Hội nghị của Bộ Tài chính với các địa phương về tình hình giải ngân đầu tư công nguồn vốn nước ngoài các tháng cuối năm 2024
5-12-2024
Chiều ngày 03/12/2024, Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị trực tuyến với các địa phương về tình hình giải ngân đầu tư công nguồn vốn nước ngoài các tháng cuối năm 2024. Thừa ủy quyền của Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Tài chính đã cùng đại diện các đơn vị: Sở Kế hoạch và Đầu tư; Kho bạc Nhà nước tỉnh, Ban Quản lý Dự án Hỗ trợ phát triển khu vực biên giới tỉnh Kon Tum tham dự Hội nghị trực tuyến tại điểm cầu tỉnh Kon Tum.
Chiều ngày 03/12/2024, Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị trực tuyến với các địa phương về tình hình giải ngân đầu tư công nguồn vốn nước ngoài các tháng cuối năm 2024.
Thừa ủy quyền của Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Tài chính đã cùng đại diện các đơn vị: Sở Kế hoạch và Đầu tư; Kho bạc Nhà nước tỉnh, Ban Quản lý Dự án Hỗ trợ phát triển khu vực biên giới tỉnh Kon Tum tham dự Hội nghị trực tuyến tại điểm cầu tỉnh Kon Tum.


Tại Điểm cầu tỉnh Kon Tum

Tại Hội nghị, đại diện Lãnh đạo Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại; đại diện các tỉnh, thành phố đã báo cáo về tình hình giải ngân vốn đầu tư nguồn vay nước ngoài đến ngày 30 tháng 11 năm 2024 và các khó khăn vướng mắc trong thời gian qua, đồng thời đưa ra các kiến nghị đối với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng như của các nhà tài trợ.

Tại Điểm cầu Bộ Tài chính

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, trong thời gian qua, Bộ Tài chính đã chỉ đạo toàn ngành tài chính thực hiện đồng bộ các biện pháp, bao gồm cả vốn vay nước ngoài như: khẩn trương thực hiện phân bổ chi tiết kế hoạch vốn đầu tư công vốn ngân sách nhà nước, kế hoạch vốn nước ngoài năm 2024, nhập dự toán trên hệ thống Thông tin quản lý ngân sách và kho bạc (TABMIS). Tuy nhiên, kết quả giải ngân vốn nước ngoài (tính đến ngày 30 tháng 11 năm 2024) của các địa phương vẫn khá thấp, khó đạt được yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ đặt ra (phấn đầu cả năm giải ngân 95% kế hoạch vốn năm 2024), cụ thể: các địa phương được giao tổng kế hoạch vốn vay nước ngoài năm 2024 là 24.805,39 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư công (vốn ngân sách nhà nước cấp phát bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương) là 10.094,79 tỷ đồng (53/63 địa phương), vốn vay lại 14.710,6 tỷ đồng. Tính đến ngày 30 tháng 11 năm 2024, số kế hoạch vốn các địa phương đã phân bổ và nhập Tabmis cho các dự án là hơn 21.123 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư công ngân sách trung ương chiếm 93,71% kế hoạch vốn được giao, vốn vay lại chiếm 79,28% kế hoạch vốn được giao. Lũy kế giải ngân vốn vay nước ngoài của các địa phương tính đến ngày 30 tháng 11 năm 2024 là 30,30%, trong đó đối với phần vốn đầu tư công của NSTW là 3.218,8 tỷ đồng, chiếm 31,89% kế hoạch vốn được Thủ tướng Chính phủ giao, vốn vay lại là 4.298,37 tỷ đồng chỉ chiếm 29,22% kế hoạch vốn được giao. Tỷ lệ giải ngân chung cùng kỳ năm 2024 đang cao hơn so với năm 2023.
Theo Bộ Tài chính các vướng mắc chủ yếu liên quan đến: Điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án, gia hạn giải ngân, gia hạn thời gian thực hiện, sử dụng vốn dư; các dự án phải xin gia hạn thời gian thực hiện, thời gian giải ngân là do các công tác triển khai dự án chậm trễ và chưa kịp thời xử lý các vướng mắc phát sinh; các dự án nhóm B sau khi hoàn thành thủ tục gia hạn giải ngân dự án (thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân tỉnh tỉnh) thì phải thực hiện thủ tục gia hạn thời gian bố trí vốn (thẩm quyền của Chính phủ); giải phóng mặt bằng; điều chỉnh thiết kế; chậm tiến hành công tác nghiệm thu, thanh toán; thiếu kế hoạch vốn (cả cấp phát và vay lại); lúng túng trong việc lập kế hoạch vốn, không dự kiến được tiến độ thực hiện dự án và số vốn cần giải ngân nên đã lập kế hoạch vốn không sát với thực tế, đặc biệt với các dự án có năm 2024 là năm giải ngân cuối cùng dẫn đến việc thiếu hoặc không có kế hoạch vốn để giải ngân ...
Để phấn đấu đạt tỷ lệ giải ngân cao đối với nguồn vốn ODA, vay ưu đãi nước ngoài được Thủ tướng Chính phủ giao trong thời gian tới, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, ngành và địa phương thực hiện một số giải pháp:
(1) Đối với Bộ Tài chính: Tiếp tục rút ngắn tối đa thời gian xử lý đơn rút vốn (trong vòng 1 ngày làm việc đối với rút vốn trực tiếp và tạm ứng); trực tiếp làm việc với các ban quản lý dự án, các địa phương để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong giải ngân; tiếp tục trao đổi với các nhà tài trợ nhằm tháo gỡ các vướng mắc về phía nhà tài trợ như rút ngắn thời gian và đơn giản hóa thủ tục cho ý kiến không phản đối.
(2) Đối với Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Đề nghị hỗ trợ các địa phương đẩy nhanh tiến độ, thủ tục trong việc gia hạn thời gian bố trí vốn để tránh làm ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân của dự án. Nhanh chóng thực hiện các thủ tục bổ sung kế hoạch vốn trung hạn, kế hoạch vốn cấp phát cho các địa phương để hoàn thành thủ tục và đủ điều kiện được bố trí vốn bổ sung.
(3) Đối với các địa phương và Ban quản lý dự án: Cần chuẩn bị sẵn sàng hồ sơ để giải ngân ngay sau khi được giao bổ sung kế hoạch vốn; khẩn trương báo cáo hoàn chứng từ chi tiêu từ tài khoản tạm ứng, bảo đảm thời hạn theo quy định...Đối với các dự án có vướng mắc trong công tác chuẩn bị đầu tư và triển khai dự án, các địa phương, Ban quản lý dự án có trách nhiệm khẩn trương hoàn tất các thủ tục về đầu tư, xây dựng, về di dân tái định cư, giải phóng mặt bằng để triển khai thực hiện dự án; hoàn thiện các thiết kế kỹ thuật, giải quyết các khó khăn vướng mắc trong việc đấu thầu hợp đồng; sớm xử lý các vướng mắc phát sinh trong từng khâu thực hiện dự án./.
 

Lê Ngọc Anh Dũng  
Số lượt xem:126