banner
Thứ 6, ngày 19 tháng 4 năm 2024
Tìm hiểu về dự báo tài chính
1-12-2017

Muốn tiến hành quá trình sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp cần phải có một lượng vốn nhất đinh. Lượng vốn mà doanh nghiệp cần sử dụng để đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh nhiều hay ít phụ thuộc vào quy mô hoạt động của doanh nghiệp. Một trong những chỉ tiêu biểu hiện quy mô hoạt động của doanh nghiệp là doanh thu thuần (doanh thu thuần bán hàng và cung cấp dịch vụ hoặc doanh thu thuần hoạt động kinh doanh). Nhu cầu về vốn của doanh nghiệp chính là số vốn cần thiết để doanh nghiệp tiến hành kinh doanh phù hợp với từng quy mô hoạt động. Nhu cầu về vốn đòi hỏi sự cân bằng với đầu tư và quy mô hoạt động. Vì thế, khi doanh thu thay đổi, nhu cầu về vốn cũng thay đổi theo. Sự thay đổi đó không nhất thiết phải theo một tỷ lệ cố định bởi lẽ nó còn phụ thuộc vào hiệu quả sử dụng vốn. Do vậy, trong thực tiễn quản lý tài chính luôn nảy sinh nhu cầu "ước tính" về vấn đề định hướng cho việc lập kế hoạch sản xuất, kinh doanh cũng như hoạch định chiến lược. Nhu cầu ước tính đó chính là nhu cầu dự báo các chỉ tiêu tài chính và lập kế hoạch tài chính.

 Để dự báo các chỉ tiêu tài chính của doanh nghiệp, trước hết cần chọn các khoản mục trên các báo cáo tài chính (Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh, Bảng cân đối kế toán) có khả năng thay đổi khi doanh thu thuần thay đổi. Việc lựa chọn này được dựa vào mối quan hệ giữa doanh thu thuần với từng khoản mục. Trên cơ sở đó, sẽ dự báo trị số của từng chỉ tiêu trong kỳ tới.

Các báo cáo tài chính cung cấp thông tin để người sử dụng đánh giá tình hình tài chính của doanh nghiệp hiện tại và dự báo tình trạng tài chính trong tương lai. Muốn thực hiện được mục tiêu đó người ta phải thông qua các báo cáo tài chính, như vậy, dự báo các báo cáo tài chính cần thiết không chỉ đối với các nhà quản trị doanh nghiệp mà còn cần thiết đối với cả những người sử dụng thông tin ngoài doanh nghiệp.

1. Dự báo các chỉ tiêu trên báo cáo kết quả kinh doanh

Các doanh nghiệp sản xuất ra hàng hóa đều nhằm mục đích để bán vì vậy doanh thu có ý nghĩa quan trọng đối với mỗi doanh nghiệp. Doanh thu càng lớn có nghĩa là doanh nghiệp tiêu thụ được nhiều sản phẩm, hàng hóa trên thị trường, thị phần của doanh nghiệp ngày càng được mở rộng. Doanh thu cũng là dấu hiệu thể hiện mức độ phu hợp của sản phẩm do doanh nghiệp sản xuất với nhu cầu của thị trường. Doanh thu gắn liền với thị trường, doanh thu càng giảm thì doanh nghiệp càng mất dân thị trường.

Trên báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh, các chỉ tiêu giá vốn hàng bán, chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp .. cũng có ý nghĩa quan trọng và có mối liên hệ tác động đến lợi nhuận. Về nguyên tắc, các chỉ tiêu về giá vốn, chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp càng thấp thì doanh nghiệp càng thu được nhiều lợi nhuận. Doanh nghiệp có thể sử dụng phương pháp thống kê trong một thời gian vài năm để xác định tỷ lệ giữa các chỉ tiêu so với doanh thu và dùng nó để dự báo các chi phí phát sịnh liên quan đến doanh thu.

Để dự báo BCKQKD dự báo, người ta phải dựa vào các giả thiết về doanh thu, giá vốn hàng bán, chi phí bán hàng, chi phí QLDN và các chi phí tài chính trong mối quan hệ với các khoản tiền vay, các khoản đầu tư..

BCKQKD dự báo được dự báo dựa trên mẫu của BCKQKD thực tế theo nguyên tắc phù hợp giữa chi phí và doanh thu. Việc dự báo BCKQKD được bắt đầu từ việc dự báo doanh thu. Doanh thu được dự báo dựa trên các giả thiết về thị trường, nhu cầu của khách hàng, giá cả sản phẩm và sản phẩm cạnh tranh..Để có thể xác định doanh thu người ta có thể sử dụng phương pháp tỷ lê, phương pháp hồi quy hoặc phương pháp phân tích dãy số thời gian.

Sau khi dự báo doanh thu, tiến hành dự báo giá vốn hàng bán, chi phí bán hàng và chi phí quản lý biến đổi. Giá vốn hàng bán, chi phí bán hàng và quản lý  biến đổi được dự báo dựa theo kinh nghiệm nhiều năm của doanh nghiệp và thường chiếm tỷ lệ nào đó trong tổng doanh thu của mỗi loại sản phẩm. để tăng độ tin cậy cho dự báo, doanh thu được dự báo ở đây là doanh thu thuần

Ví dụ minh họa:

Doanh nghiệp XYZ hoạt động trong ngành dệt may được dự báo doanh thu tiêu thụ tăng 10% mỗi năm và đạt mức cao nhất vào mùa hè. Doanh nghiệp tiến hành dự báo doanh thu, giá vốn, chi phí bán hàng và QLDN dựa vào giả thiết sau:

-          Doanh thu bán hàng năm N = 10% doanh thu năm N-1

-          Giá vốn hàng bán = 73% tổng doanh thu

-          Chi phí bán hàng và QLDN = 14% tổng doanh thu

v  Khái quát các bước lập dự báo BCKQKD dự báo như sau

Bước 1: Dự báo doanh thu

Dự báo doanh thu bán hàng năm N được xây dựng dựa trên số liệu về doanh thu bán hàng trong năm N-1 như sau:

Dự báo doanh thu năm N

Tháng

Doanh thu thực tế năm N-1

Dự báo doanh thu năm N

1

87.273

96.000

2

68.182

75.000

3

50.000

55.000

4

40.090

45.000

5

31.818

35.000

6

40.090

45.000

7

63.636

70.000

8

95.455

105.000

9

131.818

145.000

10

163.636

180.000

11

150.000

165.000

12

122.727

135.000

Cộng

1.046.363

1.151.000

Nếu theo phương pháp phân tích dãy số theo thời gian được sử dụng để phân tích xu hướng biến động của doanh thu trong quá khứ từ đó dự báo được xu hướng biến động trong tương lai. Dự báo này được thực hiện dựa trên giả thiết doanh thu của doanh nghiệp tiếp tục biến động theo xu hướng trong quá khứ. Kỹ thuật phân tích dãy số theo thời gian có tính đến ảnh hưởng của các nhân tố được sử dụng để làm tăng độ tin cậy của dự báo .

Nếu sử dụng phương pháp hồi quy để dự báo xu hướng biến động của doanh thu, người ta phải thu thập số liệu doanh thu bán hàng của doanh nghiệp trong khoảng thời gian dài từ 5 đến 10 năm.

Bước 2: Dự báo giá vốn, chi phí bán hàng và QLDN biến đổi

Giá vốn hàng bán = 1.151.000x73% = 840.230

Khi đó: -Lợi nhuận gộp (lãi gộp) = Doanh thu – giá vốn hàng bán

                                                            = 1.151.000-840.230 =310.770

Chi phí bán hàng và chi phí QLDN = 14%x 1.151.000 = 161.140

Bước 3: Lập báo cáo KQKD dự báo

Từ các kết quả trên , doanh nghiệp tiến hành lập báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh dự báo như sau:

Báo cáo kết quả kinh doanh dự báo năm N

Chỉ tiêu

Số tiền

Doanh thu

1.151.000

Giá vốn hàng bán

840.230

Lãi gộp

310.770

Chi phí bán hàng, chi phí QLDN

161.140

Lợi nhuận trước thuế

149.630

Thuế TNDN

32.918,6

Lợi nhuận sau thuế

116.711,4

2. Dự báo các chỉ tiêu trên Bảng Cân đối kế toán

Khi lập BCĐKT phải xác định từng chỉ tiêu dự báo và xem xét trong mối quan hệ với doanh thu bán hàng dự báo. Các chỉ tiêu này chia làm 2 nhóm là nhóm có quan hệ trực tiếp với doanh thu và nhóm có quan hệ gián tiếp với doanh thu. Nhóm có quan hệ trực tiếp với doanh thu gồm các chỉ tiêu về thành phẩm, hàng hóa tồn kho, khoản phải thu khách hàng, số dư của khoản mục tiền tệ và lợi nhuận chưa phân phối. Ví dụ: Doanh thu có mối quan hệ chặt chẽ với chỉ tiêu thành phẩm, hàng rồn kho. Chỉ tiêu này phụ thuộc vào lượng hàng hóa bán ra mua vào và hàng hóa tồn đầu kỳ của doanh nghiệp. Hoặc chỉ tiêu phải thu khách hàng phụ thuộc vào doanh thu đạt được trong kỳ và chính sách tín dụng của doanh nghiệp với khách hàng..

Một số chỉ tiêu thuộc nhóm có quan hệ gián tiếp như trị giá vật liệu, công cụ dụng cụ, khoản phải trả nhà cung cấp, khoản vay, nguyên giá TSCĐ..

Dự báo các chỉ tiêu trên BCĐKT, thực chất là xác định các chỉ tiêu để lập BCĐKT dự báo, đây là báo cáo dự báo về tài sản, công nợ và nguồn vốn tại thời điểm cuối kỳ của kỳ dự báo. Báo cáo này dựa trên mẫu của BCĐKT thực tế và có mối quan hệ chặt chẽ với BCKQKD dự báo và BCLCTT dự báo. Số dư của khoản mục lợi nhuận trên BCĐKT dự báo căn cứ vào lợi nhuận dự báo trên BCKQKD dự báo. Số dư của tiền dự báo được dự báo căn cứ vào số dư trên BCLCTT dự báo.

Tuy nhiên khi lập BCĐKT dự báo thường xảy ra tình trạng không cân bằng giữa tài sản và nguồn vốn. Có 2 trường hợp có thể xảy ra khi dự báo BCĐKT như sau:

-Tổng tài sản lớn hơn tổng nguồn vốn: Khi đó BCĐKT dự báo thể hiện nhu cầu cần có nguồn vốn bổ sung nếu doanh nghiệp thực hiện theo đúng chiến lược về tài sản

-Tổng nguồn vốn lớn hơn tổng tài sản: Khi đó BCĐKT dự báo chỉ ra sự dư thừa nguồn vốn mà doanh nghiệp có thể dùng đầu tư thêm hoặc bớt.

Để giải quyết 2 trường hợp này người ta bổ sung thêm khoản mục “Nhu cầu tài trợ” vào BCĐKT dự báo. Đây là khoản mục chỉ có trong BCĐKT dự báo. Nếu khoản mục này dương có nghĩa là nhu cầu tài sản lớn hơn nguồn vốn và như vậy doanh nghiệp cần phải tìm thêm nguồn tài trợ. Ngược lại, nếu khoản mục này âm thể hiện lượng vốn dư thừa mà doanh nghiệp có thể sử dụng để đầu tư.

Theo ví dụ minh họa của công ty XYZ ta lập bảng cân đối kế toán dự báo như sau:

Bảng cân đối kế toán dự báo

Ngày 31 tháng 12 năm N (Đơn vị tính: 1000 đv)

 

TÀI SẢN

SỐ TIỀN

THỰC TẾ NĂM N-1

DỰ BÁO NĂM N

A.Tài sản ngắn hạn

344.100

404.666

1.Tiền mặt

9.000

-

2.Phải thu khách hàng

246.100

270.646

3.Hàng tồn kho

89.000

134.020

B.Tài sản dài hạn

42.000

61.000

1.Nguyên giá TSCĐ

60.000

85.000

2.Giá trị hao mòn

(18.000)

(24.000)

Tổng cộng tài sản

386.100

465.666

 

NGUỒN VỐN

SỐ TIỀN

THỰC TẾ NĂM N-1

DỰ BÁO NĂM N

A.Nợ phải trả

180.100

225.100

1.Vay ngắn hạn

10.000

10.000

2.Phải trả người bán

70.100

115.100

3.Vay dài hạn

100.000

100.000

B.Vốn chủ sở hữu

206.000

235.630

1.Nguồn vốn kinh doanh

236.000

236.000

2.Lợi nhuận chưa phân phối

(30.000)

(370)

Tổng nguồn vốn

386.100

460.730

Nhu cầu tài trợ

 

4.936

 

Cách tính các chỉ tiêu trong BCĐKT như sau:

-Tiền mặt: Dựa vào dự báo ngân quỹ. Theo đó, ngày 31/12/N doanh nghiệp bị thâm hụt tiên nên tài khoản bằng 0

-Phải thu khách hàng: Tính theo doanh thu bá chịu của 2 tháng cuối hoặc căn cứ vào số dư phải thu trong báo cáo dụ báo các khoản phải thu năm N.

-Giá trị hàng tồn kho được tính:

Giá trị hàng tồn kho cuối kỳ

=

Giá trị hàng tồn kho đầu kỳ

+

Giá trị hàng nhập kho trong kỳ

-

Giá trị hàng xuất bán trong kỳ

134.020

=

89.000

+

885.250

-

840.230

 

-Nguyên giá TSCĐ: bằng nguyên giá TSCĐ đầu kỳ + Mua trong kỳ

-Khoản phải trả người bán căn cứ vào giá trị hàng mua tháng 12 năm N

-Vay ngắn hạn, dài hạn và vốn kinh doanh không đổi

-Lợi nhuận chưa phân phối = Lợi nhuận năm trựớc(Lỗ lũy kế năm trước) +Lợi nhuận dự báo năm nay (29.630-30.000)

-Nhu cầu tài trợ là chênh lệch giữa tổng tài sản dự báo lớn hơn tổng nguồn vốn dự báo thể hiện nhu cầu cần tài trợ của doanh nghiệp là 4.290

 

Tóm lại qui trình dự báo các chỉ tiêu trên Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh và Bảng cân đối kế toán tiến hành theo các bước như sau: 

Bước 1: Xác định mối quan hệ giữa các chỉ tiêu trên từng báo cáo với doanh thu thuần:

Trong bước này, cần dựa vào tình hình cụ thể tại từng doanh nghiệp, trên cơ sở xem xét số liệu của nhiều năm để phân loại các khoản mục trên Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh và Bảng cân đối kế toán vào 2 nhóm:

- Nhóm những chỉ tiêu thay đổi cùng chiều với doanh thu thuần và thường chiếm một tỷ lệ nhất định so với doanh thu thuần:

Đây là những chỉ tiêu có khả năng thay đổi khi doanh thu thuần thay đổi và thay đổi cùng chiều với doanh thu thuần. Những chỉ tiêu này thường chiếm một tỷ lệ nhất định so với doanh thu thuần. Có thể kể ra một số chỉ tiêu trên Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh như: Tổng doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ, các khoản ghi giảm doanh thu, giá vốn hàng bán, chi phí bán hàng... hoặc một số chỉ tiêu trên Bảng cân đối kế toán như: Tiền và tương đương tiền, các khoản phải thu của khách hàng, các khoản trả trước cho người bán, thuế GTGT được khấu trừ, hàng tồn kho, khoản phải trả cho người bán, người mua trả tiền trước; thuế và các khoản phải nộp nhà nước; các khoản phải trả người lao động...

- Nhóm những chỉ tiêu không thay đổi hoặc thay đổi không rõ ràng khi doanh thu thuần thay đổi hoặc những chỉ tiêu được xác định trên cơ sở các chỉ tiêu nhóm 1:

Khác với các chỉ tiêu thuộc nhóm 1, những chỉ tiêu nhóm 2 không thay đổi hoặc thay đổi không theo qui luật khi doanh thu thuần thay đổi. Ngoài ra, một số chỉ tiêu thuộc nhóm 2 lại được xác định trên cơ sở các chỉ tiêu nhóm 1. Chẳng hạn: Lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ, lợi nhuận thuần hoạt động kinh doanh, tổng lợi nhuận kế toán trước thuế...  

Bước 2: Xác định trị số dự báo của các chỉ tiêu thuộc nhóm 1:

Trong bước này, các nhà dự báo sẽ lấy trị số năm trước (với các chỉ tiêu trên Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh) hoặc trị số cuối năm trước (với các chỉ tiêu trên Bảng cân đối kế toán) của các chỉ tiêu thuộc nhóm 1 rồi so với doanh thu thuần năm trước nhằm xác định tỷ lệ của từng chỉ tiêu so với doanh thu thuần. Tiếp đó, lấy doanh thu thuần dự báo năm nay nhân (x) với tỷ lệ vừa xác định để tính ra trị số dự báo của các chỉ tiêu thuộc nhóm 1.

Bước 3: Lập báo cáo tài chính dự báo:

Sau khi xác định được trị số dự báo của các chỉ tiêu thuộc nhóm 1, các nhà dự báo sẽ xác định trị số của những chỉ tiêu thuộc nhóm 2 bằng cách bê nguyên giá trị kỳ trước của các chỉ tiêu không thay đổi hoặc thay đổi không rõ ràng khi doanh thu thuần thay đổi. Đối với các chỉ tiêu có liên quan đến nhóm 1, các nhà dự báo sẽ tiến hành xác định trên cơ sở giá trị dự báo của các chỉ tiêu thuộc nhóm 1.

Bước 4: Xác định lượng vốn thừa (+) hoặc thiếu (-) ứng với mức doanh thu thuần mới:

Lượng vốn thừa (+) hoặc thiếu (-) ứng với mức doanh thu thuần mới chính là phần chênh lệch giữa tổng nguồn vốn dự báo với tổng tài sản dự báo (ở Bảng cân đối kế toán dự báo) và được xác định như sau:

Số vốn thừa (+) hoặc thiếu (-) ứng với mức doanh thu thuần mới

=

Tổng nguồn vốn dự báo

-

Tổng tài sản dự báo

 

Tiền và tương đương tiền

=

Vốn chủ sở hữu

+

Nợ phải trả

-

Tài sản dài hạn

-

Đầu tư tài chính ngắn hạn

-

Phải thu ngắn hạn

-

Hàng tồn kho

-

Tài sản ngắn hạn khác

 

Tài liệu tham khảo:

  1. www.ketoansaovang.vn

 Giáo trình: Phân tích BCTC – GS.TS Nguyễn Năng Phúc – ĐH Kinh tế quốc dân

Theo http://kketoan.duytan.edu.vn

Số lượt xem:6021

0 người đã bình chọn. Trung bình 0
line_weight BÀI VIẾT LIÊN QUAN:
 
TRANG THÔNG TIN SỞ TÀI CHÍNH TỈNH KON TUM
Quản lý và nhập tin: Sở Tài Chính tỉnh Kon Tum, số 200 - Phan Chu Trinh - P. Thắng Lợi - TP Kon Tum
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Văn Điệu - Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Kon Tum
Điện thoại: 0260.3862344 ; Fax: 0260.3862344; Email: stc@kontum.gov.vn






1468395 Tổng số người truy cập: 576 Số người online:
TNC Phát triển: