Chính sách thuế thu nhập cá nhân đối với hoạt động bảo lãnh tín dụng |
18-6-2014 |
Tổng cục Thuế vừa có công văn số 2089/TCT-TNCN hướng dẫn Cục Thuế các tỉnh, thành phố về chính sách thuế thu nhập cá nhân đối với hoạt động bảo lãnh tín dụng. |
Theo đó, theo quy định của Bộ Tài chính tại khoản 1, Điều 1, Chương I, Thông tư số 60/2012/TT-BTC, tổ chức nước ngoài kinh doanh có cơ sở thường trú tại Việt Nam hoặc không có cơ sở thường trú tại Việt Nam; cá nhân nước ngoài kinh doanh là đối tượng cư trú tại Việt Nam hoặc không là đối tượng cư trú tại Việt Nam (Nhà thầu nước ngoài, nhà thầu phụ nước ngoài) kinh doanh tại Việt Nam hoặc có thu nhập phát sinh tại Việt Nam trên cơ sở hợp đồng, thỏa thuận, hoặc cam kết giữa nhà thầu nước ngoài với tổ chức, cá nhân Việt Nam hoặc giữa nhà thầu nước ngoài với nhà thầu phụ nước ngoài để thực hiện một phần công việc của Hợp đồng nhà thầu có nghĩa vụ nộp thuế theo quy định của pháp luật Việt Nam. Bên cạnh đó, cũng theo Thông tư trên, người nộp thuế có trách nhiệm khấu trừ số thuế Giá trị gia tăng (GTGT), thuế Thu nhập doanh nghiệp (TNDN) hướng dẫn tại Mục 3 Chương II Thông tư này trước khi thanh toán cho nhà thầu nước ngoài, Nhà thầu phụ nước ngoài. Nhà thầu nước ngoài, nhà thầu phụ nước ngoài là cá nhân nước ngoài kinh doanh thực hiện nghĩa vụ thuế GTGT theo hướng dẫn tại Thông tư này, thuế thu nhập cá nhân (TNCN) theo pháp luật về thuế TNCN. Thuế suất thuế GTGT đối với hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT là thuế suất quy định tại Luật thuế GTGT và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Bộ Tài chính cũng quy định các cá nhân, nhóm cá nhân cư trú có thu nhập từ kinh doanh có trách nhiệm kê khai thuế trực tiếp với cơ quan thuế.
Bộ Tài chính cũng quy định cụ thể thuế suất thuế TNCN đối với thu nhập từ kinh doanh của cá nhân không cư trú quy định đối với từng lĩnh vực, ngành nghề sản xuất, kinh doanh tại khoản 2 Điều 17 của Thông tư số 111/2013/TT-BTC. Theo đó, áp dụng 1% đối với hoạt động kinh doanh hàng hóa; 5% đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ; 2% đối với hoạt động sản xuất, xây dựng, vận tải và hoạt động kinh doanh khác.
Trường hợp cá nhân không cư trú có doanh thu từ nhiều lĩnh vực, ngành nghề sản xuất, kinh doanh khác nhau nhưng không tách riêng được doanh thu của từng lĩnh vực, ngành nghề thì thuế suất thuế TNCN được áp dụng theo mức thuế suất cao nhất đối với lĩnh vực, ngành nghề thực tế hoạt động trên toàn bộ doanh thu.
Cũng tại điểm c, khoản 2, Điều 2 Thông tư số 111/2013/TT-BTC, Bộ Tài chính hướng dẫn, thu nhập từ tiền lương, tiền công là thu nhập người lao động nhận được từ người sử dụng lao động, bao gồm tiền hoa hồng đại lý bán hàng hóa, tiền hoa hồng môi giới; tiền tham gia các đề tài nghiên cứu khoa học, kỹ thuật; tiền tham gia các dự án, đề án; tiền nhuận bút theo quy định của pháp luật về chế độ nhuận bút; tiền tham gia các hoạt động giảng dạy; tiền tham gia biểu diễn văn hoá, nghệ thuật, thể dục, thể thao; tiền dịch vụ quảng cáo; tiền dịch vụ khác, thù lao khác.
Thuế TNCN đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công của cá nhân không cư trú được xác định bằng thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công nhân (x) với thuế suất 20%.
Căn cứ các quy định và hướng dẫn hiện hành, trường hợp cá nhân có thu nhập từ hoạt động bảo lãnh tín dụng tại ngân hàng để thực hiện nghĩa vụ trả nợ vốn vay cho DN thì thu nhập nêu trên kê khai, nộp thuế như sau:
Nếu cá nhân nước ngoài là thương nhân thì được xác định là cá nhân kinh doanh, thu nhập từ bảo lãnh tín dụng chịu thuế theo quy định đối với nhà thầu gồm thuế GTGT và thuế TNCN đối với thu nhập từ kinh doanh. Đối với thuế TNCN, cá nhân khai trực tiếp với cơ quan thuế (nếu là cá nhân cư trú) hoặc DN trừ theo thuế suất 5% (nếu là cá nhân không cư trú).
Nếu cá nhân nước ngoài không phải là thương nhân thì không được xác định là cá nhân kinh doanh, thu nhập từ bảo lãnh tín dụng là hoạt động cung cấp dịch vụ chịu thuế TNCN đối với thu nhập tiền lương, tiền công. DN khấu trừ thuế TNCN thuế suất 10% (nếu là cá nhân cư trú) hoặc thuế suất 20% (nếu là cá nhân không cư trú).
Tổng cục Thuế cũng lưu ý, cá nhân nước ngoài là thương nhân phải có đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật nước ngoài hoặc các giấy tờ chứng minh là thương nhân được pháp luật nước ngoài công nhận. Các giấy tờ, tài liệu nước ngoài khi sử dụng ở Việt Nam phải được hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định tại Thông tư số 01/2012/TT-BNG ngày 20/3/2012 của Bộ Ngoại giao hướng dẫn về chứng nhận lãnh sự, hợp pháp hóa lãnh sự.
Nguồn http://www.mof.gov.vn/ |
Số lượt xem:646 |