banner
Chủ nhật, ngày 22 tháng 12 năm 2024
Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác tài chính - ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024
28-12-2023
 


Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu tỉnh

          Tham dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh có đồng chí Nguyễn Ngọc Sâm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan của tỉnh.
          Theo báo cáo tại hội nghị, nhiệm vụ thu tài chính - NSNN năm 2023 được triển khai trong bối cảnh nền kinh tế vừa nỗ lực khắc phục những hậu quả của dịch bệnh COVID-19, vừa đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức mới phát sinh do suy thoái kinh tế. Nhưng với sự chỉ đạo sát sao, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các ngành, các cấp với quyết tâm cao ngay từ đầu năm, ngành tài chính đã hoàn thành xuất sắc, toàn diện các nhiệm vụ tài chính - NSNN.

 

           Đến ngày 25/12, thu NSNN đạt 1 triệu 693,5 ngàn tỷ đồng, bằng 104,5% so dự toán (tăng 72,7 ngàn tỷ đồng), giảm 4,2% so cùng kỳ năm 2022. Trong đó, thu nội địa đạt 105,7% dự toán, thu từ dầu thô đạt 144,6% dự toán, thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 92,1% dự toán. Tổng số chi NSNN đến ngày 31-12 ước đạt khoảng 1,73 triệu tỷ đồng, bằng 83,4% dự toán. Trong đó chi đầu tư phát triển ước đạt 79,8% dự toán Quốc hội quyết định, bằng 81,9% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, tăng 144 ngàn tỷ đồng (33%) so cùng kỳ năm 2022; chi thường xuyên ước đạt 90,3% dự toán. Cân đối ngân sách trung ương và ngân sách địa phương được đảm bảo. Ước tính năm 2023, bội chi NSNN thực hiện khoảng 4% GDP, giảm 40,3 ngàn tỷ đồng so dự toán.

 

           Tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp, nghiệp vụ cơ cấu lại nợ công phù hợp với điều kiện thị trường; thực hiện phát hành trái phiếu Chính phủ kỳ hạn dài; thanh toán, chi trả đầy đủ, đúng hạn các khoản nợ gốc, lãi đến hạn theo cam kết, qua đó góp phần củng cố xếp hạng tín nhiệm quốc gia. Dự kiến đến cuối năm 2023, dư nợ công khoảng 37% GDP, dư nợ Chính phủ khoảng 34% GDP, thấp hơn mức trần và ngưỡng cảnh báo được Quốc hội cho phép tại Nghị quyết số 23/2021/QH15 của Quốc hội.

 

          Công tác quản lý, điều hành giá năm 2023 đã bám sát theo đúng kịch bản điều hành, giá cả thị trường trong nước cơ bản ổn định, kiểm soát trong phạm vi cho phép, CPI 11 tháng tăng 3,2%, lạm phát cơ bản tăng 4,38%. Ước tính cả năm CPI tăng khoảng 3,5% (mục tiêu khoảng 4,5%).

 

       Diễn biến thị trường chứng khoán năm 2023 có biến động tăng giảm đan xem, với xu hướng phục hồi. Tính đến ngày 25/12/2023, chỉ số VN-Index đạt 1.117,66 điểm, tăng 11% so với cuối năm 2022; quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu tăng 12,1% so cuối năm 2022, tương đương 61,6% GDP năm 2022.

 

          Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận về một số nội dung: điều hành chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách vĩ mô nhằm tháo gỡ khó khăn, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; quản lý, kiểm soát chặt chẽ nợ công, điều hành giá cả thị trường phù hợp với tình hình thực tế, kiểm soát lạm phát, ổn định đời sống của người dân, đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số, công tác quản lý tài sản công, công tác thu-chi ngân sách, hội nhập quốc tế. Đồng thời các đại biểu cũng phân tích làm rõ những hạn chế, khó khăn của các đơn vị, địa phương trong công tác thu - chi ngân sách, giải ngân vốn đầu tư công và quản lý rủi ro một số lĩnh vực chứng khoán, trái phiếu, bảo hiểm...

 

          Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái biểu dương, ghi nhận, đánh giá cao sự nỗ lực cố gắng của toàn ngành tài chính trong năm 2023, góp phần quan trọng vào kết quả, thành tích chung của đất nước, kinh tế vĩ mô ổn định, bảo đảm an sinh xã hội.

 

           Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu năm 2024, ngành Tài chính tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật về thu ngân sách Nhà nước, tăng cường quản lý thu, phấn đấu hoàn thành dự toán thu được giao ở mức cao nhất, bảo đảm nguồn lực thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội; quản lý chi NSNN chặt chẽ, tăng cường tiết kiệm chi, nâng cao hiệu quả quản lý, phân bổ, sử dụng NSNN; siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính; tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại chi NSNN, gắn với các mục tiêu về tái cơ cấu nền kinh tế, phát triển bền vững. Đồng thời, bảo đảm sự vận hành ổn định, an toàn của thị trường tài chính và dịch vụ tài chính; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế; thực hiện quyết liệt, thực chất, có hiệu quả tái cơ cấu doanh nghiệp, cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước gắn với đổi mới quản trị doanh nghiệp./.

Nguồn: kontum.gov.vn

Số lượt xem:1120

0 người đã bình chọn. Trung bình 0
line_weight BÀI VIẾT LIÊN QUAN:
 
TRANG THÔNG TIN SỞ TÀI CHÍNH TỈNH KON TUM
Quản lý và nhập tin: Sở Tài Chính tỉnh Kon Tum, số 200 - Phan Chu Trinh - P. Thắng Lợi - TP Kon Tum
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Văn Điệu - Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Kon Tum
Điện thoại: 0260.3862344 ; Fax: 0260.3862344; Email: stc@kontum.gov.vn






1964733 Tổng số người truy cập: 264 Số người online:
TNC Phát triển: