Căn cứ Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13 tháng 4 năm 2015 Về quản lý, sử dụng đất trồng lúa và Nghị định số 62/2019/NĐ-CP ngày 11 tháng 7 năm 2019 Sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13 tháng 4 năm 2015 của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa;
Căn cứ Thông tư số 18/2016/TT-BTC ngày 21 tháng 01 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13 tháng 4 năm 2015 của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa;
Căn cứ Quyết định số 42/2016/QĐ-UBND ngày 06 tháng 10 năm 2016 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Kon Tum, về việc quy định thu tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa trên địa bàn tỉnh Kon Tum; Quyết định số 23/2020/QĐ-UBND ngày 25 tháng 8 năm 2020 của Uỷ ban nhân dân tỉnh về việc sửa đổi, bổ sung Điều 1 Quyết định số 42/2016/QĐ-UBND ngày 06 tháng 10 năm 2016 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Kon Tum về việc quy định thu tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa trên địa bàn tỉnh Kon Tum;
Sở Tài chính lưu ý các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân về trình tự, thủ tục và hồ sơ cần phải nộp để xác định tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa như sau:
1. Trình tự thực hiện và các hồ sơ nộp để xác định tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa:
Tại khoản 2 Điều 5a Nghị định 62/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định: Sau khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp nhận việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa theo quy định, các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng sử dụng đất lập hồ sơ kê khai diện tích đất trồng lúa theo quy định (theo mẫu tại phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định số 62/2019/NĐ-CP ngày 11 tháng 7 năm 2019 của Chính phủ), gửi về Cơ quan Tài nguyên và môi trường để được xác nhận diện tích đất chuyên trồng lúa nước phải nộp tiền bảo vệ phát triển đất trồng lúa.
Tại khoản 3 Điều 5a Nghị định 62/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định: Sau khi đã có Văn bản xác nhận diện tích đất chuyên trồng lúa nước phải nộp tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa của cơ quan Tài nguyên và môi trường, các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân lập 01 bộ hồ sơ để đề nghị xác định số tiền nộp bảo vệ, phát triển đất trồng lúa gửi về Cơ quan tài chính, hồ sơ bao gồm:
- Công văn đề nghị xác định tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa (theo mẫu quy định tại Phụ lục IV (đối với cơ quan, tổ chức) hoặc Phụ lục V (đối với hộ gia đình, cá nhân) ban hành kèm theo Nghị định số 62/2019/NĐ-CP kèm theo công văn này).
- Văn bản xác nhận diện tích đất chuyên trồng lúa nước phải nộp tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa của cơ quan Tài nguyên và môi trường.
2. Nơi nhận hồ sơ xác định tiền bảo vệ phát triển đất trồng lúa:
a. Đối với trường hợp cơ quan, tổ chức được Ủy ban nhân dân tỉnh cho phép chuyển đổi từ đất chuyên trồng lúa nước sang mục đích phi nông nghiệp, hồ sơ xác định tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa nộp về Sở Tài chính (theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 1 Quyết định số 23/2020/QĐ-UBND ngày 25/8/2020 của UBND tỉnh).
b. Đối với trường hợp Hộ gia đình, cá nhân được Ủy ban nhân dân huyện, thành phố cho phép chuyển đổi từ đất chuyên trồng lúa nước sang mục đích phi nông nghiệp, hồ sơ xác định tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa nộp về Phòng Tài chính - Kế hoạch các huyện, thành phố nơi có đất (theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 1 Quyết định số 23/2020/QĐ-UBND ngày 25/8/2020 của UBND tỉnh).
3. Tổ chức thực hiện:
a. Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, không hợp lệ, trong thời gian 03 ngày làm việc, cơ quan tài chính nhận hồ sơ sẽ có văn bản hướng dẫn để người được nhà nước giao đất, cho thuê đất bổ sung, hoàn thiện và nộp lại hồ sơ (theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 5a Nghị định 62/2019/NĐ-CP của Chính phủ).
b. Trường hợp hồ sơ đã đầy đủ, hợp lệ, trong thời gian 05 ngày làm việc, cơ quan tài chính nhận hồ sơ sẽ có văn bản thông báo số tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa phải nộp theo quy định (theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 5a Nghị định 62/2019/NĐ-CP của Chính phủ).
c. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày Cơ quan tài chính có Văn bản thông báo số tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa, các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có trách nhiệm nộp tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa theo quy định vào ngân sách cấp tỉnh tại Kho bạc Nhà nước tỉnh (đối với cơ quan, tổ chức), tại Kho bạc Nhà nước huyện (đối với hộ gia đình, cá nhân) theo Tài khoản: 7111; Chương: là chương của đơn vị nộp tiền nếu có; tiểu mục: 4914. Sau thời hạn trên, các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sẽ phải nộp thêm tiền chậm nộp đối với số tiền chưa nộp theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.
d. Cơ quan Kho bạc Nhà nước tỉnh, huyện: Căn cứ thông báo nộp tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa của Sở Tài chính, phòng Tài chính - Kế hoạch huyện, thành phố và bản kê khai nộp tiền của các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất; thực hiện điều tiết 100% số thu về ngân sách cấp tỉnh theo quy định.
Đây là công việc có liên quan đến giải quyết thủ tục hành chính, đề nghị UBND các huyện, thành phố triển khai hướng dẫn đến các cơ quan, tổ chức, cá nhân được nhà nước giao đất, cho thuê đất thuộc địa bàn quản lý để thực hiện việc nộp tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa theo đúng quy định.
Xem chi tiết VB 3610/STC-QLNS