banner
Thứ 6, ngày 10 tháng 1 năm 2025
GDP 2015 có thể đạt mức 6,48%
13-8-2015

 Vừa qua, Ban Phân tích dự báo (Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế xã hội quốc gia NCIF – Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, năm 2015 GDP có thể đạt mức tăng trưởng 6,48%, vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra là 6,2%. Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia (NFSC) dự báo: Tăng trưởng GDP có khả năng đạt 6,5% trong năm 2015.

GDP nhiều khả năng vượt chỉ tiêu đề ra

 

Theo dự báo của cơ quan này, cùng với sự chuyển biến tích cực của kinh tế thế giới, tình hình kinh tế trong nước có nhiều dấu hiệu phục hồi. Tăng trưởng kinh tế được dự báo sẽ tiếp tục ổn định và ở mức tốt hơn năm trước. Tăng trưởng GDP sẽ tiếp tục được cải thiện mạnh mẽ nhờ vào hàng loạt yếu tố hỗ trợ từ giá hàng hoá thấp, lực đẩy từ các doanh nghiệp FDI và nhu cầu bên ngoài.

 

Về kinh tế thế giới, gần đây World Bank dự báo kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng 2,8% trong năm nay thay vì 3% như dự báo hồi tháng 1. Eurozone sẽ tăng trưởng 1,5% trong năm 2015, tăng so với mức 1,1% của tháng 1. Đối với các nền kinh tế đang phát triển, mức dự báo tăng trưởng bị hạ từ 4,8% xuống còn 4,4%. Dự báo về tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc không đổi ở mức 7,1%. Ngoài ra, World Bank hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ năm 2015 từ mức 3,2% được đưa ra hồi tháng 1 xuống còn 2,7%. Dự báo về tăng trưởng năm 2016 cũng bị hạ từ 3% xuống 2,8%.

 

 World Bank dự báo tăng trưởng của khu vực Đông Á Thái Bình Dương sẽ ở mức 6,7% trong năm 2017 và được giữ ổn định ở mức này trong 2 năm tiếp theo. Đà giảm tốc của Trung Quốc sẽ dần được bù đắp bởi sự phục hồi của các nước còn lại trong khu vực vốn đang được hưởng lợi từ đà phục hồi của các nền kinh tế phát triển. Các nước Đông Á Thái Bình Dương sẽ được hưởng lợi nhiều nhất từ giá dầu rẻ, nhưng mức ảnh hưởng đến từng nước là khác nhau, tùy vào lượng dầu nhập khẩu, mức tiêu thụ năng lượng của hoạt động sản xuất và tỷ trọng mặt hàng dầu khí trong tiêu thụ nhiên liệu.

 

Theo World Bank, tăng trưởng GDP của Việt Nam được dự báo sẽ ở mức 6% trong năm 2015, tăng dần dần và lên mức 6,5% trong năm 2017 nhờ các khu vực sản xuất xuất khẩu và đầu tư nước ngoài có diễn biến thuận lợi.

 

Tuy nhiên, trong dự báo mới đây, NCIF cho rằng, tăng trưởng xuất khẩu năm 2015 đạt trên 165 tỷ USD, còn nhập khẩu đạt trên 174 tỷ USD. Như vậy, nhập siêu được tính toán sẽ ở mức 8,77 tỷ USD. Cùng với đó, mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2015 ở mức 13% - 15%, cao hơn so với mục tiêu năm 2014 là ở mức 12%-14%. Tuy nhiên, theo cơ quan này, hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn, điều này có thể làm tăng tỷ lệ nợ xấu trong ngân hàng và làm tỷ lệ tăng trưởng tín dụng khó đạt được kế hoạch đề ra.

 

Nhận định chung, NCIF cho rằng, nhiều khả năng những chỉ tiêu kinh tế - xã hội chính được đưa ra trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 sẽ được hoàn thành, trong đó 2 chỉ tiêu quan trọng nhất, tốc độ tăng trưởng GDP có nhiều khả năng sẽ vượt chỉ tiêu đề ra, trong khi chỉ tiêu tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân năm sẽ vẫn được duy trì.

 

Không chủ quan

 

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia kinh tế, với những diễn biến kinh tế vĩ mô trong năm 2014 và 6 tháng đầu năm 2015 cho thấy, nền kinh tế vẫn chưa có những thay đổi căn bản về nền tảng tăng trưởng, tiến trình tái cơ cấu trong ba lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước, ngân hàng thương mại chưa có tiến triển đáng kể.

 

Do vậy, kinh tế Việt Nam từ nay đến cuối năm tiếp tục khó khăn do yếu kém của bản thân nền kinh tế trong nước chưa được khắc phục, đồng thời do kinh tế toàn cầu mới phục hồi và có nhiều biến động gây tác động xấu tới thị trường trong nước như nguy cơ giá xăng dầu, giá đồng USD tăng cao, giá vàng tăng giảm bất thường,…xuất khẩu không ổn định. Do vậy, những tháng tới chỉ số giá sẽ tiếp tục tăng nhẹ, và chỉ số giá CPI cả năm 2015 nằm trong khoảng 3 đến 3,5%,  nếu không có những đột biến trong 6 tháng cuối năm, đạt được mục tiêu đề ra của Quốc hội.

 

Theo phân tích của NCIF, khu vực nông, lâm, thủy sản tăng trưởng chậm hơn so với cùng kỳ, thời gian tới còn nhiều khó khăn tồn tại đối với khu vực này. Ngoài ra, những khó khăn cộng đồng doanh nghiệp trong nước còn gặp phải, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa liên quan đến tiếp cận vốn và khâu tiêu thụ đầu ra cũng là nguyên nhân cản trở tăng trưởng kinh tế.

 

Tuy nhiên, báo cáo của NCIF cũng chỉ ra, môi trường kinh doanh hiện tại có dấu hiệu khởi sắc hơn, kinh tế vĩ mô khá ổn định, cũng như tác động tích cực từ chính sách hỗ trợ của Chính phủ sẽ là những nền tảng để kỳ vọng khu vực công nghiệp xây dựng sẽ hồi phục mạnh hơn và trở thành động lực dẫn dắt tăng trưởng trong thời gian tới.

 

Về giá cả, do giá dầu trên thế giới phục hồi trong thời gian tới, và tăng trưởng kinh tế thế giới 2015 là 3,5%, NICF dự báo CPI năm 2015 tăng trung bình khoảng 1,7%.

 

Theo nhận định của một số chuyên gia kinh tế tại hội thảo về diễn biến giá cả thị trường 6 tháng đầu năm của Viện Kinh tế Tài chính (Học viện Tài chính) tổ chức, tình hình cung, cầu trên thị trường thế giới còn nhiều biến động phức tạp gây áp lực cạnh tranh cho xuất khẩu của Việt Nam. Chỉ số giá tiêu dùng những tháng đầu năm 2015, cho thấy những tín hiệu bất thường của nền kinh tế. Do đó, để đảm bảo cho nền kinh tế khởi sắc cần tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ tháo gỡ khó khăn cho thị trường, khích thích sản xuất, tiêu dùng mới có thể kỳ vọng những tháng cuối năm nền kinh tế mới có thể hồi phục vững chắc chắn.

 

Để tiếp tục vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện tốt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2015, trong những tháng tiếp theo, có chuyên gia kinh tế "hiến kế" cho rằng, cần thiết tập trung vào một số giải pháp như: Theo dõi sát diễn biến của thị trường; kiểm soát giá cả, tỷ giá và quản lý thị trường. Thúc đẩy xuất khẩu, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp; Rà soát để bảo đảm mức chênh lệch hợp lý giữa lãi suất huy động và cho vay; ưu tiên tín dụng cho những sản phẩm có thị trường, lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Đồng thời, điều hành lãi suất cho vay ở mức hợp lý, phù hợp với những biến động của thị tường và những diễn biến phúc tạp của lạm phát. Điều hành linh hoạt giá các đầu vào thiết yếu của sản xuất như điện, than, phân bón và giá các dịch vụ y tế và giáo dục, tránh dồn vào cùng một thời điểm sẽ tác động đến chỉ số giá tiêu dùng của cả nước.

 

Bên cạnh đó, bảo đảm cân đối thu-chi ngân sách, nhất là đối với các cân đối lớn của Nhà nước. Không điều chỉnh tổng mức chi, bội chi ngân sách theo kế hoạch đã đề ra; tiếp tục thực hiện chính sách tiết kiệm chi; Tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, gắn với tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng. 

Nguồn: http://www.mof.gov.vn/

Số lượt xem:522

0 người đã bình chọn. Trung bình 0
line_weight BÀI VIẾT LIÊN QUAN:
 
TRANG THÔNG TIN SỞ TÀI CHÍNH TỈNH KON TUM
Quản lý và nhập tin: Sở Tài Chính tỉnh Kon Tum, số 200 - Phan Chu Trinh - P. Thắng Lợi - TP Kon Tum
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Văn Điệu - Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Kon Tum
Điện thoại: 0260.3862344 ; Fax: 0260.3862344; Email: stc@kontum.gov.vn






2007274 Tổng số người truy cập: 252 Số người online:
TNC Phát triển: