banner
Thứ 3, ngày 24 tháng 12 năm 2024
Kiến nghị sửa đổi Nghị định hướng dẫn Luật Đầu tư công
31-8-2018

 Cơ chế quản lý vốn ngân sách nhà nước theo Luật Đầu tư công (có hiệu lực từ ngày 1/1/2015) đã tạo bước chuyển biến căn bản trong nhận thức và thực hiện của các cấp các ngành, kỷ cương và hiệu quả trong quản lý nguồn vốn ngân sách nhà nước đã được cải thiện rõ rệt. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số nội dung cần được nghiên cứu sửa đổi. Hiện Chính phủ đã giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu sửa đổi những tồn tại bất hợp lý của Luật Đầu tư công. Đồng thời, với quá trình sửa đổi luật, một số nội dung cần được nghiên cứu bổ sung ngay vào các Nghị định hướng dẫn để tháo gỡ kịp thời vướng mắc trong triển khai kế hoạch đầu tư năm.

image

Ảnh minh họa: Nguồn Internet

Bộ Tài chính với chức năng và trách nhiệm đã tham gia tích cực vào quá trình nghiên cứu sửa đổi cơ chế quản lý đầu tư trên. Liên quan trực tiếp đến tháo gỡ vướng mắc tại các Nghị định hướng dẫn, Bộ Tài chính đã góp ý cụ thể việc sửa đổi Nghị định 77/2015/NĐ-CP của Chính phủ về kế hoạch đầu tư công trung hạn, trong đó có 2 vấn đề lớn:

Cho phép kéo dài thời gian giải ngân vốn ODA

Về quy định kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân nguồn vốn ODA hàng năm, hiện Luật Đầu tư công (Điều 76) quy định thời gian giải ngân kế hoạch đầu tư công hàng năm theo điều ước quốc tế về ODA và vốn vay ưu đãi ký kết với nhà tài trợ nước ngoài; phần vốn nước ngoài trong kế hoạch đầu tư công hàng năm được phép giải ngân theo tiến độ thực hiện và tiến độ cấp vốn của nhà tài trợ nước ngoài. Theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước thì nguồn vốn ODA đều là nguồn vốn ngân sách nhà nước và tại Điều 46 Nghị định 77/2015/NĐ-CP của Chính phủ vẫn quy định đối với vốn ngân sách nhà nước được kéo dài đến 31/12 năm sau năm kế hoạch, vốn ODA thực hiện theo Điều 76 Luật Đầu tư công.

Tuy nhiên, trên thực tế giải ngân từ nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài có những đặc thù riêng. Ví dụ như dự án Đường Thạch Kim – Hiền Hòa vay vốn Quỹ Ả rập Xê út, ngày đơn rút vốn là 6/10/2016, ngày Nhà tài trợ thanh toán là ngày 13/1/2017, ngày gửi thông báo rút vốn cho Bộ Tài chính là ngày 20/4/2017. Hay như Dự án Thoát nước Buôn Ma Thuột, vốn vay Đan Mạch, đơn rút vốn gửi ngày 12/1/2017 (theo kế hoạch vốn năm 2017). Tuy nhiên, ngày 16/2/2017, Nhà tài trợ mới thông báo giải ngân (quá thời hạn ghi thu ghi chi của KBNN 31/1/2017), trong khi không được ghi sang kế hoạch vốn năm 2018. Hiện khoản rút vốn đang tạm treo chưa ghi thu ghi chi.

Vì vậy, Bộ Tài chính cho rằng, đối với vốn ODA và vốn vay ưu đãi đã được bố trí kế hoạch đầu tư công hàng năm và đã được Chính phủ Việt Nam nhận nợ nhưng chưa giải ngân thì được kéo dài thời gian thực hiện và thanh toán đến hết 31/12 năm sau năm kế hoạch (thống nhất như đối với nguồn trong nước).

Đối với vốn ODA và vốn vay ưu đãi đã được bố trí kế hoạch đầu tư công hàng năm, Chính phủ chưa nhận nợ và chưa giải ngân thì hủy bỏ dự toán. Trường hợp tiếp tục nhận nợ và giải ngân vốn trong năm sau, thì trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho bổ sung dự toán đầu tư năm sau, theo nguyên tắc đảm bảo nằm trong tổng kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn vốn ngoài nước của giai đoạn đã được Quốc hội quyết định. Giải pháp này có thể dẫn tới số bội chi của năm hiện hành sẽ thấp hơn so với số Quốc hội quyết định và số bội chi của năm sau có thể cao hơn số Quốc hội quyết định. Tuy nhiên, sẽ giải quyết được trường hợp dự án nhiều năm không giải ngân được nhưng vẫn phải chuyển nguồn hàng năm; đồng thời, vẫn đảm bảo bội chi của cả thời kỳ trong phạm vi Quốc hội cho phép.

Nguyên tắc ưu tiên sử dụng nguồn dự phòng phải có tiêu chí cụ thể

Về thẩm quyền quyết định sử dụng dự phòng 10% kế hoạch đầu tư công trung hạn tại các bộ, ngành, địa phương, tại khoản 6 Điều 54 Luật Đầu tư công quy định: Chính phủ quy định mức vốn dự phòng trong kế hoạch đầu tư công trung hạn để xử lý những vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn. Tại Nghị quyết số 26/2016/QH14 ngày 10/11/2016 của Quốc hội về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 quy định mức dự phòng chung là 10% theo từng nguồn vốn; các bộ, ngành trung ương và địa phương dành 10% dự phòng trên tổng mức được phân bổ theo kế hoạch trung hạn theo từng nguồn vốn (điểm a, b, khoản 2 điều 2). Khoản vốn dự phòng chung phải báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định trước khi thực hiện (khoản 3 điều 6). Theo khoản 2 điều 7 Nghị quyết 26/2016/QH14 thì trước khi giao chi tiết kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 Chính phủ phải báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội danh mục dự án, mức vốn bố trí cụ thể cho từng dự án.

Như vậy, Luật Đầu tư công chỉ giao Chính phủ quy định mức dự phòng, đồng thời Luật Đầu tư công và Nghịquyết 26 Quốc hội không quy định rõ việc giao Chính phủ hướng dẫn quy định thẩm quyền quyết định, thời điểm, nguyên tắc tiêu chí sử dụng vốn dự phòng của các bộ, ngành, địa phương.

Thực tế, hiện nay kế hoạch trung hạn đã giao (90% kế hoạch đầu tư công trung hạn của từng bộ, ngành và địa phương) đã được Chính phủ báo cáo Quốc hội bao gồm danh mục dự án và mức vốn cụ thể. Trên thực tế trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 mới bố trí được một phần thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản (XDCB). Hiện còn nhiều dự án chưa được thống kê báo cáo nợ đọng để bố trí (như: Dự án nâng cấp cơ sở hạ tầng vùng phân lũ, chậm lũ tỉnh Ninh Bình là 300 tỷ đồng; Dự án xây cải tại Quốc lộ 15 (đoạn nối TP Hà Tĩnh - đường Hồ Chí Minh Phúc Đồng) là 124,5 tỷ đồng; Dự án đầu tư xây dựng công trình Đường 12B đoạn Km18-Km47+300, tỉnh Hòa Bình; Dự án nâng cấp khẩn cấp đê, kè Cồn Xanh thuộc tuyến đê biển huyện Nghĩa Hưng...) và thu hồi vốn ứng trước (tổng số vốn ứng trước của các bộ, ngành, địa phương là 85.667 tỷ nhưng mới thu hồi 53.873 tỷ, còn lại 31.794 tỷ chưa thu hồi).

Do đó, Bộ Tài chính kiến nghị dự thảo Nghị định trên cần quy định rõ về thẩm quyền, thời điểm, nguyên tắc tiêu chí ưu tiên sử dụng nguồn dự phòng và Chính phủ sẽ xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi ban hành Nghị định.

Theo http://www.mof.gov.vn.

Số lượt xem:717

0 người đã bình chọn. Trung bình 0
line_weight BÀI VIẾT LIÊN QUAN:
 
TRANG THÔNG TIN SỞ TÀI CHÍNH TỈNH KON TUM
Quản lý và nhập tin: Sở Tài Chính tỉnh Kon Tum, số 200 - Phan Chu Trinh - P. Thắng Lợi - TP Kon Tum
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Văn Điệu - Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Kon Tum
Điện thoại: 0260.3862344 ; Fax: 0260.3862344; Email: stc@kontum.gov.vn






1979714 Tổng số người truy cập: 3859 Số người online:
TNC Phát triển: