Bộ Tài chính triển khai hiệu quả các giải pháp điều hành về tài chính – NSNN
5-8-2014

Trong tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2014, Bộ Tài chính tiếp tục triển khai một loạt các giải pháp điều hành về tài chính – NSNN, qua đó đã đáp ứng các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh và bảo đảm an sinh xã hội. Công tác quản lý, điều hành giá cũng góp phần tích cực trong việc thực hiện kiềm chế lạm phát, bình ổn thị trường.

 Tình hình kinh tế - xã hội

Một số chỉ tiêu kinh tế vĩ mô tháng 7/2014:

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7/2014 tăng 0,23% so với tháng 6. So với tháng 12/2013, CPI tháng 7/2014 tăng 1,62%; đây là mức tăng thấp nhất trong vòng 13 năm qua. So với cùng kỳ năm trước, CPI tháng 7/2014 tăng 4,94%; bình quân 7 tháng tăng 4,8%.   

Trong tháng 7/2014kim ngạch xuất khẩu ước đạt 12,4 tỷ USD, tăng nhẹ so với tháng trước; trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc ước tăng trên 2%. Nhập khẩu cả nước tháng 7 ước đạt 12,65 tỷ USD, tăng gần 1,8% so với tháng trước.

Vốn đầu t­­ư trực tiếp nư­­ớc ngoài FDI thực hiện trong 7 tháng đầu năm ước đạt 6,8 tỷ USD, tăng 2,3% so với cùng kỳ năm trước. Tổng vốn đăng ký ước đạt khoảng 9,54 tỷ USD, bằng 80,1% so với cùng kỳ năm trước.

Tình hình thực hiện dự toán ngân sách tháng 7/2014

Tổng thu cân đối NSNN thực hiện tháng 7 ước đạt 75,5 nghìn tỷ đồng, trong đó:

Thu nội địa: ước đạt 51 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 14,9 nghìn tỷ đồng (41,2%) so với tháng trước, chủ yếu do tháng 7 là thời hạn các doanh nghiệp thực hiện kê khai nộp thuế thu nhập doanh nghiệp và tạm nộp tiền cổ tức, lợi nhuận sau thuế phát sinh quý II/2014 theo chế độ và quy định của Nghị định số 204/2013/NĐ-CP ngày 5/12/2013 của Chính phủ.

Thu từ dầu thô: ước đạt 8,7 nghìn tỷ đồng. Hiện giá dầu thô trên thị trường thế giới vẫn duy trì ở mức cao, do đó giá dầu thô thanh toán của Việt Nam trong tháng xoay quanh mức 112 USD/thùng, tăng 14 USD/thùng so với giá xây dựng dự toán.

Thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu: ước đạt 15,5 nghìn tỷ đồng, trên cơ sở: tổng số thu đạt 20.500 tỷ đồng, hoàn thuế giá trị gia tăng theo chế độ 5.000 tỷ đồng.

Tính chung 7 tháng đầu năm, tổng thu NSNN thực hiện ước đạt 497,36 nghìn tỷ đồng, bằng 63,5% dự toán, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm 2013. Trong đó:

Thu nội địa:  ước đạt 336,07 nghìn tỷ đồng, bằng 62,4% dự toán, tăng 16,8% so với  cùng kỳ năm 2013 (không kể tiền sử dụng đất thì tăng 15,3%). Trong đó nhiều khoản thu quan trọng tiến độ đạt khá so với dự toán và cùng kỳ năm trước, như: thu từ kinh tế quốc doanh đạt 59,4% dự toán, tăng 26,9% so với cùng kỳ, thu từ khu vực công thương nghiệp ngoài quốc doanh đạt 63,1% dự toán, tăng 8,7% so với cùng kỳ.

Thu về dầu thô: ước đạt 63,48 nghìn tỷ đồng, bằng 74,5% dự toán, bằng 97,8% so với cùng kỳ năm 2013. Giá dầu thanh toán bình quân từ đầu năm đến nay đạt khoảng 112,7 USD/thùng, tăng 14,7 USD/thùng so với giá xây dựng dự toán; sản lượng dầu thanh toán ước đạt 8,86 triệu tấn, bằng 61,9% kế hoạch năm.

Thu ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu: ước đạt 140 nghìn tỷ đồng, bằng 62,5% dự toán, tăng 13,3% so với cùng kỳ năm 2013, chủ yếu nhờ kim ngạch xuất nhập khẩu 7 tháng đầu năm đạt khá, trong đó một số mặt hàng chịu thuế suất cao, trị giá lớn tăng mạnh so với cùng kỳ.

Về chi ngân sách nhà nước:

Tổng chi NSNN tháng 7 ước đạt 92,72 nghìn tỷ đồng; lũy kế chi 7 tháng đầu năm ước 585,89 nghìn tỷ đồng, đạt 58,2% dự toán, tăng 11,7% so với cùng kỳ năm 2013; trong đó:

Chi đầu tư phát triển: tháng 7 ước đạt 19,03 nghìn tỷ đồng, lũy kế 7 tháng ước đạt 97,63 nghìn tỷ đồng, bằng 59,9% dự toán, tăng 6,9% so với cùng kỳ năm 2013; trong đó, NSNN đã thực hiện cấp bù lãi suất tín dụng nhà nước đạt 52,7% dự toán; chi bổ sung dự trữ quốc gia đạt 52% dự toán.... Riêng về thực hiện vốn đầu tư XDCB; tổng số vốn thanh toán và tạm ứng theo chế độ ước 95 nghìn tỷ đồng, bằng 60,1% dự toán (cùng kỳ năm 2013 đạt 52,5% dự toán). Vốn trái phiếu Chính phủ ước đạt 59,8 nghìn tỷ đồng, bằng 59,8% kế hoạch năm (cùng kỳ năm 2013 đạt 52,5% kế hoạch).

Chi phát triển các sự nghiệp kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh,  quản lý hành chính: tháng 7 ước đạt 62,07 nghìn tỷ đồng, lũy kế 7 tháng ước đạt 415,75 nghìn tỷ đồng, bằng 59,1% dự toán, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm 2013.

Về cân đối ngân sách:  

Bội chi NSNN tháng 7 ước 17,17 nghìn tỷ đồng; lũy kế 7 tháng đầu năm 88,53 nghìn tỷ bằng 39,5% mức bội chi Quốc hội quyết định đầu năm.

Trong tháng 7/2014, Kho bạc Nhà nước tổ chức 02 phiên đấu thầu tín phiếu kho bạc và 04 phiên đấu thầu TPCP, kết quả trúng thầu đạt 25.950 tỷ đồng ( Tín phiếu: 3.000 tỷ đồng; trái phiếu CP: 22.950 tỷ đồng). Luỹ kế từ đầu năm đến hết ngày 29/7/2014, KBNN đã huy động được 176.683,3 tỷ đồng (tín phiếu: 24.402 tỷ đồng, trái phiếu CP: 147.281,3 tỷ đồng, BHXH: 5.000 tỷ đồng), đạt 76,1% kế hoạch Bộ giao (232.000 tỷ đồng), bằng 84,1% kế hoạch thông báo ra thị trường (210.000 tỷ đồng).

Tình hình thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP

Thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, triệt để tiết kiệm

a) Ngày 04/7/2014, Bộ Tài chính đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn ngành Tài chính, với sự tham gia của đại diện Lãnh đạo Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ tài chính – NSNN 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2014. Trên cơ sở đó phấn đấu hoàn thành cao nhất nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2014.

b) Tập trung chỉ đạo cơ quan Thuế, Hải quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế và thu ngân sách tại các doanh nghiệp; phối hợp với các lực lượng chức năng đẩy mạnh các hoạt động chống chuyển giá, chống buôn lậu và gian lận thương mại.

c) Đã ban hành văn bản hướng dẫn thanh toán vốn các dự án khởi công mới thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia (công văn số 9955/BTC-ĐT ngày 21/7/2014), theo đó các dự án khởi công mới thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia (bao gồm cả Chương trình 135) thuộc kế hoạch năm 2014 và 2015 được phân bổ vốn và thanh toán vốn khi có quyết định phê duyệt dự án trước ngày 31/12 của năm kế hoạch (thay vì trước ngày 31/10 của năm kế hoạch theo quy định hiện hành).

d) Đã trình Thủ tướng Chính phủ phương án phân bổ, sử dụng nguồn tăng bội chi NSNN và giảm chi NSTW năm 2013 theo Nghị quyết số 72/2014/QH13 của Quốc hội. Đồng thời, đã phối hợp với các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Quốc phòng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận phân bổ 16.000 tỷ đồng từ nguồn Quốc hội cho phép để hỗ trợ ngư dân đóng tàu đánh bắt xa bờ và đóng tàu, trang thiết bị cho cảnh sát biển, lực lượng kiểm ngư; trên cơ sở đó, đang khẩn trương tổ chức thực hiện.

Tăng cường kiểm soát giá cả, thị trường

Bộ Tài chính đã duy trì thường xuyên công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra giám sát thị trường, không để xảy ra đột biến về giá của các hàng hóa, dịch vụ quan trọng thiết yếu (xăng, dầu, điện, than....), cụ thể:

- Đối với mặt hàng sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi: đã ban hành văn bản đôn đốc Sở Tài chính các tỉnh, thành phố báo cáo tình hình triển khai biện pháp bình ổn giá (Công văn số 9549/BTC-QLG ngày 15/7/2014) và triển khai các đoàn kiểm tra tại các địa phương, qua đó hướng dẫn, chấn chỉnh và xử lý kịp thời các vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ bình ổn giá sữa theo Nghị quyết của Chính phủ.

-  Đối với mặt hàng xăng dầu: Tiếp tục điều hành theo đúng quy định tại Nghị định số 84/2009/NĐ-CP của Chính phủ và phù hợp với diễn biến giá thị trường thế giới, sử dụng linh hoạt các công cụ giá, Quỹ Bình ổn giá góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Trong tháng 7/2014 liên Bộ Tài chính - Công thương đã 03 điều hành giá xăng dầu trong nước, trong đó 01 lần điều chỉnh tăng giá bán các mặt hàng xăng dầu (ngày 07/7/2014), 01 lần giữ ổn định giá bán xăng; điều chỉnh giảm giá dầu điezên, dầu hỏa (ngày 18/7/2014); 01 lần giảm giá bán mặt hàng xăng, dầu điezên và dầu hỏa (ngày 28/7/2014); tiếp tục sử dụng Quỹ Bình  ổn giá đối với mặt hàng xăng dầu; đồng thời thực hiện công bố số liệu Quỹ Bình ổn giá đến hết ngày 30/6/2014 để người dân biết và giám sát. 

Đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng

 Bộ Tài chính đã tham gia, phối hợp cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư để thực hiện việc rà soát, hoàn thiện pháp luật, cơ chế chính sách về phân cấp và quản lý đầu tư công; xác định rõ trách nhiệm của người quyết định đầu tư và chủ đầu tư; rà soát danh mục các dự án cơ sở hạ tầng quốc gia; ưu tiên tập trung nguồn lực đầu tư các công trình, dự án quan trọng thiết yếu, có sức lan tỏa lớn, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và thu hút nhiều nguồn vốn đầu tư của xã hội. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, bảo đảm việc sử dụng nguồn vốn đầu tư từ NSNN, trái phiếu Chính phủ, vốn ODA, vốn tín dụng đầu tư phát triển có hiệu quả, các dự án đầu tư phải theo quy hoạch, kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Đảm bảo an sinh và phúc lợi xã hội, cải thiện đời sống nhân dân

Trong tháng 7/2014, Bộ Tài chính đã thực hiện chi trả đầy đủ, kịp thời các khoản kinh phí bảo đảm an sinh xã hội cho các đối tượng thụ hưởng chính sách. Nhìn chung, công tác cấp phát, thanh toán kinh phí từ đầu năm đến nay được thực hiện đầy đủ, kịp thời, đảm bảo đúng chế độ, chính sách.

Bên cạnh đó, thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, đến nay Bộ Tài chính cũng đã xuất cấp trên 68,6 nghìn tấn gạo dự trữ quốc gia để cứu trợ cho nhân dân ở những vùng bị thiếu đói, giáp hạt; góp phần thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội.

Tình hình thực hiện các giải pháp hỗ trợ cho các doanh nghiệp bị thiệt hại do các hành vi vi phạm pháp luật 

Trong tháng 7, Bộ Tài chính tiếp tục chỉ đạo cơ quan Thuế, Hải quan và các doanh nghiệp bảo hiểm tập trung thực hiện có hiệu quả các giải pháp đã đề ra để giúp các doanh nghiệp khắc phục thiệt hại, phát triển sản xuất kinh doanh. Ngày 19/7/2014, Bộ Tài chính đã phối hợp với UBND tỉnh Hà Tĩnh, Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam thực hiện tạm ứng, hỗ trợ cho các doanh nghiệp bị thiệt hại với số tiền 01 triệu USD.

Các đề án trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ

Theo Chương trình công tác tháng 7 của Chính phủ, trong tháng 7 Bộ Tài chính trình Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ 04 đề án, cụ thể như sau:

+ Nghị định số 68/2014/NĐ-CP ngày 09/7/2014 sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 4 Nghị định số 45/2007/NĐ-CP ngày 27/3/2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm.

+ Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 7/7/2014 về một số chính sách phát triển thủy sản.

+ Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh chi phí giám định, định giá; chi phí cho người làm chứng, người phiên dịch trong tố tụng (Tờ trình số 60/TTr-BTC ngày 16/5/2014).

+ Ngày 28/7/2014 Bộ Tài chính có Tờ trình số 95/TTr-BTC trình Chính phủ về một số giải pháp về thuế tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh sự phát triển của doanh nghiệp (kèm theo Tờ trình dự thảo Nghị quyết về một số giải pháp về thuế tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh sự phát triển của doanh nghiệp và dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung các Nghị định hướng dẫn Luật Quản lý thuế, Luật thuế GTGT, Luật thuế TNDN).

Trong tháng 7, Bộ Tài chính đã ban hành 22 Thông tư, 389 Quyết định, 1589 công văn gửi các Bộ ngành, địa phương, đơn vị, cá nhân.

Triển khai kết luận của Thủ tướng Chính phủ sau buổi làm việc với cơ quan Thuế và cơ quan Hải quan về cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế

Ngày 09/7/2014, tại trụ sở của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì cuộc họp về quản lý và cải cách thủ tục hành chính thuế, hải quan. Ngay sau đó, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đã chủ trì cuộc họp với Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan và các đơn vị thuộc bộ để triển khai kết luận của Thủ tướng Chính phủ. Bộ trưởng yêu cầu  đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, giảm số giờ nộp thuế thông qua cải cách thể chế, rà soát cắt giảm các thủ tục hành chính, nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân của công chức thuế, hải quan. Kiên quyết xử lý nghiêm những cán bộ, công chức có hành vi tiêu cực, vi phạm pháp luật trong thực thi công vụ cụ thể:

- Bộ Tài chính có Tờ trình số 95/TTr-BTC ngày 28/7/2014 về một số giải pháp về thuế tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh sự phát triển của doanh nghiệp, trong đó có 3 nhóm giải pháp cải cách thủ tục hành chính thuế, hải quan nhằm giảm số giờ nộp thuế là 88,36 giờ/năm (trong đó, thuế GTGT là 41,36 giờ/năm, thuế TNDN là 47 giờ/năm); số lần nộp thuế giảm 12 lần/năm (trong đó, thuế GTGT là 8 lần/năm, TNDN là 4 lần/năm)Đồng thời, Bộ Tài chính đã dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung các Thông tư hướng dẫn về thuế GTGT, thuế TNDN, thuế TNCN, quản lý thuế...; tổ chức trao đổi WB và gửi lấy ý kiến các Bộ, UBND các tỉnh, thành phố, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các Hiệp hội để ban hành trước ngày 30/8/2014, qua đó dự kiến giảm được 201,5 giờ/năm cho doanh nghiệp.

Tổng cục Hải quan  đã báo cáo về dự kiến Kế hoạch triển khai các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ bao gồm 3 nhóm về Xây dựng thể chế chính sách và Cải cách hành chính thủ tục hải quan; Chống buôn lậu; Xây dựng lực lượng, hiện đang tổng hợp  trình Lãnh đạo Bộ phê duyệt Kế hoạch chính thức trước ngày 01/8/2014.

 - Tổng cục Thuế đã hoàn thành việc rà soát, đề xuất và đã trình Bộ Thông tư sửa đổi một số Thông tư về thuế (hiện nay đang xin ý kiến các Bộ/ngành, UBND các địa phương); đồng thời tiếp tục rà soát các VBQPPL về thuế hiện hành, trong đó trước mắt tập trung về thuế GTGT, TNDN để đề xuất bãi bỏ các chính sách, thủ tục nhằm cắt, giảm số giờ tuân thủ về thuế của doanh nghiệp; Xây dựng kế hoạch hành động gắn liền với tăng cường kỷ cương, kỷ luật, cải cách TTHC trình Lãnh đạo Bộ trước ngày 01/8/2014.

Công tác đền ơn đáp nghĩa hướng tới kỉ niệm 67 năm ngày thương binh liệt sỹ

Ngày 12/7/2014, Bộ Tài chính đã phối hợp với UBND tỉnh Quảng Trị, Bộ Lao động thương binh và xã hội, Bộ Quốc phòng tổ chức Lễ khánh thành Công trình nâng cấp xây dựng Nghĩa Trang Liệt sỹ Quốc gia Đường 9. Đây là công trình do Ban Cán sự Đảng Bộ Tài chính tổ chức phát động và được sự đồng tình, ủng hộ của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh Quảng Trị, Bộ Quốc phòng, cùng sự hưởng ứng, đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân, của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong và ngoài ngành Tài chính. Đây là việc làm có ý nghĩa to lớn, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, tri ân các anh hùng liệt sỹ. 

Ngày 24/7/2014, Bộ Tài chính đã tổ chức đoàn viếng liệt sỹ Phạm Văn Khang và đồng đội tại tỉnh Tuyên Quang; Đồng thời tổ chức các đoàn đến thắp hương tại gia đình thân nhân các liệt sỹ.

Trong các ngày 21-22/7 và 26-27/7/2014, Công đoàn Bộ Tài chính đã tổ chức đến thăm tặng quà tại các Trung tâm Điều dưỡng thương binh Duy Tiên và Trung tâm Điều dưỡng Thương binh Kim Bảng; Trung tâm điều dưỡng người có công tỉnh Phú Thọ; và tặng quà các gia đình có công với cách mạng tại huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu.

Thực hiện nhiệm vụ tài chính đối ngoại và hợp tác quốc tế

Trong tháng 07/2014, Bộ Tài chính ký kết 07 hiệp định vay, hiệp định vay phụ với tổng trị giá 1.109,4 triệu USD. Đã hoàn thành đàm phán, tham gia đàm phán và đã ký kết 16 hiệp định vay nợ, viện trợ với tổng trị giá cam kết là 2.260,4 triệu USD, trong đó có 01 Hiệp định viện trợ bằng tiền hỗ trợ ngân sách trị giá 6 triệu AUD tương đương 117 tỉ đồng.

Ngày 29/7/2014 Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s đã thông báo nâng bậc xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam. Cụ thể, mức tín nhiệm đối với trái phiếu của Chính phủ được tăng lên 1 bậc, từ mức B2 lên mức B1 và mức triển vọng được đánh giá là Ổn định.

Về hợp tác tài chính quốc tế

Đã tổ chức đón tiếp đoàn Bộ trưởng Bộ Tài chính nước CHDCND Lào thăm Việt Nam. Bộ Tài chính Lào đánh giá cao kết quả cuộc hội thảo về chống thất thu ngân sách được hai Bộ tổ chức tại Lào cuối tháng 6 vừa qua; Hai Bộ trưởng khẳng định sẽ tập trung triển khai tốt  chương trình hợp tác còn lại của năm 2014.

Cũng trong tháng 7, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đã có cuộc làm việc với hơn 20 tân Đại sứ chuẩn bị nhận nhiệm vụ. Bộ trưởng cũng đã có cuộc tiếp với Chủ tịch Uỷ Ban Truyền thông Hàn Quốc và tiếp Hai Thượng nghị sỹ Nhật Bản, là những người có vai trò quan trọng trong phát triển quan hệ Nhật-Việt.

Về lĩnh vực quản lý dự án: Bộ có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc dừng dự án Quản lý Thuế do WB hỗ trợ; Các đơn vị đang chuẩn bị công tác thẩm định Văn kiện dự án 2 – Chương trình “Cải cách DNNN và hỗ trợ quản trị công ty”; Chuẩn bị Hội nghị đối thoại với các nhà tài trợ; Viện Nghiên cứu Nomurra đã có đợt làm việc với các đơn vị để chuẩn bị chương trình hỗ trợ phát triển Thị trường Trái phiếu; tham gia Hội nghị ASEAN về Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á; chuẩn bị cho Lãnh đạo Bộ tham dự Hội nghị Bộ trưởng Tài chính ASEM.

Về đàm phán các Hiệp định thương mại, các đơn vị đã chuẩn bị phương án và đàm phán nội dung tài chính trong khuôn khổ Hiệp định TPP, FTA Việt Nam - EU; Việt Nam - Hàn quốc; Việt Nam - Liên minh thuế quan Nga- Belarus-Kazacstan, với tinh thần là khai thác lợi ích của việc tham gia các Hiệp định.

 

Nguồn: http://www.mof.gov.vn/

  
Số lượt xem:600