Tiến độ còn chậm
Theo công văn số 991/TTg-ĐMDN ngày 10/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ thì giai đoạn 2017 - 2020 sẽ cổ phần hóa 127 doanh nghiệp, cụ thể: Năm 2017 cổ phần hóa 44 doanh nghiệp; Năm 2018 cổ phần hóa 64 doanh nghiệp; Năm 2019 cổ phần hóa 18 doanh nghiệp; Năm 2020 cổ phần hóa 01 doanh nghiệp.
Thực tế triển khai công tác cổ phần hóa lũy kế giai đoạn 2016 - 2018, đã có 159 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa với tổng giá trị doanh nghiệp là 442.275 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 206.024 tỷ đồng.
Riêng trong năm 2018 đã cổ phần hóa 33 doanh nghiệp, trong đó có 06 doanh nghiệp thuộc danh sách cổ phần hóa theo công văn số 991/TTg-ĐMDN. Tổng giá trị của 23 doanh nghiệp được phê duyệt phương án cổ phần hóa năm 2018 là 31.706 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 16.739 tỷ đồng. Tổng vốn điều lệ theo phương án được cấp có thẩm quyền phê duyệt là 20.278 tỷ đồng, trong đó Nhà nước nắm giữ 12.118 tỷ đồng; bán cho nhà đầu tư chiến lược 2.540 tỷ đồng; đấu giá công khai 5.429 tỷ đồng, số còn lại bán cho người lao động là 179 tỷ đồng và tổ chức công đoàn 7 tỷ đồng.
Theo báo cáo của các cơ quan, đơn vị gửi về Cục Tài chính doanh nghiệp - Bộ Tài chính thì chưa có doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa trong 02 tháng đầu năm 2019. Tiến độ triển khai cổ phần hóa như vậy còn chậm, không đạt được theo kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Ảnh minh họa: Nguồn Internet
Quá trình cổ phần hóa thời gian qua đã cổ phần hóa thành công một số Tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, nhiều DNNN quy mô lớn và nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích như: Tổng công ty Máy và Thiết bị công nghiệp; Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam; Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam; Tập đoàn Cao su Việt Nam; Tổng công ty Lương thực miền Nam; Tổng công ty Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp; Tổng công ty Đầu tư và phát triển công nghiệp - Becamex; Tổng công ty Thương mại Hà Nội; Công ty Thoát nước và phát triển đô thị - Bà Rịa Vũng Tàu; Công ty TNHH MTV Cấp thoát nước - Môi trường Bình Dương...
Sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo đúng quy định
Để hoàn thành công tác cổ phần hóa theo đúng kế hoạch đề ra trong giai đoạn 2019 - 2020, ngay những ngày đầu năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 05/01/2019 về việc tăng cường công tác chỉ đạo, đẩy mạnh công tác cơ cấu lại, sắp xếp, đổi mới, cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước, trong đó đề ra 08 nhóm yêu cầu và chỉ đạo người đứng đầu các Bộ, ngành, địa phương, Tập đoàn, tổng công ty, DNNN đề cao trách nhiệm, tập trung triển khai đồng bộ 11 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới.
Bên cạnh việc triển khai đồng bộ các nhóm nhiệm vụ đã được nêu trong Chỉ thị số 01/CT-TTg, để tiến hành cổ phần hóa đúng các quy định và kế hoạch đề ra, ngoài việc rà soát báo cáo Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh lại kế hoạch cổ phần hóa đã duyệt tại công văn số 991/TTg-ĐMDN cho phù hợp với tình hình thực tế thì các đơn vị liên quan cần chỉ đạo thực hiện thống nhất, đồng bộ các giải pháp như:
Khẩn trương hoàn thành phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo đúng quy định, cụ thể: Các bộ, ngành, địa phương phải chỉ đạo các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước, DNNN và các cơ quan liên quan khẩn trương lập phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo đúng quy định tại Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ quy định về sắp xếp lại, xử lý tài sản công. Theo quy định phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất có thẩm quyền phê duyệt là Thủ tướng Chính phủ hoặc Bộ Tài chính (đối với nhà, đất của doanh nghiệp thuộc Trung ương) và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (đối với nhà, đất của doanh nghiệp thuộc địa phương) và theo quy trình cụ thể tại pháp luật về sắp xếp lại, xử lý nhà, đất.
Phương án sắp xếp nhà, đất của các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước, DNNN trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định trên bao gồm cả toàn bộ diện tích đất các doanh nghiệp có vốn chi phối của DNNN chưa được sắp xếp theo quy định của Luật đất đai, Luật quản lý, sử dụng tài sản công và văn bản hướng dẫn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Mặt khác, căn cứ phương án sắp xếp nhà, đất được cấp có thẩm quyền phê duyệt nêu trên và lộ trình, kế hoạch cổ phần hóa đã được duyệt, cơ quan đại diện chủ sở hữu ban hành quyết định thời điểm cổ phần hóa, trong đó có lựa chọn thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa cho phù hợp (khi xác định giá trị doanh nghiệp theo phương pháp tài sản, thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp là ngày khóa sổ kế toán lập báo cáo tài chính quý hoặc năm gần nhất sau thời điểm quyết định cổ phần hóa).
Trong hồ sơ chuẩn bị cho công tác cổ phần hóa báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu phải có phương án sử dụng toàn bộ diện tích đất đang quản lý, sử dụng (tập hợp các đề xuất về hình thức sắp xếp lại, xử lý nhà, đất) được cấp có thẩm quyền phê duyệt nêu trên.
Tiếp đó, sau khi lựa chọn thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa theo quy định, căn cứ phương án sắp xếp nhà, đất đã được duyệt, nhu cầu sử dụng đất để cho doanh nghiệp sử dụng sau khi cổ phần hóa và thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp, Ban Chỉ đạo cổ phần hóa tại doanh nghiệp chỉ đạo Tổ giúp việc phối hợp cùng doanh nghiệp chuẩn bị hồ sơ, tài liệu liên quan gửi đến từng Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (nơi doanh nghiệp có diện tích đất đang quản lý, sử dụng) đề nghị có ý kiến đối với toàn bộ diện tích đất doanh nghiệp sẽ tiếp tục sử dụng sau cổ phần hóa và giá đất cụ thể làm cơ sở xác định giá trị doanh nghiệp theo quy định tại Điều 30 Nghị định số 126/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 của Chính phủ.
Trong thời hạn 30 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (nơi doanh nghiệp có diện tích đất đang quản lý, sử dụng) phải có ý kiến chính thức đối với toàn bộ diện tích đất doanh nghiệp sẽ tiếp tục sử dụng sau cổ phần hóa và giá đất cụ thể theo quy định của pháp luật về đất đai để làm cơ sở cho việc xác định giá trị doanh nghiệp theo quy định tại khoản 6 Điều 30 Nghị định số 126/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 của Chính phủ.
Bên cạnh đó, các Bộ, ngành, địa phương cần chỉ đạo các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước, DNNN chủ động xử lý các tồn tại về tài chính trước thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp, trường hợp vượt thẩm quyền phải báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định; đồng thời yêu cầu doanh nghiệp đang triển khai cổ phần hóa chấp hành nghiêm quy định trong việc đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán theo quy định của pháp luật..
Mặt khác, đối với các doanh nghiệp đã cổ phần hóa, cơ quan đại diện chủ sở hữu chỉ đạo người đại diện phần vốn đôn đốc các doanh nghiệp đã cổ phần hóa thực hiện đăng ký giao dịch hoặc niêm yết (nếu đủ điều kiện) trên thị trường chứng khoán theo quy định. Ủy ban chứng khoán Nhà nước tổng hợp, rà soát, công bố công khai danh sách các doanh nghiệp có đủ điều kiện nhưng chưa thực hiện đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán và tổ chức xử phạt vi phạm hành chính theo quy định.
Các Bộ, ngành, địa phương, DNNN chỉ đạo kiểm điểm, xử lý trách nhiệm và tổ chức bãi nhiệm, miễn nhiệm, thay thế người đại diện vốn đã không thực hiện nghiêm quy định của pháp luật và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong việc thực hiện đăng ký giao dịch hoặc niêm yết (nếu đủ điều kiện) trên thị trường chứng khoán đối với các doanh nghiệp đã cổ phần hóa.
Đối với các doanh nghiệp đã cổ phần hóa và chuyển sang hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần, đề nghị thực hiện quyết toán công tác cổ phần hóa và xác định số phải nộp về Quỹ (nếu có), trường hợp không đảm bảo thời gian thì phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ giải trình rõ nguyên nhân và chịu trách nhiệm về sự chậm trễ này.
Ngoài ra, các Bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, Tổng công ty, DNNN cần tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, kiểm toán, không để xảy ra thất thoát vốn, tài sản nhà nước trong quá trình sắp xếp, cổ phần hóa và quản lý, sử dụng vốn nhà nước. Bổ sung nội dung kiểm tra, thanh tra trách nhiệm người đứng đầu đơn vị trong việc chấp hành kỷ luật hành chính khi thực hiện kế hoạch cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Bổ sung danh mục thanh tra đối với các doanh nghiệp chậm quyết toán tại thời điểm chuyển từ DNNN sang công ty cổ phần.
Đặc biệt việc các Bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, Tổng công ty, DNNN định kỳ công bố công khai thông tin về cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước cũng rất quan trọng, qua đó làm cơ sở để theo dõi, đánh giá tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Theo http://www.mof.gov.vn.