Căn cứ Nghị quyết số 06/2014/NQ-HĐND ngày 11/7/2014 của Hội đồng nhân dân tỉnh Kon Tụm ; Quyết định số 43/2014/QĐ-UBND, ngày 22/7/2014 của UBND tỉnh Kon Tum, về mức thu học phí các trường công lập trên địa bàn tỉnh Kon Tum năm học 2014-2015( đối với các trường mầm non, phổ thông, đại học cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp) và năm 2014( đối với cơ sở dạy nghề).
Để triển khai thực hiện đúng quy định, Liên ngành đề nghị các đơn vị, địa phương truy cập Nghị định số 74/2014/NĐ-CP; Thông tư Liên tịch số 20/2014/TTLT-BGDĐT-BTC-BLĐTBXH; Quyết định số 43/2014/QĐ-UBND và nội dung hướng dẫn này đăng tải tại trang thông tin điện tử của Sở Tài chính theo địa chỉ: http://stc.kontum.gov.vn, trang thông tin điện tử của Sở Giáo dục và Đào tạo theo địa chỉ http://kontum.edu.vn hoặc truy cập trên website của Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính, Bộ Lao động TBXH để nghiên cứu kỹ, triển khai cho các đơn vị trực thuộc ngành mình thực hiện kịp thời, đúng quy định. Trong quá trình triển khai, Liên ngành hướng dẫn, lưu ý thêm các nội dung như sau:
PHẦN I
I. MỘT SỐ ĐIỂM LƯU Ý THỰC HIỆN MIỄN, GIẢM HỌC PHÍ, HỖ TRỢ CHI PHÍ HỌC TẬP TỪ NĂM HỌC 2014-2015.
1/ Đối tượng áp dụng thực hiện chính sách:
- Áp dụng cho tất cả các loại hình nhà trường ( công lập, ngoài công lập) ở các cấp học và trình độ đào tạo, cơ sở giáo dục khác của hệ thống giáo dục quốc dân.
- Đối tượng thực hiện chính sách:
+ Trẻ em học mẫu giáo, học sinh phổ thông; học sinh, sinh viên hệ cử tuyển;
+ Học sinh trường phổ thông dân tộc nội trú, trường dự bị đại học, khoa dự bị đại học;
+ Học sinh, sinh viên, học viên học hệ chính quy, học liên thông theo hình thức đào tạo chính quy tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học;
+ Học viên học ở các trung tâm giáo dục thường xuyên theo chương trình trung học cơ sở, trung học phổ thông.
2. Đối tượng không phải đóng học phí:
Đối tượng không phải đóng học phí tại các cơ sở giáo dục công lập được quy định tại Điều 3 Nghị định 49/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 của Chính phủ, Điều 3 Thông tư Liên tịch số 20/2014/TTLT-BGDĐT-BTC-BLĐTBXH ngày 30/5/2014. Trong đó làm rõ thêm đối tượng như sau:
- Học sinh tiểu học công lập.
- Học sinh, sinh viên ngành sư phạm hệ chính quy đang theo học tại các cở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học công lập, theo chỉ tiêu đào tạo của Nhà nước, được ngân sách nhà nước cấp bù học phí.
- Người theo học các khoá đào tạo nghiệp vụ sư phạm để đạt chuẩn trình độ đào tạo theo quy định của Bộ Giáo dục & Đào tạo,
3. Đối tượng được miễn học phí :
Đối tượng được miễn học phí là các đối tượng được quy định tại Điều 4, Nghị định số 49/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 của Chính phủ; Khoản 1,3,4,5 Điều 1, Nghị định số 74/2014/NĐ-CP, ngày 15/7/2013 và Điều 4 Thông tư Liên tịch số 20/2014/TTLT-BGDĐT-BTC-BLĐTBXH ngày 30/5/2014 của Liên Bộ: Giáo dục và Đào tạo - Tài chính - Lao động, Thương binh và Xã hội. Theo đó, Liên ngành làm rõ thêm các nội dung sau:
a/ Chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo tỉnh Kon tum giai đoạn 2011- 2015 không ban hành riêng, hiện nay quy định chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo của địa phương đang được thực hiện theo quy định tại Quyết định số 09/2011/QĐ-TTg ngày 30/01/2011 của Thủ tướng Chính phủ về chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo áp dụng cho giai đoạn 2011 – 2015.
b/ Quy định hướng dẫn về Người tàn tật: Người tàn tật hiện nay thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 1 Nghị định số 116/2004/NĐ-CP ngày 23/4/2004 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/CP ngày 23/11/1995 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ Luật Lao động về lao động người tàn tật: Trong đó người tàn tật là người “không phân biệt nguồn gốc gây ra tàn tật bị khiếm khuyết một hay nhiều bộ phận cơ thể hoặc chức năng biểu hiện dưới những dạng tật khác nhau”.
c/ Đối với đối tượng áp dụng tại khoản 5 Điều 4 Thông tư Liên tịch số 20/2014/TTLT-BGDĐT-BTC-BLĐTBXH được hiểu như sau: Trẻ em học mẫu giáo và học sinh phổ thông là con đẻ, con nuôi hợp pháp của hạ sĩ quan, binh sĩ, chiến sĩ đang phục vụ có thời hạn trong lực lượng vũ trang nhân dân .
d/ Học sinh, sinh viên hệ cử tuyển (danh sách cử tuyển theo quyết định của UBND tỉnh phê duyệt hàng năm theo Nghị định số 134/2006/NĐ-CP ngày 14/11/2006 của Thủ tướng Chính phủ; Không bao gồm học sinh, sinh viên được xét tuyển thắng theo chính sách tuyển sinh đặc thù của Bộ Giáo dục và Đào tạo ).
đ/ Học sinh, sinh viên tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học. Trong đó bao gồm đang học chính quy, và học liên thông theo hình thức đào tạo chính quy.
e/ Học sinh, sinh viên người dân tộc thiểu số rất ít người: Tỉnh Kon Tum có 02 dân tộc thiểu số rất ít người bao gồm dân tộc Rơ Măm, Brâu ( quy định tại Quyết định số 2123/QĐ-TTg, ngày 22/11/2010 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Đề án Phát triển giáo dục đối với các dân tộc rất ít người giai đoạn 2010-2015).
f/ Vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn theo quy định: Trong đó có Quyết định số 30/2007/QĐ-TTg ngày 05 tháng 3 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục các đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn. Nay được thay thế bằng Quyết định số 1049/QĐ-TTg ngày 26 tháng 6 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục các đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn.
4. Đối tượng được giảm 70% học phí. Quy định tại khoản 1 Điều 5 Thông tư Liên tịch số 20/2014/TTLT-BGDĐT-BTC-BLĐTBXH. Trong đó lưu ý :
- Chuyên ngành: nhã nhạc cung đình, chèo, tuồng, cải lương, múa, xiếc (theo quy định tại Quyết định số 82/2005/QĐ-TTg ngày 18/4/2005 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ ưu đãi đối với học sinh, sinh viên các bộ môn nghệ thuật truyền thống và đặc thù trong các trường văn hóa – nghệ thuật).
- Chuyên ngành, nghề nặng nhọc, độc hại (Theo quy định tại các Quyết định: số 1453/QĐ- LĐTBXH ngày 13/10/1995; số 915/ QĐ- LĐTBXH ngày 30/7/1996; số 1629/ QĐ- LĐTBXH ngày 26/12/1996; số 190/1999/QĐ-LĐTBXH ngày 03/3/1999; số 1580/2000/QĐ-LĐTBXH ngày 26/12/2000; số 1152/2003/QĐ-LĐTBXH ngày 18/9/2003 của Bộ trưởng Bộ LĐTBXH về việc ban hành tạm thời danh mục nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm).
5. Đối tượng được giảm 50% học phí : Quy định tại khoản 2 Điều 5 Thông tư Liên tịch số 20/2014/TTLT-BGDĐT-BTC-BLĐTBXH.
6. Đối tượng được hỗ trợ chi phí học tập: Theo quy định tại khoản 2 Điều 6 Nghị định 49/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 của Chính phủ; Khoản 10 Điều 1 Nghị định số 74/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013; Điều 6, Thông tư Liên tịch số 20/2014/TTLT-BGDĐT-BTC-BLĐTBXH ngày 30/5/2014 của Liên Bộ: Giáo dục và Đào tạo - Tài chính - Lao động, Thương binh và Xã hội; lưu ý bao gồm các đối tượng đủ điều kiện quy định đang theo học tại các cơ sở công lập và ngoài công lập.
II. NGUYÊN TẮC HỖ TRỢ VÀ CẤP BÙ HỌC PHÍ :
1. Mức hỗ trợ và cấp bù miễn, giảm học phí:
a/ Đối với học sinh trường mầm non, trung học cơ sở, trung học phổ thông và giáo dục thường xuyên công lập:
Mức cấp bù miễn, giảm học phí căn cứ vào mức thu học phí quy định tại Khoản 1 Điều 1 Quyết định số 43/2014/QĐ-UBND ngày 22/7/2014 của UBND tỉnh Kon Tum về mức thu học phí các trường công lập trên địa bàn tỉnh Kon Tum năm học 2014-2015( đối với các trường mầm non, phổ thông, đại học cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp) và năm 2014( đối với cơ sở dạy nghề). Trong đó mức thu học phí theo chương trình trung học cơ sở, trung học phổ thông học tại các trung tâm giáo dục thường xuyên không vượt quá 150% mức học phí chính quy cùng cấp học ( theo quy định tại khoản 15 Điều 1 Nghị định số 74/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 )
b/ Đối với học sinh, sinh viên đang học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và dạy nghề thuộc tỉnh quản lý : Mức cấp bù kinh phí miễn, giảm học phí căn cứ vào mức thu học phí quy định tại mục 2.1 mục 2.2 khoản 2 Điều 1 Quyết định số 43/2014/QĐ-UBND ngày 22/7/2014 của UBND tỉnh Kon Tum.
c/ Đối với mức hỗ trợ miễn, giảm học phí cho người học tại các cơ sở mầm non, phổ thông, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học ngoài công lập: thực hiện theo mức thu học phí của các trường công lập quy định tại Quyết định số 43/2014/QĐ-UBND ngày 22/7/2014 của UBND tỉnh Kon Tum.
d/ Đối với học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở học nghề thường xuyên và các khóa đào tạo ngắn hạn: Mức hỗ trợ miễn giảm học phí căn cứ theo mức học phí quy định tại Quyết định số 43/2014/QĐ-UBND ngày 22/7/2014 và cấp theo số tháng học thực tế.
2. Mức hỗ trợ chi phí học tập : 70.000 đồng/học sinh/tháng để mua sách, vở và các đồ dùng khác, áp dụng mức hỗ trợ thống nhất cho người học tại các cơ sở mầm non, phổ thông công lập và ngoài công lập.
3. Các chế độ về cấp bù miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập chỉ áp dụng cho người học thuộc đối tượng được miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập trong thời gian đang theo học.
4. Không xem xét được miễn giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập trong các trường hợp:
- Các đối tượng thuộc diện được miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập quy định tại Nghị định số 49/2010/NĐ-CP và Nghị định số 74/2013/NĐ-CP mà cùng lúc được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ khác nhau thì chỉ được hưởng một chế độ ưu đãi cao nhất.
- Học sinh, sinh viên nếu cùng một lúc học ở nhiều trường (hoặc nhiều khoa trong cùng một trường) thì chỉ được hưởng chế độ ưu đãi về miễn, giảm học phí tại một trường (hoặc một khoa) duy nhất.
- Nếu đã hưởng chế độ ưu đãi về miễn, giảm học phí tại một cơ sở đào tạo, nay tiếp tục học thêm ở một cơ sở đào tạo khác cùng cấp và trình độ đào tạo thì không được hưởng chế độ miễn giảm học phí.
- Không áp dụng chế độ miễn, giảm học phí đối với trường hợp đang hưởng lương và sinh hoạt phí khi đi học.
Lưu ý: Không áp dụng chế độ miễn học phí đối với trường hợp là học sinh dân tộc thiểu số không thuộc các đối tượng miễn học phí được quy định tại Điều 4 Thông tư Liên tịch số 20/2014/TTLT-BGDĐT-BTC-BLĐTBXH ngày 30/5/2014 của Liên Bộ: Giáo dục và Đào tạo - Tài chính - Lao động, Thương binh và Xã hội.
III. THỦ TỤC, HỒ SƠ VÀ PHƯƠNG THỨC CHI TRẢ:
Trình tự, thủ tục, hồ sơ miễn, giảm học phí và chi trả kinh phí hỗ trợ chi phí học tập đã được Liên bộ hướng dẫn cụ thể tại Điều 7, Điều 8 Thông tư liên tịch số 20/2014/TTLT-BGDĐT-BTC-BLĐTBXH ngày 30/5/2014; đề nghị các đơn vị, địa phương nghiên cứu triển khai, trong đó tăng cường trách nhiệm cho các cơ quan chịu trách nhiệm thẩm định, xác nhận hồ sơ để xem xét miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập cho các đối tượng kịp thời gian quy định.
Về thủ tục chi trả hỗ trợ chi phí học tập, lưu ý như sau : Khoản 8 Điều 17 TTLT số 20/2014/TTLT-BGDĐT-BTC-BLĐTBXH nêu rõ : Các Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội cấp huyện tiếp tục chi trả tiền hỗ trợ chi phí học tập cho năm học 2012-2013 đối với người học tại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông đã nộp đầy đủ hồ sơ trước ngày 31/8/2013 nhưng chưa nhận được tiền hỗ trợ theo quy định. Xử lý đối với các trường hợp gia đình người học đã nộp đầy đủ hồ sơ đề nghị chi trả hỗ trợ chi phí học tập của năm học 2013-2014 hiện đang tồn đọng tại Phòng Lao động Thương binh và Xã hội thì vẫn tiếp tục chi trả tại Phòng Lao động Thương bình và Xã hội để tránh gây xáo trộn về thủ tục hành chính. Tuy nhiên các cơ quan có trách nhiệm rà soát đối tượng thụ hưởng để tránh trường hợp chi trùng 2 lần .
V. LẬP DỰ TOÁN, PHÂN BỔ VÀ QUYẾT TOÁN KINH PHÍ.
1. Lập dự toán:
1.1 Đối với cấp huyện, thành phố:
Các huyện, thành phố hàng năm cùng thời điểm lập dự toán ngân sách năm, chỉ đạo các phòng, ban có liên quan thực hiện lập dự toán kinh phí cấp bù miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập cho các đối tượng theo quy định và hướng dẫn tại văn bản này (Căn cứ số lượng đối tượng, mức cấp bù miễn, giảm học phí theo quy định và ước thực hiện năm trước để lập dự toán kinh phí năm sau). cụ thể như sau:
a/ Các cơ sở giáo dục (các trường mầm non, tiểu học, THCS công lập và ngoài công lập): Lập dự toán kinh phí và báo cáo kết quả thực hiện chính sách miễn, giảm học phí, và hỗ trợ chi phí học tập cho các đối tượng gửi Phòng Tài chính Kế hoạch và Phòng Giáo dục Đào tạo huyện, thành phố.
b/ Phòng Giáo dục Đào tạo lập dự toán kinh phí cấp bù miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập (cho tất cả các đối tượng học tại trường công lập và ngoài công lập) gửi phòng Tài chính - Kế hoạch huyện, thành phố tổng hợp báo cáo UBND huyện, thành phố.
c/ Phòng Lao động Thương binh Xã hội lập dự toán kinh phí cấp bù miễn, giảm học phí cho các đối tượng học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học ngoài công lập gửi phòng Tài chính - Kế hoạch huyện, thành phố tổng hợp.
d/ Phòng Tài chính- Kế hoạch huyện, thành phố: Căn cứ dự toán kinh phí phòng Giáo dục Đào tạo, phòng Lao động Thương binh và xã hội huyện, thành phố lập, rà soát, tổng hợp báo cáo UBND huyện, thành phố tổng hợp kinh phí gửi Sở Tài chính, Sở Giáo dục và Đào tạo trình UBND tỉnh xem xét bổ sung kinh phí thực hiện.
1.2 Sở Giáo dục và Đào tạo: Hướng dẫn các cơ sở giáo dục công lập (các trường THPT, giáo dục thường xuyên, trường mầm non do Sở Giáo dục và Đào tạo quản lý) lập dự toán kinh phí, chịu trách nhiệm tổng hợp nhu cầu kinh phí cấp bù miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập của các cơ sở giáo dục trực thuộc gửi Sở Tài chính theo quy định.
1.3/ Sở Tài chính:
Tổng hợp, trình UBND tỉnh báo cáo HĐND tỉnh quyết định phân bổ kinh phí chi trả cấp bù miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập cho các huyện, thành phố, Sở Giáo dục và Đào tạo trong nguồn kinh phí trung ương bổ sung có mục tiêu cho địa phương.
2. Phân bổ dự toán:
Việc phân bổ kinh phí cấp bù học phí, hỗ trợ chi phí học tập được thực hiện đồng thời với thời điểm phân bổ dự toán ngân sách nhà nước hàng năm, ( khi giao dự toán cho đơn vị phải ghi rõ dự toán kinh phí thực hiện chính sách cấp bù học phí, hỗ trợ chi phí học tập, trong đó giao cụ thể chi tiết số lượng đối tượng được miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập ). Lưu ý đối với các cơ sở giáo dục công lập:
Lập bản tổng hợp đề nghị cấp bù miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập gửi cơ quan Kho bạc nhà nước nơi đơn vị giao dịch.
Hạch toán sổ sách: Nguồn kinh phí ngân sách nhà nước cấp bù do miễn, giảm học phí cho cơ sở giáo dục công lập có đối tượng được miễn, giảm học phí được hạch toán vào tài khoản thu học phí của cơ sở này và được tự chủ sử dụng theo quy định hiện hành về chế độ tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập ( riêng kinh phí hỗ trợ chi phí học tập được cấp phát không tự chủ )
3. Việc chấp hành dự toán và quyết toán: Việc chấp hành dự toán và quyết toán kinh phí chi trả cấp bù do miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập thực hiện theo quy định hiện hành của Luật Ngân sách Nhà nước, các văn bản hướng dẫn Luật và Mục lục ngân sách Nhà nước hiện hành.
PHẦN II
CƠ CHẾ THU, SỬ DỤNG HỌC PHÍ ĐỐI VỚI CÁC CƠ SỞ GIÁO DỤC
I. Công tác thu, quản lý và sử dụng học phí:
1. Mức thu học phí: Thực hiện theo quy định Quyết định số 43/2014/QĐ-UBND ngày 22/7/2014 của UBND tỉnh Kon Tum về mức thu học phí các trường công lập trên địa bàn tỉnh Kon Tum năm học 2014-2015( đối với các trường mầm non, phổ thông, đại học cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp) và năm 2014( đối với cơ sở dạy nghề).
2. Thời gian thu:
Học phí được thu định kỳ hàng tháng; nếu học sinh, sinh viên tự nguyện, nhà trường có thể thu một lần cho cả học kỳ hoặc cả năm học.
Đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục thường xuyên, dạy nghề thường xuyên và các khóa đào tạo ngắn hạn, học phí được thu theo số tháng thực học. Đối với các cơ sở giáo dục phổ thông, học phí được thu 9 tháng/năm học. Đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp học phí được thu 10 tháng/năm học.
3. Biên lai thu:
Các cơ sở giáo dục và đào tạo khi thu học phí phải sử dụng biên lai thu học phí theo quy định Thông tư số 153/2010/TT-BTC ngày 17/9/2012 của Bộ Tài chính “Hướng dẫn việc in, phát hành, quản lý và sử dụng các loại chứng từ thu tiền phí, lệ phí thuộc ngân sách nhà nước”, đơn vị liên hệ cơ quan thuế đồng cấp để được hướng dẫn thực hiện.
4. Quản lý nguồn thu học phí:
a. Các cơ sở giáo dục và đào tạo công lập:
Các cơ sở giáo dục và đào tạo công lập có trách nhiệm mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước nơi giao dịch để gửi toàn bộ số thu học phí vào Kho bạc Nhà nước, được Kho bạc Nhà nước kiểm soát chi theo đúng quy định hiện hành.
Toàn bộ số thu học phí đã sử dụng và quyết toán trong năm được thực hiện ghi thu, ghi chi qua ngân sách. Đến cuối năm tài chính, nếu không sử dụng hết số tiền học phí đã thực thu thì được chuyển sang năm sau để tiếp tục sử dụng theo quy định.
b. Các cơ sở giáo dục và đào tạo ngoài công lập gửi toàn bộ số học phí được cấp bù vào ngân hàng hoặc Kho bạc Nhà nước nơi mở tài khoản để đăng ký hoạt động.
5. Sử dụng nguồn thu học phí:
a. Các cơ sở giáo dục và đào tạo công lập:
Các cơ sở giáo dục và đào tạo công lập được để lại 100% số thu học phí để sử dụng như sau:
- Trích tối thiểu 40% tổng thu học phí để thực hiện cải cách tiền lương theo quy định.
- Phần còn lại được sử dụng để phục vụ các hoạt động tại đơn vị theo đúng quy định về sử dụng kinh phí của đơn vị tự chủ tại chính được qui định tại Nghị định 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính Phủ quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập, Thông tư 71/2006/TT-BTC ngày 09/8/2006 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định 43/2006/NĐ-CP và Thông tư 113/2007/TT-BTC ngày 24/9/2007 hướng dẫn sửa đổi bổ sung Thông tư 71/2006/TT-BTC.
Các cơ sở giáo dục có trách nhiệm sử dụng số thu học phí đúng mục đích, nội dung chi và định mức chi phải được thể hiện trong quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị.
b. Các cơ sở giáo dục và đào tạo ngoài công lập sử dụng học phí theo quy định của Chính phủ về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường.
6. Công khai học phí:
Các cơ sở giáo dục và đào tạo phải thực hiện công khai mức thu học phí theo quy định tại Thông tư số 09/2009/TT-BGD&ĐT ngày 07/5/2009 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy chế thực hiện công khai đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và các văn bản hiện hành.
II. Công tác lập dự toán, phân bổ dự toán và chấp hành dự toán:
1. Lập dự toán:
Hàng năm, cùng thời điểm xây dựng dự toán ngân sách, các cơ sở giáo dục phải lập dự toán thu nguồn học phí gửi cơ quan chủ quản (theo phân cấp ngân sách) theo quy định tại Nghị định 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính Phủ quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập, thông tư 71/2006/TT-BTC ngày 9/8/2006 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định 43/2006/NĐ-CP.
2. Phân bổ dự toán;
Việc phân bổ dự toán thu học phí được thực hiện đồng thời với thời điểm phân bổ dự toán ngân sách nhà nước hàng năm. Trên cơ sở dự toán được giao, cơ quan chủ quản thực hiện giao dự toán thu, chi từ nguồn thu học phí cho các đơn vị, gửi Kho bạc Nhà nước để thực hiện kiểm soát thanh toán theo đúng quy định.
3. Chấp hành dự toán và quyết toán:
Các cơ sở giáo dục và đào tạo thuộc mọi loại hình có trách nhiệm tổ chức thực hiện công tác kế toán, thống kê học phí theo các qui định của pháp luật, thực hiện yêu cầu về thanh tra, kiểm tra của cơ quan tài chính và cơ quan quản lý giáo dục có thẩm quyền và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực của các thông tin, tài liệu cung cấp.
Việc chấp hành dự toán và quyết toán nguồn thu học phí thực hiện theo quy định hiện hành của Luật Ngân sách Nhà nước, các văn bản hướng dẫn Luật và Mục lục ngân sách Nhà nước hiện hành.
Thu, chi học phí của các cơ sở giáo dục và đào tạo công lập phải hạch toán ghi thu ghi chi và tổng hợp chung vào báo cáo quyết toán thu, chi ngân sách nhà nước hàng quý, năm và phải thực hiện công khai theo quy định tại Thông tư số 21/2005/TT-BTC ngày 22/3/2005 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện quy chế công khai tài chính đối với các đơn vị dự toán ngân sách và các tổ chức được ngân sách nhà nước hỗ trợ và các văn bản về chế độ công khai tài chính hiện hành.
PHẦN III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Giáo dục và đào tạo:
- Chỉ đạo, hướng dẫn Phòng Giáo dục đào tạo các huyện, thành phố, các cơ sở giáo dục đào tạo trực thuộc thực hiện chính sách miễn giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập theo quy định.
- Chủ trì phối hợp với các ngành có liên quan trong việc tổng hợp, báo cáo, kiểm tra, thanh tra quá trình thực hiện chế độ miễn, giảm học phí, thu, quản lý và sử dụng học phí đối với các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông; các trường trực thuộc.
- Phối hợp Sở Tài chính tổng hợp, trình cấp thẩm quyền phân bổ kinh phí chi trả cấp bù thực hiện chính sách miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập theo qui định
2. Sở Lao động Lao động Thương binh và xã hội:
- Chỉ đạo, hướng dẫn Phòng Lao động Thương binh và xã hội các huyện, thành phố thực hiện cấp trực tiếp tiền miễn giảm học phí cho các đối tượng đang học tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học ngoài công lập.
- Phối hợp với các ngành có liên quan trong việc kiểm tra, thanh tra quá trình thực hiện chế độ miễn, giảm học phí, thu, quản lý sử dụng học phí đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc ngành quản lý.
3. Sở Tài chính:
- Tổng hợp, trình UBND, HĐND tỉnh quyết định phân bổ kinh phí chi trả cấp bù thực hiện chính sách miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập;
- Phối hợp với các ngành có liên quan trong việc kiểm tra, thanh tra quá trình thực hiện chế độ miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập; thu, quản lý sử dụng học phí.
4. Kho bạc nhà nước:
- Hướng dẫn các cơ sở giáo dục và đào tạo mở tài khoản tiền gửi để quản lý nguồn thu học phí.
- Kiểm soát chi nguồn thu học phí của các đơn vị gửi tại kho bạc theo các quy định hiện hành.
5. UBND các huyện, thành phố :
- Chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn có liên quan và UBND các xã, phường, thị trấn tổ chức tuyên truyền và quán triệt triển khai thực hiện chính sách miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu sử dụng học phí theo nội dung quy định tại Nghị định 49/NĐ-CP của Chính phủ, Nghị định số 74/2014/NĐ-CP; Thông tư Liên tịch số 20/2014/TTLT-BGDĐT-BTC-BLĐTBXH và Quyết định số 43/2014/QĐ-UBND của UBND tỉnh cùng các văn bản hướng dẫn của Trung ương, và các nội dung hướng dẫn tại văn bản này.
- Đảm bảo cân đối bố trí dự toán ngân sách hàng năm để thực hiện chính sách cấp bù miễn giảm học phí, chi phí học tập cho các đối tượng;
- Tổng hợp báo cáo Sở Tài chính, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động Thương binh và Xã hội kinh phí hỗ trợ thực hiện chính sách miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập;
- Chỉ đạo phòng: Giáo dục và Đào tạo, Lao động Thương binh và Xã hội, Tài chính Kế hoạch và các đơn vị liên quan thực hiện việc cấp phát chi trả kịp thời cho đối tượng theo hướng dẫn tại văn bản này và thực hiện việc thanh quyết toán theo đúng nguyên tắc chế độ tài chính hiện hành.
- Tổ chức kiểm tra, thanh tra thường xuyên hàng năm việc thực hiện chế độ miễn, giảm học phí, thu, quản lý sử dụng học phí đối với các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, trung học cơ sở trực thuộc.
6. UBND xã, phường, thị trấn:
- Tuyên truyền, phổ biến chính sách miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập trên hệ thống truyền thanh đến người dân của địa phương. Niêm yết các văn bản, mẫu đơn đề nghị miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập... và công khai danh sách đối tượng được hỗ trợ chi phí học tập tại trụ sở UBND xã, phường, thị trấn.
- Xác nhận các đối tượng thuộc diện được miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập theo quy định.
7. Các trường cao đẳng, trung cấp thuộc tỉnh quản lý:
- Tổng hợp nhu cầu kinh phí thực hiện miễn, giảm học phí cho các học sinh, sinh viên tại trường.
- Tổ chức thu, sử dụng, quản lý tiền học phí và chế độ báo cáo theo quy định.
- Chịu sự kiểm tra, thanh tra định kỳ, đột xuất của các cơ quan có thẩm quyền.
8. Các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập :
- Thực hiện miễn, giảm học phí cho các đối tượng theo quy định của hướng dẫn này.
- Lập dự toán kinh phí và báo cáo kết quả thực hiện chính sách miễn, giảm học phí, và hỗ trợ chi phí học tập gửi Phòng Tài chính Kế hoạch và Phòng Giáo dục Đào tạo huyện, thành phố hoặc gửi Sở Giáo dục và Đào tạo (theo phân cấp quản lý).
- Lập bản tổng hợp đề nghị cấp bù tiền miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập gửi Kho bạc Nhà nước nơi đơn vị giao dịch để rút dự toán cấp bù tiền học phí miễn giảm.
- Tổ chức thu, sử dụng, quản lý tiền học phí và chế độ báo cáo theo quy định.
- Chịu sự kiểm tra, thanh tra định kỳ, đột xuất của các cơ quan có thẩm quyền.
9. Các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông ngoài công lập : có trách nhiệm:
- Xác nhận vào đơn đề nghị cấp bù học phí cho trẻ em, học sinh thuộc đối tượng miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập.
- Tổ chức thu, sử dụng, quản lý tiền học phí và chế độ báo cáo theo quy định.
- Chịu sự kiểm tra, thanh tra định kỳ, đột xuất của các cơ quan có thẩm quyền.
Trên đây là hướng dẫn của Liên Sở: Giáo dục và Đào tạo - Tài chính - Lao động Thương binh và Xã hội về việc thực hiện miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân từ năm học 2014-2015.
Hướng dẫn này thực hiện từ năm học 2014-2015. Thay thế Hướng dẫn số 2142 LN/GDĐT-TC-TĐTBXH ngày 17/9/2012 của Liên ngành Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Tài chính, Sở Lao động TBXH. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị các cơ sở giáo dục và đào tạo phản ánh kịp thời về Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Tài chính, Sở Lao động Thương binh và Xã hội để cùng phối hợp giải quyết./.
Tải về tại đây