banner
Thứ 3, ngày 14 tháng 1 năm 2025
Hướng dẫn xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2016
13-7-2015

 I. ĐÁNH GIÁ THỰC HIỆN NHIỆM VỤ NSNN NĂM 2015:
1. Đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ thu NSNN năm 2015:
- Trên cơ sở dự toán ngân sách đã được Hội đồng nhân dân giao, văn bản quy định về điều hành nhiệm vụ ngân sách của UBND tỉnh, kết quả thực hiện thu NSNN 6 tháng đầu năm… Ngành thuế thuế phối hợp chính quyền các cấp tiến hành rà soát, đánh giá, kiến nghị giải pháp điều hành để phấn đấu hoàn thành vượt mức dự toán thu NSNN đã được HĐND thông qua, tăng cường khai thác các nguồn thu mới, nguồn thu có khả năng vượt dự toán để bù hụt thu thuế GTGT và thuế tài nguyên nước thủy điện của các nhà máy thủy điện giảm; đề xuất các kiến nghị để điều chỉnh cơ chế, chính sách (nếu có). Chủ động tính toán các tác động làm tăng, giảm thu NSNN theo từng nguyên nhân cụ thể.
- Xác định số nợ thuế đến ngày 31/12/2014, dự kiến số nợ phát sinh trong năm 2015, số nợ thuế được xóa theo qui định, số nợ thuế thu hồi được trong năm 2015 và số nợ thuế đến ngày 31/12/2015. Tổng hợp, phân loại đầy đủ, chính xác số thuế nợ đọng theo quy định (nợ đọng theo từng loại doanh nghiệp, từng sắc thuế và ở từng ngành, địa bàn).
- Đánh giá kết quả phối hợp giữa các cấp, các ngành có liên quan trong công tác quản lý thu NSNN và tổ chức thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát thu hồi nợ thuế, chống thất thu, chống buôn lậu, chống gian lận thương mại, chống chuyển giá; số thuế kiến nghị truy thu thông qua công tác thanh tra, kiểm tra của cơ quan thuế, Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra và dự kiến số nộp vào NSNN trong năm; Kiến nghị các giải pháp điều chỉnh cơ chế quản lý, giám sát, tăng cường chế tài, nâng cao hiệu quả áp dụng pháp luật về thuế...
- Đơn vị dự toán cấp I đánh giá tình hình thực hiện thu phí, lệ phí, thu hoạt động sự nghiệp, dịch vụ toàn ngành năm 2014 theo số liệu quyết toán, thực hiện trích tạo nguồn cân đối tiền lương phần chênh lệch tăng thêm so dự toán tạm giao đầu năm; đánh giá tình hình thu 6 tháng đầu năm 2015đề xuất giải pháp để tập trung thu các tháng cuối năm hoàn thành dự toán và tăng trưởng so quyết toán thu năm 2014.
2. Đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ chi ngân sách:
2.1. Đánh giá nhiệm vụ chi đầu tư xây dựng cơ bản:
-Đánh giá việc phân bổ dự toán chi ĐTPT năm 2015 cho các dự án, công trình đã hoàn thành năm 2014 trở về trước chưa bố trí đủ vốn; bố trí vốn đối ứng các dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi; các công trình, dự án hoàn thành năm 2015, các dự án chuyển tiếp và các dự án khởi công mới; thực hiện thu hồi vốn ngân sách ứng trước và thanh toán nợ đọng XDCB .
- Tổng hợp, đánh giá tình hình nợ đọng khối lượng đầu tư XDCB nguồn NSNN theo các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ (Chỉ thị số 27/CT-TTg ngày 10 tháng 10 năm 2012 và Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 28 tháng 6 năm 2013, Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 30 tháng 4 năm 2015): Số nợ đến 31/12/2014, số xử lý trong năm 2015, dự kiến số nợ đến 31/12/2015 (chi tiết danh mục và số nợ của từng dự án). Đánh giá tình hình quyết toán dự án đầu tư hoàn thành, nêu rõ nguyên nhân và giải pháp xử lý đốivới các dự án, công trình đã hoàn thành nhưng chậm quyết toán.
-Đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ chi hỗ trợ phát triển năm 2015 như: Tình hình thực hiện tín dụng chính sách đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách xã hội; tín dụng học sinh, sinh viên, tín dụng ưu đãi đối với hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn, hộ nghèo làm nhà ở, Tình hình thực hiện Chương trình kiên cố hoá kênh mương, giao thông nông thôn, cơ sở hạ tầng nuôi trồng thuỷ sản và cơ sở hạ tầng làng nghề ở nông thôn...
2.2. Đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ chi thường xuyên:
-Đánh giá tình hình, giao dự toán cho các đơn vị trực thuộc. Đánh giá kết quả thực hiện cắt, giảm kinh phí đã giao trong dự toán đầu năm nhưng đến ngày 30 tháng 6 năm 2015 chưa phân bổ hoặc đã phân bổ nhưng chưa triển khai thực hiện, chưa phê duyệt dự toán, chưa tổ chức đấu thầu…
-Đánh giá tình hình thực hiện dự toán NSNN 6 tháng đầu năm và dự kiến cả năm 2015 theo từng lĩnh vực chi được giao; Trong đó đánh giá cụ thể nhiệm vụ chi đặc thù, ngoài định mức; chi thực hiện chính sách, chế độ, dự án được trung ương bổ sung mục tiêu (xác định rõ kinh phí tồn hết nhiệm vụ chi năm 2014 chuyển nguồn sang năm 2015; cân đối nguồn được giao và nhiệm vụ chi năm 2015 để đề xuất bổ sung phần kinh phí còn thiếu nếu có).
- Đánh giá công tác rà soát, sắp xếp để cắt giảm, giãn tiến độ hoặc lùi thời gian thực hiện các nhiệm vụ chi chưa thực sự cần thiết trong dự toán được giao; thực hiện tạm giữ lại 10% dự toán chi thường xuyên 8 tháng cuối năm theo hướng dẫn của Bộ Tài chính tại văn bản số 5652/BTC-NSNN ngày 27/4/2015, của Sở Tài chính tại Hướng dẫn số 850/TC-QLNS ngày 15/5/2015.
- Đánh giá kết quả thực hiện và những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong việc thực hiện các nhiệm vụ, cơ chế, chính sách và chế độ chi tiêu đồng thời kiến nghị các giải pháp khắc phục ngay trong năm 2015. Trong đó lưu ý các chính sách đảm bảo an sinh xã hội, trợ cấp trực tiếp cho các đối tượng. Quá trình triển khai, đánh giá tổng thể toàn bộ các chính sách, chế độ, xác định những nội dung chồng chéo, trùng lắp để kiến nghị lồng ghép hoặc bãi bỏ các chính sách, chế độ không phù hợp thực tế
-Đánh giá tình hình, kết quả triển khai thực hiện giao quyền tự chủ cho các đơn vị hành chính sự nghiệp theo quy định của Chính phủ, để định hướng cho thời kỳ ổn định ngân sách mới phù hợp theo hướng tăng cường nguồn thu dịch vụ, giảm dần chi từ ngân sách cho những đơn vị có điều kiện; tăng cường chi ngân sách cho đơn vị, vùng khó khăn không thực hiện được xã hội hóa; đẩy mạnh xã hội hóa theo kế hoạch triển khai số 118/QĐ-UBND ngày 19/2/2013 của UBND tỉnh và các Qui hoạch Ngành đã được cấp thẩm quyền phê duyệt (giáo dục, Y tế, Văn hóa TDTT …). Tình hình thu chi phí, lệ phí chi từ nguồn thu xử phạt vi phạm hành chính, thu hoạt động dịch vụ (các đơn vị giao tự chủ) 6 tháng đầu năm, dự kiến số thu 6 tháng cuối năm.
-Đối với các đơn vị dự toán cấp I có các đơn vị trực thuộc đánh giá tình hình quản lý tài chính, ngân sách trong đó có công tác kiểm tra, phê duyệt quyết toán; Công tác phối hợp với Sở Tài chính trong việc đối chiếu, nhập dữ liệu, điều chỉnh dữ liệu vào hệ thống TABMIS , công tác khóa sổ, tổng hợp quyết toán, phục vụ kiểm toán. Từ đó kiến nghị giải pháp để tăng cường phối hợp trong thời gian đến.
- Các cơ sở đào tạo trong tỉnh tiến hành đánh giá rà soát, xây dựng phương án hoạt động, sắp xếp lại bộ máy cho phù hợp nguồn thu đặt hàng từ ngân sách nhà nước, nguồn thu dịch vụ và nhu cầu thực tế của xã hội.
4. Đánh giá tình hình thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, các Chương trình, Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thực hiện đến năm 2015
-Đánh giá tình hình phân bổ, giao, thực hiện dự toán chi các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, đề án năm 2015; thuận lợi, khó khăn, vướng mắc (nếu có) trong triển khai.
- Đánh giá khả năng cân đối ngân sách địa phương và huy động cộng đồng để thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình, Đề án trên địa bàn. Trường hợp mức huy động thấp so với dự kiến đề xuất giải pháp thiết thực để đảm bảo nguồn thực hiện.
5. Đánh giá tình hình thực hiện các chính sách do Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành giai đoạn 2011-2015 (nguồn vốn được bố trí, kết quả thực hiện cụ thể), đến hết năm 2015 kết thúc; thuận lợi, khó khăn và đề xuất tiếp tục thực hiện chính sách (nếu có).
6. Một số điểm đặc thù trong việc đánh giá thực hiện nhiệm vụ NSNN năm 2015 của các huyện: Ngoài các yêu cầu nêu trên, UBND các huyện tập trung đánh giá thêm một số nội dung sau:
- Đánh giá khả năng cân đối ngân sách địa phương so với dự toán, các biện pháp đã và sẽ thực hiện để đảm bảo cân đối ngân sách địa phương bao gồm: phấn đấu tăng thu, tiết kiệm chi, giảm chi, sử dụng các nguồn lực tài chính còn dư của địa phương trong đó làm rõ từng nguồn, số đã sử dụng, số còn dư (nếu có). Đối với một số huyện, thành phố có khả năng hụt thu ngân sách, đánh giá việc sắp xếp lại các nhiệm vụ chi theo thứ tự ưu tiên để đưa ra phương án cắt giảm hoặc giãn thời gian thực hiện các nhiệm vụ chi chưa thực sự cần thiết; và các giải pháp thực hiện tương ứng.
- Kết quả xử lý nguồn trả nợ tạm ứng ngân sách tỉnh đã quá hạn, đến hạn theo cam kết của các huyện.
- Kết quả thực hiện các chương trình, dự án, chính sách lớn tại địa phương trong đó các chính sách đảm bảo an sinh xã hội chi trả trực tiếp cho con người cần thống kê theo từng chính sách trong đó xác định rõ nguồn kinh phí tồn 2014 chuyển sang 2015 đã hết nhiệm vụ chi, kinh phí bố trí 2015, đối tượng định mức và nhu cầu kinh phí chi trả 2015, kinh phí thừa thiếu trong năm 2015. Trong đó nêu rõ các chính sách đã kết thúc giai đoạn thực hiện.
- Đánh giá tình hình thực hiện chi từ nguồn thu tiền sử dụng đất cho đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng của địa phương, thực hiện đo đạc, lập hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Trong đó lưu ý báo cáo tiến độ giải ngân các dự án vốn trung ương bổ sung mục tiêu có yêu cầu vốn đối ứng địa phương (các huyện đã cam kết từ nguồn thu tiền sử dụng đất).
7. Báo cáo về biên chế, quỹ lương, phụ cấp, trợ cấp, nhu cầu kinh phí tăng thêm, nguồn đảm bảo mức tiền lương cơ sở 1.150.000 đồng/tháng; biên chế, đối tượng, nhu cầu kinh phí tăng thêm thực hiện Nghị định số 17/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 2 năm 2015 của Chính phủ quy định tiền lương tăng thêm đối với cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang có hệ số từ 2,34 trở xuống, Nghị định số 09/2015/NĐ-CP ngày 22 tháng 01 năm 2015 của Chính phủ điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng đối với cán bộ xã đã nghỉ việc; nguồn đảm bảo và xác định nguồn cải cách tiền lương còn dư chuyển sang năm 2016 (nếu có).
8. Để đảm bảo đánh giá tình hình thực hiện thu, chi NSNN năm 2015 theo yêu cầu Bộ Tài chính, đề nghị Cục thuế, Chi cục Hải quan và Sở Kế hoạch - Đầu tư thực hiện theo Đề cương đính kèm tại Văn bản số 1236/RC-QLNS ngày 06/7/2015 của Sở Tài chính.
II/ XÂY DỰNG DỰ TOÁN NSNN NĂM 2016:
1/ Về dự toán thu NSNN:
Dự toán thu NSNN năm 2016 phải được xây dựng trên cơ sở đánh giá sát khả năng thực hiện thu ngân sách năm 2015 tích cực theo các giải pháp điều hành thu đã được triển khai nhằm hoàn thành dự toán thu năm 2015, số kiểm tra về dự toán thu năm 2016 đã được thông báo; Trên cơ sở đó, dự toán thu nội địa (không kể thu từ tiền sử dụng đất) phấn đấu tăng bình quân tối thiểu từ 15% trở lên so với đánh giá ước thực hiện năm 2015 (loại trừ các yếu tố tăng, giảm thu do thay đổi chính sách). Dự toán thu từ hoạt động xuất nhập khẩu phấn đấu tăng bình quân tối thiểu 6-8% so với đánh giá ước thực hiện năm 2015. Mức tăng thu cụ thể tuỳ theo điều kiện, đặc điểm và phù hợp với tốc độ tăng trưởng kinh tế trên địa bàn của từng địa phương.
Dự toán thu phải bảo đảm tính đúng, tính đủ từng lĩnh vực thu, từng sắc thuế theo các quy định của pháp luật về thuế, chế độ thu, pháp luật thu từ xử phạt vi phạm hành chính, trong đó, cần chú ý những chế độ, chính sách thu mới được ban hành sửa đổi, bổ sung. Ngành thuế cần tăng cường công tác đánh giá, dự báo để đảm bảo số thu của VP Cục và các Chi Cục thuế thu trên địa bàn khả thi, sát thực tế; chú trọng thu hồi nợ đọng thuế, các khoản thu mới, khoản thu tiềm năng để bù đắp các khoản hụt thu do chế độ, chính sách.
Các khoản thu được để lại chi theo chế độ (học phí; giá, phí dịch vụ sự nghiệp công; phí, lệ phí và các khoản huy động đóng góp khác): Căn cứ số thu thực hiện năm 2014, ước thực hiện thu năm 2015, dự kiến điều chỉnh các mức thu trong năm 2016, khả năng đóng góp của người sử dụng dịch vụ và những yếu tố dự kiến tác động đến thu năm 2016 để xây dựng dự toán thu phù hợp, tích cực. Các khoản thu sự nghiệp mang tính chất giá dịch vụ kinh doanh của cơ quan, đơn vị, không thuộc nguồn thu NSNN, không đưa chung vào dự toán thu phí, lệ phí thuộc NSNN nhưng phải lập dự toán riêng để theo dõi, quản lý.
2. Xây dựng dự toán chi cân đối ngân sách nhà nước:
2.1 Xây dựng dự toán chi đầu tư phát triển: Các địa phương đơn vị thực hiện lập dự toán chi đầu tư theo hướng dẫn của Sở Kế hoạch và Đầu tư, trong đó lưu ý:
Thực hiện theo đúng quy định của Luật Đầu tư công, các văn bản hướng dẫn Luật Đầu tư công, yêu cầu tại các văn bản: Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 29 tháng 5 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 2016, Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 30 tháng 4 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các biện pháp xử lý nợ đọng XDCB nguồn vốn đầu tư công, Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 28 tháng 6 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý đầu tư và xử lý nợ đọng XDCB từ nguồn vốn NSNN và trái phiếu Chính phủ, Chỉ thị số 27/CT-TTg ngày 10 tháng 10 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về những giải pháp chủ yếu khắc phục tình trạng nợ đọng XDCB tại các địa phương.
Xây dựng dự toán chi đầu tư từ nguồn trái phiếu Chính cho các chương trình, dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt giai đoạn 2012-2015 và bổ sung vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2014-2016 trong tổng mức vốn trái phiếu còn lại, trong đó bố trí đủ nguồn để thu hồi các khoản vốn trái phiếu Chính phủ ứng trước.
3.2. Xây dựng dự toán chi thường xuyên:
Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 29/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư 102 Bộ Tài chính đã nêu rõ: đối với chi thường xuyên cân đối ngân sách địa phương năm 2016 tiếp tục tính theo định mức phân bổ năm 2011 theo Quyết định số 59/2010/QĐ-TTg ngày 30/9/2010; UBND các cấp chủ động xây dựng dự toán chi trên cơ sở khả năng nguồn thu và nhiệm vụ chi đã được phân cấp ổn định; Sau khi cân đối chi đầu tư phát triển theo Luật đầu tư công và tiêu chí, định mức phân bổ giai đoạn 2016-2020, trường hợp dự toán chi thường xuyên năm 2016 thấp hơn dự toán năm 2015, ngân sách Trung ương hỗ trợ để địa phương có nguồn thực hiện các nhiệm vụ phát triển KT XH, bảo đảm an ninh, quốc phòng theo khả năng cân đối ngân sách Trung ương. Bên cạnh đó địa phương còn phải tập trung nguồn lực xử lý cho huyện mới IaHdrai… Từ thực tế trên, dự báo tình hình chi ngân sách nói chung và chi thường xuyên năm 2016 còn khó khăn. Quá trình lập dự toán lưu ý các điểm sau:
-Trên cơ sở số kiểm tra thu, chi ngân sách năm 2016, khả năng ngân sách, nhiệm vụ được giao; các địa phương, đơn vị xây dựng dự toán chi phải chặt chẽ và chi tiết đối với từng nhiệm vụ, từng đơn vị sử dụng ngân sách trực thuộc trên cơ sở định mức, chính sách, chế độ cụ thể đã được cấp có thẩm quyền ban hành, triệt để tiết kiệm, chủ động sắp xếp để cân đối cho nhiệm vụ mới phát sinh.
-Dự toán chi bám sát số kiểm tra được thông báo để xây dựng đến từng đơn vị trực thuộc cho phù hợp (có phương án thuyết minh cơ sở xây dựng, phân bổ) để đảm bảo sau khi có phương án trình HĐND có thể rà soát, hoàn thành ngay phương án phân bổ ngân sách cho đơn vị trực thuộc trình cấp có thẩm quyền thẩm định để thông báo, giao dự toán trước 31/12/2015 theo yêu cầu Luật ngân sách.
- Đối với chi bộ máy hành chính khối tỉnh cần tổng hợp đầy đủ tình hình biên chế, quỹ tiền lương, nguồn thu được để lại qua các năm đã tạo nguồn cân đối tiền lương… Về tổng hợp biên chế, quỹ tiền lương, phụ cấp, các khoản đóng góp được tính theo mức lương cơ sở 1.150.000 đồng/tháng đến thời điểm ngày 1/7/2015; Trong đó đối với số biên chế được duyệt nhưng chưa tuyển, được dự kiến trên cơ sở hệ số lương cơ bản 2,34/biên chế, các khoản đóng góp theo chế độ (bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế, kinh phí công đoàn) làm cơ sở cấp bù cơ cấu quỹ lương trong trường hợp tỷ lệ chi khác ngòai lương theo mức lương tối thiểu 730.000đ không đảm bảo. Đối với các khoản chi đặc thù ngoài định mức cần thuyết minh cụ thể (cơ sở pháp lý, nội dung chi, mức chi, …)
-Rà soát các chương trình, đề án để lồng ghép, giảm bớt sự trùng lắp, chồng chéo, lãng phí. Sắp xếp, cơ cấu lại nhiệm vụ chi phù hợp với khả năng cân đối của NSNN, phân loại các đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện theo các mức giá, phí để xác định mức hỗ trợ từ ngân sách cho phù hợp.
-Trong điều kiện cân đối NSNN còn khó khăn, yêu cầu các các cơ quan, đơn vị sử dụng NSNN lập dự toán chi thường xuyên đúng tính chất nguồn kinh phí, triệt để tiết kiệm, cắt giảm các khoản chi mua sắm phương tiện, trang thiết bị; hạn chế tối đa về số lượng và quy mô tổ chức lễ hội, hội nghị, hội thảo, tổng kết, lễ ký kết, khởi công, phong tặng danh hiệu, tiếp khách, đi công tác trong và ngoài nước và các nhiệm vụ không cần thiết, cấp bách khác; dự toán chi cho các nhiệm vụ này không tăng so với số thực hiện năm 2015.
-Xây dựng dự toán chi sự nghiệp kinh tế tập trung bố trí chi cho những nhiệm vụ quan trọng: duy tu bảo dưỡng hệ thống hạ tầng kinh tế trọng yếu (giao thông, thuỷ lợi,...); kinh phí qui hoạch; thực hiện nhiệm vụ khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, khuyến công; nhiệm vụ đo đạc bản đồ, lập hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, phân giới cắm mốc.
-Xây dựng dự toán cần thuyết minh rõ cơ sở xây dựng dự toán chi thực hiện các chính sách, các khoản chi đặc thù liên quan giáo dục, y tế ….
-Xây dựng và tổng hợp dự toán chi đảm bảo hoạt động của các lực lượng chức năng thực hiện nhiệm vụ xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật trong dự toán chi thường xuyên lĩnh vực tương ứng của các ngành và các địa phương.
- Kinh phí thực hiện các nhiệm vụ không thường xuyên phục vụ hoạt động sự nghiệp theo các chương trình, dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt, kinh phí thực hiện các nhiệm vụ đột xuất được cấp có thẩm quyền giao: Ưu tiên xây dựng và bố trí dự toán cho các chương trình, dự án đang thực hiện dở dang theo tiến độ phải hoàn thành trong năm 2016; các chương trình, dự án đã được cơ quan có thẩm quyền thẩm định về nguồn vốn và khả năng cân đối vốn. Không xây dựng dự toán và phê duyệt chủ trương đối các chương trình, dự án chưa được thẩm định về nguồn vốn và khả năng cân đối vốn.
- Năm 2016 sẽ triển khai thực hiện giao quyền tự chủ tài chính theo Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 2 năm 2015 của Chính phủ, trong đó sẽ xác định làm rõ lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công và khả năng thực hiện năm 2016 (tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp theo quy định tại Điểm a, Khoản 1, Điều 10, Nghị định số 16/2015/NĐ-CP của Chính phủ). Trên cơ sở đó, các đơn vị phân loại đơn vị sự nghiệp công thực hiện theo mức giá phù hợp để chuyển đổi phương thức đầu tư, hỗ trợ từ NSNN đối với các đơn vị.
3. Cơ chế tạo nguồn cải cách tiền lương:
Các địa phương, đơn vị tiếp tục chủ động thực hiện cơ chế tạo nguồn cải cách tiền lương theo quy định từ: nguồn tiết kiệm 10% chi thường xuyên không kể tiền lương và các khoản có tính chất lương; một phần số thu được để lại theo chế độ của các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp; 50% tăng thu ngân sách địa phương (không kể tăng thu tiền sử dụng đất); các nguồn thực hiện cải cách tiền lương năm trước chưa sử dụng hết chuyển sang.
4. Xây dựng dự toán các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, đề án do các Bộ, cơ quan trung ương và các địa phương cùng thực hiện:
Căn cứ hướng dẫn của các Bộ ngành trung ương để lập dự toán chi chương trình mục tiêu quốc gia trong đó dự kiến đơn vị thực hiện. Tăng cường phân cấp, nâng cao trách nhiệm của địa phương trong việc lồng ghép, phân bổ, sử dụng nguồn vốn được giao để thực hiện được các mục tiêu chung của các chương trình, đảm bảo sử dụng vốn tiết kiệm và hiệu quả.
5. Căn cứ số kiểm tra thu, chi ngân sách năm 2016, các đơn vi, địa phương xây dựng dự toán chi phải chặt chẽ và chi tiết đối với từng nhiệm vụ, từng đơn vị sử dụng ngân sách trực thuộc; tập trung chỉ đạo rà soát lại tất cả các khâu trong công tác phân bổ, quản lý, sử dụng NSNN, nhằm đảm bảo việc phân bổ ngân sách đúng mục tiêu, đúng chế độ, đúng đối tượng; việc quản lý, sử dụng ngân sách phải chặt chẽ, hiệu quả.
6. Về biểu mẫu báo cáo:
6.1. Các Sở, ngành chủ quản và đơn vị dự toán thuộc tỉnh lập dự toán thu, chi NSNN năm 2015 đầy đủ theo các biểu:
-Đơn vị sử dụng ngân sách: Lập dự toán chi ngân sách cấp tỉnh theo mẫu số 01 (đơn vị đào tạo lập theo biểu số 5); dự toán thu chi từ nguồn thu phí lệ phí và hoạt động dịch vụ theo mẫu số 06, tổng hợp tiền lương chi trả hoạt động bộ máy hành chính, sự nghiệp khối tỉnh theo mẫu số 04 (các đơn vị giáo dục theo mẫu 4a ).
-Đơn vị dự toán cấp 1 tổng hợp dự toán đơn vị mình và đơn vị trực thuộc: Dự toán chi bộ máy hành chính sự nghiệp khối tỉnh, biểu số 02: Cơ sở xây dựng dự toán chi sự nghiệp, biểu 03: Tổng hợp biên chế, quỹ lương, Biểu 04 (riêng Sở GD ĐT lập biểu số 4a): Dự toán thu chi từ nguồn thu phí lệ phí và hoạt động dịch vụ, Biểu 06: Dự toán chi thực hiện các chính sách đề án theo Nghị quyết HĐND tỉnh, biểu số 07.
Riêng các Sở Kế hoạch và Đầu tư, Cục Thống kê, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế, Sở Văn hóa Thể thao và DL, Sở Lao động Thương binh XH, Sở Nông nghiệp và PTNT và Sở Công thương lập bổ sung thêm biểu số 08 (chỉ tiêu KTXH).
Bên cạnh các biểu mẫu được lập theo qui định trên; các Sở, ngành chủ quản và đơn vị dự toán tuyến tỉnh phải có báo cáo thuyết minh (bằng văn bản) về đánh giá tổng quan tình hình thực hiện nhiệm vụ, dự toán năm 2015 và xây dựng dự toán ngân sách 2016 của toàn ngành theo yêu cầu của Bộ Tài chính tại Thông tư số 102/2015/TT-BTC ngày 30/6/2015.
6.2. Các huyện, thành phố lập dự toán thu, chi NSNN năm 2016 đầy đủ theo quy định tại Thông tư số 59/2003/TT-BTC ngày 23-6-2003 của Bộ Tài chính (gồm các biểu số: 02,06,07,10,12,17,18,19,20,21,22- Phụ lục số 6) và các mẫu biểu (Biểu số 1.07, 1.08, 1.13 – Phụ lục I; Biểu số 2.01, 2.02 – Phụ lục II) quy định tại Thông tư số 53/2011/TT-BTC ngày 27 tháng 4 năm 2011 của Bộ Tài chính. Ngoài ra các huyện, thành phố lập bổ sung thêm các biểu số (Biểu số 01, 03, 04, 05, 06, 07, 08, 09, 10, 11, 12 và 13) Thông tư số 102/2015/TT-BTC ngày 30-6-2015 của Bộ Tài chính và tổng hợp quỹ tiền lương đơn vị hành chính và sự nghiệp giáo dục theo biểu số 4b qui định tại Hướng dẫn này.
Về số kiểm tra dự toán NSNN năm 2016 Sở Tài chính sẽ thông báo cho các đơn vị, địa phương ngay sau khi có Thông báo của Bộ Tài chính.
Các Sở, ngành, đơn vị dự toán và UBND các huyện, thành phố: Tổ chức triển khai đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ ngân sách năm 2015, xây dựng dự toán ngân sách năm 2016 theo đúng quy định của Luật NSNN, các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật , Thông tư số của Bộ Tài chính về và những nội dung hướng dẫn thêm tại Văn bản này; báo cáo đầy đủ nội dung, biểu mẫu gửi Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 25/7/2015 để tổng hợp.

Chi tiết tại đây

Số lượt xem:4063

0 người đã bình chọn. Trung bình 0
line_weight BÀI VIẾT LIÊN QUAN:
 
TRANG THÔNG TIN SỞ TÀI CHÍNH TỈNH KON TUM
Quản lý và nhập tin: Sở Tài Chính tỉnh Kon Tum, số 200 - Phan Chu Trinh - P. Thắng Lợi - TP Kon Tum
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Văn Điệu - Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Kon Tum
Điện thoại: 0260.3862344 ; Fax: 0260.3862344; Email: stc@kontum.gov.vn






2010679 Tổng số người truy cập: 2313 Số người online:
TNC Phát triển: