banner
Thứ 4, ngày 22 tháng 1 năm 2025
Bộ Tài chính hướng dẫn xây dựng dự toán năm 2021, kế hoạch tài chính – NSNN năm 2021-2023
18-8-2020

 Thông tư gồm 04 Chương và 21 điều, trong đó tập trung vào một số nội dung chính như sau:

Thứ nhất, về đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ NSNN năm 2020 và giai đoạn 2016-2020.

Bước vào năm 2020, do ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh, hoạt động sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn , Chính phủ đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp về tài chính ngân sách để phòng chống dịch bệnh, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội.

Vì vậy, Thông tư đã hướng dẫn cụ thể việc đánh giá tác động khách quan từ nền kinh tế và tác động của các điều chỉnh chính sách, chế độ về thu, chi ngân sách tới việc thực hiện nhiệm vụ thu, chi, bội chi NSNN năm 2020; trong đó: (i) đối với thu NSNN: đánh giá sát thực tế, cụ thể các tác động của việc gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất; giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác; giảm mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước; giảm một số khoản thu phí, lệ phí…; (ii) đối với chi ngân sách, đánh giá các nhiệm vụ chi hỗ trợ kinh phí phòng, chống dịch bệnh (đại dịch Covid -19, dịch tả lợn châu Phi), chi khắc phục hậu quả thiên tai (mưa đá, hạn hán, xâm nhập mặn), việc thực hiện cắt giảm tối thiểu 70% dự toán kinh phí hội nghị, đi công tác trong, ngoài nước và 10% dự toán chi thường xuyên còn lại theo Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29 tháng 5 năm 2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19…

Năm 2020 cũng là năm cuối của nhiệm kỳ 2016-2020, nên Thông tư cũng hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương đánh giá việc thực hiện các CTMTQG, CTMT, chương trình, đề án, nhiệm vụ mục tiêu, nhiệm vụ tài chính – ngân sách của bộ, ngành, địa phương trong cả giai đoạn 2016-2020; xác định các khó khăn, vướng mắc, đề xuất, kiến nghị cho giai đoạn tới.

Riêng đối với các Quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, thực hiện Nghị quyết số 792/NQ-UBTVQH14 ngày 22 tháng 10 năm 2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thông tư đã hướng dẫn các bộ, cơ quan trung ương và các cơ quan, đơn vị ở địa phương được giao quản lý các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách thực hiện rà soát, đánh giá hiệu quả; xây dựng lộ trình cơ cấu lại, sáp nhập, dừng hoạt động hoặc giải thể các quỹ hoạt động không hiệu quả, không đúng mục tiêu, không phù hợp với tình hình kinh tế-xã hội, trùng lặp về mục tiêu, nhiệm vụ, đối tượng hoặc không có khả năng độc lập về tài chính, trùng lặp nguồn thu, nhiệm vụ chi với NSNN để báo cáo cấp có thẩm quyền. Kiến nghị việc xử lý số dư Quỹ dự kiến còn lại đến 31/12/2020 (nếu có).

Thứ hai, về xây dựng dự toán năm 2021

Năm 2021 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm đầu triển khai Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030. Nội dung xây dựng dự toán NSNN năm 2021 được xây dựng trên cơ sở kéo dài thời kỳ ổn định NSNN giai đoạn 2017-2020 và lùi thời gian ban hành nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên NSNN cho thời kỳ ổn định ngân sách mới sang năm 2021 theo Nghị quyết số 122/2020/QH14 của Quốc hội; phù hợp với các mục tiêu cơ cấu lại ngân sách theo Nghị quyết số 07-NQ/TW, các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển một số địa phương theo quy định; đẩy mạnh thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ tại Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII)...

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid 19 trên thế giới và trong nước diễn biến phức tạp, tác động sâu rộng tới đời sống kinh tế - xã hội, để đảm bảo tính khách quan, khả thi trong xây dựng dự toán NSNN năm 2021, Thông tư đã hướng dẫn: (i) xây dựng dự toán thu NSNN năm 2021 phải bám sát dự báo khả năng phục hồi kinh tế và đón các dòng đầu tư mới (trong và ngoài nước); tính toán kỹ các yếu tố tăng, giảm và dịch chuyển nguồn thu do thay đổi cơ chế, chính sách và thay đổi bất thường do tác động của đại dịch Covid-19; thực hiện lộ trình cắt giảm thuế để thực hiện các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế, các biện pháp cải cách hành chính, hiện đại hoá công tác quản lý thu; tăng cường công tác quản lý, chống thất thu, chống chuyển giá, gian lận thương mại, trốn thuế, quản lý chặt chẽ giá tính thuế; đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra thuế; quyết liệt xử lý nợ đọng thuế và kiểm soát chặt chẽ hoàn thuế. Đồng thời, theo quy định, Thông tư hướng dẫn việc xây dựng dự toán nguồn thu viện trợ không hoàn lại trên cơ sở các hiệp định thỏa thuận viện trợ ODA và viện trợ phi chính phủ nước ngoài đã và đang thực hiện, đã và sẽ được ký kết, triển khai từ năm 202 để có cơ sở pháp lý thực hiện; (ii) xây dựng dự toán chi NSNN năm 2021 yêu cầu triệt để tiết kiệm, đúng tính chất nguồn kinh phí, thực hiện đầy đủ các chính sách, chế độ nhà nước đã ban hành, nhất là các chính sách chi cho con người, chi an sinh xã hội, đảm bảo các nhiệm vụ chính trị quan trọng...; hạn chế mua sắm xe ô tô công và trang thiết bị đắt tiền, tiếp tục thực hiện khoán kinh phí sử dụng xe ô tô công theo quy định; hạn chế tối đa tổ chức hội nghị, lễ hội, hội thảo, khánh tiết, công tác nước ngoài; chỉ đề xuất ban hành chính sách làm tăng chi ngân sách khi thật sự cần thiết và có nguồn đảm bảo...

Để bảo đảm việc thực hiện các mục tiêu Nghị quyết số 18, số 19, Thông tư cũng đã hướng dẫn các bộ ngành xác định tỷ lệ tinh giản biên chế hành chính, biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách là phần còn lại để đảm bảo thực hiện các mục tiêu tại Nghị quyết hoặc theo mức tối thiểu quy định tại Kết luận số 17-KL/TW ngày 11 tháng 9 năm 2017 của Bộ Chính trị (trừ trường hợp có quyết định giao biên chế hoặc Đề án tinh giản biên chế được cấp thẩm quyền phê duyệt); trên cơ sở đó tính giảm chi bộ máy, chi hoạt động; đối với các đơn vị sự nghiệp công lập có nguồn thu tăng theo lộ trình tính giá, phí dịch vụ sự nghiệp công (tính đủ tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý và khấu hao tài sản), tăng giá học phí theo quy định của pháp luật, tính giảm thêm tối thiểu 5% - 10% so với dự toán năm 2020 chi hỗ trợ từ NSNN để dành nguồn chi cho khu vực, địa phương khó khăn, vùng kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn.

Đối với các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình đầu tư công đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, các bộ chủ chương trình chủ trì, phối hợp với các chủ dự án thành phần lập dự toán chi năm 2021 chi tiết theo từng mục tiêu, nhiệm vụ, nguồn NSTW, NSĐP, chi ĐTPT, chi thường xuyên, cho từng bộ, cơ quan trung ương, địa phương tham gia thực hiện chương trình; kèm thuyết minh cụ thể về căn cứ pháp lý, cơ sở dự toán kinh phí.

Các cơ quan hành chính nhà nước từ năm 2020 trở về trước đang được áp dụng cơ chế tài chính đặc thù theo quyết định của cấp thẩm quyền, việc lập dự toán thu, chi năm 2021 trên cơ sở các quy định thống nhất chung đối với các cơ quan quản lý hành chính nhà nước theo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Thông báo số 3530/TB-TTKQH ngày 30 tháng 3 năm 2020 của Văn phòng Quốc hội.

Đối với các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách sau rà soát, sắp xếp còn tiếp tục hoạt động, các cơ quan quản lý quỹ lập kế hoạch thu - chi tài chính năm 2021 theo quy định của Luật NSNN và các văn bản hướng dẫn thực hiện, thuyết minh chi tiết về số dư đầu năm; số phát sinh thu từ NSNN cấp, từ huy động, tài trợ,... trong năm; số dự kiến chi cho các nhiệm vụ trong năm theo quy định.

Thứ ba, về xây dựng kế hoạch tài chính – NSNN 03 năm 2021-2023

Thực hiện quy định tại Luật NSNN, Nghị định số 45/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết lập kế hoạch tài chính 05 năm và kế hoạch tài chính - NSNN 03 năm và Thông tư số 69/2017/TT-BTC ngày 7 tháng 7 năm 2017 của Bộ Tài chính hướng dẫn lập kế hoạch tài chính 05 năm và kế hoạch tài chính - NSNN 03 năm (Thông tư số 69/2017/TT-BTC), các Luật về thuế, phí, lệ phí, Luật Đầu tư công, Luật Quản lý nợ công, Luật quản lý tài sản công, các văn bản pháp luật có liên quan; định hướng mục tiêu, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025; các Nghị quyết Trung ương Khóa XII về tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, đổi mới các đơn vị sự nghiệp công lập và các Nghị quyết về cải cách tiền lương, bảo hiểm xã hội…; Thông tư hướng dẫn các các bộ, cơ quan, đơn vị ở trung ương và đơn vị cấp tỉnh xây dựng kế hoạch tài chính - NSNN 03 năm 2021-2023 theo quy định.


Số lượt xem:3164

0 người đã bình chọn. Trung bình 0
line_weight BÀI VIẾT LIÊN QUAN:
 
TRANG THÔNG TIN SỞ TÀI CHÍNH TỈNH KON TUM
Quản lý và nhập tin: Sở Tài Chính tỉnh Kon Tum, số 200 - Phan Chu Trinh - P. Thắng Lợi - TP Kon Tum
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Văn Điệu - Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Kon Tum
Điện thoại: 0260.3862344 ; Fax: 0260.3862344; Email: stc@kontum.gov.vn






2024775 Tổng số người truy cập: 904 Số người online:
TNC Phát triển: