Bộ Tài chính vừa có công văn số 2133/BTC-QLCS hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương thực hiện mua sắm tài sản từ nguồn ngân sách nhà nước năm 2014.
Công văn nêu rõ, đối với xe ô tô phục vụ công tác, không thực hiện mua sắm xe ô tô phục vụ chức danh, xe ô tô phục vụ công tác chung (gồm cả xe của Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, dự án đầu tư xây dựng cơ bản, Chương trình mục tiêu, Chương trình quốc gia).
Đối với xe ô tô chuyên dùng, việc mua sắm xe ô tô phải đảm bảo nguyên tắc: Phù hợp với số lượng, chủng loại xe ô tô chuyên dùng do Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan trung ương và Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành sau khi có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Bộ Tài chính (đối với cơ quan, đơn vị thuộc trung ương quản lý) hoặc của Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh (đối với cơ quan, đơn vị thuộc địa phương quản lý) theo quy định tại khoản 1 Điều 11 Quyết định số 59/2007/QĐ-TTg ngày 7/5/2007 của Thủ tướng Chính phủ và khoản 6 Điều 1 Quyết định số 61/2010/QĐ-TTg ngày 30/9/2010 của Thủ tướng Chính phủ quy định tiêu chuẩn, định mức và chế độ quản lý, sử dụng phương tiện đi lại trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, công ty nhà nước.
Đối với xe ô tô phục vụ hoạt động của các Chương trình, Dự án sử dụng vốn nước ngoài (nguồn vốn ODA, nguồn viện trợ), thực hiện theo Hiệp định ký kết giữa Chính phủ Việt Nam với nhà tài trợ, theo nguyên tắc: Trường hợp Hiệp định ký kết giữa Chính phủ Việt Nam với nhà tài trợ quy định trang bị, mua sắm xe ô tô phục vụ hoạt động của Chương trình, Dự án được trang bị, mua sắm xe ô tô theo Hiệp định đã ký; Trường hợp Hiệp định ký kết giữa Chính phủ Việt Nam với nhà tài trợ không quy định trang bị, mua sắm xe ô tô phục vụ hoạt động của Chương trình, Dự án không được trang bị, mua sắm xe ô tô.
Ngoài ra, việc mua sắm tài sản nhà nước khác được thực hiện theo kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Công văn cũng nêu rõ các Bộ, cơ quan trung ương và các địa phương chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc thực hiện mua sắm tài sản theo đúng tiêu chuẩn, định mức và chế độ hiện hành; không bổ sung nguồn kinh phí ngoài dự toán, kể cả nguồn tăng thu ngân sách nhà nước.
Trình tự, thủ tục mua sắm tài sản phải đảm bảo thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu; đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả. Tài sản sau khi mua sắm phải hạch toán, báo cáo và quản lý, sử dụng theo đúng quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước.
Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan trung ương, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định việc mua sắm theo thẩm quyền và chịu trách nhiệm về quyết định của mình./.
Nguồn http://www.mof.gov.vn/