banner
Thứ 7, ngày 4 tháng 1 năm 2025
Hoàn thiện dự thảo NĐ quy định việc quản lý, sử dụng và kinh doanh tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt
9-6-2016

 Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Chí cho biết, trong những năm qua, Nhà nước đã huy động nhiều nguồn lực để xây dựng kết cấu hạ tầng với quy mô rất lớn, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế xã hội, xóa đói giảm nghèo trên các vùng, miền của đất nước. Tuy nhiên, hệ thống cơ sở hạ tầng của Việt Nam trong đó có kết cấu hạ tầng giao thông vẫn còn yếu kém, lạc hậu, chưa đồng bộ, khả năng kết nối giữa các loại hình còn hạn chế. Đối với hệ thống hạ tầng đường sắt Việt Nam được xây dựng và đưa vào khai thác đến nay đã hơn 100 năm, với tổng chiều dài khoảng hơn 3.000km, 286 ga, 1818 cầu lớn nhỏ, 39 hầm, 5.735 điểm giao cắt giữa đường bộ với đường sắt và các công trình phụ trợ rất lớn; quỹ đất thuộc tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt trên 6.000 ha.

Mặc dù là phương thức vận tải có rất nhiều lợi thế (chỉ đứng sau vận tải thủy) do có giá thành thấp, vận chuyển được hàng hóa có khối lượng lớn, an toàn… tuy nhiên năng lực vận tải hiện nay đạt rất thấp (chỉ đạt khoảng 4,5% tổng lượng vận tải hành khách và khoảng 1,8% tổng lượng vận tải hàng hóa) và trong thời gian qua không được đầu tư phát triển mở rộng với các lý do như: hệ thống pháp luật hiện hành chủ yếu mang tính chất quản lý chuyên ngành; chưa phân định rõ quyền, nghĩa vụ của đại diện chủ sở hữu tài sản kết cấu hạ tầng (cơ quan quản lý nhà nước) với đối tượng được giao quản lý, sử dụng (Tổng công ty Đường sắt Việt Nam); dẫn đến cơ chế hoạt động hiện nay gần như khép kín trong nội bộ Tổng công ty, vai trò của Nhà nước trong việc quản lý, kiểm tra, giám sát việc sử dụng tài sản còn mờ nhạt; các quy định về quản lý, sử dụng và khai thác tài sản hạ tầng đường sắt còn thiếu, phân tán, chưa có quy định cụ thể về cơ chế tài chính tạo “cơ chế mở” thu hút việc đầu tư, khai thác hạ tầng đường sắt.

Trước thực trạng trên, các nghiên cứu về giải pháp phát triển hạ tầng đường sắt ở Việt Nam đã chỉ rõ cần phải thực hiện đồng thời cùng lúc 2 nhiệm vụ mang tính chiến lược, đó là: khẩn trương đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, hiện đại hóa các tuyến giao thông đường sắt; đổi mới cơ chế quản lý, sử dụng, bảo trì và khai thác hạ tầng đường sắt hiện có nhằm duy trì năng lực phục vụ hiện tại và kéo dài tuổi thọ của các công trình.

Dự thảo Nghị định quy định việc quản lý, sử dụng và kinh doanh tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt được xây dựng với mục tiêu nhằm tách bạch rõ giữa quản lý nhà nước của cơ quan nhà nước với quản lý kinh doanh của doanh nghiệp đã được quy định tại Luật Đường sắt năm 2005 (khắc phục các nhược điểm khi giao cho 1 đơn vị là Tổng công ty Đường sắt Việt Nam quản lý, sử dụng và kinh doanh khép kín nhưng không thực hiện nghĩa vụ về thuê đất với Nhà nước…) chưa phù hợp với các quy định của pháp luật về doanh nghiệp và pháp luật đất đai…Điểm mới của dự thảo là tách bạch quan hệ về tài sản giữa đại diện chủ sở hữu là nhà nước khi giao tài sản gắn liền với giao vốn cho doanh nghiệp, theo quy định của pháp luật doanh nghiệp; giao tài sản của nhà nước không gắn với giao vốn, đại diện chủ sở hữu phần vốn và tài sản của Nhà nước có quyền định đoạt, quản lý điều hành tài sản, được quyền giao cho doanh nghiệp sử dụng và kinh doanh tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt.

a Toan canh.jpg

Toàn cảnh Hội thảo

Theo ông David Bray - chuyên gia tư vấn quốc tế, hướng đi tương lai đối với Tổng công ty đường sắt Việt Nam (VNRC) đó là các công ty vận hành đoàn tàu cần đóng vai trò trung tâm trong ngành đường sắt, chứ không phải là công ty hạ tầng; công ty cổ phần vận tải đường sắt Hà Nội và Sài Gòn không nên làm công ty con của VNRC và phải sở hữu tất cả các tài sản mà họ cần để cung cấp dịch vụ tàu hỏa; cần xây dựng các công ty cạnh tranh trên toàn quốc hoặc trong khu vực để hỗ trợ cho ngành đường sắt; số lượng các công ty con cần giảm mạnh, luôn sử dụng đấu thầu cạnh tranh trừ trường hợp sửa chữa cần thiết.

Đối với việc quản lý tài sản của VNRC, cần triển khai một hệ thống quản lý tài sản chính thức để giảm thiểu chi phí duy trì các tài sản hiện tại, đáp ứng nhu cầu của khách hàng và tạo cơ sở để lập kế hoạch đầu tư trong tương lai, thực tế có thể mất 10 năm để hoàn thành nhiệm vụ này, ông David Bray nhận định.

Đánh giá về chức năng và nhiệm vụ của Bộ GTVT và VNRC, ông Phạm Đình Cường, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý công sản cho rằng, việc tách bạch giữa quản lý nhà nước và quản lý kinh doanh cần thực hiện theo lộ trình. Theo đó, Bộ GTVT là cơ quan quản lý nhà nước về đường sắt và là đại diện chủ sở hữu về tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt; với nguyên tắc này, các quyền của đại diện chủ sở hữu bao gồm cả việc giao tài sản, bán, cho thuê, thanh lý tài sản, do đại diện chủ sở hữu quyết định hoặc có thể ủy quyền cho doanh nghiệp, địa phương thực hiện một số nhiệm vụ. Ngoài ra, cần đảm bảo nguyên tắc trong việc phân định nhiệm vụ, quyền hạn giữa cơ quan quản lý nhà nước với VNRC là sự rõ ràng, minh bạch trong quản lý chi phí.

Ông Phạm Đình Cường cho rằng, để giảm chi phí cho doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt trong giai đoạn bước đầu khi chuyển hình thức sử dụng đất, Chính phủ có thể quy định việc miễn, giảm tiền thuê đất theo thẩm quyền trong một thời gian nhất định.

Hội thảo cũng đã nhận được nhiều ý kiến tham gia của các đại biểu, chuyên gia đóng góp vào nội dung dự thảo Nghị định. Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu, tiếp thu trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định hoàn thiện nội dung Nghị định.

Nguồn: http://www.mof.gov.vn/

Số lượt xem:377

0 người đã bình chọn. Trung bình 0
line_weight BÀI VIẾT LIÊN QUAN:
 
TRANG THÔNG TIN SỞ TÀI CHÍNH TỈNH KON TUM
Quản lý và nhập tin: Sở Tài Chính tỉnh Kon Tum, số 200 - Phan Chu Trinh - P. Thắng Lợi - TP Kon Tum
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Văn Điệu - Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Kon Tum
Điện thoại: 0260.3862344 ; Fax: 0260.3862344; Email: stc@kontum.gov.vn






1992957 Tổng số người truy cập: 1584 Số người online:
TNC Phát triển: