banner
Thứ 7, ngày 11 tháng 1 năm 2025
Bộ Tài chính công bố kết quả kiểm tra giá cước vận tải ô tô tại một số địa phương
28-11-2014

 Bộ Tài chính cũng nêu rõ một số quy định về quản lý nhà nước về giá cước vận tải ô tô. Cụ thể:

Theo quy định tại Luật Giá, các Luật chuyên ngành và văn bản pháp luật hướng dẫn có liên quan thì Nhà nước thực hiện quản lý giá cước vận tải theo cơ chế thị trường; tôn trọng quyền tự định giá, cạnh tranh về giá của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật; đồng thời Nhà nước thực hiện điều tiết giá để bình ổn giá; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng và lợi ích của Nhà nước.

Trong lĩnh vực vận tải bằng xe ô tô, theo Thông tư liên tịch số 129/2010/TTLT-BTC-BGTVT ngày 27/8/2010 của liên Bộ Tài chính – Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn thực hiện giá cước vận tải đường bộ và giá dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ thì các doanh nghiệp tự quy định giá cước vận tải, thực hiện niêm yết giá và kê khai giá với cơ quan có thẩm quyền (Sở GTVT và/hoặc Sở Tài chính). (Thông tư liên tịch số 129/2010/TTLT-BTC-BGTVT được thay thế bằng TTLT số 152/2014/TTLT-BTC-BGTVT có hiệu lực từ ngày 01/12/2014).

Về trách nhiệm quản lý nhà nước trong lĩnh vực giá, Bộ Tài chính chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước chung trong lĩnh vực giá, Bộ GTVT, UBND tỉnh chịu trách nhiệm quản lý các doanh nghiệp vận tải và giá cước vận tải trên địa bàn.

Về công tác chỉ đạo điều hành thời gian qua, Bộ Tài chính cho biết, trong những tháng đầu năm 2014, trong bối cảnh giá xăng dầu diễn biến phức tạp theo xu hướng tăng cao, bên cạnh đó việc siết chặt kiểm soát tải trọng xe lưu thông đường bộ đã tác động đến giá một số hàng hóa. Nhằm mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô theo mục tiêu đã đề ra, Chính phủ ban hành các văn bản chỉ đạo các Bộ ngành, các địa phương triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt và có hiệu quả các giải pháp để bình ổn thị trường vận tải và giá cước vận tải (Công điện số 482/CĐ-TTg ngày 17/4/2014; Nghị quyết số 23/NQ-CP ngày 04/4/2014, Nghị quyết số 29/NQ-CP ngày 02/5/2014 của Chính phủ).

Bộ Tài chính đã có công văn số 6063/BTC-QLG ngày 09/5/2014 chỉ đạo Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường công tác quản lý, bình ổn giá trên địa bàn trong đó có giá cước vận tải...; Kiên quyết dừng các trường hợp kê khai tăng giá không phù hợp với tác động của yếu tố đầu vào và mặt bằng giá cả thị trường.

Từ tháng 7/2014, giá xăng dầu biến động theo xu hướng giảm và tiếp tục giảm sâu; Thực hiện Công điện số 2118/CĐ-TTg ngày 28/10/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, Nghị quyết số 79/NQ-CP ngày 03/11/2014 của Chính phủ, để góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô theo mục tiêu đã đề ra; Bộ Tài chính tiếp tục có công văn số 16176/BTC-QLG ngày 06/11/2014 gửi Bộ Giao thông vận tải và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo tiếp tục tăng cường công tác quản lý giá trên địa bàn. Trong đó, đề nghị Bộ Giao thông vận tải và các địa phương tăng cường công tác kiểm tra các doanh nghiệp vận tải, rà soát giá cước vận tải đã kê khai, kê khai lại giá cước phù hợp với biến động của chi phí nhiên liệu và giá các yếu tố đầu vào; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật và công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Bộ Giao thông vận tải cũng đã có công văn số 14172/BGTVT-VT ngày 07/11/2014 chỉ đạo Tổng cục Đường bộ, Sở Giao thông vận tải thực hiện tốt công tác quản lý giá cước vận tải bằng xe ô tô, bảo đảm giá cước điều chỉnh phù hợp với mức giảm giá nhiên liệu đầu vào, từ đó góp phần giảm giá thành các hàng hóa khác.

Bên cạnh việc chỉ đạo, điều hành trên, Bộ Tài chính cũng đã cử cán bộ nắm tình hình giá cước vận tải, đôn đốc các địa phương yêu cầu các doanh nghiệp vận tải tính toán giảm giá cước vận tải phù hợp với xu hướng giảm giá xăng dầu. Tuy nhiên, do tình hình chuyển biến chậm, để quyết liệt hơn trong việc kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định về quản lý giá cước vận tải, trong tháng 11/2014, Bộ Tài chính đã thành lập 3 đoàn công tác liên ngành Tài chính – Giao thông vận tải kiểm tra, nắm tình hình thực hiện quản lý giá cước vận tải tại một số địa phương.

Về kết quả kiểm tra, nắm tình hình tại một số địa phương, Bộ Tài chính cho biết cụ thể như sau:

Tại Hà Nội: Ngày 14/11/2014, Đoàn công tác gồm đại diện Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), Vụ Vận tải (Bộ GTVT), Sở Tài chính, Sở Giao Thông vận tải Tp Hà Nội đã kiểm tra tình hình thực hiện kê khai giá cước vận tải bằng ôtô trên địa bàn. Tại buổi làm việc, Lãnh đạo Cục Quản lý giá và Vụ Vận tải yêu cầu các doanh nghiệp vận tải tính toán, kê khai lại giá cước cho phù hợp với diễn biễn của giá nhiên liệu.

Kết quả: Các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ taxi đã kê khai giảm giá cước với tỷ lệ giảm giá trung bình từ 2-10%;  kinh doanh vận tải hành khách tuyến cố định đã kê khai giảm giá cước với tỷ lệ giảm giá trung bình từ 5,8-10% và vận tải hàng hóa kê khai giảm giá 3,4-3,9% .

Tại TP Hồ Chí Minh: Ngày 17/11/2014, Đoàn công tác làm việc với Sở Tài chính TP Hồ Chí Minh, Sở Giao Thông Vận tải TP HCM, Cục Thuế. Theo báo cáo của Sở Tài chính TP HCM, trước tình hình giá xăng dầu trong nước liên tục giảm Sở Tài chính đã có 2 công văn số 7825/STC-BVG-2 ngày 28/8/2014 và công văn số 9717/STC-BVG-2 ngày 27/10/2014 gửi Hiệp hội Taxi Thành phố, các bến xe và các doanh nghiệp vận tải hành khách và hàng hoá trên địa bàn Thành phố đề nghị các đơn vị giảm giá cước vận tải và thực hiện kê khai giá cước, niêm yết giá cước vận tải hành khách, hàng hoá bằng xe ô tô nhằm thực hiện bình ổn giá, kiểm soát lạm phát.

Kết quả: Tại thời điểm kiểm tra, nhiều doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ taxi đã kê khai giảm giá cước từ 2,7-9% (tuỳ cự ly vận chuyển), vận tải hành khách tuyến cố định đã kê khai giảm giá cước với tỷ lệ giảm giá 2-11,33%.

Tại Đà Nẵng: Ngày 19/11/2014, Đoàn công tác làm việc với Sở Tài chính Đà Nẵng, Sở GTVT Đà Nẵng, Sở Công thương Đà Nẵng, Chi cục quản lý thị trường, Cục thuế. Theo báo cáo của Sở Tài chính Đà Nẵng, trước tình hình giá xăng dầu trong nước liên tục giảm, thực hiện công văn số 16176/BTC-QLG ngày 06/11/2014 của Bộ Tài chính về tiếp tục tăng cường công tác quản lý giá trên địa bàn, ngày 18/11/2014, Sở GTVT thành phố Đà Nẵng cũng đã có công văn số 4349/SGTVT-TCKT đề nghị các đơn vị kinh doanh vận tải trên địa bàn thành phố Đà Nẵng báo cáo tình hình kê khai giá cước vận tải và giá dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ. Theo đó, đề nghị các doanh nghiệp khẩn trương, nhanh chóng tính toán giảm giá cước vận tải phù hợp với giá nhiên liệu đã giảm trong thời gian qua. Các hiệp hội vận tải ô tô (Taxi, hàng hóa, hành khách) trên địa bàn cũng đã khuyến cáo các hội viên tính toán giảm giá cước.

Kết quả: Các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ taxi kê khai giảm giá từ 3-32%, các tuyến vận tải cố định Đà Nẵng tới các tỉnh cũng sẽ tính toán kê khai giảm (giá cước xe tuyến Đà Nẵng – Huế chắc chắn sẽ giảm khoảng 8,3%), các doanh nghiệp vận tải hàng hóa đã kê khai giảm từ 3,2-6,7% so với giá liền kề.

Hiện tại, các địa phương vẫn đang tiếp tục triển khai kiểm tra, rà soát yêu cầu doanh nghiệp vận tải tiếp tục kê khai giảm giá cước phù hợp với diễn biến giảm của giá xăng dầu, tình hình thị trường và điều kiện kinh doanh của doanh nghiệp theo chỉ đạo của Bộ GTVT tại công văn số 14172/BGTVT-VT ngày 07/11/2014 và của Bộ Tài chính tại công văn số 16176/BTC-QLG ngày 06/11/2014; Liên ngành GTVT – Tài chính (Bộ GTVT chủ trì) cũng đang tiếp tục phối hợp triển khai làm việc với một số địa phương về nội dung trên.

Nguồn: http://www.mof.gov.vn/

Số lượt xem:527

0 người đã bình chọn. Trung bình 0
line_weight BÀI VIẾT LIÊN QUAN:
 
TRANG THÔNG TIN SỞ TÀI CHÍNH TỈNH KON TUM
Quản lý và nhập tin: Sở Tài Chính tỉnh Kon Tum, số 200 - Phan Chu Trinh - P. Thắng Lợi - TP Kon Tum
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Văn Điệu - Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Kon Tum
Điện thoại: 0260.3862344 ; Fax: 0260.3862344; Email: stc@kontum.gov.vn






2007812 Tổng số người truy cập: 2629 Số người online:
TNC Phát triển: