Cán bộ, đảng viên ngành Tài chính không ngừng phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”
5-8-2014

NGUYỄN CÔNG NGHIỆP - BÍ THƯ ĐẢNG ỦY, THỨ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH

  Trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, giành độc lập, tự do cho đất nước của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, đã có biết bao chiến sĩ cộng sản, những người yêu nước hy sinh, tiếp nối sự hy sinh của các thế hệ cha ông trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, để xây dựng nên giang sơn gấm vóc hôm nay, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Máu đào của các liệt sĩ đã làm cho lá cờ cách mạng thêm đỏ chói. Sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do. Nhân dân ta đời đời ghi nhớ công ơn các liệt sĩ và chúng ta phải luôn luôn học tập tinh thần dũng cảm của các liệt sĩ để vượt qua tất cả những khó khăn, gian khổ, hoàn thành sự nghiệp cách mạng mà các liệt sĩ chuyển lại cho chúng ta”

 Tư tưởng và tình cảm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng không chỉ nâng cao nhận thức cho các thế hệ người Việt Nam, mà còn được phát huy mạnh mẽ trong cuộc sống hằng ngày bằng những công việc cụ thể đối với những người đã làm cho đất nước ta “nở hoa độc lập, kết quả tự do”

   Với tinh thần “Uống nước nhớ nguồn”, cùng với Đảng, Nhà nước và nhân dân, cán bộ, đảng viên ngành Tài chính luôn tri ân, biết ơn vô hạn công lao to lớn của các Anh hùng Liệt sĩ, các thương binh và đã tổ chức nhiều hoạt động, nhiều việc làm thiết thực, hiệu quả hưởng ứng phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” tưởng nhớ tới các Anh hùng Liệt sỹ, đồng thời góp phần động viên và làm vơi dịu nỗi đau do chiến tranh để lại trong các gia đình người có công.

   Công tác giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng "Uống nước nhớ nguồn" cho cán bộ, đảng viên và công chức, viên chức là một trong những nhiệm vụ thường xuyên của các cấp ủy, lãnh đạo cơ quan, đơn vị và tổ chức chính trị- xã hội trong ngành Tài chính với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, như: tổ chức tọa đàm, hội thảo, đưa nội dung vào sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt các đoàn thể và các lớp bồi dưỡng lý luận cho đảng viên mới và đối tượng kết nạp đảng để ôn lại truyền thống, lịch sử của dân tộc trong bảo vệ và xây dựng đất nước, truyền thống xây dựng và phát triển của ngành Tài chính; ôn lại những tấm gương anh hùng liệt sĩ, gương chiến đấu dũng cảm, những trận đánh tiêu biểu trong các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc; đồng thời, tổ chức các buổi giao lưu văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao của các cơ quan, đơn vị trong Ngành… Thông qua đó, các thế hệ cán bộ, đảng viên ngành Tài  chính nhận thức rõ hơn và càng thêm tự hào hơn về lịch sử hào hùng của dân tộc và truyền thống vẻ vang của các thế hệ đi trước, đồng thời xác định trách nhiệm của bản thân đối với Tổ quốc và nhân dân, hướng đến niềm tin về một đất nước hòa bình, phát triển và giàu mạnh.

Cán bộ đảng viên Bộ Tài chính đến với quần đảo Trường Sa. Ảnh: HMT

 

   Hiện nay cả nước ta có khoảng 8,8 triệu người có công, chiếm 10% tổng dân số. Thực hiện chính sách ưu đãi xã hội đối với thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công là đường lối chủ trương, nhất quán của Đảng và Nhà nước ta trong chiến lược xây dựng và bảo vệ đất nước nhằm mục đích ghi nhận công lao đóng góp, sự hy sinh cao cả của họ, đồng thời bù đắp phần nào đời sống vật chất và tinh thần đối với người có công và gia đình họ, ghi nhận lòng biết ơn của Đảng, Nhà nước và cộng đồng đối với người có công góp phần vào việc ổn định chính trị- xã hội của quốc gia. Thực hiện trợ cấp, ưu đãi người có công đòi hỏi phải có sự tham gia tích cực của các cấp, các ngành, các tổ chức trong hệ thống chính trị và phải đồng bộ từ cơ chế chính sách đến tổ chức, bộ máy triển khai thực hiện chính sách; nguồn lực đầu tư, bao gồm: nhân lực, khoa học, kỹ thuật, công nghệ, tài chính, trong đó nguồn lực tài chính đóng một vai trò đặc biệt quan trọng.

