủ quan, đặc biệt là tâm lý lo ngại chưa tái đàn ở nhiều vùng chăn nuôi và đang có dấu hiệu đẩy mạnh thu mua lợn sống xuất sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch.
Thứ trưởng Bộ NN & PTNT Phùng Đức Tiến Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, hiện nay tổng đàn và cơ cấu đàn lợn chưa bị mất cân đối quá lớn, cụ thể: Tổng đầu lợn theo báo cáo của các tỉnh hiện còn khoảng 25 triệu con, trong đó đàn nái là 2,7 triệu con; đàn lợn giống cụ kỵ, ông bà còn 109 nghìn con. Cơ số giống vẫn đáp ứng đủ cho nhu cầu nhân giống phục vụ tái đàn phát triển sản xuất. Với quy mô và cơ cấu đàn lợn như trên, nếu có các biện pháp quản lý dịch bệnh và tái đàn an toàn sinh học để có thể khôi phục nhanh nguồn cung thịt lợn đáp ứng đủ nhu cầu cho tiêu dùng trong nước. Tuy nhiên, đánh giá tình hình cung cầu trong quý IV/2019, đặc biệt là nhu cầu về thịt lợn trong dịp Tết Nguyên đán thì trên cơ sở thống nhất với Tổng cục Thống kê và Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT nhận định nguồn cung thịt lợn thiếu hụt khoảng 200 ngàn tấn trên cả nước. Trên cơ sở đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá giao Bộ Công Thương chỉ đạo ngành công thương và các địa phương cần tập trung nguồn lực nhiều hơn cho công tác bình ổn mặt hàng thịt lợn so với các nhóm thực phẩm khác trong dịp Tết Canh Tý tới đây. Có kế hoạch cho nhập khẩu thịt lợn từ các quốc gia có Hiệp định song phương về xuất, nhập khẩu thịt lợn để cân đối việc thiếu hụt thịt lợn trong nước và hài hòa lợi ích giữa các bên. Thứ trưởng Bộ NN & PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, nhưng tăng trưởng nông nghiệp năm 2019 đã 2,2%; lúa gạo đạt 3,9 triệu tấn; rau củ quả phát triển tương đối tốt. Bộ đã hết sức quyết liệt trong chống dịch tả lợn châu Phi, dịch đã giảm rất nhanh, 25 tỉnh đã có 85% số xã hết dịch trong 30 ngày; hiện trong điều kiện tốt để tái đàn. Nếu giữ an toàn dịch bệnh thì gia cầm tiếp tục tăng; đại gia súc tăng nhanh hơn; thủy sản tăng tiếp. Riêng thịt lợn từ đầu tháng 1 có sản phẩm tái đàn, tăng dần trong quý I/2020. “Trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý, dự kiến ở Hà Nội sẽ thiếu khoảng 7.000 tấn thịt lợn. Qua kiểm tra ở một số địa phương như Bắc Giang, tình trạng găm hàng là rất rõ. Tính theo số liệu các tỉnh báo cáo thì Phú Thọ, Bắc Giang sẽ không thiếu thịt lợn trong dịp Tết”. – ông Tiến cho biết. Năm 2020, CPI ở dưới 4% Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển Kinh tế - xã hội năm 2020 trong đó đề ra chỉ tiêu tăng trưởng GDP ở mức 6,8%; tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) dưới 4%. Để đạt mục tiêu dưới 4%, bình quân mỗi tháng CPI chỉ được phép tăng 0,19% vì CPI các tháng cuối năm 2019 ở mức cao do đó góp phần làm CPI tháng 1/2020 so với cùng kì ở mức cao mặc dù chưa tính tới các yếu tố tăng giá của các hàng hóa dịch vụ trong tháng; bên cạnh đó mức tăng CPI cùng kì phụ thuộc rất lớn vào CPI các tháng đầu năm và các tháng cuối năm.
Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) Nguyễn Anh Tuấn trình bày báo cáo tại Hội nghị Những yếu tố gây áp lực lên mặt bằng giá đó là một số hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục nhà nước định giá phải tiếp tục được điều chỉnh theo lộ trình như giá dịch vụ y tế sẽ điều chỉnh kết cấu chi phí quản lý vào giá dịch vụ y tế (bước 3) và việc điều chỉnh chi phí tiền lương theo mức lương cơ sở mới 1.600.000 đồng vào tháng 7/2020; Giá nhóm dịch vụ giáo dục sẽ tiếp tục tăng 5% - 6% trong năm 2020 theo lộ trình quy định tại Nghị định 86/2015/NĐ-CP của Chính phủ. Đối với giá sách giáo khoa năm 2020, việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông được thực hiện theo Nghị định số 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 sẽ được thực hiện năm 2020. Vì vậy, việc ban hành bộ sách giáo khoa mới có thể làm tăng giá sách giáo khoa trong năm 2020; Chính phủ đã kí ban hành Nghị định số 96/2019/NĐ-CP Quy định về khung giá đất. Trong đó, cho phép địa phương quy định linh hoạt mức giá đất tối đa trong bảng giá đất cao hơn không quá 20% so với mức giá tối đa của cùng loại đất trong khung giá đất. Dự kiên giá đất trong bảng giá đất giai đoạn 2020 - 2024 sẽ được điều chỉnh tăng trong khoảng 10 - 20% so với năm 2019. Một số hàng hóa, dịch vụ có giá biến động phức tạp, khó lường như giá nhiên liệu (xăng dầu, LPG) trong nước chịu ảnh hưởng của giá nhiên liệu trên thị trường thế giới. Theo dự báo của một số tổ chức thế giới, nguồn cung dầu thô trên thế giới sẽ tăng nhờ việc gia tăng nguồn cung dầu thô từ Hoa Kỳ, việc cắt giảm sản lượng dầu khu vực OPEC sẽ được tiếp tục diễn ra vào năm 2020 nhưng sản lượng cắt giảm so với việc tăng nguồn cung từ Mỹ cũng như việc dư cung hiện nay thì dự báo nguồn cung dầu thô năm 2020 vẫn dồi dào. Tuy nhiên không loại trừ khả năng giá nhiên liệu vẫn có thể tăng nhẹ từ những bất ổn kinh tế chính trị hiện nay tại khu vực Trung Đông và khu vực Mỹ La tinh. Do ảnh hưởng của dịch tả lợn Châu Phi vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp; nguồn cung thịt lợn trong nước hiện đang giảm cùng với nhu cầu thu mua lợn của Trung Quốc qua đường tiểu ngạch; việc tái đàn vẫn chưa đạt hiệu quả nên dự báo giá thịt lợn dự kiến sẽ tiếp tục tăng những tháng đầu năm 2020. Một số hàng hóa, dịch vụ khác như giá điện, giá một số mặt hàng khác có khả năng sẽ tác động đến tâm lý và đời sống của người dân. Tuy nhiên, dự báo cũng có một số yếu tố làm giảm áp lực lên mặt bằng giá như: Nguồn cung các mặt hàng thiết yếu ngày càng tăng do năng lực sản xuất trong nước gia tăng cùng với việc ký kết các hiệp định tự do thương mại của Chính phủ giúp người dân có nhiều cơ hội được mua hàng hóa sản xuất trong nước và hàng hóa nhập khẩu với giá cả cạnh tranh. Nguồn cung gạo trong nước tương đối dồi dào trong khi tình hình xuất khẩu chưa có nhiều cải thiện nên giá gạo trong nước dự kiến không có nhiều biến động trong thời gian tới. Chính sách tiền tệ hiện vẫn đang được điều hành ổn định. Ngay từ đầu năm, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các Bộ, ngành thực hiện đồng bộ các biện pháp để kiểm soát lạm phát theo mục tiêu Quốc hội đề ra.
Toàn cảnh Hội nghị Trước dự báo của Nhóm giúp việc, Phó Thủ tướng – Trưởng ban Ban Chỉ đạo điều hành giá chỉ đạo: Năm 2020, việc thực hiện cho được Nghị quyết của Quốc hội là dưới 4%, mặc dù có thách thức hơn so với với các năm trước đó. Tuy nhiên, Chính phủ sẽ quyết tâm điều hành giá theo kịch bản CPI ở ngưỡng 3,59-3,91%. Mặc dù có khó khăn, thách thức hơn, nhưng đây là quyết tâm của Chính phủ trong điều hành. Để đạt được mục tiêu trên, giá những mặt hàng do Nhà nước quản lý không điều hành trong quý I/2020 mà sẽ tính toán điều hành trong quý II/2020 và quý III/2020. Dự báo bình quân quý I/2020 có thể cao, nhưng bình quân sẽ kiểm soát theo đúng mục tiêu đề ra. Trong dịp cao điểm là Tết Nguyên đán và quý I/2020, quyết liệt thực hiện các biện pháp bình ổn thị trường, tuyệt đối không được để thiếu hàng, sốt giá cục bộ trên tất cả các mặt hàng, không riêng mặt hàng thịt lợn, đảm bảo nguồn cung dồi dào, an ninh lương thực, thực phẩm cho toàn dân. Về thịt lợn và lợn thịt, các bộ, ngành phải chủ động nguồn cung, thực hiện tái đàn…; kiểm tra xử lý nghiêm trường hợp găm hàng, đầu cơ; tăng cường thông tin cho báo chí, đặc biệt là từ cơ sở. Giá xăng dầu tiếp tục điều hành theo giá thị trường, sử dụng linh hoạt Quỹ Bình ổn giá. Sách Giáo khoa cần sớm có tờ trình cho cơ chế giá trong trường hợp áp dụng cơ chế giá mới. Các mặt hàng thuốc và vật tư y tế, đấu thầu tiếp tục thực hiện, tránh độc quyền. Đối với BOT, muộn nhất là năm 2020 phải thực hiện thu phí không dừng và cung cấp thông tin để làm tốt công tác truyền thông, đảm bảo quyền lợi của người dân và doanh nghiệp. Dịch vụ hàng không cần rà soát kỹ, tránh điều chỉnh gây lạm phát kỳ vọng, trường hợp điều chỉnh cân nhắc. Bộ Tài nguyên và Môi trường cần sớm nghiên cứu các biện pháp tổng thể, hướng dẫn thi hành thực hiện giá đất. Công tác thông tin tuyên truyền cần phát huy kết quả, chủ động kịp thời thông tin cho các cơ quan truyền thông, các cơ quan của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thông tin phải kịp thời, nhất quán, có trách nhiệm và minh bạch các thông tin về chi phí đầu vào; tăng cường giám sát thông tin, hạn chế thông tin thất thiệt, ảnh hưởng tới thị trường; kiểm soát lạm phát kỳ vọng, tạo niềm tin của người dân đối với Chính phủ, Ban Chỉ đạo điều hành giá. Theo https://www.mof.gov.vn/. |
Số lượt xem:581 |