Huy động mọi nguồn lực thực hiện thắng lợi chiến lược vắc-xin |
15-6-2021 |
Tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2021, Chính phủ kêu gọi các tổ chức, cơ quan, đơn vị, cộng đồng doanh nghiệp và toàn thể nhân dân tích cực tham gia đóng góp cho Quỹ vắc-xin phòng chống Covid-19; cùng chung sức, đồng lòng huy động tổng hợp mọi nguồn lực để thực hiện thắng lợi chiến lược vắc-xin, góp phần sớm chiến thắng đại dịch Covid-19. |
CT |
Tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2021, Chính phủ kêu gọi các tổ chức, cơ quan, đơn vị, cộng đồng doanh nghiệp và toàn thể nhân dân tích cực tham gia đóng góp cho Quỹ vắc-xin phòng chống Covid-19; cùng chung sức, đồng lòng huy động tổng hợp mọi nguồn lực để thực hiện thắng lợi chiến lược vắc-xin, góp phần sớm chiến thắng đại dịch Covid-19.
Tại Nghị quyết này, Chính phủ đồng ý áp dụng phụ cấp đặc thù với mức 7.500 đồng/liều tiêm (tối đa không quá 150.000 đồng/người/ngày) đối với cán bộ y tế trực tiếp tiêm vắc-xin phòng Covid-19 trong Chương trình tiêm chủng miễn phí tại các cơ sở y tế công lập. Chính phủ đồng ý áp dụng chế độ trong thời gian tình nguyện tham gia phòng, chống dịch Covid-19 đối với học sinh, sinh viên các trường đại học, cao đẳng, học sinh các trường đào tạo hệ trung cấp khối ngành sức khỏe, người có chuyên môn y tế không hưởng lương ngân sách như sau: Được hưởng 300.000 đồng/người/ngày khi thực hiện các nhiệm vụ theo quy định tại Khoản 1 Điều 2 Nghị quyết số 16/NQ-CP; được hưởng 200.000 đồng/người/ngày khi thực hiện các nhiệm vụ quy định tại Khoản 2 Điều 2 nghị quyết 16/NQ-CP; Được hưởng 120.000 đồng/người/ngày tiền ăn và chi phí phục vụ nhu cầu sinh hoạt trong thời gian phải ở lại nơi tình nguyện. Kinh phí để thực hiện là từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương. Đáng lưu ý, Chính phủ thống nhất với đề nghị của Bộ Tài chính cắt giảm tối thiểu 50% kinh phí hội nghị, công tác trong và ngoài nước còn lại của các bộ, cơ quan trung ương, địa phương và tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên khác còn lại của năm 2021 để bổ sung nguồn phòng, chống dịch Covid-19, tăng đầu tư phát triển và nhiệm vụ an ninh, quốc phòng cần thiết. Báo cáo Quốc hội cho phép thu hồi các khoản kinh phí thường xuyên đã giao cho các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương nhưng đến ngày 30/6/2021 chưa phân bổ hoặc đã phân bổ nhưng chưa triển khai thực hiện và các khoản kinh phí thường xuyên chưa thực sự cần thiết để bổ sung nguồn dự phòng của NSTW và NSĐP chi cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 và phục vụ chiến lược vắc-xin. Đối với kinh phí chi thường xuyên các chương trình mục tiêu đã bố trí trong dự toán NSNN năm 2021 (trong tổng số 12,5 nghìn tỷ đồng bố trí cho các chương trình mục tiêu quốc gia và chương trình mục tiêu), Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát để lồng ghép trong các Chương trình mục tiêu quốc gia, số còn lại sẽ cắt giảm chi tương ứng. Cũng tại Nghị quyết này, Chính phủ đánh giá, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 bùng phát trở lại, diễn biến phức tạp tại một số địa phương nhưng nhờ nỗ lực vượt bật của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước, tình hình kinh tế xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2021 tiếp tục đạt kết quả tích cực. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 5 tháng đầu năm tăng 1,29% so với cùng kỳ năm trước. Các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm. Thu NSNN đạt gần 50% dự toán năm, tăng 15,2% so với cùng kỳ. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 5 tháng ước đạt trên 262 tỷ USD, tăng 33,5%. Thu hút vốn đầu tư nước ngoài đạt 14 tỷ USD. Việt Nam là quốc gia duy nhất trên thế giới được cả 3 tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế uy tín đồng loạt nâng triển vọng lên tích cực. Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo các nghị quyết, kết luận của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo chức năng, nhiệm vụ được giao tiếp tục phối hợp chặt chẽ, thực hiện các chính sách tài khóa, tiền tệ linh hoạt, thận trọng, phù hợp, hài hòa, hợp lý, bảo đảm thực hiện nhất quán mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính – NSNN, triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, ưu tiên dành nguồn lực phục vụ phòng, chống dịch và các nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, đột xuất khác. Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ…, nhanh chóng ngăn chặn, đẩy lùi và dập dịch triệt để; thực hiện hiệu quả mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội và đời sống nhân dân. Nguồn: Website Bộ Tài chính.
|
Số lượt xem:2773 |