   Thực hiện nhiệm vụ do Quốc hội và chính phủ giao, dưới sự chỉ đạo của Ban Cán sự Đảng, Đảng ủy và Lãnh đạo Bộ, trong những năm qua, cán bộ, đảng viên Bộ Tài chính đã tích cực phối hợp với các bộ, ban, ngành liên quan trong việc tham mưu xây dựng và sửa đổi, bổ sung các chế độ, chính sách ưu đãi đối với người có công, thương binh, gia đình liệt sĩ theo hướng ngày hoàn thiện và toàn diện hơn, mở rộng đối tượng thụ hưởng, mức hưởng tạo điều kiện tốt nhất trong việc chăm lo đời sống người có công với cách mạng. Mặc dù, trong những năm qua, điều kiện kinh tế- xã hội có nhiều khó khăn, nhưng nguồn ngân sách Trung ương luôn cố gắng bảo đảm kinh phí để thực hiện các chế độ, chính sách đối với người có công chủ yếu hỗ trợ tài chính thông qua hình thức trợ cấp, phụ cấp, bảo hiểm ý tế và các chế độ ưu đãi khác (chu cấp trang thiết bị, điều dưỡng, nhà ở, quà nhân dịp lễ tết và ngày Thương binh, liệt sĩ, xây dựng và nâng cấp nghĩa trang, công tác tìm mộ liệt sĩ…).


Thứ trưởng Trần Văn Hiếu viếng Nghĩa trang Liệt  sỹ Phạm Văn Khang và đồng đội. Ảnh: HMT

 

   Hằng năm, vào dịp chuẩn bị kỷ niệm Ngày Thương binh liệt sĩ 27/7, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức toàn ngành Tài chính lại tiếp tục cùng nhau hướng về cội nguồn, tổ chức thăm viếng, thắp hương, tưởng niệm và tri ân các Anh hùng Liệt sĩ đã chiến đấu và hi sinh trên mảnh đất quê hương trong các cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc; Cấp ủy các cấp luôn phối hợp với các tổ chức Công đoàn, Đoàn Thanh niên và lãnh đạo các  cơ quan, đơn vị trực thuộc tổ chức các hoạt động "Đền ơn, đáp nghĩa" thiết thực, hiệu quả và đồng bộ. Nổi bật trong các hoạt động tri ân các Anh hùng Liệt sỹ là cán bộ, công chức, viên chức toàn Ngành đã hưởng ứng tích cực lời kêu gọi của Ban Cán sự Đảng Bộ Tài chính, tự nguyện chung tay, góp sức công đức nâng cấp xây dựng Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Đường 9 tại thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị. Với sự hưởng ứng tích cực của hơn 8 vạn cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức ngành Tài chính và sự ủng hộ tích cực của nhiều Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài Ngành, sau tròn 3 năm triển khai dự án nâng cấp xây dựng Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Đường 9 đã chính thức hoàn thành đúng dịp kỷ niệm 67 năm Ngày Thương binh Liệt sỹ (27/7/1947 - 27/7/2014). Đây là một công trình có ý nghĩa lớn lao về giá trị lịch sử, văn hóa tâm linh quan trọng trên mảnh đất Quảng Trị bất khuất, kiên cường, giúp đón tiếp thân nhân, đồng đội, đồng bào cả nước đến thăm viếng các Anh hùng Liệt sỹ được chu đáo hơn và thể hiện được tâm nguyện tri ân các Anh hùng Liệt sỹ của cán bộ, đảng viên ngành Tài chính.

   Ngoài ra, trong những năm qua, các cơ quan, đơn vị và các tổ chức đoàn thể Công đoàn, Đoàn Thanh niên và Hội Cựu chiến binh trong toàn Ngành còn thường xuyên tổ chức thăm hỏi các thương binh, gia đình liệt sĩ và gia đình có công với cách mạng trong các dịp lễ, tết; Công đoàn Bộ đã phát động kêu gọi ủng hộ, đóng góp của cán bộ, công chức, viên chức trong ngành và cá nhân, tổ chức ngoài ngành để xây dựng "Quỹ đền ơn, đáp nghĩa", “Quỹ Trường Sa thân yêu và Các chiến sĩ cảnh sát biển"; Trong 6 tháng đầu năm 2014, toàn Ngành đã ủng hộ và xây dựng được 6 "Nhà tình nghĩa" và "Mái ấm Công đoàn" cho các gia đình thương binh, liệt sĩ và cán bộ, đoàn viên công đoàn gặp khó khăn trong cuộc sống, trị giá 157 triệu đồng; Tổ chức ra thăm và tặng quà cho các chiến sĩ và nhân dân huyện Đảo Trường Sa: 610 triệu đồng; Ủng hộ Cảnh sát biển: 3 tỷ 50 triệu đồng; đã trích ra mỗi năm gần 200 triệu đồng từ quỹ "Đền ơn, đáp nghĩa" để tổ chức đến thăm hỏi, động viên và tặng quà hỗ trợ các Trung tâm Điều dưỡng thương bệnh binh người có công thuộc các tỉnh Hà Nam, Phú Thọ, Ninh Bình, Bắc Ninh, Tuyên Quang, Thanh Hóa…Đoàn Thanh niên Bộ Tài chính đã tổ chức đội quân tình nguyện "thắp lửa về nguồn", dâng hương tưởng nhớ các Anh hùng Liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Đường 9, Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn nhân dịp kỷ niệm ngày Thương binh Liệt sĩ; Đặc biệt, các cấp ủy, Lãnh đạo Bộ và Lãnh đạo các  cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Tài chính cũng rất chú trọng, quan tâm thực hiện tốt chính sách đối với các cán bộ, đảng viên đang làm nhiệm vụ nơi khó khăn, gian khổ, vùng sâu, vùng xa, nơi biên giới, hải đảo của Tổ quốc.


Phó Chủ tịch Công đoàn Bộ Tài chính Bùi Xuân Ngọc thăm

Trung tâm điều dưỡng thương binh, Duy Tiên, Hà Nam. Ảnh: HMT

   67 năm đã trôi qua kể từ ngày Thương binh, Liệt sĩ đầu tiên, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” đã, đang và sẽ phát triển sâu rộng hơn nữa trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nói chung và ngành Tài chính nói riêng. Bằng những việc làm thiết thực, có ý nghĩa với những người đã dành một phần thân thể, dành trọn cuộc đời cho độc lập, tự do của Tổ quốc, cán bộ, đảng viên ngành Tài chính đang đồng hành cùng nhân dân cả nước có thêm nhiều hoạt động tri ân những người đã hi sinh xương máu vì nền hòa bình, độc lập của dân tộc, vì tự do, thống nhất đất nước.

   Bên cạnh công tác đền ơn đáp nghĩa, toàn ngành Tài chính tiếp tục tổ chức phát động và triển khai sâu rộng các phong trào thi đua yêu nước, tăng cường giáo dục truyền thống lịch sử, xây dựng và phát triển Ngành, hướng phong trào thi đua yêu nước vào việc thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm năm 2014 và những năm tiếp theo; tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, công chức, viên chức ngành Tài chính nâng cao tinh thần trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ; chủ động làm tốt công tác tham mưu, động viên, khai thác và sử dụng hiệu quả, thiết thực nguồn lực cho hoạt động " Đền ơn, đáp nghĩa". Phối hợp chặt chẽ giữa các cấp ủy, cơ quan, đơn vị, thực hiện tốt chính sách cho người có công; không ngừng nâng cao chất lượng các chương trình. Mỗi cán bộ, đảng viên  ngành Tài chính xin hứa nguyện sống xứng đáng với sự hy sinh cao cả của các Anh hùng Liệt sỹ; thực sự xứng đáng với vai trò, nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, góp phần vào sự nghiệp bảo vệ và phát triển bền vững đất nước./.

Nguồn: http://www.mof.gov.vn/

  
Số lượt xem:572