banner
Thứ 3, ngày 19 tháng 11 năm 2024
Báo cáo nhu cầu và nguồn kinh phí thực hiện chính sách tiền lương đối với CB,CC,VC theo Nghị định 47
15-7-2016

 I. Xác định nhu cầu, nguồn và phương thức chi thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở (1.210.000 đồng/tháng) theo Nghị định số 47/2016/NĐ-CP và Nghị định số 55/2016/NĐ-CP của Chính phủ.

1. Xác định nhu cầu kinh phí thực hiện:

1.1. Tổng số cán bộ, công chức, viên chức để xác định nhu cầu kinh phí thực hiện là số thực có mặt tại thời điểm báo cáo (số có mặt tại thời điểm 01/5/2016) và không vượt quá tổng số biên chế được cấp có thẩm quyền giao (hoặc phê duyệt) năm 2016.

Đối với số người làm việc theo chế độ hợp đồng, chỉ tổng hợp số người làm việc theo chế độ hợp đồng không thời hạn trong cơ quan hành chính nhà nước theo quy định tại Nghị định số 68/2000/NĐ-CP ngày 17 tháng 11 năm 2000 của Chính phủ; số người làm việc theo chế độ hợp đồng không thời hạn trong cơ quan Đảng, tổ chức chính trị - xã hội áp dụng theo quy định tại Nghị định số 68/2000/NĐ-CP (không bao gồm người lao động hợp đồng trong đơn vị sự nghiệp).

Đối với số người làm việc theo chế độ hợp đồng còn lại và số người vượt so với tổng số biên chế được cấp có thẩm quyền giao (hoặc phê duyệt) tại thời điểm báo cáo, thì cơ quan, đơn vị phải tự đảm bảo nhu cầu kinh phí thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở theo quy định tại Nghị định số 47/2016/NĐ-CP; không tổng hợp chung vào nhu cầu kinh phí điều chỉnh mức lương cơ sở năm 2016 của đơn vị.

1.2. Đối với những người có hệ số lương từ 2,34 trở xuống đã được hưởng tiền lương tăng thêm theo quy định tại Nghị định số 17/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ, nếu tổng tiền lương theo ngạch, bậc, chức vụ, chức danh và các khoản phụ cấp lương (nếu có) tính theo mức lương cơ sở 1.210.000 đồng/tháng của tháng 5 năm 2016 thấp hơn tổng tiền lương theo ngạch, bậc, chức vụ, chức danh, các khoản phụ cấp lương (nếu có) và tiền lương tăng thêm theo Nghị định số 17/2015/NĐ-CP tính theo mức lương cơ sở 1.150.000 đồng/tháng của tháng 4 năm 2016, thì được hưởng phần chênh lệch cho bằng tổng tiền lương đã hưởng của tháng 4 năm 2016 và tổng hợp vào nhu cầu tiền lương tăng thêm theo Nghị định này.

1.3. Nhu cầu kinh phí thực hiện Nghị định số 47/2016/NĐ-CP của đơn vị, địa phương bao gồm cả kinh phí tăng thêm thực hiện các chế độ, chính sách sau:

- Chế độ phụ cấp trách nhiệm đối với cấp uỷ viên các cấp theo Quy định số 169-QĐ/TW ngày 24 tháng 6 năm 2008 của Ban Bí thư; chế độ bồi dưỡng hàng tháng phục vụ hoạt động cấp uỷ thuộc cấp tỉnh theo Quy định số 3115-QĐ/VPTW ngày 4 tháng 8 năm 2009 của Văn phòng Trung ương Đảng;

- Hoạt động phí tăng thêm của Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp;

- Hỗ trợ kinh phí để thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội đối với cán bộ không chuyên trách cấp xã; hỗ trợ quỹ phụ cấp tăng thêm đối với người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn, thôn, tổ dân phố theo mức khoán từ ngân sách trung ương;

- Hỗ trợ đối với tiền lương của giáo viên mầm non xã, phường, thị trấn làm việc theo chế độ hợp đồng theo Quyết định số 60/2011/QĐ-TTg ngày 26 tháng 10 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ.

1.4. Nhu cầu kinh phí thực hiện điều chỉnh trợ cấp cho cán bộ xã đã nghỉ việc có mức trợ cấp hàng tháng thấp hơn 2.000.000 đồng/tháng thực hiện theo quy định tại Nghị định số 55/2016/NĐ-CP.

2. Xác định nguồn kinh phí thực hiện:

2.1. Đối với các đơn vị hành chính - sự nghiệp thuộc tỉnh:

a. Sử dụng nguồn tiết kiệm 10% chi thường xuyên dự toán năm 2016 tăng thêm so với dự toán năm 2015 (lần 1) và nguồn tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên (lần 2) dự toán năm 2016 (trừ các khoản tiền lương, các khoản có tính chất lương) theo qui định;

b. Sử dụng tối thiểu 40% số thu được để lại theo chế độ năm 2016 (phần còn lại sau khi đã sử dụng để thực hiện các nghị định về điều chỉnh mức lương cơ sở, phụ cấp từ năm 2015 trở về trước). Riêng ngành y tế sử dụng tối thiểu 35% số thu được để lại theo chế độ (sau khi trừ chi phí thuốc, máu, dịch truyền, hóa chất, vật tư thay thế, vật tư tiêu hao trực tiếp phục vụ cho người bệnh và tiền lương, phụ cấp đã kết cấu trong giá dịch vụ; số thu đã sử dụng để thực hiện các nghị định về tiền lương, phụ cấp từ năm 2015 trở về trước);  

c. Nguồn kinh phí thực hiện cải cách tiền lương năm 2015 chưa sử dụng hết chuyển sang (nếu có);

d. Ngân sách tỉnh cấp bù (nếu cân đối các nguồn tại điểm a,b,c nêu trên còn thiếu)

2.2. Đối với các huyện, thành phố:

a. Sử dụng nguồn tiết kiệm 10% chi thường xuyên dự toán năm 2016 tăng thêm so với dự toán năm 2015 (lần 1) và nguồn tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên (lần 2) dự toán năm 2016 (trừ các khoản tiền lương, các khoản có tính chất lương) theo qui định;

b. Sử dụng tối thiểu 40% số thu được để lại theo chế độ năm 2016 (phần còn lại sau khi đã sử dụng để thực hiện các nghị định về điều chỉnh mức lương cơ sở, phụ cấp từ năm 2015 trở về trước);  

c. Nguồn kinh phí thực hiện cải cách tiền lương năm 2015 chưa sử dụng hết chuyển sang (nếu có);

d. Nguồn còn dư (nếu có) sau khi đảm bảo nhu cầu tiền lương, các khoản phụ cấp theo lương theo các nghị định của Chính phủ về điều chỉnh tiền lương cơ sở, phụ cấp từ năm 2011 đến nay và điều chỉnh tiền lương tăng thêm đối với đối tượng có hệ số lương từ 2,34 trở xuống trong 4 tháng đầu năm 2016 theo chế độ quy định, từ các nguồn:

+ Nguồn 50% tăng thu ngân sách địa phương (không kể tăng thu tiền sử dụng đất) thực hiện năm 2015 so với dự toán năm 2015 được UBND tỉnh giao;

+ Nguồn 50% tăng thu ngân sách địa phương (không kể tăng thu tiền sử dụng đất) dự toán năm 2016 so với dự toán năm 2015 được UBND tỉnh giao;

+ Nguồn 50% tăng thu ngân sách địa phương (không kể tăng thu tiền sử dụng đất) dự toán năm 2015 so với dự toán năm 2011 được UBND tỉnh giao;

+ Nguồn tiết kiệm 10% chi thường xuyên và 40% số thu được để lại theo chế độ; Riêng ngành y tế 35% số thu để lại theo chế độ (sau khi trừ chi phí thuốc, máu, dịch truyền, hoá chất, vật tư thay thế, vật tư tiêu hao trực tiếp sử dụng cho người bệnh và tiền lương, phụ cấp đã kết cấu trong giá dịch vụ) qua các năm còn dư (nếu có).

đ. Ngân sách tỉnh cấp bù (nếu cân đối các nguồn tại điểm a,b,c,d nếu trên còn thiếu)

Lưu ý: Trường hợp tổng các nguồn nêu trên lớn hơn nhu cầu kinh phí thực hiện cải cách tiền lương năm 2016 theo quy định; phần còn lại chuyển sang năm 2017, không sử dụng phần kinh phí còn lại này cho các mục tiêu khác.

3. Số thu được để lại theo chế độ quy định tại mục 2 nêu trên không được trừ chi phí trực tiếp phục vụ cho công tác thu trong trường hợp số thu này từ các công việc, dịch vụ do Nhà nước đầu tư hoặc từ các công việc, dịch vụ thuộc đặc quyền của Nhà nước và đã được ngân sách nhà nước đảm bảo chi phí cho hoạt động thu (chỉ được trừ chi phí trực tiếp phục vụ cho công tác thu trong trường hợp các công việc, dịch vụ này chưa được ngân sách nhà nước đảm bảo chi phí hoạt động thu). Ngoài ra, chú ý một số điểm sau:

- Đối với học phí học sinh chính quy học các trường công lập: 40% số thu để thực hiện chế độ cải cách tiền lương được tính trên toàn bộ số thu học phí của học sinh (bao gồm cả kinh phí được ngân sách nhà nước cấp bù học phí theo quy định).

- Đối với học phí từ các hoạt động đào tạo tại chức, liên doanh liên kết, các hoạt động đào tạo khác của các trường công lập: 40% số thu để thực hiện cải cách tiền lương được tính trên số thu học phí từ các hoạt động trên sau khi loại trừ các chi phí liên quan.

- Đối với số thu dịch vụ, các hoạt động liên doanh liên kết và các khoản thu khác của đơn vị sự nghiệp (ngoài khoản thu theo Pháp lệnh phí và lệ phí): 40% số thu để thực hiện cải cách tiền lương được tính trên toàn bộ số thu của các hoạt động trên sau khi trừ các chi phí liên quan.

II. Xác định nhu cầu kinh phí thực hiện điều chỉnh tiền lương đến mức lương cơ sở 1.150.000 đồng/tháng và các chính sách liên quan đến tiền lương.

 Về kinh phí thực hiện điều chỉnh tiền lương đến mức lương cơ sở 1.150.000 đồng/tháng và các chính sách liên quan đến tiền lương (gồm: chính sách theo Nghị định 116, 64, 19, 57, 34,…), UBND tỉnh tạm giao dự toán năm 2016, trong năm các đơn vị, địa phương phải báo cáo nhu cầu thực tế để Sở Tài chính rà soát, tổng hợp tham mưu UBND tỉnh báo cáo Bộ Tài chính thẩm định. Công tác triển khai rà soát, tổng hợp báo thực hiện như sau:

1. Các chính sách phát sinh từ năm 2011 theo mức lương tối thiểu 830.000 đồng/tháng được qui đổi thành 12 tháng giao dự toán ổn định đến năm 2016, gồm:

- Chính sách phụ cấp, trợ cấp theo Nghị định số 116/2010/NĐ-CP ngày 24/12/2010 của Chính phủ, về chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, thực hiện rà soát, tổng hợp theo biểu số 5a, 5b, 5c, 5d

Lưu ý: Bao gồm cả chính sách phụ cấp thu hút, phụ cấp công tác lâu năm, trợ cấp lần đầu thuộc diện mở rộng theo quy định tại Quyết định số 2405/QĐ-TTg ngày 10/12/2013 phê duyệt danh sách xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu vào diện đầu tư của Chương trình 135 năm 2014 và năm 2015; Quyết định: số 447/QĐ-UBDT ngày 19/9/2013 của Ủy ban Dân tộc Công nhận thôn đặc biệt khó khăn, xã khu vực I,II,III thuộc vùng dân tộc và miền núi giai đoạn 2012-2015; Quyết định số 582/QĐ-UBDT, ngày 18/12/2013 phê duyệt danh sách thôn đặc biệt khó khăn vùng dân tộc và miền núi vào diện đầu tư của Chương trình 135.

- Chế độ phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo theo Nghị định số 54/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 của Chính phủ, thực hiện rà soát, tổng hợp theo biểu số 06 

- Chế độ phụ cấp ưu đãi ngành y tế theo Nghị định số 56/2011/NĐ-CP ngày /2011 của Chính phủ, thực hiện rà soát, tổng hợp theo biểu số 08  

- Chế độ phụ cấp công tác Đảng, đoàn thể chính trị - xã hội theo Hướng dẫn số 05-HD/BTCTW ngày 01/7/2011 của Ban Tổ chức Trung ương, thực hiện rà soát, tổng hợp theo biểu số 09

- Chế độ phụ cấp công vụ theo Nghị định số 57/2011/NĐ-CP  ngày 04/7/2011 (mức phụ cấp 15%), thực hiện rà soát, tổng hợp theo biểu số 10  

2. Các chính sách phát sinh từ năm 2012 theo mức lương tối thiểu 1.050.000 đồng/tháng được qui đổi 12 tháng giao dự toán ổn định đến năm 2016, gồm:

-Phụ cấp tăng thêm theo Nghị định 19/2013/NĐ-CP tổng hợp theo biểu số 07

- Phụ cấp công vụ theo Nghị định số 34/2012/NĐ-CP ngày 15/4/2012 (mức phụ cấp 10%) của Chính phủ, thực hiện rà soát, tổng hợp theo biểu số 10

-Kinh phí tăng thêm để thực hiện chế độ phụ cấp, trợ cấp cho lực lượng dân quân tự vệ theo Luật Dân quân tự vệ, Nghị định 58/2010/NĐ-CP ngày 01/6/2010 của Chính phủ, tổng hợp theo biểu số 11

3. Các chính sách phát sinh từ năm 2013,2014 theo mức lương tối thiểu 1.150.000 đồng/tháng được qui đổi 12 tháng giao dự toán ổn định đến năm 2016, gồm:

-Kinh phí thực hiện chế độ BH thất nghiệp ( 1%) theo biểu số 2d, 2e

-Phụ cấp tăng thêm theo Quyết định 73/2011/QĐ-TTg  theo biểu số 12a, 12b, 12c

-Phụ cấp tri thức trẻ theo QĐ 170/TTg theo biểu số 13

- Phụ cấp ưu đãi tăng thêm theo Nghị định 64/2009/NĐ-CP đối với địa bàn công nhận theo QĐ 2405/TTg theo biểu số 14

- Nhu cầu kinh phí chi thù lao đối với người nghỉ hưu, giữ chức danh lãnh đạo chuyên trách tại hội đặc thù theo Quyết định 30/2011/QĐ-TT theo biểu số 15.

- Các chính sách phát sinh mới theo qui định của Trung ương trong năm 2016 có liên quan đến tiền lương, đề nghị các đơn vị, địa phương phải có báo cáo cụ thể theo hướng dẫn của Trung ương (kèm thuyết minh).

4. Xác định nhu cầu kinh phí thực hiện điều chỉnh tiền lương đến mức lương cơ sở 1.150.000 đồng/tháng, 1% BHXH theo lương 830.000đ và 1% BHXH theo lương 1.050.000đ của năm 2016: Các huyện, thành phố lấy số liệu trên biểu 2a qui đổi, tính toán để đưa vào biểu số 4, gồm:

- Nhu cầu kinh phí thực hiện điều chỉnh tiền lương từ mức lương cơ sở 830.000đ lên  1.050.000 đồng/tháng

- Nhu cầu kinh phí thực hiện điều chỉnh tiền lương từ mức lương cơ sở 1.050.000đ lên 1.150.000 đồng/tháng.

III. Công tác tổ chức rà soát, thẩm định và thời gian gửi báo cáo:

1. Tất cả các Sở, ngành và UBND các huyện, thành phố chịu trách nhiệm tổ chức rà soát, xét duyệt, thẩm định số liệu chi tiết của các đơn vị trực thuộc và tổng hợp báo cáo nhu cầu, nguồn kinh phí thực hiện các Nghị định nêu trên trong năm 2016, gửi Sở Tài chính chậm nhất trước ngày 15/8/2016. Quá thời hạn trên, nếu các đơn vị, địa phương không có báo cáo thì coi như đã tự đảm bảo nguồn chi trả, ngân sách tỉnh không hỗ trợ. Sở Tài chính thực hiện rà soát số liệu tổng hợp báo cáo của các Sở, ngành, UBND các huyện, TP lập và thẩm định số liệu của các đơn vị dự toán thuộc tỉnh (đơn vị dự toán cấp 4).

2. Các Sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo theo qui định của Bộ Tài chính tại Văn bản số 7918/BTC-NSNN ngày 10/6/2016 và chỉ đạo của UBND tỉnh tại Văn bản số 1430/UBND-KT ngày 27/6/2016. Trong đó lưu ý xác định chính xác về biên chế, mức lương theo ngạch, bậc, chức vụ, các khoản phụ cấp, các khoản đóng góp theo lương và nguồn thực hiện cải cách tiền lương đảm bảo đúng thực tế và đúng qui định hiện hành.

3. Biểu mẫu báo cáo:

- Báo cáo kinh phí thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị định số 47/2016/NĐ-CP, Nghị định số 55/2016/NĐ-CP:  Các Sở, ngành, đơn vị dự toán thuộc tỉnh gửi báo cáo nhu cầu và nguồn theo biểu mẫu số 1, 2e, 2f, 2g và 3 đính kèm. Các huyện, thành phố gửi báo cáo nhu cầu và nguồn theo biểu mẫu số 2a, 2b, 2c, 2d, 2đ, 2h và 4 đính kèm.

- Báo cáo kinh phí thực hiện chính sách liên quan đến tiền lương: Các Sở, ngành, đơn vị dự toán thuộc tỉnh và các huyện, thành phố gửi báo cáo theo biểu mẫu số 5a, 5b, 5c, 5d, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12a, 12b, 12c, 13,14 và 15 đính kèm.

Các đơn vị gửi báo cáo bằng giấy, đồng thời gửi kèm File số liệu về Sở Tài chính qua địa chỉ Email:phongquanlyngansach@yahoo.com.vn và bảng lương tháng 5/2016 (bao gồm cả đơn vị dự toán cấp 4).

Trong khi chờ đợi kết quả tổng hợp báo cáo, thẩm định và cấp bổ sung nguồn của cấp trên; đề nghị các đơn vị sử dụng ngân sách chủ động sử dụng dự toán ngân sách năm 2016 đã được giao và nguồn thu được để lại theo chế độ để kịp thời chi trả tiền lương, trợ cấp tăng thêm cho các đối tượng được hưởng theo quy định. 

 

Tải về biểu tổng hợp tại đây

Số lượt xem:3289

0 người đã bình chọn. Trung bình 0
line_weight BÀI VIẾT LIÊN QUAN:
 
TRANG THÔNG TIN SỞ TÀI CHÍNH TỈNH KON TUM
Quản lý và nhập tin: Sở Tài Chính tỉnh Kon Tum, số 200 - Phan Chu Trinh - P. Thắng Lợi - TP Kon Tum
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Văn Điệu - Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Kon Tum
Điện thoại: 0260.3862344 ; Fax: 0260.3862344; Email: stc@kontum.gov.vn






1908169 Tổng số người truy cập: 4605 Số người online:
TNC Phát triển: