Bộ Tài chính đề xuất miễn giảm nhiều loại thuế, phí hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phục hồi SXKD
14-5-2020

 Để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân ứng phó với đại dịch Covid-19 phù hợp với bối cảnh, điều kiện của đất nước, đồng thời tiếp tục thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ về phát triển kinh tế xã hội và ngân sách nhà nước năm 2020 theo chủ trương, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã chủ động xây dựng và thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, đề xuất về chính sách tài khóa, thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất để hỗ trợ doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tái khởi động nền kinh tế ứng phó với dịch Covid-19.

Bộ Tài chính đề xuất miễn giảm nhiều loại thuế, phí hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phục hồi SXKD
CT

 Miễn, giảm nhiều loại thuế, phí

Trong hơn 2 tháng qua, Bộ Tài chính đã theo dõi sát diễn biến tình hình thực tế, tham khảo kinh nghiệm quốc tế (tại hơn 30 quốc gia đang chịu ảnh hưởng ở mức độ cao nhất, từ cấp độ 3 đến cấp độ 5 theo phân loại mức độ ảnh hưởng) cũng như khuyến nghị của các tổ chức quốc tế (WB, IMF,…), khả năng của ngân sách để kịp thời thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ về thuế, tiền thuê đất, phí và lệ phí cho doanh nghiệp và người dân, trong đó về gói giải pháp gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất có giá trị khoảng 180.000 tỷ đồng; các giải pháp, đề xuất về miễn, giảm thuế, phí và lệ phí có giá trị khoảng 40.000 tỷ đồng, cụ thể như: (i) Trình Chính phủ ban hành Nghị định số 41/2020/NĐ-CP ngày 08/4/2020 về gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất; (ii) Rà soát cắt giảm nhiều loại phí, lệ phí theo thẩm quyền; (iii) Trình Chính phủ để báo cáo Quốc hội, ủy ban Thường vụ Quốc hội về chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ; điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân; tiếp tục miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp; (iv) Thực hiện việc miễn thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng khẩu trang y tế, nguyên liệu để sản xuất khẩu trang, nước rửa tay sát trùng để phục vụ việc phòng chống dịch bệnh; đề xuất với Chính phủ việc điều chỉnh thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu của doanh nghiệp.

M:\dulich_tkis.jpg

Du lịch là một trong những ngành bị ảnh hưởng nặng bởi dịch Covid – 19 nên việc giảm phí cho du lịch là động lực để ngành phục hồi. Ảnh minh họa: nguồn Internet

Nhiều khoản phí, lệ phí với mức giảm cao như: giảm 70% mức thu lệ phí đăng ký doanh nghiệp; giảm 67% mức phí công bố thông tin doanh nghiệp; giảm 50% mức phí thẩm định cấp lại giấy phép hoạt động bưu chính; giảm từ 50-70% phí thẩm định cấp sửa đổi, bổ sung giấy phép hoạt động bưu chính;... Giảm giá và miễn hoàn toàn không thu phí đối với một số dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán.

Tại Hội nghị Thủ tướng với Doanh nghiệp vừa được tổ chức trực tuyến vào sáng ngày 09/5, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết: Bộ Tài chính đã chủ động, chủ trì phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ rà soát để ban hành theo thẩm quyền (hoặc trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ) và đã ban hành các văn bản miễn, giảm thuế, phí, lệ phí như: Miễn lệ phí môn bài đối với nhiều đối tượng có doanh thu hàng năm từ 100 triệu đồng trở xuống;... Miễn thuế nhập khẩu kịp thời đối với nguyên liệu sản xuất và một số mặt hàng phục vụ cho công tác phòng chống dịch bệnh.

Trước ảnh hưởng của dịch covid-19, tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp qua đó sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách nhà nước (NSNN), đồng thời dự báo xu hướng giá dầu còn ở mức thấp kéo dài; bên cạnh việc thực hiện các giải pháp hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất nêu trên, NSNN vẫn phải đảm bảo nhu cầu chi cho các hoạt động thường xuyên, đảm bảo nguồn vốn cho đầu tư phát triển (đầu tư công) và đặc biệt là việc tăng chi về an sinh xã hội, chi cho công tác phòng chống dịch bệnh... Đây đang là thách thức rất lớn cho việc điều hành, cân đối NSNN cũng như mục tiêu thực hiện nhiệm vụ kép là vừa phòng chống dịch, vừa phấn đấu hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2020 theo chủ trương của Đảng, Quốc hội và Chính phủ.

 vậy, trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ đẩy mạnh thực hiện các giải pháp đã ban hành để doanh nghiệp, người dân nhanh chóng được hưởng hỗ trợ theo hướng tạo thuận lợi nhất; Đồng thời tiếp tục theo dõi sát tình hình thực tế và quá trình thực hiện các giải pháp đã ban hành để nghiên cứu, rà soát đánh giá tổng thể để đề xuất giải pháp về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất phù hợp, báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Tiếp tục rà soát để miễn, giảm nhiều khoản thuế, phí

Tại Hội nghị Thủ tướng với Doanh nghiệp vừa được tổ chức trực tuyến vào sáng ngày 09/5, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết: Bộ Tài chính sẽ tiếp tục bám sát các nội dung về thuế đã báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội để sớm được ban hành và tổ chức triển khai thực hiện tốt ngay sau khi được ban hành như các chính sách: (1) Miễn, giảm thuế đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ; (2) Điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh của cá nhân người nộp thuế và người phụ thuộc; (3) Tiếp tục miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến hết năm 2025;

Tại Hội nghị, Người đứng đầu ngành Tài chính đề nghị Chính phủ sớm ban hành Dự thảo Nghị định mà Bộ Tài chính đã trình Chính phủ, trong đó có dự thảo sửa đổi Nghị định 134/2018 và dự thảo sửa đổi Nghị định 125/2017 về thuế nhập khẩu một số mặt hàng dệt may, da giày, ô tô, linh kiện ô tô sản xuất trong nước...

Trong thời gian qua, Bộ Tài chính đã nhận được văn bản của 18 Bộ, trong đó có 15/18 Bộ đề xuất giảm các khoản phí, lệ phí đến hết năm 2020. Ngay khi nhận được đề xuất của các Bộ, Bộ Tài chính đã xây dựng 19 dự thảo Thông tư quy định miễn, giảm phí, lệ phí và gửi xin ý kiến rộng rãi của tổ chức, cá nhân theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Đến nay, Bộ Tài chính đã ban hành được 08 Thông tư quy định về giảm phí, lệ phí các lĩnh vực du lịch, xây dựng, đăng ký thành lập doanh nghiệp, tài nguyên nước... Trong tuần tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục ban hành nhiều thông tư quy định giảm phí, lệ phí trong lĩnh vực PCCC, y tế, hàng không, nông nghiệp…

Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, thời gian qua, Bộ Tài chính đã quyết liệt thực hiện các giải pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, trong đó tập trung vào các giải pháp tháo gỡ khó khăn nhằm phục hồi sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới. Các chính sách tài khóa tập trung vào gia hạn thuế, miễn giảm nhiều khoản phí, lệ phí vừa có tính giải quyết các vấn đề cấp bách trước mắt, vừa giải quyết các vấn đề cho lâu dài, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển sản xuất – kinh doanh.

  
Số lượt xem:1454