Hội nghị tổng kết tổng kết công tác tài chính - NSNN năm 2020 tổ chức vào ngày 08/01/2021
18-1-2021

Ngày 8/1/2021, Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị tổng kết công tác tài chính - NSNN năm 2020 và triển khai nhiệm vụ tài chính – NSNN năm 2021 theo hình thức trực tuyến tại điểm cầu trung ương và 63 điểm cầu tại các tỉnh, thành phố.


Hội nghị tổng kết tổng kết công tác tài chính - NSNN năm 2020 tổ chức vào ngày 08/01/2021
CT

 Sáng ngày 08/01, Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2020, triển khai nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2021, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đến dự và chỉ đạo Hội nghị. Hội nghị có sự tham dự của lãnh đạo các tỉnh, thành phố tại 63 điểm cầu trong cả nước. Tham dự Hội nghị, về phía Bộ Tài chính có Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, các đồng chí Thứ trưởng Bộ Tài chính, đại diện lãnh đạo các Tổng cục, các đơn vị trong ngành Tài chính.

Thu NSNN giai đoạn 2016-2020 hoàn thành vượt kế hoạch

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2020 được triển khai trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tác động đến mọi mặt đời sống, kinh tế, xã hội ở nhiều quốc gia; làm gián đoạn dòng luân chuyển thương mại, đầu tư, du lịch quốc tế; lao động mất việc làm tăng cao... kinh tế thế giới suy thoái với quy mô và mức độ lớn nhất kể từ cuộc Đại suy thoái năm 1929-1932. Kinh tế trong nước chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch Covid-19 và những diễn biến bất thường của thiên tai, biến đổi khí hậu, dịch bệnh; tăng trưởng kinh tế chậm lại, làm gia tăng tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm; đời sống của một bộ phận người dân gặp khó khăn.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng phát biểu khai mạc Hội nghị. Ảnh: MT

Trong bối cảnh đó, thực hiện chủ trương của Đảng về khắc phục tác động của đại dịch Covid-19 để phục hồi và phát triển đất nước; các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; toàn ngành Tài chính đã đoàn kết, đồng lòng, bám sát tình hình thực tiễn, chủ động đề xuất và triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp chính sách tài khoá, quyết tâm phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2020, góp phần tích cực thực hiện “nhiệm vụ kép” - vừa phòng chống dịch bệnh, vừa duy trì phục hồi và phát triển các hoạt động kinh tế - xã hội, đảm bảo đời sống nhân dân.

Theo đó, ngành Tài chính đã chủ động điều hành chính sách tài khóa ứng phó với đại dịch Covid-19, hỗ trợ nền kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh và người dân, đảm bảo an sinh xã hội. Để hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ trình cấp có thẩm quyền ban hành kịp thời các giải pháp miễn, giảm, giãn thuế và các khoản thu NSNN. Đồng thời, đã phối hợp với các Bộ, ngành rà soát để miễn, giảm các khoản phí, lệ phí nhằm tháo gỡ khó khăn cho các đối tượng chịu ảnh hưởng của dịch bệnh.

Bên cạnh việc tập trung thực hiện tốt các luật thuế và nhiệm vụ thu NSNN năm 2020, ngay từ đầu năm Bộ Tài chính đã chỉ đạo cơ quan Thuế, Hải quan khẩn trương triển khai các giải pháp thu ngân sách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, đi đôi với việc tăng cường kiểm tra, giám sát, giảm thiểu việc lợi dụng chính sách để trục lợi. Tính đến ngày 31/12/2020, đã có khoảng 123,6 nghìn tỷ đồng tiền thuế, thuê đất, phí và lệ phí được gia hạn, hoặc miễn, giảm.

Cơ quan Thuế, Hải quan cũng đã tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng để làm tốt công tác quản lý thu NSNN trên địa bàn; đẩy mạnh chống thất thu, chuyển giá, gian lận thương mại, trốn thuế; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế; quyết liệt xử lý và thu hồi nợ đọng thuế, giảm tỷ lệ nợ đọng thuế trên thu ngân sách.

Bằng các biện pháp tài khóa đồng bộ, quyết liệt nêu trên, kết hợp với chính sách tiền tệ và các chính sách kinh tế khác, đã cơ bản giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì đà tăng trưởng kinh tế ở mức cao so với thế giới và khu vực, tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước. Qua đó, thu NSNN cũng đạt cao hơn so với đánh giá báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 10 (tháng 10,11/2020), với tổng thu cân đối NSNN ước đạt 1.507,1 nghìn tỷ đồng, bằng 98% dự toán (giảm 31,9 nghìn tỷ đồng), tăng gần 184 nghìn tỷ đồng so báo cáo Quốc hội, tỷ lệ động viên vào NSNN đạt khoảng 23,9% GDP, huy động từ thuế và phí đạt khoảng 19,1% GDP.

Tính chung cả giai đoạn 2016-2020, tổng thu NSNN đạt 6,89 triệu tỷ đồng, hoàn thành vượt kế hoạch đề ra (100,4%), mức rất tích cực trong điều kiện thu NSNN năm 2020 khó khăn, tăng trưởng kinh tế thấp hơn rất nhiều so dự kiến. Cơ cấu thu NSNN bền vững hơn, tỷ trọng thu nội địa trong tổng thu NSNN tăng từ 68% bình quân giai đoạn 2011-2015 lên 85,5% năm 2020 (kế hoạch là 84-85%), tỷ trọng thu dầu thô và thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu giảm từ 30% bình quân giai đoạn 2011-2015 xuống còn khoảng 14,2% năm 2020.

Giải ngân vốn đầu tư - Điểm sáng trong tổ chức thực hiện chi ngân sách

Trong công tác điều hành chi NSNN, ngay từ đầu năm 2020, Bộ Tài chính đã ban hành văn bản hướng dẫn các bộ, ngành và địa phương tổ chức triển khai thực hiện dự toán chi NSNN năm 2020, trong đó yêu cầu chặt chẽ về thời gian phân bổ, nội dung phân bổ và tổ chức thực hiện dự toán, đảm bảo phù hợp với thực tế, triệt để tiết kiệm và phát huy hiệu quả sử dụng kinh phí ngân sách. Trong điều hành đã tăng cường công tác thanh tra tài chính - ngân sách, công tác kiểm soát chi NSNN, qua đó phát hiện, chấn chỉnh và xử lý kịp thời các sai phạm.

Trước tình hình phức tạp của dịch bệnh, cân đối NSNN khó khăn, Bộ Tài chính đã chủ động trình cấp thẩm quyền cho phép thực hiện những biện pháp, như: yêu cầu tiết kiệm 70% kinh phí hội nghị, công tác phí trong và ngoài nước và tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên khác còn lại của năm 2020; chưa thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và lương hưu từ ngày 01/7/2020 nhằm chia sẻ khó khăn với nhà nước và người lao động; yêu cầu các địa phương chủ động điều hành NSĐP, trường hợp hụt thu thì phải chủ động sử dụng dự phòng ngân sách, quỹ dự trữ tài chính, tăng thu, tiết kiệm chi và các nguồn hợp pháp khác và cắt giảm các nhiệm vụ chi theo quy định của Luật NSNN. Tổng số kinh phí đã cắt giảm, tiết kiệm được của ngân sách trung ương là 49,3 nghìn tỷ đồng, tương đương 4,6% dự toán Quốc hội giao.

Nhờ chủ động trong điều hành, đến nay có thể khẳng định rằng chi NSNN năm 2020 đã hoàn thành mục tiêu đề ra, với tổng số chi ngân sách ước khoảng 1.781,4 nghìn tỷ đồng, đáp ứng kịp thời, đầy đủ các nhiệm vụ chi phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý nhà nước và thanh toán các khoản nợ đến hạn. NSNN đã chi trên 18 nghìn tỷ đồng cho công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân vượt qua tác động của đại dịch Covid-19 theo các Nghị quyết của Chính phủ số 42/NQ-CP về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 và số 37/NQ-CP của Chính phủ về một số chế độ đặc thù trong phòng, chống dịch Covid-19. Ngân sách trung ương đã sử dụng khoảng 12,4 nghìn tỷ đồng dự phòng để hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả bão, mưa lũ và khôi phục sản xuất sau thiên tai, dịch bệnh; xuất cấp gần 37 nghìn tấn gạo dự trữ quốc gia để cứu trợ, cứu đói cho nhân dân, khắc phục hậu quả thiên tai và giáp hạt đầu năm. Các địa phương cũng chủ động sử dụng khoảng 8,2 nghìn tỷ đồng dự phòng ngân sách địa phương và nguồn lực tại chỗ để chi cho công tác phòng chống dịch bệnh, khắc phục hậu quả thiên tai, khôi phục sản xuất, cơ sở hạ tầng thiết yếu và hỗ trợ đời sống nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội ở địa phương.

Điểm sáng trong tổ chức thực hiện chi ngân sách năm 2020 là tiến độ giải ngân vốn đầu tư phát triển tiến bộ hơn so với năm trước, nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương. Ước tính đến ngày 31/12/2020 chi đầu tư phát triển đạt 82,8% dự toán (cùng kỳ đạt 62,9% kế hoạch); phấn đấu đến hết thời điểm khóa sổ kế toán năm 2020 (ngày 31/01/2021) đạt 92-93% dự toán. Bên cạnh đó, đã thực hiện giải ngân vốn năm 2019 chuyển sang năm 2020 đạt khoảng 75% kế hoạch.

Tính chung 5 năm giai đoạn 2016-2020, tổng chi NSNN ước đạt khoảng 7,66 triệu tỷ đồng; tỷ trọng chi NSNN bình quân khoảng 28% GDP (giai đoạn 2011-2015 là 29,5% GDP). Cơ cấu chi tiếp tục chuyển dịch tích cực, tỷ trọng chi đầu tư phát triển năm 2020 đạt trên 29% (mục tiêu là 25-26%), chi thường xuyên khoảng 63,1% tổng chi NSNN (mục tiêu là dưới 64%).

Xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách trong lĩnh vực tài chính – NSNN

 

Đánh giá về công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách trong lĩnh vực tài chính – NSNN, báo cáo tại Hội nghị cho biết, năm 2020, Bộ Tài chính đã tập trung triển khai công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách trong lĩnh vực tài chính - NSNN, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, siết chặt kỷ cương, kỷ luật tài chính; hoàn thành 100% kế hoạch xây dựng luật, pháp lệnh được giao. Bộ Tài chính cũng đã thường xuyên rà soát, hệ thống hóa danh mục văn bản pháp luật; cập nhật thông tin về văn bản mới ban hành, đăng tải đầy đủ, kịp thời trên Cổng thông tin điện tử của Bộ và Cơ sở dữ liệu quốc gia; tăng cường tuyên truyền, phổ biến văn bản pháp luật, chính sách chế độ mới; hỗ trợ, tư vấn pháp luật về thuế cho doanh nghiệp, người dân.

Nhìn chung, công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật được triển khai thực hiện nghiêm túc, đáp ứng yêu cầu về tiến độ và chất lượng, kể cả các đề án, nhiệm vụ phát sinh ngoài kế hoạch. Qua đó, không chỉ góp phần hoàn thiện khung khổ pháp lý trong lĩnh vực tài chính-NSNN, mà còn tích cực hỗ trợ cho công cuộc phòng, chống đại dịch Covid-19, tháo gỡ kịp thời khó khăn cho sản xuất-kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân ứng phó với dịch bệnh.

Cùng với việc ban hành, hoàn thiện thể chế pháp luật như nêu trên; trong triển khai thực hiện, Bộ Tài chính cũng đã tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến văn bản pháp luật, chính sách chế độ mới; thường xuyên tổ chức đối thoại, hỗ trợ, tư vấn pháp luật về thuế cho doanh nghiệp, người dân.

Tính chung 5 năm giai đoạn 2016-2020, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ trình Quốc hội thông qua 06 Luật; trình Chính phủ trình Quốc hội thông qua 23 Nghị quyết của Quốc hội về các giải pháp, chính sách tài chính; trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua 10 Nghị quyết; trình Chính phủ ban hành 159 Nghị định; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 42 Quyết định và ban hành theo thẩm quyền 799 Thông tư…

Đi đầu trong công tác cải cách hành chính

Cùng với công tác điều hành thu chi NSNN và xây dựng, hoàn thiện thể chế, công tác cải cách hành chính, sắp xếp lại tổ chức bộ máy cũng là một trong những điểm nhấn được Bộ Tài chính nêu lên tại Hội nghị. Trong năm 2020, Bộ Tài chính đã quyết liệt triển khai công tác cải cách hành chính. Điều này được thể hiện ở việc Bộ đã hoàn thành 180/180 nhiệm vụ cải cách hành chính theo kế hoạch (100%); tổng kết, báo cáo kết quả triển khai Nghị quyết số 30c/NQ-CP ngày 08/11/2011 của Chính phủ; rà soát, bãi bỏ 39 thủ tục hành chính và sửa đổi, bổ sung, thay thế 60 thủ tục hành chính trong các lĩnh vực thuế, hải quan, kho bạc, công sản, kế toán, kiểm toán; đồng thời, công khai và cập nhật đầy đủ lên Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng thông tin điện tử của Bộ theo quy định. Bên cạnh đó, đã ban hành danh mục 303 chế độ báo cáo định kỳ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tài chính và sửa đổi 57 chế độ báo cáo, đáp ứng yêu cầu của Nghị định số 09/2019/NĐ-CP ngày 24/01/2019 của Chính phủ. Tiếp tục rà soát cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Tài chính , để tạo thuận lợi, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Trong năm 2020, thực hiện Nghị quyết số 36a/NQ-CP năm 2015 của Chính phủ, Bộ Tài chính tiếp tục mở rộng ứng dụng công nghệ thông tin, điện tử hóa trong lĩnh vực tài chính, thuế, hải quan, giúp người dân và doanh nghiệp, tổ chức thuận tiện trong việc thực hiện các thủ tục hành chính, tiết kiệm thời gian, chi phí.

Những nỗ lực cải cách hành chính của Bộ Tài chính trong thời gian qua, đặc biệt là trong lĩnh vực thuế, hải quan, đã được cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước đánh giá cao. Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ tại Hội nghị trực tuyến ngày 19/5/2020 công bố chỉ số cải cách hành chính năm 2019 (PAR index 2019) và chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2019 (SIPAS 2019), Bộ Tài chính tiếp tục giữ vị trí thứ 2/17 bộ, cơ quan ngang bộ, với 94,77/100 điểm, tăng 4,58 điểm so với năm 2018.

Quyết tâm, nỗ lực phấn đấu vượt khó hoàn thành nhiệm vụ

Năm 2020 mặc dù có nhiều khó khăn, thách thức lớn, tác động xấu nhiều mặt, ảnh hưởng nặng nề tới đất nước, song nhờ có sự chỉ đạo sát sao, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các ngành, các cấp với quyết tâm cao ngay từ đầu năm, Bộ Tài chính đã hoàn thành nhiều mục tiêu, nhiệm vụ tài chính - NSNN quan trọng mà Đảng và Nhà nước giao, góp phần vào hoàn thành thắng lợi mục tiêu chung của cả nước, đó là vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế, ổn định an ninh trật tự xã hội.

Bước sang năm 2021, bên cạnh những thời cơ, thuận lợi, dự báo tình hình thế giới và trong nước cũng còn nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu, thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn tiếp tục diễn biến phức tạp, tác động không thuận lợi đến sự phát triển kinh tế - xã hội và việc thực hiện các nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2021. Do đó, đòi hỏi phải quyết tâm, nỗ lực phấn đấu của toàn ngành Tài chính nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ tài chính - NSNN đề ra.

 

Tại Hội nghị, Bộ Tài chính đã đề ra các giải pháp thực hiện để hoàn thành tốt nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2021. Theo đó, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai các nội dung như: điều hành chính sách tài khóa chủ động, chặt chẽ, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, linh hoạt với chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác, nhằm tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng trên cơ sở giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; nâng cao kỷ cương, hiệu quả trong công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật; xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; đẩy mạnh cải cách hành chính, hiện đại hóa, cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, xây dựng chính phủ điện tử phục vụ người dân, doanh nghiệp...

 

                                                                              Nguồn: Website Bộ Tài chính

 

  
Số lượt xem:1079